Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

16:30 | 18/04/2024

Sáng 17/4, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01/5/1904 – 01/5/2024), nhà lãnh đạo trẻ tuổi, đầy tài năng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Tại Lễ kỷ niệm diễn ra chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã khắc hoạ về thân thế và sự nghiệp Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, tôn vinh những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trấn Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh…

Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” tái hiện thân thế sự nghiêp của Đ/c Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng CSVN

Chương trình nghệ thuật do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hà Tĩnh chỉ đạo nội dung; Th.s Biên đạo múa Tuyết Minh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSMVN làm tổng đạo diễn; NSƯT Ngọc Cẩm chỉ đạo nghệ thuật; tác giả kịch bản NSND Nguyễn An Ninh; với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Phạm Phương Thảo, NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSƯT Đăng Thuật, ca sỹ Đinh Thành Lê cùng tập thể nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh. Chương trình gồm 3 chương: Chương I “Khí phách Hồng La”; Chương II “Người Cộng sản kiên trung” và Chương III “Quê hương vang mãi lời anh”…

Chương trình nghệ thuật được chia làm 3 chương. Chương I “Khí phách Hồng La”; Chương II “Người Cộng sản kiên trung” và Chương III “Quê hương vang mãi lời anh”

Chia sẻ về chương trình nghệ thuật, Th.s Tuyết Minh – Tổng đạo diễn của chương trình cho biết: “Hà Tĩnh là vùng địa linh nhât kiệt, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, nhiều nhà chí sỹ yêu nước cũng như nhiều nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, là cái nôi truyền thống văn hoá Núi Hồng – Sông La. Khi nhận được đề nghị làm tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật này tại Hà Tĩnh, tôi thực sự xúc động và tự hào nên nhận lời ngay, mặc dù thời gian này cũng khá bận. Là một chương trình có ý nghĩa lịch sử, khắc hoạ chân dung về cuộc đời thân thế của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, phải làm sao để chương trình toát lên sự bi hùng, cốt cách nhân vật trong chính giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ?… Đó là điều quan trọng và tôi rất trăn trở. Sau khi tìm hiểu về lịch sử, về con người và thân thế sự nghiệp của Cố TBT, chúng tôi đã xây dựng kịch bản, chỉnh sửa từng ly từng tý để sao cho chương trình được hoàn thiện nhất, hình ảnh khắc hoạ thể hiện đúng nhất, sử dụng âm hưởng của dân ca ví giặm để thổi hồn vào tác phẩm, đưa tình tiết sân khấu để tôn vinh chí khí cách mạng và tư tưởng của người chiến sỹ yêu nước, người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”.

Th.s, Biên đạo múa Tuyết Minh

Cố TBT Trần Phú, sinh ngày 01/5/1904, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Tĩnh – Phú Yên nằm trên dải đất miền Trung, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng; cùng với truyền thống gia đình đã dưỡng dục nên một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất. Giữa thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, Thực dân Pháp xéo dày trên đất Việt. Bao nỗi đau thương, nhà tan nước mất, ai oán chất chồng, tiếng khóc nỉ non. Đứng trước nỗi đau của dân tộc Trần Phú đã luôn tâm nguyện làm sao để đưa nhân dân thoát cảnh lầm than.

Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú khi được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn – nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên…

Đ/c Trần Phú được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người trực tiếp huấn luyện, đào tạo, kết nạp vào Cộng sản Đoàn – nhóm nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Luận cương đã phân tích sâu sắc đặc điểm tình hình thế giới và Đông Dương; luận giải tính chất, mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, phong kiến. Tại Hội nghị lầng này, đồng chí Trần Phú đã chính thức được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có nhiều đóng góp to lớn về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng…

Được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Trần Phú, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước bùng lên mạnh mẽ. Tổ chức Nông hội đỏ phát triển nhanh chóng, đội ngũ hội viên tăng nhanh. Tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre,… đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân, nông dân, tạo ra cao trào cách mạng 1930 – 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ – Tĩnh.

