Xét tuyển đại học năm 2023: Dành thuận lợi cho thí sinh, dành phần khó cho bộ ngành, địa phương

6:09 | 06/08/2023

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm 2023, có 4 điểm mới trong xét tuyển đại học, không có khó khăn bởi đã dành thuận lợi cho thí sinh, dành phần khó khăn cho bộ ngành, địa phương đặc biệt là chuyển vào phần mềm trên hệ thống chuyển đổi số thực hiện thay cho thí sinh.


Chiều 5/8, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ để thông tin tới các cơ quan báo chí về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023 cùng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Tại họp báo, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã gửi đến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) câu hỏi: Hiện nay, công việc xét tuyển đại học đang diễn ra, đại diện Bộ GD&ĐT có chia sẻ gì về những điểm mới, khó khăn, thuận lợi của đợt xét tuyển vào đại học năm 2023.

Theo kết luận của Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh Nghị định 81 về học phí theo hướng không tăng học phí năm 2023 – 2024. Nhiều trường đại học, đặc biệt là các đại học thực hiện tự chủ đang than khó. Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào trước vấn đề này?

Bốn điểm mới trong xét tuyển đại học năm 2023
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay việc tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học có một số điểm mới được tổng kết trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm từ năm 2022.

Theo ông Sơn, năm 2022 Bộ đã thực hiện đổi mới một số quy chế trong đó có việc tập trung các phương thức xét tuyển trên cùng hệ thống và cho thí sinh thực hiện tất cả các quy trình trong tuyển sinh từ việc đăng ký nguyện vọng, trả lệ phí, xác nhận nhập học đều thực hiện trực tuyến. Mặc dù có một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng cơ bản thuận lợi là đã đạt thành công, được thí sinh, trường đại học, cả xã hội đánh giá cao.

Trên cơ sở thuận lợi, thành công năm 2022, ông Hoàng Minh Sơn cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT không điều chỉnh cơ chế tuyển sinh mà chỉ sửa đổi một số phần kĩ thuật để thuận lợi hơn cho thí sinh. Một số điểm mới quan trọng là: Thứ nhất là thực hiện chủ trương về chuyển đổi số. Theo ông Sơn, năm 2023 là tạo lập và khai thác dữ liệu, Bộ đã tích hợp vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh thêm dữ liệu phục vụ xét tuyển, từ kết quả thi THPT cho đến kết quả học tập THPT, học bạ, dữ liệu thi, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường đại học hay đại học quốc gia (Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm và trường năng khiếu); kết quả xét tuyển sớm của các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh vào các trường đại học.

Thứ hai là xác nhận cũng như là đưa vào điều kiện ưu tiên, đối tượng khu vực ưu tiên năm nay dựa trên dữ liệu kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của Bộ Công an. Ông Sơn cho biết, năm nay thí sinh không phải đi xin xác nhận ở các nơi mà có thể xem trực tiếp, các nơi sẽ duyệt trực tiếp khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên trên đó.

Thứ ba, năm nay thí sinh không phải lựa chọn phương thức xét tuyển. Ông Sơn cho biết, điểm này năm ngoái có một số khó khăn các thí sinh nhầm lẫn, khi chọn một ngành tại một trường đưa ra nhiều mức xét tuyển khác nhau hay nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ để các thí sinh chọn ngành, chọn trường, còn việc xét theo nguyện vọng nào, phương thức nào thì phần mềm tự làm để tối ưu hoá, tìm ra tổ hợp nào tối ưu nhất cho thí sinh thì chọn.

Thứ tư là năm nay Bộ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng, kênh thanh toán để rà soát kênh thanh toán trực tuyến. Vì vậy kênh thanh toán hoàn toàn thông suốt, không có vấn đề gì xảy ra, từ thủ tục đăng ký, trả lệ phí. Đến 5h chiều ngày hôm nay 91% hoàn thành lệ phí.

“Đây là những điểm mới cơ bản, còn khó khăn thì không có, chúng ta dành thuận lợi cho thí sinh, dành phần khó khăn cho bộ ngành, địa phương đặc biệt là chuyển vào phần mềm trên hệ thống chuyển đổi số thực hiện thay cho thí sinh việc này. Chúng ta sẽ mất công nhiều công sức nâng cấp, chỉnh sửa phầm mềm. Tuy nhiên, vẫn có một số các thí sinh sai sót không hoàn thiện được quá trình đăng ký, việc này rất quan trọng, phải làm rất cẩn thận. Có một số đơn thư đề nghị trợ giúp Bộ cũng đang làm, sai sót về kĩ thuật sẽ chỉnh sửa. Sau ít ngày nữa Bộ sẽ tập hợp dữ liệu để Bộ, các trường tổ chức xét tuyển và công bố kết quả, chậm nhất là 22/8”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.

Sẽ có chính sách hỗ trợ các trường đại học đảm bảo chi thường xuyên khi chưa tăng học phí
Liên quan đến học phí, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời điểm hiện nay, việc không tăng học phí giúp người dân giảm được gánh nặng trong việc trả học phí cho con em mình. Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện lại dự thảo Nghị định 81, phối hợp xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. “Tuy nhiên cũng phải nói đây là thách thức lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nhìn tổng thể thì tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng thì chính sách học phí không phải là chính sách duy nhất, nhưng với giáo dục đại học thì học phí chiếm lớn từ 80 đến 90%. Nhìn xa hơn nữa thì vấn đề học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh thì chắc chắn là Bộ GD&ĐT cũng như toàn xã hội mong muốn nguồn lực cho giáo dục không tăng thì cũng phải giữ ổn định, ở đây vai trò của Nhà nước rất quan trọng.

Ông Sơn cũng cho biết, giáo dục đại học là dịch vụ đặc biệt, có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế lâu dài của đất nước. Giáo dục đại học cũng là đối tượng chịu tác động rất lớn trong 3 năm qua từ tác động của đại dịch, của biến động trên thế giới, trong nước.

Giáo dục đại học canh tranh toàn cầu chứ không phải như giáo dục phổ thông. Trong cơ chế tài chính cho giáo dục đại học thì về cơ bản có 3 chân kiềng: Cơ chế tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng phân tích thêm, Nghị định 60 liên quan đến cơ chế về tài chính cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và Nghị định 81 về học phí như 2 bánh xe cho các trường đại học chạy. Nghị định 60 quy định lộ trình tính giá dịch vụ trong đó có học phí và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước, việc này đã được thực hiện từ năm 2021. Nghị định 81 ban hành năm 2021 nhưng đến nay chưa thực hiện được theo lộ trình. Như vậy, nguồn lực của các cơ sở đại học cũng do dịch bệnh, đời sống nhân dân đã không tăng trong 3 năm nay trong khi mọi thứ giá cả đều tăng. Đây là thành tích rất lớn để chúng ta duy trì đảm bảo chất lượng đấy là giữ đội ngũ giảng viên, chi cho cơ sở vật chất phục vụ thực hành, thí nghiệm, chi cho công tác phục vụ nâng cao chất lượng.

“Trong việc này Bộ GD&ĐT sẽ nỗ lực, đề nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp với bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ và giảm chi ngân sách nhà nước theo Nghị định 60. Cùng với đó, với các trường không tăng học phí thì làm sao có chính sách để hỗ trợ các trường nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Tương tự việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Quốc Trần

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/xet-tuyen-dai-hoc-nam-2023-danh-thuan-loi-cho-thi-sinh-danh-phan-kho-cho-bo-nganh-dia-phuong-post259197.html

Cùng chuyên mục

Đắk Mil: 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Đắk Mil: 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Cuộc thi sáng tác và triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng 2024”

Cuộc thi sáng tác và triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng 2024”

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