Vụ xâm phạm di tích quốc gia chùa Bửu Quang: Bài 2: Cần xử lý nghiêm những hành vi xâm di tích chùa Bửu Quang!

22:11 | 09/05/2020

Trước đó Vanhienplus đã phản ánh việc cơi nới, xây dựng mới nhiều hạng mục tại chùa Bửu Quang (nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia núi Chứa Chan, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) có nhiều dấu hiệu vi phạm. Điều này đã trực tiếp phá vỡ cảnh quan và xâm phạm nghiêm trọng đến việc bảo tồn di tích. Tuy nhiên vai trò quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý ở đâu khi để xảy ra tình trạng xâm phạm di tích này?


 

Việc cơi nới, xây dựng tại chùa Bửu Quang diễn ra ngang nhiên bất chấp quy định của pháp luật.

Theo thông tin chúng tôi có được, ông Nguyễn Văn Đỉnh, pháp danh Thích Quảng Đạo được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ tạm thời quản lý chùa Bửu Quang (cùng với Ni cô Thích Nữ Diệu Tâm) trong thời gian chờ bổ nhiệm trụ trì mới sau khi sư trụ trì là Hòa thượng (HT) Thích Thiện Tấn viên tịch năm 2011

Tuy nhiên trong thời gian gần đây Ni cô Thích Nữ Diệu Tâm do tuổi cao sức yếu đã không thể cùng ông Thích Quảng Đạo điều hành chùa Bửu Quang.
Lợi dụng vấn đề này, ông Thích Quảng Đạo đã tự cho phép mình đứng ra điều hành mọi hoạt động tại chùa Bửu Quang. Ngoài các hoạt động Phật sự, ông Thích Quảng Đạo đã ngang nhiên thuê người về cơi nới, xây dựng mới nhiều hạng mục tại khuôn viên chùa Bửu Quang mà không xin phép chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý di tích lịch sử của địa phương cũng như Trung ương theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Điều này làm thay đổi hiện trạng rất nhiều tại khu vực thuộc khuôn viên chùa và xâm phạm nghiêm trọng đến việc bảo tồn được Ban quản lý Di tích – Danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai xếp vào khu vực I: Khu vực bất khả xâm phạm. Cụ thể, khu vực này được bảo tồn nguyên trạng mọi yếu tố gốc còn lại, nghiêm cấm bất cứ mọi sự thay đổi, bổ sung mới nào dù là nhỏ nhất. Trường hợp trùng tu, tôn tạo, sửa chữa di tích phải theo đúng nguyên trạng kiến trúc cũ…

Ông Thích Quảng Đạo cũng trực tiếp “tham gia” vào việc xây dựng.

Liên quan đến vấn đề xây dựng có dấu hiệu trái phép trên, ông Thích Quảng Đạo cũng đã thừa nhận việc xây dựng trên là hoàn toàn do ông tự đứng ra thuê người tiến hành xây dựng không hề xin phép bất cứ một cơ quan ban ngành nào của địa phương cũng như của Trung ương. Ông Thích Quảng Đạo thẳng thắn thừa nhận với phóng viên: “Tôi bỏ tiền túi ra xây dựng nhưng không có xin phép chính quyền địa phương. Vì tôi biết nếu có xin phép cũng không được chấp nhận. Nếu báo cáo thì chính quyền làm gì cho làm. Tôi làm chính quyền đâu có biết. Tôi làm cực khổ, tiền bạc tôi bỏ ra chứ đâu phải tôi cố tình lấn chiếm gì đâu”.

“Tôi biết xây dựng như vậy là sai nhưng lỡ làm rồi nên tôi phải tiếp tục xây dựng. Bởi nếu để được phép tôn tạo, xây dựng mới phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý phê duyệt” – ông Thích Quảng Đạo cho biết thêm.

Ngày 2/1/2020 chúng tôi cũng đã liên hệ với Thượng tọa (TT) Thích Tâm Minh – TBTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Xuân Lộc để xác minh thông tin. TT Thích Tâm Minh cho biết: “Thực chất thầy Thích Quảng Đạo chỉ xây dựng thêm một số bậc tam cấp để các Phật tử đi lại cho an toàn chứ không có hiện tượng xây dựng trái phép tại chùa Bửu Quang như phóng viên phản ánh. Thầy (TT Thích Minh Tâm – PV) cũng mới lên thăm cô Diệu Tâm cách đây ít ngày cũng thấy không có vấn đề gì nghiêm trọng nên cũng không có ý kiến…”.

Trụ sở UBND xã Xuân Thọ.

Ngày 7/1/2020 chúng tôi đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc về những vấn đề liên quan. Tại đây, chúng tôi được bà Hồ Thị Bảo Nhung – Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực Văn hóa Xã hội của xã cho biết: “Việc ông Thích Quảng Đạo cơi nới, xây dựng một số hạng mục mới tại chùa Bửu Quang xã cũng đã nắm được. Ngày 5/12/2019, xã đã cử cán bộ địa chính tới chùa để nắm tình hình và phát hiện ông Thích Quản Đạo đã và đang cho người cơi nới, xây dựng một số công trình mới như: bậc tam cấp, điện thờ, các công trình phụ trợ khác. Chúng tôi đã yêu cầu ông Thích Quảng Đạo dừng ngay ngay lập tức mọi hoạt động vi phạm.

