Hà Tĩnh: Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu

14:53 | 01/11/2023

Sáng ngày 31/10, UBND huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu văn hóa về Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu, xã Kim Song Trường.

 

Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu văn hóa về Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu. 

Tham dự hội thảo có Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, nguyên lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND huyện Can Lộc; các nhà nghiên cứu văn hóa; đại diện con cháu dòng họ Nguyễn Huy; đại diện các phòng chuyên môn cấp huyện, xã.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe Viện Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng Nghệ An (đơn vị lập quy hoạch) khái quát các nội dung chính của Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu, tỷ lệ 1/ 2.000. Đồ án được xây dựng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản, di tích gắn với du lịch. Đây là hướng phát triển du lịch có trọng tâm của Hà Tĩnh nói chung và huyện Can Lộc nói riêng.

Đề án đã đánh giá tình hình, thực trạng công tác bảo tồn các di sản văn hóa làng Trường Lưu thời gian qua; tập trung phân tích những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên và hiện trạng các di tích văn hóa, đồng thời nêu ra thách thức của địa phương trong việc khôi phục cảnh quan của làng Trường Lưu.

GS, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ thứ 16 của dòng họ Nguyễn Duy, làng Trường Lưu phát biểu góp ý tại hội thảo

Theo đại diện Viện Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng Nghệ An, làng Trường Lưu hiện có 8 cảnh đẹp (bát cảnh) gồm: chợ Quan, rú Phượng, Hân Thiên Tự, ao Nghĩa Thương, Miếu cổ, ao Sen, giếng Thạc, vườn hoa họ Nguyễn.

Làng Trường Lưu hiện tại có 16 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 7 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đặc biệt, xã có hai di sản văn hóa giá trị là “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ” đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO. Nơi đây cũng là cái nôi của “Hát ví phường vải Trường Lưu”, một trong những cội nguồn của dân ca ví, giặm tại Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu để đồ án hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hệ thống hạ tầng giao thông của làng Trường Lưu tương đối thuận lợi, nằm trong hệ thống di tích đang được khai thác có hiệu quả như: Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích – chùa Đại Hùng (thị xã Hồng Lĩnh) – đền Củi (huyện Nghi Xuân), làng Tiên Điền (Nghi Xuân) – khu du lịch biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên).

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, dòng họ đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về các nội dung liên quan đến đồ án như: hệ thống giao thông với các tuyến đường, trục đường phù hợp với mỹ quan, công năng, thuận lợi cho kết nối tour tuyến, phát triển du lịch; chuẩn chỉnh các tư liệu lịch sử, văn hóa, khái niệm, từ ngữ liên quan về văn hóa, các di tích; quy hoạch homestay; sử dụng quỹ đất phù hợp.

Bản vẽ đề xuất quy hoạch định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan của Làng văn hóa du lịch Trường Lưu thông qua tại hội thảo

Cùng đó là việc phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan phải gắn với bảo tồn, vinh danh các giá trị cốt lõi, tinh hoa văn hóa của làng Trường Lưu; xác định, lựa chọn sản phẩm văn hóa có tiềm năng thành sản phẩm du lịch; tái tạo lễ hội, phục dựng nhà cổ, đình làng, xây dựng cổng làng phù hợp; việc quy hoạch phải có lộ trình thực hiện cũng như xác định danh mục đầu tư rõ ràng.

Một góc ao sen trong Làng văn hóa du lịch Trường Lưu

Tuy nhiên, thực tế phần lớn hiện trạng cảnh quan trong bát cảnh chỉ còn lại vết tích; các di tích và giá trị văn hóa truyền thống vẫn mang tính dòng họ gây khó khăn trong việc khai thác để tạo thành 1 tuyến du lịch ấn tượng, có hiệu quả. Việc lập dự án khôi phục hệ thống cảnh quan và các dự án tạo yếu tố mới cần huy động nguồn vốn lớn…

Để đồ án được cụ thể, thiết thực và triển khai hiệu quả, đơn vị lập quy hoạch cần căn cứ các quyết định của tỉnh để xác định rõ nhiệm vụ, nội dung quy hoạch phù hợp mục tiêu phát triển du lịch của huyện Can Lộc nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Du khách trong nước và quốc tế đến tham quan di sản văn hóa “Mộc bản Trường học Phúc Giang” và “Hoàng hoa sứ trình đồ”

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu. Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, bổ sung hoàn chỉnh Đồ án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Dũng cũng mong muốn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, các sở, ngành chuyên môn tiếp tục có những ý kiến đóng góp, thẩm định góp phần hoàn thiện Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng văn hóa du lịch Trường Lưu để trình UBND tỉnh và sớm được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Hà An

Cùng chuyên mục

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần