Nét văn hóa đặc sắc vùng sông nước Cửu Long

11:24 | 26/12/2018

Chợ nổi Cái Răng là một nét văn hóa đặc sắc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua hơn 100 năm,chợ trở thành biểu tượng du lịch của thành phố Cần Thơ, thu hút khách tham quan từ khắp mọi nơi.


Chợ nổi Cái Răng tấp nập, đông vui vào khoảng từ 7-8 giờ sáng. Ảnh: Hà An

Chợ nổi Cái Răng là một trong ba chợ nổi lớn nhất Cần Thơ. Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ – Tây Đô cũ). Cũng như những chợ nổi khác ở đồng bằng sông Cửu Long, chợ được hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa khi đường bộ và các phương tiện lưu thông đường bộ ở đây chưa phát triển.

Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện đầu thời kỳ khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào “miệng” đất này. Gọi là chợ nổi, vì nó trôi nổi trên sông.

Ngày nay, chợ nổi Cái Răng đã trở thành chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây và nông sản của vùng. Chợ thường họp rất sớm, vào khoảng 4 – 5 giờ sáng, khi mặt trời vừa mới mọc và đến khoảng 8 – 9 giờ thì tan. Tiếng máy của những chiếc xuồng nhỏ, tiếng thuyền bè, tàu ghe xuôi ngược, tiếng cười nói xôn xao của những người buôn bán trên sông Cái Răng, nghe thật giòn giã và vui đến lạ.

Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi. Bây giờ chợ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt. Chợ đông nhất là vào khoảng 7 – 8 giờ sáng.

Chợ không hoạt động hoặc rất ít vào các ngày Tết âm lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan ngọ). Do nhu cầu của người đi chợ, nên ở đây không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản, mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: Phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.

Chợ nổi Cái Răng bán mua đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ xa xa, chúng ta có thể thấy những chiếc ghe bồng bềnh và đó cũng là gia đình thương hồ sinh sống, với nhiều thế hệ. Nó mang đậm chất Nam bộ ngay trong lòng Tây Đô – thủ phủ của miền Tây sông nước.

Các thuyền thương hồ đều có một cây sào cao cắm xuống phía trước. Đó là cây bẹo. Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo như thế. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên cây bẹo. Thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Chúng tôi thấy, giữa một vùng mênh mông sóng nước, rất nhiều loại trái cây được treo lên bán, từ màu xanh của quả dưa hấu đang căng tròn mọng nước đến màu đỏ của chôm chôm, vàng ruộm của xoài… rồi nào là rau củ quả các loại… Trái cây, nông sản nơi đây luôn mang trong mình vị ngọt ngào của dòng sông hiền lành quanh năm có phù sa dồi dào bồi đắp.

Hàng hóa được bán tại chợ nổi Cái Răng gồm nhiều nhóm như nhóm hàng nông sản, nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày… Nhờ vậy, tại chợ, có hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán rất tấp nập.

Thường thì ghe của người Việt bán trái cây, rau củ; ghe buồm của đồng bào Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung); nhà bè của người Hoa bán tạp hóa… Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá…

Người dân chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hà An

Chợ nổi không chỉ là nơi buôn bán, mua sắm, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, tạo nên nét đẹp truyền thống của vùng quê sông nước Cần Thơ. Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với khách thập phương không chỉ là nét văn hóa độc đáo của chợ nổi, mà còn là tấm lòng khoáng đạt, rộng mở, hiếu khách hiếm có của những người dân sông nước miền Tây.

Con người của vùng đất “trọng nghĩa khinh tài” sống rất tình cảm và gần gũi. Văn hóa, tình người chính là điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng, để mỗi du khách qua đây khi trở về đều thấy nhớ. Nhớ cái hương vị miền quê ấy và nhớ cái hình ảnh khu chợ Cái Răng với những con thuyền lênh đênh trên mặt nước mang theo cái hồn của miền sông nước Việt Nam.

Ngày 8-7-2016, chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Đây được xem là một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm. Mỗi du khách đến nơi đây đều bị hấp dẫn và quyến rũ bởi các loại trái cây thơm ngon, được trải nghiệm hình thức du lịch đặc trưng của miền sông nước mà không phải nơi nào cũng có.

 

Theo Bienphong

Video hay

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.