Tuy nhiên, ông Thích Quảng Đạo đã không thực hiện, buộc lòng chúng tôi phải lập biên bản đình chỉ xây dựng liên quan đến việc xây dựng trái phép và xâm phạm di tích lịch sử. Hiện nay chúng tôi đang lập hồ sơ để báo cáo với lãnh đạo huyện Xuân Lộc xin ý kiến chỉ đạo để xử lý”.

Khi chúng tôi xin phép được xem Biên bản đình chỉ xây dựng thì bà Nhung không đồng ý cung cấp với lý do “phải xin chỉ đạo từ cấp trên”. Có một vấn đề làm chúng tôi hết sức bất ngờ là việc UBND xã Xuân Thọ đã biết vụ việc ông Thích Quảng Đạo xây dựng có dấu hiệu trái phép, xâm phạm nghiêm trọng di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia nhưng cả tháng trời lãnh đạo UBND xã vẫn không có văn bản cáo lên cấp trên để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời…

Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Xuân Lộc để xác minh thông tin liên quan. Tại đây chúng tôi được ông Trần Duy Nguyện – Phó chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “UBND huyện chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến việc xây dựng trái phép và xâm phạm di tích tại chùa Bửu Quang. UBND huyện sẽ cho người kiểm tra để xác minh cụ thể và sẽ có biện pháp xử lý nếu có hiện tượng xây dựng trái phép và xâm phạm di tích lịch sử danh thắng như thông tin phóng viên đã phản ánh”.

“Thực chất chùa Bửu Quang nằm trên núi cao nên công tác quản lý của chính quyền cũng gặp nhiều khó khăn” – ông Nguyện phân trần.

Rất nhiều hạng mục bị cơi nới, xây dựng mới hoàn toàn.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Ban quản lý Di sản Văn hóa tỉnh Đồng Nai thuộc Bảo tàng tỉnh Đồng Nai (trước đây là Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh). Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Nam– Phó Giám đốc phụ trách mảng Di sản Văn hóa cho biết: “Việc tu bổ di tích chùa Bửu Quang như phóng viên phản ánh, hiện nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồ sơ xin phép nào gửi lên theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thì địa phương phải lập hồ sơ trình lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)để thẩm định. Sau đó Sở VHTT&DL mới trình lên UBND tỉnh đúng theo quy trình. Riêng đối với di tích cấp quốc gia thì UBND tỉnh phải trình lên Bộ VHTT&DL để thẩm định và phê duyệt.

Nếu địa phương phát hiện chùa Bửu Quang tự ý tu sửa, xây dựng trái phép, UBND xã Xuân Thọ phải ngay lập tức báo cáo UBND huyện Xuân Lộc để lập biên bản đình chỉ và hướng dẫn nhà chùa lập hồ sơ xin phép theo đúng quy trình. Khi nào có hồ sơ được các cấp có thẩm quyền cho phép mới được xây dựng, nếu không phải tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật. Bộ phận quản lý di tích của huyện cũng phải mời đại diện nhà chùa xuống làm việc, khi nào có đủ điều kiện cho phép mới được xây dựng tiếp”.

“Về phía đơn vị, Sở VHTT&DL cũng mới chỉ đạo chúng tôi gửi văn bản hướng dẫn việc bảo tồn và trùng tu các di tích tại các địa phương. Chúng tôi chỉ hướng dẫn về mặt chuyên môn và hướng dẫn các thủ tục thẩm định theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả các di tích đều phải có đầy đủ hồ sơ cho phép mới được tôn tạo tu bổ. Hiện nay đã phân cấp quản lý cho địa phương nên nhiều nơi còn lúng túng, chưa nắm được nên còn gặp nhiều khó khăn…” – ông Nam cho biết thêm.


Từ những thông tin chúng tôi có được, có thể thấy việc cơi nới, xây dựng mới tại chùa Bửu Quang là hoàn toàn không được các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương cho phép. Bên cạnh đó, cũng cho thấy dấu hiệu của sự lúng túng, buông lỏng việc quản lý, bảo tồn các di sản tại chùa Bửu Quang nói riêng và của huyện Xuân Lộc nói chung gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Thiết nghĩ, nếu không có biện pháp chấn chỉnh và sâu sát hơn nữa trong vấn đề quản lý việc bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử thì chẳng bao lâu nữa các công trình mang dấu ấn văn hóa lịch sử của cha ông để lại chỉ còn là hoài niệm… Cần phải xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm, bao che vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích lịch sử theo luật Di sản và các văn bản pháp luật liên quan khác./.

 

Nhóm PV

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú