HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

10:44 | 29/11/2024

Từ quản lý thu chi tài chính, quá trình hoạt động của Đền Truông Bát có nhiều dấu hiệu sai phạm, cho đến việc nhà Đền tự “mạo nhận” là nơi thờ Thân mẫu Quan Hoàng Mười mà Văn hiến Việt Nam đã phản ánh trong những bài viết trước. Những nguyên lão và người dân sống gần khu vực Đền cho rằng: “Đền Truông Bát hiện tại chỉ là một ngôi đền mới được xây dựng khoảng 15 năm trở lại đây, trên vùng đất rừng và đất đồi của nhà nước?”…

Biển chỉ dẫn trước cổng vào Đền Truông Bát, ngôi đền thiêng nhưng còn tồn tại nhiều bất cập chưa được làm rõ. Ngay tấm biển chỉ dẫn này cũng đã toát lên nhiều sai phạm của di tích?

“Đền Truông Bát thờ Bà chúa Lộc vốn dĩ không nằm ở chỗ  hiện nay”.

Đó là lời khẳng định của nguyên lãnh đạo xã Ngọc Sơn mà Văn hiến Việt Nam không tiện nêu tên. Vị cán bộ này cho biết, Đền được một người tên là Ngô Thanh Cẩn ở Nghệ An vào đây từ trước những năm 2010, ông Cẩn kêu gọi vận động tài trợ và xây mới các công trình gồm: “Nhà mộ Bà Chúa Lộc”, “Cung thờ Công Đồng”… trên một khu đất hoàn toàn mới. Năm 2011 Đền Truông Bát mới này được chính quyền lập hồ sơ xin xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh.

Vị lãnh đạo tiền nhiệm cho rằng, khởi tổ của Đền thờ Bà Chúa Lộc (tức bà Phạm Thị Thỏa trong tương truyền) nằm cách đây chừng vài km, có tên gọi từ trước đến nay là “Đền Miếu Đợi”. Đền Miếu Đợi thờ Bà Chúa Lộc từ rất xa xưa và gắn liền với lịch sử của vùng đất này. Kể từ khi ông Cẩn và một số người đến đây, có thể vì diện tích nhỏ hẹp nên những người đó mới kêu gọi và chuyển địa điểm lên trên khu đất mới trên rừng. Thời điểm đó là vào khoảng năm 2005 – 2006, lễ rước Bà Chúa Lộc về chỗ mới thu hút rất đông người dân và lãnh đạo địa phương chứng kiến tham gia. Nói về địa điểm mới thì bốn phương, tám hướng đều là đất đồi, đất cao su, và đồi thông đã tồn tại từ trước đó. Những người này cho máy xúc đến san ủi và xây dựng, khoanh vùng hàng chục ngàn mét vuông đất nên mới có được ngôi đền như bây giờ.

Đền Miếu Đợi, nơi được cho là khởi tổ của Đền Truông Bát

Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên Văn hiến Việt Nam tìm về Miếu Đợi, theo chỉ dẫn của người dân, Miếu Đợi nằm ngay trung tâm hành chính xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà. Tại đây, có bảng hiệu ghi rõ: “Đền Miếu Đợi thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Lộc Hoa Công Chúa (tức Bà Chúa Lộc). Đền Miếu Đợi tuy diện tích nhỏ hẹp, nếu mang ra so sánh với Đền Truông Bát rộng mênh mông thì Miếu Đợi nhỏ hơn cả trăm lần, nhưng nét uy nghi, linh thiêng, cổ kính của Miếu Đợi thì vẫn hiện hữu và trường tồn với thời gian.

Đền Miếu Đợi cổ kính, lâu năm, quy mô diện tích rất nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ cổ kính, uy linh.

Lật lại hồ sơ di tích, Lộc Hoa công chúa tên thật là Phạm Thị Thoả, quê ở huyện Đỗ Gia (nay là phần đất thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Bà sống vào thế kỉ XV, thời kì nhà Minh kéo quân xâm lược nước ta. Lúc đó ở Thanh Hoá, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, bà Phạm Thị Thoả cũng đến vùng đất này (nay là xã Ngọc Sơn) để chiêu mộ binh lính, khai khẩn đất hoang, tích luỹ lương thảo, tập kết quân lương ngay tại Miếu Đợi để chờ cung cấp cho nghĩa quân chống giặc, góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Chẳng may, một hôm trong lúc ở trong rừng thì bà bị một con hổ lớn vồ và đưa đến chỗ thờ hiện tại thì bà chết, từ đó nhân dân tiếc thương nên lập miếu thờ.

Tại Đền Miếu Đợi có tấm biển ghi rõ là nơi thờ Bà Chúa Lộc 

Tuy vậy, ở Đền Miếu Đợi cũng đang thờ Bà Chúa Lộc, tức Lộc Hoa công chúa, nếu đối chiếu hồ sơ thì có mâu thuẫn, cả hai nơi cùng một địa giới hành chính lại đều đang thờ một nhân vật lịch sử? Trong khi tại hồ sơ Di tích Đền Truông Bát, lại ghi rõ thời kỳ Bà Chúa Lộc còn sống đã “tập kết quân lương tại Miếu Đợi”. Điều này có hai khả năng xảy ra, thứ nhất là việc lập hồ sơ di tích có sai sót, thứ hai là Đền Miếu Đợi trước kia thờ “những người khác” và sau này khi Bà Chúa Lộc mất đi mới thờ bà?.

Một tấm bảng ghi bài thơ về Bà Chúa Lộc ở trong Đền Miếu Đợi.

Trong phần kê khai các hạng mục của Đền Truông Bát hiện tại, Đền gồm ba công trình lớn là “Nhà mộ Bà Chúa Lộc”, “Cung thờ Bà Chúa Lộc” và “Cung thờ Công Đồng”, cả 3 công trình này đều được xây dựng vào năm 2008. Điều này chứng minh rằng Đền Truông Bát đúng là được khởi công và xây dựng thời gian sau này – tức sau Miếu Đợi rất lâu. Đến khi hoàn thiện về quy mô tổng thể, Đền mới được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp tỉnh.

Bản vẽ của Đền Truông Bát trong hồ sơ Di tích, trong hồ sơ này, ghi rõ Đền gồm ba hạng mục là Nhà mộ Bà Chúa Lộc, Cung thờ Bà Chúa Lộc và Cung thờ Công Đồng, cả 3 công trình này đều được xây dựng mới vào năm 2008.

Cần xem xét việc xây dựng có đúng với quy hoạch?

Theo hồ sơ Di tích, Đền thờ Bà chúa Lộc có diện tích hơn 14.000 m2, phía Bắc và Nam mỗi phía dài 160m, phía Đông và Tây dài 90m, tất cả 4 phía đều giáp đất đồi. Ghi rõ quy hoạch cơ sở hạ tầng của Đền chỉ có 3 khu nhà gồm: “Nhà mộ Bà Chúa Lộc” với diện tích 196 m2, “Cung thờ Bà Chúa Lộc” và “Cung thờ Công Đồng” diện tích 2.070 m2. Còn lại là toàn bộ khuôn viên thắng cảnh khu Di tích.

Tuy vậy, vào những năm gần đây, Đền Truông Bát tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình mới, cụ thể là Đền tự ý cho máy xúc bạt núi và xây dựng “Cung cấm” từ năm 2021 đến 2023. Theo quan sát và đối chiếu, những công trình này đều nằm ở khu đất cao, dễ sạt lở, hoàn toàn không có trong quy hoạch hồ sơ cấp Di tích của Đền. Việc tự ý xây dựng như này đặt ra câu hỏi, liệu Ban quản lý khu Di tích Đền Truông Bát có thực sự làm tốt chức năng quản lý của mình hay không? Có cơi nới và lấn chiếm hay không? Điều này đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc để làm rõ.

Trong những năm gần đây, Đền tự ý cho máy xúc bạt núi và xây dựng thêm “Cung cấm”, liệu những việc này có “phá vỡ” quy hoạch của Đền hay không?

Trong Quyết định số 1.081/QĐ-UBND xã Ngọc Sơn ngày 10/8/2022 ghi rõ Ban quản lý Di tích Đền Truông Bát gồm: Ông Phan Trần Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, ông Nguyễn Ngọc Vinh – Công chức Văn hoá là Phó ban, và 3 ông nhân viên của Ban gồm Nguyễn Công Hải – Trưởng công an xã, Trần Anh Tuấn – Kế toán ngân sách và Ngô Thanh Cẩn – Thủ nhang Đền Truông Bát. Việc kiện toàn này nhằm mục đích Ban quản lý phải có trách nhiệm phân công các thành viên làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị Lịch sử – Văn hoá của khu Di tích. Thế nhưng, với những gì người dân và cử tri phản ánh, thì xung quanh “Ngôi Đền thiêng Truông Bát” này vẫn còn rất nhiều bất cập cần phải làm rõ để xử lý.

Ban quản lý hầu như “giao khoán” cho cá nhân thủ nhang Ngô Thanh Cẩn, từ việc thu chi ở Đền và nộp về cho ngân sách xã Ngọc Sơn số tiền 230 triệu đồng mỗi năm coi đó là “nguồn thu của xã” liệu đã đúng với quy định của pháp luật? Ban quản lý cũng không xây dựng kế hoạch hoạt động, quy chế tài chính cụ thể. Ngoài ra, công tác kiểm đếm hòm công đức hay các đóng góp của du khách thập phương cũng không được minh bạch rõ ràng. Bên cạnh đó, để tuyên truyền quảng bá thu hút du khách thì việc “mạo nhận” Đền Truông Bát là “Đền thờ Thân mẫu Quan Hoàng Mười” vẫn đang là một vấn đề phải trả lời cho công luận được rõ.

Cần phải nhìn nhận thấu đáo rằng, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá là trách nhiệm của các Ban, Ngành, Đoàn thể cũng như của từng công dân, trong đó có cả việc giữ gìn tín ngưỡng tôn giáo. Việc phát hiện và ngăn chặn những dấu hiệu sai phạm ở nơi linh thiêng như Đền, Chùa, Miếu, Mạo là việc làm cần thiết trong thời kì hiện nay. Đã đến lúc tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc để trả lại sự lành mạnh ở những di tích văn hóa như tỉnh đã từng xử lý ở Đền Chợ Củi, cũng không chỉ riêng Đền Truông Bát, mà bất cứ di tích nào hiện có tại địa phương.

Trần Hoàng – Ngọc Trâm (Phóng viên Văn hiến Việt Nam tại Miền trung & Tây Nguyên) 

 

 


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

“Đôi bờ Ví, Giặm” – Chương trình nghệ thuật kết nối tinh hoa di sản

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc