Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

21:35 | 08/04/2024

Đây là một ngôi làng cổ gắn liền với dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng có 4 danh nhân văn hóa Việt Nam cùng nhiều khoa bảng lừng danh khắp cả nước. Làng cổ Trường Lưu ở xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc – Hà Tĩnh) còn có 3 bảo vật quý đã được công nhận là Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Di tích cổ ở làng Trường Lưu

Theo nhiều tư liệu cổ ghi chép, làng Trường Lưu được hình thành trong thế kỷ thứ 15. Người khai thiên lập địa, cũng là thủy tổ của dòng họ Nguyễn Huy là cụ Nguyễn Uyên Hậu, từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám. Ngày đó, cụ Nguyễn Uyên Hậu nhìn thế đất cao ráo, màu mỡ, phì nhiêu, đã vận động dân chúng 3 làng (Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng) ở gần đó di chuyển về đây khai thôn lập ấp, lấy tên là Trường Lưu.

Từ đó, làng Trường Lưu phát triển mạnh, nhiều thủy tổ của các dòng họ khác cũng về làng sinh sống. Đến thế kỷ thứ 18, làng Trường Lưu đã trở thành một trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam thời bấy giờ, với nhiều di tích, danh thắng và hệ thống đền chùa miếu mạo.

Người làm rạng danh làng cổ Trường Lưu, là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 – 1789). Sau khi về hưu, ông đã dày công cùng dân làng xây dựng Trường Lưu thành một làng quê có tám cảnh đẹp (Trường Lưu bát cảnh). Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã lập nên Phúc Giang thư viện rồi mở trường dạy học, gọi là Trường học Phúc Giang thu hút hàng trăm sĩ tử trong Nam, ngoài Bắc về học hành, dùi mài kinh sử.

Từ ngôi trường này, đã đào tạo được nhiều người đỗ thi Hương, thi Hội, thi Đình với hàng trăm Sinh đồ, Hương cống và đặc biệt có trên 30 người đỗ tiến sĩ. Ông Nguyễn Huy Thiện (78 tuổi, hậu duệ đời thứ 7 Nguyễn Huy Oánh) cho biết: “Nghe các cụ kể lại, thời đó cụ Nguyễn Huy Oánh còn bỏ tiền ra tậu gần 20 mẫu ruộng loại tốt lập ra học điền đầu tiên của nước ta để khuyến khích con em trong họ ngoài làng có điều kiện học hành theo đòi khoa cử”.

Thời gian 600 năm đã bào mòn nhiều thứ, khiến nhiều miếu, đền, chùa ở làng cổ Trường Lưu thành phế tích, nhưng hệ thống di sản vật thể của làng cổ Trường Lưu đến nay còn lưu giữ lại khá nhiều, với 37 nhà thờ, trong đó có nhiều nhà thờ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, hoặc đang lập hồ sơ để xếp hạng… Đáng chú ý, có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm các đền thờ: Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841); 10 di tích cấp tỉnh là đền thờ Nguyễn Uyên Hậu, mộ Nguyễn Công Ban (1630-1711), mộ Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), mộ Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đền thờ Nguyễn Huy Vinh (1770-1819), đền thờ Nguyễn Duy (Ất Mùi – 1895)…

Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự) kể về giai thoại làng và dòng họ

Làng cổ Trường Lưu còn được xem là đất học, ví là “làng đỗ” với 30 người con của làng đỗ tiến sỹ ở thế kỷ 18, 19. Riêng Hương cống, Cử nhân thì đếm không xuể. Hiện nay, tấm bia đá ở đình làng Trường Lưu còn ghi danh 30 vị tiến sỹ năm xưa của làng – “Từ hàng chục năm nay, Trường Lưu có rất nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cấp tướng. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của các bậc tiền nhân, ngày nay cũng nhiều gia đình có 4 -5 người con đều đỗ đại học”. Giáo sư – Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự) cho biết.

Đặc biệt, di sản tư liệu làng cổ Trường Lưu để lại đã vang danh thế giới, với 3 di sản đã được ghi vào danh mục Di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, sách cổ Hoàng Hoa sứ trình đồ và Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20). Cả 3 di sản tư liệu này hiện được trưng bày ở trụ sở Ban quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (trụ sở của UBND xã Trường Lộc cũ), đang thu hút nhiều nhà nghiên cứu và khách tham quan về tìm hiểu.

Có một điều đặc biệt hơn nữa, là 2 trong 3 di sản tư liệu quý hiếm đó thuộc sở hữu của dòng họ Nguyễn Huy, đó là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ. Việc phát hiện ra 2 di sản tư liệu quý hiếm này cũng rất tình cờ, đều là nhờ công của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (Duệ tôn đời thứ 6 Nguyễn Huy Tự, thứ 7 Nguyễn Huy Oánh, thứ 8 Nguyễn Huy Tựu). Giáo sư Mỹ kể lại: “Năm 2013, khi dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh đang tiến hành lập hồ sơ để tiến tới đệ trình lên UNESCO, một số nhà nghiên cứu đã hỏi tôi về làn điệu hát Phường Vải ở làng Trường Lưu. Thông qua đây, tôi mới biết là cách thức lập hồ sơ và nhận ra rằng Mộc bản Trường học Phúc Giang của dòng họ cũng rất có giá trị, xứng đáng được ghi danh là di sản tư liệu của thế giới. Do vậy, từ năm 2013 đến năm 2015, tôi bắt đầu nghiên cứu, lập hồ sơ về di sản này. Cho đến năm 2016, hồ sơ về mộc bản của dòng họ được bảo vệ thành công và chính thức được UNESCO công nhận”.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Mộc bản Phúc Giang trước đây có hơn 2.000 bản gỗ được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời hậu Lê do 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy sáng tạo, biên soạn là Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự – “Sau khi mộc bản được ghi danh, tôi tiếp tục được tỉnh Hà Tĩnh giao cho nghiên cứu về tư liệu Hoàng Hoa sứ trình đồ do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ghi chép lại trong thời kỳ được triều đình cử đi sứ sang Trung Hoa năm 1766 – 1767 do ông làm Chánh sứ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ và nhờ các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá về giá trị của nó, tôi cùng đoàn của tỉnh Hà Tĩnh và Việt Nam thêm một lần nữa gửi lên Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương và được UNESCO công nhận là di sản của thế giới vào năm 2018” – Giáo sư Mỹ cho biết.

Một trong 3 di sản tư liệu được công nhận

Nhiều nghiên cứu đã được làm rõ, làng cổ Trường Lưu là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014), là cái nôi của Hồng Sơn văn phái mà đỉnh cao là hai tác phẩm Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự) và Mai đình mộng ký (Nguyễn Huy Hổ). Riêng Hoa Tiên là tác phẩm mở đầu cho truyện Nôm bác học ở Việt Nam, còn Mai đình mộng ký là truyện đầu tiên trong lịch sử nước ta cốt truyện do người Việt tự nghĩ ra… Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng được thừa hưởng mối quan hệ mật thiết với họ Nguyễn Huy và làng cổ Trường Lưu. Bố của ông (Nguyễn Nghiễm) là thầy dạy của Nguyễn Huy Quýnh; Nguyễn Huy Tự – Tác giả của Truyện Hoa Tiên lại là con rể của Nguyễn Khản (anh trai Nguyễn Du). Thời ở Thăng Long, tư dinh của Nguyễn Khản với Nguyễn Huy Oánh gần nhau, việc Nguyễn Du qua chơi bên nhà thông gia là chuyện thường tình. Cũng với mối quan hệ này, nên những lần về quê xứ Nghệ, Nguyễn Du đã từng đến chơi ở Trường Lưu, có lẽ, thời gian Nguyễn Du từ quê vợ Thái Bình về ở hẳn quê nhà Tiên Điền (1796 – 1802) trong tâm trạng lẩn trốn, lánh nạn, nghèo khó (bị quận công Nguyễn Thận của quân Tây Sơn bắt giam 3 tháng) là thời kỳ Nguyễn Du thực sự gắn bó với quê hương và thường xuyên vượt núi Hồng (qua Cổng Khánh) đi đò Cài sang Trường Lưu thăm gia đình thông gia. Tại đây, ông thường xuyên tham gia các sinh hoạt văn hóa ở vùng này bởi Trường Lưu vẫn đang là tâm điểm văn hóa của cả xứ Nghệ lúc đó.

Trong thời kỳ loạn lạc, làng Trường Lưu ít bị hư hại do nằm xa các trục đường chính, quan chức trong họ Nguyễn Huy cũng không dính đến các biến cố chính trị lớn… Vì vậy, cơ ngơi của dòng họ này cũng như “Trường Lưu bát cảnh” (8 tám cảnh đẹp của Trường Lưu) hầu như vẫn còn nguyên vẹn; Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu, xưởng in khắc ván vẫn hoạt động tấp nập; các sinh hoạt văn hóa, nhất là văn hóa dân gian vẫn sôi động, cuốn hút các danh sỹ từ khắp mọi vùng.

Phòng trưng bày Mộc bản trường học Phúc Giang tại làng cổ Trường Lưu.

Đến nay, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị di sản UNESCO. UBND huyện Can Lộc cũng đã ra quyết định thành lập Ban quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu, lấy trụ sở UBND xã Trường Lộc cũ làm trụ sở để phục vụ cho công tác trưng bày, bảo quản và tham quan. Tuy nhiên, làng cổ Trường Lưu vẫn chưa thực sự được nổi tiếng dẫu năm nào cũng có đoàn nghiên cứu, khách du lịch khắp cả nước về đây tìm hiểu, khám phá.

Tại xã Kim Song Trường ngoài 3 di sản của làng Trường Lưu được UNESCO công nhận thì toàn xã hiện có 23 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và một số di tích đã làm hồ sơ chờ được xếp hạng. Đây là niềm tự hào của làng Trường Lưu và người dân trên địa bàn xã. Hiện nay huyện Can Lộc cũng như tỉnh Hà Tĩnh đang định hướng phát triển làng văn hóa Trường Lưu kết hợp với du lịch. Ngoài ra, huyện cũng đang xây dựng quy hoạch làng Trường Lưu gắn với phát triển các dịch vụ trên địa bàn.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh, cũng đã có chính sách giúp bảo tồn phát huy giá trị di sản ở làng Trường Lưu và hiện nay đang giao cho UBND huyện Can Lộc quy hoạch lại làng văn hóa Trường Lưu để định hướng phát triển trong tương lai, hướng đến là một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế như nhiều nước đã làm.

TRẦN HOÀNG – PHAN THẠCH (Văn hiến MTTN tại Hà Tĩnh)

                                                                                       

Cùng chuyên mục

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ  theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt