Tối 19/5, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn 12 tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trường Sơn – Chân trần chí thép” kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).
Tham dự chương trình có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có các lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; Bộ Tư lệnh BĐBP; Binh đoàn 12; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, cựu chiến binh, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự giành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Trước khi diễn ra chương nghệ thuật, các đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Thông qua các tiết mục văn nghệ kết hợp với lời bình, phóng sự, giao lưu trực tiếp, chương trình Trường Sơn – Chân trần chí thép đã tái hiện những mốc son chói lọi của lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ; tinh thần kiên cường, bất khuất, kiên trung của quân và dân ta trong suốt 16 năm liền đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với bao hy sinh, mất mát của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn.
Chương trình nghệ thuật có 3 chương gồm: Nơi huyền thoại bắt đầu, Kỳ tích giữa rừng sâu và viết tiếp bản hùng ca. 3 chương thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.
Đại tướng Phan Văn Giang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng đánh chuông tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Chương 1, “Nơi huyền thoại bắt đầu” là câu chuyện về thời kì đầu, những bước chân đầu tiên không ngại khó khăn gian khổ vượt rừng núi Trường Sơn với phương thức vận chuyển giai đoạn này lấy gùi thồ bằng người là chính, phải giữ bí mật tuyệt đối theo yêu cầu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Chương 2 là “Kì tích giữa rừng sâu” từ chuyến gùi hàng đầu tiên ngày 20-8-1959; cùng với yêu cầu cấp bách từ chiến trường miền Nam ta đã mở ra nhiều tuyến đường từ Đông sang Tây; trên đất bạn Lào, Campuchia. Từ đó viết nên những huyền thoại, những kì tích về đường ống xăng dầu, những đường kín, cầu di động.. mà như sau này chính người Mỹ thừa nhận: “không thể chặt đứt con đường này, cứ chặt đường nào, lại mọc ra đường khác”.
Còn chương 3 “Viết tiếp bản hùng ca” vượt lên trên mọi ý nghĩa thông thường, đường Hồ Chí Minh hoàn thành ý nghĩa lịch sử, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm tháng trôi qua, nhưng quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Tiết mục nghệ thuật trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật
Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình đặc biệt nhân kỷ niệm 65 năm đường Hồ Chí Minh là 9 phóng sự ngắn được thực hiện kì công với những nhân chứng lịch sử quan trọng, trong đó có 2 phóng sự đã lấy đi nhiều nước mắt và cảm xúc của người xem qua lời kể của những nhân chứng sống, những người đã trực tiếp tham gia mở, gắn bó cùng con đường Trường Sơn huyền thoại lịch sử.
Phóng sự “Huyền thoại trong huyền thoại” tái hiện lại câu chuyện về đường ống xăng dầu: 1.400 km đường ống xăng dầu từ Quảng Bình xuyên Trường Sơn vào tới tỉnh Bình Phước. Trong đó kể lại chuyện thời kì đầu gùi xăng và rất nhiều hi sinh, đường ống xăng thiết kế bằng lồ ô. Nhiều mốc lịch sử và nhân vật quan trọng để tạo nên đường ống xăng dầu. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã từng nhận xét: “Nếu đường Hồ Chí Minh là một huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại”.
Tiếp đó, phóng sự “Người đi bộ một vòng trái đất” là câu chuyện kể về AHLLVTND Đại tá Nguyễn Viết Sinh – Nguyên Chiến sĩ Vận tải Đoàn 559. Với 1089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng, đi qua quãng đường 41025km, tương đương với một vòng trái đất. Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh nói chính ông cũng “không hiểu” và “không ngờ” về thành tích ấy. Trong phóng sự, ông nhớ lại từ năm 1961 đến năm 1965 ông đã gùi hàng không nghỉ một ngày nào với tinh thần “1 viên đạn là 1 quân thù, 1 cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu”. Đây cũng chính là khẩu hiệu được ghi trên mũ.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Âm nhạc là một trong những chất xúc tác để nối mạch cảm xúc của chương trình “Trường Sơn – Chân trần chí thép” tạo nên khúc tráng ca trọn vẹn về Trường Sơn. Nhiều ca khúc hào hùng về Trường Sơn được vang lên như Bài ca Trường Sơn; Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Tôi người lái xe – Chào em cô gái Lam Hồng – Đường Trường Sơn xe anh qua, Liên khúc: Cô gái mở đường – Lá đỏ, Mầu hoa đỏ, Bài ca thống nhất, Đường bốn mùa xuân – Nối vòng tay lớn sẽ được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo, ca sĩ Tùng Dương, Hòa Minzy, Dương Trần Nghĩa…
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trường Sơn – Chân trần chí thép” đã tái hiện lại những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc 65 năm trước, qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân… Với sự dàn dựng công phu đã khiến đông đảo người xem xúc động, lấy đi nước mắt của hàng trăm người tham dự.
Minh Tâm (PV Văn hiến Việt Nam tại Miên Trung – Tây Nguyên)