Những hoạt cảnh múa, những làn điệu dân ca ví dặm đưa vào chương trình thể hiện quá khứ hào hùng với khí thế quật khởi của cách mạng

Tháng 3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Hai được tổ chức tại Sài Gòn dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã đề ra các chủ trương, nhiệm vụ cách mạng trước yêu cầu mới. Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Tại bốt Ca-ti-na, kẻ thù hèn hạ cắt gân bàn chân, dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng đồng chí Trần Phú vẫn kiên quyết không khai báo. Trong lao tù, đồng chí đã cùng đồng đội tổ chức đấu tranh lên án chế độ thực dân. Sau 3 tháng bị giam cầm, tra tấn, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi mới bước vào tuổi 27 – độ tuổi đầy nhiệt huyết, tài năng.

Giữa lúc phong trào của nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt.

Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng đồng chí đã để lại di sản vô cùng quý báu, với những bài học sâu sắc cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện vô giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên. Đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”…

Mãnh đất “Núi Hồng – Sông La” đã sinh ra người chí sỹ yêu nước, TBT đầu tiên của Đảng

Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã để lại trong lòng mỗi người dân những cảm xúc dâng trào về tình yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc tới người chiến sỹ cách mạng, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò kiên trung của Nguyễn Ái Quốc suốt cuộc đời đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.

Trao đổi với PV Văn hiến Việt Nam, diễn viên Công Mạnh – Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh, người thể hiện vai diễn Tổng Bí thư Trần Phú chia sẻ: “Khi nhận được vai diễn và đọc kịch bản, cá nhân tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì đã được đảm nhiệm vai diễn này. Để thể hiện làm sao toát lên đúng cốt cách và con người của Tổng Bí thư Trần Phú là một điều làm tôi băn khoăn và lo lắng nhất. Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm viết về Cố Tổng Bí thư nhằm hiểu thêm về người, tham khảo những nghệ sỹ có tên tuổi để mình luyện tập thể hiện sao cho trọn vẹn nhất có thể. Sau quá trình hơn 1 tháng, từ việc tự mình luyện tập đến tập cùng đồng đội, tôi đã tự tin để hoá thân vào nhân vật. Và thực sự xúc động khi sáng nay tại Lễ kỷ niệm này đã rất nhiều người dành lời khen ngợi cho anh chị em trong chương trình nghệ thuật của chúng tôi”.

Ảnh 9: Diễn viên Công Mạnh -Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh, người thể hiện vai diễn Tổng bí thư Trần Phú

NSƯT Nguyễn Thị Cẩm – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh cho biết: “Đơn vị chúng tôi được Tỉnh uỷ giao trách nhiệm là đơn vị thực hiện chương trình. Đây cũng là lần đầu tiên Tỉnh uỷ tin tưởng giao nhiệm vụ hoàn toàn cho chúng tôi để thực hiện một chương trình quan trọng và có ý nghĩa. Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú là người chiến sỹ trẻ tuổi, cả một đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để thể hiện được thân thế và sự nghiệp của người, anh chị em nghệ sỹ đã thực sự cố gắng và hôm nay, phía dưới hội trường đã có nhiều giọt nước mắt rơi xuống khi xem chương trình. Đây là tình cảm của khán giả dành cho người chí sỹ yêu nước nhưng cũng chính là sự động viên cho quá trình thực hiện hoá thân vào nhân vật của anh chị em nghệ sỹ chúng tôi”.

Thành công của chương trình cũng chính là sự thành công của các nghệ sỹ cùng ê kíp, điều đó thể hiện quá trình lao động nghiêm túc, hoạt động sáng tạo vì nghệ thuật

Chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” khép lại, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc cùng những cảm xúc lắng đọng trong mỗi người về hình ảnh chân thực của Tổng Bí thư Trần Phú. Sự thành công của của chương trình đã nói lên quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo, tôn trọng lịch sử, biết ơn những người đã hi sinh bản thân mình vì sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, độc lập, tự do của dân tộc.

NGỌC TRÂM

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú