Danh nhân Lê Đại Cang và hành trình nghiên cứu tôn vinh ông

16:42 | 16/04/2018

Hơn 4 năm phụ trách Nha đê chính Bắc thành, Lê Đại Cang đã thực hiện đắp mới và tôn tạo hàng ngàn km đê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

 

VÀI NÉT VỀ DANH NHÂN LÊ ĐẠI CANG

Lê Đại Cang (1771-1847), còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt hiệu là Thường Chánh Thị, quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Tượng thờ cúng Lê Đại Cang (hay còn gọi là Lê Đại Cương) tại quê hương ông làng Luật Chánh, xã Phước Hiêp, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Lê Đại Cang sinh ra tại quê hương Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định năm 1771. Năm 3 tuổi ông theo cha mẹ ra chơi ở kinh thành Huế, gặp chiến tranh nên cả nhà bị kẹt lại Huế suốt tuổi niên thiếu của ông. Năm 16 tuổi, ông được cha mẹ đưa về quê ở Luật Chánh, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định, được học những bậc thầy nổi tiếng là thầy Nguyễn Tử Nghiễm (thời Tây Sơn làm Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu, Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn), rồi thầy Đặng Đức Siêu (sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn).

Khi Lê Đại Cang 21 tuổi (17920, cha mẹ bệnh, nối nhau qua đời, ông phải dừng việc học thầy Đặng Đức Siêu, bắt đầu nghề dạy học để kiếm sống, tiếp tục tự học cả văn võ tại quê nhà và nổi tiếng là văn võ song toàn.

Năm 1802, khi Gia Long thu được đất nước, ông được Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử với triều Nguyễn, được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn.

Năm 1811, theo giới thiệu của Hậu quân Lê Chất, Tổng hiệp trấn Bắc thành, ông được điều ra Bắc Thành, thăng Binh bộ thiêm sự, lo việc từ chương.

Năm 1821, năm Minh Mạng thứ 2, sung chức Biện lý bang giao sứ sự ở công quản Gia Quất lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh. năm 1822, ông được giao giữ chức Hiệp Trấn Sơn Tây.

Năm 1823, ông được điều làm Cai bạ Quảng Nam. Năm 1824, phụ trách huy động hơn 3000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1630 trượng thành công, được vua ban thưởng.

Tháng 9/1824, Lê Đại Cang được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh. Tháng 5 năm 1825, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở, bị vua quở trách và cách chức nhưng cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử.

Tháng 9 năm 1826 được vua triệu về Kinh, Tổng trấn Gia Định thành, Tả quân Lê Văn Duyệt vì mến tài Lê Đại Cang đã dâng sở xin giữ lại. Nhưng Vua không cho.

Tháng 11 năm 1826, được bổ Thị lang bộ Hình, tháng 5/1827 thăng Hữu Tham tri bộ Hình. Tháng 7 năm 1827 được vua cử làm khâm sai ra Bắc thành xem xét xử các vụ án hình tồn đọng. Vua dụ rằng: “Bắc Thành gần đây bị vỡ đê, bọn tào trưởng Vũ Xuân Cẩn phải đi phát chẩn, việc án để đọng, không thể chóng làm xong được. Để đọng một ngày thì dân chịu khổ một ngày, ngươi nên thanh lý cho chóng. Hết thảy các án kiện giao cho, cùng án mạng án cướp trong hạt, đến tháng 11 phải xét xử xong. Còn như tạp án tầm thường thì do thành xét xử, đến cuối năm phải xong cả, khiến tào không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn thận việc ngục thương xót việc hình”. Tháng 11, đúng thời hạn vua ra, Lê Đại Cang đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về kinh, được vua khen.

Tháng 9 năm 1828 được điều phụ trách Nha đê chính Bắc Thành, Trước khi Lê Đại Cang lên đường ra Bắc, vua Minh Mạng dụ rằng : “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”. .

Tháng 11/1828, trực tiếp chỉ đạo khởi công đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành với công trình lớn có 18 sở, công trình nhỏ hơn 1000 sở. Tháng 12/1828 được vua ban thưởng vì công trạng trong việc đắp đê. Tháng 4 năm 1829 vì vỡ đê ở Đa Hòa, Kim Quan, bị giáng chức xuống 3 cấp. Tháng 8/1829, công việc đăp đê ở Bắc Thành hoàn tất, các đoạn đê vỡ được gia cố vững chắc, Lê Đại Cang được phục chức. Trong thời gian này, ông đã biên soạn cuốn sách thống kê hết sức công phu, cụ thể về hệ thống đê công tư ở Bắc thành. Đây là cuốn sách đầu tiên về đê điều ở nước ta. Tháng 6/1830, do vỡ đê ở Sơn Nam, Lê Đại Cang lại bị cách chức. Tháng 8/1830, khắc phục tốt hậu quả vỡ đê lại được phục chức, ban thưởng và được cử kiêm Hình tào Bắc thành. Hơn 4 năm phụ trách Nha đê chính Bắc thành, Lê Đại Cang đã thực hiện đắp mới và tôn tạo hàng ngàn km đê ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Tháng 9 năm 1831, được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Hà Nội. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát được Lê Đại Cang chọn đỗ thứ hai nhưng sau bị triều đình đánh rớt.

Tháng 10/1831, nhận ấn quyền Tổng trấn Bắc thành, được giao kinh lý việc chia lại các hạt ở Bắc Thành. Sau khi chia hạt thành công, Lê Đại Cang được thăng làm Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Tây – Hưng Hoá – Tuyên Quang kiêm Tuần phủ Sơn Tây. Tháng 7/1832 kiêm lãnh Tổng đốc Hà Nội – Ninh Bình. Tháng 11 năm 1832, được giao làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Trước khi đi nhậm chức, Minh Mạng vời Lê Đại Cương vào ra mắt và dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên, ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công”.

Năm 1833, Lê Đại Cang chủ trì việc xây thành mới An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ tại đây. Chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3000 trượng. Chiêu mộ được 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) xin đặt tên được vua đặt tên là cơ An Biên.

Tháng 6/1833, họa phản loạn Lê Văn Khôi nổi lên, vua ra lệnh cho Lê Đại Cang hợp sức đánh dẹp. Do binh lực của Lê Văn Khôi quá mạnh, để mất thành An Giang, Lê Đại Cang dâng sở xin chịu tội. Vua cách chức Tổng Đốc cho làm “đới lãnh binh dõng quân tiền hiệu lực”, từ đại thần trở thành lính khiêng võng đi đầu lập công chuộc tội. Trong thận phận một người lính đang chịu tội, Lê Đại Cang đã tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính người Việt và người Miên, tự xây dựng, huấn luyện được một đội quân trên 2000 người hùng mạnh, đồng chí đồng tâm, phối hợp với viện binh triều đình phản công giặc Khôi và quân xâm lược Xiêm, tái chiếm lại An Giang và các vùng đất đã mất. Chỉ trong 4 tháng, từ một “dõng quân” được thăng liên tục các chức Binh bộ Viên ngoại lang, kiêm Phó lãnh binh, rồi Án sát sứ, Bố chính sứ kiêm Lãnh binh và thự lý Tuần phủ An Giang.

Tháng 3/1834, quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cang tâu vua xin đem quân đánh giữ. Sau khi chỉ huy cánh quân theo đường bộ Quang Hóa phối hợp các cánh quân theo đường thủy do Trương Minh Giảng chỉ huy đảnh đuổi quân Xiêm ra khỏi Chân Lạp. Tháng 6/1834, được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được Minh Mạng giao đưa vua Chân Lạp từ Việt Nam về nước, lưu lại Nam Vang lo việc bảo hộ Chân Lạp.

Năm 1835, do vua Chân Lạp mất, Minh Mạng lập Chân Lạp làm Trấn Tây thành thuộc nước ta, Lê Đại Cang được bổ làm Trấn Tây tham tán đại thần cùng Trương Minh Giảng giữ chức tướng quân lo sắp đặt quản lý Cao Miên. Tháng 7/1835, được lĩnh ấn Tổng đốc quan phòng An Giang – Hà Tiên. Năm 1836, năm 65 tuổi, ông xin về hưu nhưng vua Minh Mạng không cho, châu phê “Lão đương ích tráng” và dụ gắng sức ở lại làm việc. Tiếp tục làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần. Tuy vậy, vì không thống nhất với việc vua triệt tiêu nền độc lập của Chân Lạp, biến nước láng giềng thành một trấn của nước ta, Lê Đại Cang thường ở Châu Đốc lo trách nhiệm Tuần phủ An Giang, ít khi có mặt ở Nam Vang.

Tháng hai 1838, loạn người Chân Lạp nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh ở đây theo loạn đảng. Do không có mặt ở Nam Vang, Lê Đại Cang bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trần Tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực, lần thứ hai đi làm lính khiêng võng. Tại đạo Trà Gi, quân thứ Hải Đông, Lê Đại Cang thấy binh đội ở đây tổ chức kém, tinh thần rệu rã nên đã xin quan phụ trách đạo này đứng ra huấn luyện binh đội ở đây từ yếu thành mạnh, có sức chiến đấu cao. Từ đó, ông đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm. Giảng và Phong đem việc ấy tâu vua Minh Mạng mong vua cho Lê Đại Cang đoái công chuộc tội, nhưng vua không bằng lòng, còn truyền rằng: “Đại Cang bị cách hiệu, sao dám tự tôn mình là đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu, Trương Minh Giảng giáng xuống làm Binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong giáng 3 cấp”.

Cuối năm 1838, Lê Đại Cang bị đưa về triều giam ít lâu rồi bị phát đi đồn điền ở Nguyên Thượng.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, năm 1841, tháng 7, được vua Thiệu Trị phục chức Viên ngoại lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với Trung Quốc. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội.

Tháng 10/1842, năm 72 tuổi, ông xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y.

Năm 1842, Lê Đại Cang hồi hương. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước khuyến tài khuyến học. Ông mất tại quê nhà ngày 24 tháng 8 (âm lịch) 1847, thọ 76 tuổi.

Sinh thời, Lê Đại Cang còn nổi tiếng là một người cự phách, hiển đạt về văn chương, đã có một số tác phẩm văn chương được truyền tụng. Đó là hai tập văn “Nam hành”, “Tục Nam hành”, hai tập bút ký ghi lại những công việc ông đã trải qua trong bước đường làm quan ở phương Nam và Chân Lạp, một tập thơ có tên “Tĩnh ngu thi tập” và tập “Lê thị gia phả”. Cho đến nay, các tập “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tĩnh ngu thi tập” đều chưa tìm thấy văn bản, chỉ còn tập “Lê thị gia phả” vốn được lưu giữ tại từ đường họ Lê ở Luật Chánh, sau ngày miền Nam giải phóng được gia tộc hiến cho Bảo tàng Quang Trung. “Lê thị gia phả” là tập gia phả dòng họ Lê làng luật Chánh được Lê Đại Cang âm thầm thực hiện ngay khi còn ở chốn quan trường, xa quê hương bản quán với ý thức “Tộc không có phả như nước không có sử”. Lê Đại Cang đã hoàn thành tập gia phả trên vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), khi đang làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây Tham tán Đại thần. Nhiều người đọc tập “Lê Thị gia phả” đều cho đây không chỉ là tập sách chép lịch sử dòng họ Lê làng Luật Chánh mà còn chứa đựng những bài học làm người sâu sắc của một bậc đại trí, đại nhân…

Trong cuộc đời 41 năm làm quan “cơ cực, vì nước quên thân, vì việc công quên việc tư, lấy trung làm hiếu” (lời của Lê Đại Cang trong “Lê Thị gia phả”), có lẽ việc hai lần bị cách chức làm lính khiêng võng ở vùng đất phương Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức Lê Đại Cang. Bởi vậy, khi về hưu tại quê nhà, vật quý nhất ông đem theo chính là chiếc đòn khiêng võng. Đây là chiếc đòn khiêng võng đã gắn bó cùng ông trong hai lần bị cách chức xuống làm lính dõng tại vùng đất An Giang – Hà Tiên những năm 1832-1838. Chiếc đòn này được đặt ở vị trí trang trọng tại từ đường họ Lê làng Luật Chánh cho đến sau ngày miền Nam giải phóng được giao cho Bảo tàng Tổng hợp Bình Định lưu giữ, trưng bày.

HÀNH TRÌNH NGHIÊN CỨU TÔN VINH LÊ ĐẠI CANG

Sử sách triều Nguyễn, các bộ Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam liệt truyện chính biên và nhất là bộ Đại Nam thực lục đã ghi chép khá tỉ mỉ về hành trạng làm quan của Lê Đại Cang với trên 200 đoạn, hàng vạn chữ. Tuy vậy, cũng như nhiều nhân vật cự phách triều Nguyễn khác, Lê Đại Cang hầu như ít được nhắc đến hoặc nhắc đến rất sơ sài trong sử sách thời ta.

Trung tâm Nghiên cứu Bào tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc là cơ quan xúc tiến việc nghiên cứu danh nhân lịch sử Lê Đại Cang một cách hệ thống mở đầu  là hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” tổ chức vào tháng 1/2013 tại TP Quy Nhơn do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Viện Sử học VN, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức với sự tham gia của hàng trăm nhà sử học, văn hóa học, văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước và Bình Định quê hương. Sau hội thảo này, một cuốn sách mang tên “Lê Đại Cang – Nhân cách bậc quốc sĩ” tập hợp hơn 50 báo cáo khoa học và tham luận tại hội thảo đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Một bộ phim truyền hình cùng tên với cuốn sách cũng được hoàn thành và công chiếu trên truyền hình Việt Nam và trên Youtube.

Tiếp đó, đến giữa năm 2016, một cuộc hội thảo mang tên “Tổng đốc Lê Đại Cương và An Giang” cũng đã được Hội Khoa học Lịch sử An Giang, Thành ủy và UBND thành phố Châu Đốc, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Viện Sử học Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP Châu Đốc. Kết quả hội thảo là tập sách mang tên “Tổng đốc Lê Đại Cương và An Giang” đã được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản năm 2017. Sau hội thảo này, nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam hiện nay, đã hoàn thành và cho công bố trường ca “Người khiêng võng” về Lê Đại Cang. Bản trường ca được đánh giá cao trên văn đàn Việt Nam. Trong năm 2017, hai nhà viết kịch nổi tiếng trong nước cũng đã hoàn thành hai kịch bản sân khấu về Lê Đại Cang: nhà viết kịch Nguyễn Sĩ Chức với kịch bản tuồng mang tên “Hoạn lộ” dã được tặng giả nhì gia rkichj banrt  xuát sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN năm 2016, đã được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng, nhận dàn dựng và nhà viết kịch Văn Trọng Hùng với kịch bản tuồng mang tên “Quan khiêng võng” sẽ được Nhà hát tuồng Đào Tấn quê hương Lê Đại Cảng đưa lên sân khấu trong năm 2018.

Tên Lê Đại Cang đã được đặt tên đường ở TP Quy Nhơn, một số thị trấn thị xã ở Bình Định và TP Châu Đốc, An Giang.

Ngay 16 tháng 12 năm 2017, hội thảo về danh nhân Lê Đại Cang mang tên “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,  Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam, Hà Nội với sự có mặt của hơn 100 nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và văn nghệ sĩ từ An Giang, TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và thủ đô Hà Nội. Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu đánh giá những đóng góp to lớn của Lê Đại Cang trong khoảng thời gian gần 20 năm Lê Đại Cang thực thi trách nhiệm tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đây là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời vị đại quan quê Bình Định nhưng là rể của Hà Nội như anh hùng dân tộc Quang Trung với những đóng góp rất to lớn, phong phú trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hành pháp, giáo dục, ngoại giao…cũng như kiến nghị những hình thức tôn vinh xứng đáng đối với Lê Đại Cang tại thủ đô đất nước. Hội thảo cũng sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ sự nghiệp và con người Lê Đại Cang cùng những bài học làm người làm quan sâu sắc mà ông đã để lại cho hậu thế…

“Theo chúng tôi, Lê Đại Cang là một nhân vật lịch sử thật đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử cũng rất đặc biệt ở nước ta.

Lê Đại Cang đặc biệt trước hết là vì giữa một giai đoạn cực kỳ phức tạp của lịch sử, trắng đen chưa thực sự phân minh, chính tà còn có phần lẫn lộn, dấn thân vào chốn quan trường nhiều cám dỗ và đầy bất trắc, ông đã chọn cho mình con đường “ngày đêm chăm chỉ, một lòng báo quốc… vì nước quên nhà, vì công quên tư”  (lời dẫn Lê thị gia phả) đem trí tuệ xuất chúng và tài năng đa diện của mình cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gian khó, lập nên một sự nghiệp lớn. Sự nghiệp ấy của Lê Đại Cang trải dài trong thời gian 41 năm làm quan qua 3 triều vua, trải rộng trong không gian cả ba miền đất nước, từ biên giới cực Bắc đến biên giới cực Nam, từ cố đô Thăng Long đến kinh đô Huế, qua rất nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, ngoại giao, khi làm quan cai trị những vùng đất hiểm yếu, lúc cầm quân đánh giặc ngoại xâm, khi tham gia quản lý trong lục bộ, lúc chỉ huy đào sông, khi phụ trách hộ đê, khi trực tiếp xử án hình, lúc làm chủ khảo trường thi, khi lo tiếp sứ nhà Thanh, lúc chịu trách nhiệm bảo hộ nước láng giềng Chân Lạp…

Nhưng Lê Đại Cang đặc biệt không chỉ vì sự nghiệp lớn ấy mà còn vì một nhân cách lớn, một bản lĩnh kẻ sĩ đáng kính nơi ông. Đó là con người trọn đời coi thường lợi danh, phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không làm thay đổi, uy vũ không thể khuất phục, khi gặp thời, thành công không đắc chí, lúc sa cơ, thất bại không nản lòng, biết đứng dậy từ nơi vấp ngã, luôn ung dung tự tại để thấy vinh trong nhục, thấu phúc trong họa. Trong cuộc đời làm quan liên tục thăng giáng, quá nhiều bất trắc hiểm nguy, quá nhiều thử thách sống còn, chính nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp Lê Đại Cang vượt qua tất cả, bền lòng vững chí làm được những việc ích nước lợi dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vị trí nào.

Lê Đại Cang còn đặc biệt là vì những bài học làm quan làm người từ cuộc đời ông, sự nghiệp của ông đối với chúng ta hôm nay vừa rất phong phú sâu sắc vừa rất gần gũi. Đối với các quan chức đó là bài học về sự tận tụy hết mình kết hợp với tác phong khoa học sáng tạo, luôn đi sâu đi sát thực tế, bài học về ý thức tổ chức kỷ luật cao kết hợp với sự quả cảm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ bị hiểu lầm, không sợ bị vu oan giá họa, bài học về tiêu chí “cái gì có lợi cho dân thì gắng sức thực hiện, cái gì có hại cho dân thì tuyệt đối tránh”, bài học về tâm nguyện phải vừa là một “tôi trung” của dân của nước, phải vừa là một “con hiếu” của gia đình, dòng họ…Còn đối với mỗi con người, đó là bài học về sự trọng nghĩa khinh tài, vượt khó, khổ học, khổ luyện để thành công, bài học về sự kính trọng thờ phụng học hỏi tổ tiên, chăm lo giáo duc răn dạy, làm gương cho con cháu, bài học về sự gắn bó, khiêm hòa, thủy chung với bè bạn, với bà con làng xóm, với những người chung quanh…

(Trích đánh giá của Gs Hoàng Chương về danh nhân Lê Đại Cang)

 

Theo Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng