Trở về với truyền thống là tìm đến với tương lai

17:13 | 10/12/2021

Với 87 bài viết, bao quát nhiều đề tài, xét soi nhiều góc cạnh trong 832 trang in, “Sân khấu – truyền thống và hiện đại” của Nguyễn Thế Khoa (NXB.Sân khấu), vẫn có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên định hướng tư tưởng – thẩm mỹ và nguồn cảm hứng chung: “trở về với truyền thống là tìm đến với tương lai”. Qua một số thể loại sân khấu và nghệ thuật diễn xướng dân gian Việt Nam, tác giả đã làm một việc rất cần thiết, mang tính tiên quyết, là khám phá, chắt lọc từ những vốn liếng khổng lồ để thấy những giá trị đích thực, để tự hào khẳng định và có giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy, nhằm góp phần xây dựng một nền nghệ thuật tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.


Đọc Nguyễn Thế Khoa sẽ thấy rằng: các thể loại sân khấu hiện hữu, dù trăm năm như kịch nói, cải lương, xưa hơn như chèo, tuồng, dù gốc gác thuần Việt hay du nhập, ngoại lai mà bám được rễ ở đất này, đều là vốn liếng quý báu của cha ông, cần được bảo tồn và phát huy. Ở thể loại nào, tác giả cũng có những khám phá và ý kiến đánh giá xác đáng về đặc trưng thể loại, về soạn giả, kịch bản, về nghệ thuật biểu diễn, thậm chí về tài nghệ, ưu khuyết của những diễn viên, hoặc một đoàn nghệ thuật sân khấu cụ thể.

Riêng về thể loại tuồng và hai danh nhân – hai thầy trò: Nguyễn Diêu – Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa đã thể hiện thế mạnh và sở trường, đã có những khám phá và đóng góp mới mẻ. Ông có hơn 20 công trình, tiểu luận. Tác giả nối tiếp những người đi trước, trong đó có thân phụ mình là nhà sân khấu học, nhà Tuồng học Mịch Quang nổi tiếng, để làm sáng rõ chân dung, thân thế, sự nghiệp, đạo đức nhân cách và tài năng…của 2 tác gia tuồng lỗi lạc ở cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Với Nguyễn Diêu, tác giả đã cho thấy một “tầm vóc” ở phương diện là người khai sáng và lòng tận tụy, đam mê trong tư cách “một nghiệp sư đào tạo nên bao nghệ sỹ tuồng tài danh không ngừng tiếp nối mình, đưa tuồng tới những đỉnh cao mới”. Nguyễn Thế Khoa khẳng định “di sản Nguyễn Diêu để lại cho chúng ta không chỉ là những sáng tạo tuồng tuyệt tác mà còn là một cách sống, cách làm nghệ thuật khiêm nhường”.  Ông rất cần cho những người làm văn học nghệ thuật hôm nay bài học về Đời và Nghiệp, để luôn có một niềm tin rằng, “dù sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu gắn bó tha thiết với cuộc đời, trân trọng yêu thương và thấu hiểu con người, có tài năng, tin vào các giá trị tốt đẹp của căn chương nghệ thuật, kiên trì lao động sáng tạo, ai cũng có thể làm nên một sự nghiệp nghệ thuật xứng đáng”.

Cuốn “Sân khấu – truyền thống và hiện đại” của nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa.

Với Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa có tới 12 bài nghiên cứu chuyên sâu. Đúng là cần thiết phải như thế. Bởi vì, Đào Tấn tuy là học trò của Nguyễn Diêu, nhưng “hậu sinh khả úy”. Ông đã đưa nghệ thuật tuồng của dân tộc lên một tầm cao mới, âm vang mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ từ đời sống cộng đồng xã hội tới chốn cung đình, từ dân gian tới chuyên nghiệp…với những cách tân sâu rộng. Đào Tấn quả là có một sự nghiệp đồ sộ và đa diện, có nhiều tư cách và những bí ẩn cần được giải mã. Ví như, Nguyễn Thế Khoa có kể rằng:  đầu những năm 60 của thế kỉ trước, khi thân phụ của ông là nhà nghiên cứu Mịch Quang viết những bài đầu tiên giới thiệu về Đào Tấn cho tạp chí Văn học, người ta đã rất nghi ngại không dám sử dụng vì e Đào Tấn là đại quan một triều đình bị cho là tối phản động trong lịch sử nước nhà. Sau phải nhờ sự can thiệp của GS.Viện trưởng Đặng thai Mai, bài mới được đăng…Có thể nói, Nguyễn Thế Khoa đã “lao tâm khổ tứ”, thận trọng và khoa học để làm sáng rõ và đi tới khẳng định:

Đào Tấn là quan nhân – văn sỹ hùng tâm, tráng chí, đức trọng, tài cao, là thiên tài lỗi lạc về nghệ thuật tuồng của dân tộc, là danh nhân văn hóa gắn liền tên tuổi với một thể loại sân khấu Việt Nam, xứng đáng được vinh danh tầm thế giới.

Bằng kết quả nghiên cứu công phu, chu đáo và toàn diện, Nguyễn Thế Khoa không chỉ giải quyết được một cách thuyết phục những tồn nghi, mà còn khẳng định, Nguyễn Diêu – Đào Tấn là những người khai mở, những tên tuổi đã làm nên một thời đại Tuồng có âm vang và sức mạnh lan tỏa rộng lớn ra khỏi vùng đất Nam Trung Bộ, vốn được xem là cái nôi của thể loại sân khấu này. Ông viết về “Nhà hát tuồng ở kinh đô tuồng Bình Định”, “Tuồng không chuyên trong bảo tàng tuồng xứ Quảng”, biểu dương nhiều nghệ sỹ sân khấu tuồng, cổ vũ những sự kiện, hội diễn sân khấu tuồng…Nhưng rồi từ đó, vì yêu quý và đam mê, tác giả rất có trách nhiệm và nghiêm khắc cảnh báo “Đừng để nhà hát còn nhưng nghệ thuật tuồng lại mất”, “Nếu không được quan tâm đúng mức nghệ thuật tuồng không thể có tương lai”.

Ở hình thức diễn xướng dân gian, Nguyễn Thế Khoa viết về “gánh xẩm Hà Nội”, về chương trình nghệ thuật “Xẩm và Đời” tại Nhà hát Lớn Hà Nội lần thứ 3, được “chiếm lĩnh cái không gian sang trọng bậc nhất của nghệ thuật biểu diễn nước ta và chứng tỏ sức sống, sức hấp dẫn lạ lùng của mình”. Ông ghi lại những nghĩ suy “từ cái đêm hát xẩm và trống quân”. Thán phục và đồng thuận với GS.TS Trần Văn Khê, khi cố Nhạc sỹ hào hứng so sánh nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam với nghệ thuật Pansori-bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống Hàn Quốc, đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng Nguyễn Thế Khoa tiếp tục đi sâu nghiên cứu, khám phá, phát hiện ra những riêng biệt độc đáo của nghệ thuật Bài chòi. Ban đầu, nó là trò chơi dân gian “thông minh, tươi vui, nhân ái”, rất dân dã tự phát, xuất hiện trong các dịp lễ hội, khi Tết đến xuân về. Sau nó dần mang tính chuyên nghiệp hơn, tập hợp thành nhóm, thành các gánh Bài chòi, hát các tích tuồng, theo làn điệu ổn định, có thể mưu sinh và diễn ra trên các chiếu chòi, nơi sân nhà, sân đình, đất bãi… “Nếu Pansori được gọi là “Đại ca kịch chỉ một diễn viên” thì Bài chòi trải chiếu, hoàn toàn có thể gọi là “Đại ca kịch trên chiếu”. Đó là điều mà bấy nay chúng ta chưa thật sự hiểu biết hết và quan tâm đầy đủ, để thấy được những cách thức diễn xướng đa dạng và sức sống kì diệu của Bài chòi nhằm bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật ấy. Thế nên, Nguyễn Thế Khoa đau đáu một nỗi niềm, “Rồi mai đây còn có Bài chòi” với đặc trưng nguyên hợp của nó, với sự tồn tại trong nhu cầu tất yếu của đời sống xã hội hiện đại. Mà ở đó, từng có những nghệ sỹ đam mê tâm huyết, gắn bó một đời khiến không có khó khăn, cám dỗ nào “dứt khỏi câu xuân nữ nhịp song loan” và lớp khán giả suốt dải đất Khu 5 một thời, khiến cho Nhà hát đêm sáng ánh đèn…

Nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa.

Trong các nghệ thuật diễn xướng dân gian, Nguyễn Thế Khoa đặc biệt công phu, như một “liền anh”, vừa uyên bác vừa tài hoa khi viết về Quan họ! Riêng về phương thức diễn xướng dân gian này, ông có tới 13 tiểu luận và tập hợp lại, sẽ thành một công trình nghiên cứu đầy đặn, một chuyên luận hoàn chỉnh, góp phần tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tác giả đã tìm hiểu từ những truyền thuyết và nguồn gốc quan họ, hành trình nghiên cứu dân ca quan họ, tục lệ trong sinh hoạt văn hóa quan họ, tài tử quan họ, ứng tác và sáng tác trong diễn xướng quan họ”, đến những vấn đề cụ thể của âm nhạc và kỹ thuật diễn xướng như: “thanh nhạc tự đệm” và tài nghệ “đặt câu bẻ giọng” để làm nên những bài ca đối đáp duyên dáng, bất ngờ “lúng liếng ơi, lóng lánh ơi”. Từ đó, tác giả mở rộng phạm vi nghiên cứu, đánh giá về những vấn đề khái quát mang tính học thuật sâu cao hơn như chân dung tinh thần của người Kinh Bắc, những bản tình ca bất hủ, đặc trưng của ngôn ngữ giao tiếp quan họ, các thể thơ trong ca từ quan họ, đẳng cấp bác học trong chiếc áo văn chương bình dân. Nhưng từ niềm đam mê, tình yêu và trân quý đó, thấy ông trăn trở và quyết liệt, hài hước mà xót xa về  “Hai ngộ nhận lớn trong bảo tồn và phát huy dân ca quan họ”. Có thể xem đây là luận văn mang tính học thuật và bút chiến rất cao, trong việc bảo tồn và phát huy một di sản nghệ thuật đã trở thành đại diện văn hóa của nhân loại.

Đọc “Sân khấu-truyền thống và hiện đại”, chúng ta bắt gặp một Nguyễn Thế Khoa thấu lý đạt tình, tinh tế và mê đắm, tài hoa và rất thuyết phục khi cảm nhận và diễn tả những vấn đề nghệ thuật.

Ở đây luôn thấy một Nguyễn Thế Khoa sử dụng rất hiệu quả các phương pháp và thủ pháp khoa học, cùng với năng lực cảm thụ sâu sắc và tinh tế để cắt nghĩa, lý giải hoặc đề nghị thật thuyết phục nhiều vấn đề hoài nghi về văn bản, về tác giả, về các giá trị nghệ thuật hoặc học thuật…Ông luôn đặt vấn đề kịp thời, trúng và đúng, luôn định tính và định lượng rất rõ ràng trong việc: hiểu vốn cổ như thế nào, hiểu đến đâu, để vận dụng, khai thác và phát huy. Ở nhiễu chỗ trong công trình đồ sộ này, Nguyễn Thế Khoa đã thể hiện năng lực thẩm bình sâu sắc, chữ nghĩa như lếnh lánh, phiêu bồng…, đọc đi đọc lại mà dư vị vẫn cứ vương vấn ngọt thơm, như ngụm trà mạn hảo hạng.

Theo ông, chỉ khi trở về với truyền thống, khi thực là chính mình, trụ vững trên cái nền tảng của mình, thì mới có thể “vượt qua khó khăn, tìm được con đường đến với tương lai”. Cho nên, “chưa nắm vững truyền thống đừng dại dột mà làm Chèo phát triển” (suy rộng ra, các thể loại sân khấu khác cũng thế thôi!). Đó là lời cảnh báo cho mọi cách tân, sáng tạo, nếu như không muốn để thể loại sân khấu hoặc các hình thức diễn xướng dân gian chết giữa đời sống văn hóa và nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

Khi viết về “Sự chinh phục của chèo cổ”, Nguyễn Thế Khoa có rất nhiều những nhận xét, đánh giá hữu lý hữu tình, giầu cảm xúc và hình ảnh, làm xiêu lòng người đọc “Chẳng có gì là xưa cũ diễn ra trên sân khấu. Câu chuyện của trăm năm xưa vẫn cứ như là chuyện của ngày hôm nay”. “Qua những khát vọng của Thị Mầu, oan khuất của Thị Kính, phẫn uất của Súy Vân, lỡ lầm của Thiệt Thê, tiếng cười nhiều cung bậc của anh hề…tác giả thấy ở đó có giá trị nhân bản và nhân văn bất hủ, là câu chuyện người của muôn đời làm thắt nghẹn trái tim, làm thấm ướt những đôi mắt, làm bừng sáng những nụ cười đồng cảm của người xem hôm nay. Đặc biệt khi tiếng hát chèo lảnh lót cất lên, tất cả chúng ta như được tắm trong một dòng suối thật trong, thật mát, thật tinh khiết”. Và, rất thuyết phục khi ông chỉ ra rằng: “Chèo cổ chưa giầu về tích, chưa phong phú về nhân vật nhưng về âm nhạc thì quả là “của kho vô tận. Đó là phần thần bí nhất, kì diệu nhất của sân khấu chèo”. Với tư cách một khán giả mê chèo truyền thống, tôi trân trọng và đồng thuận với thái độ thẳng thắn, quyết liệt khi Nguyễn Thế Khoa cho rằng, “người ta ào ạt thay thế nguồn âm nhạc bay bổng kì diệu này bằng một thứ âm nhạc hiện đại, rên rỉ, kệch cỡm, “đầu Ngô mình Sở”, “nửa Tây nửa ta” để cải tiến phát triển chèo, biến chèo thành một món “lẩu thập cẩm”đáng sợ”.

Cũng trong cái mạch cảm thức ấy ở thể loại chèo, Nguyễn Thế Khoa đã chỉ ra một cách tường tận, ghi nhận và cổ vũ cách làm hay của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần khi chuyển thể từ kịch nói thành vở chèo “Đêm trắng”: “Trung thành gần như tuyệt đối với những gì đã làm nên thành công của nguyên tác kịch nói, giữ nguyên kết cấu, chỉ tinh lược bớt tình tiết, không lạm dụng hát múa, tổ chức những trổ hát múa khá đắt, sử dụng dàn đồng ca tạo nên một không gian uyển chuyển của kịch hát truyền thống, vở chèo “Đêm trắng” vẫn giữ được tính chính luận sắc sảo của nguyên tác mà tăng thêm hiệu ứng trữ tình.” Thiết nghĩ, đó là gợi ý cho nhiều thể loại sân khấu khác, khi cần phải làm mới mà vẫn bảo tồn và phát huy những giá trị mang tính bản sắc, không đánh mất mình.

Với thể loại Tuồng, dù viết về soạn giả, kịch bản, nhân vật, nhà nghiên cứu, diễn viên, hay một tình tiết nghệ thuật, một nhà hát chuyên nghiệp hay không chuyên… Nguyễn Thế Khoa đều thể hiện bút lực dồi dào, cùng năng lực khám phá, cảm nhận sâu sắc và tinh tế. Ông được “đứng trên vai” những nhà Tuồng học lừng danh, trong đó có thân phụ của mình, nhưng vẫn chứng tỏ là một nhà nghiên cứu uyên bác, vừa có ý thức kế thừa vừa giầu bản lĩnh và cống hiến. PGS Tất Thắng đã xem những công trình nghiên cứu của Nguyễn Thế Khoa là những “đóng góp đáng kể vào khoa Tuồng học rất đáng ghi nhận và trân trọng”, đặc biệt là những “tổng kết và hệ thống hóa những cách tân biên kịch lớn của hai tác giả Tuồng tiêu biểu cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20: Nguyễn  Diêu và Đào Tấn”.

Ở đây, chỉ xin nhắc tới một trong rất nhiều những khám phá, nhận xét, đánh giá khoa học và tinh tế của tác giả. Ví như, khi viết về vở tuồng “Liệu đố”, một vở tuồng độc đáo của thiên tài Nguyễn Diêu, Nguyễn Thế Khoa nhận ra điều “thú vị” về mối quan hệ tình yêu tay ba quen thuộc, nhưng soạn giả lại giấu hẳn nhân vật Châu Anh trong suốt 2/3 vở “để tập trung vào xung đột trực diện giữa hai người vợ Ngọc Mai và Kim Liên, tập trung mô tả sự va chạm khi tái tê âm ỉ, khi bột phát nảy lửa giữa hai tính cách. Theo Nguyễn Thế Khoa, ghen tuông mù quáng chính “là vấn nạn mang tầm nhân loại”, được Nguyễn Diêu đặt ra và giải quyết “bằng một cách riêng rất phương Đông, rất Việt Nam khi ngân vang cái triết lý nhân bản đầy sức kêu gọi của Phật giáo trong trường kì lịch sử: “Sự từ bi sẽ cứu rỗi con người”. Những câu văn hay về ý tình, hình nhạc như thế, trong các tiểu luận khoa học của Nguyễn Thế Khoa rất nhiều, tới mức, với người đồng cảm, đọc lên là thuộc! Hãy nghe ông thẩm bình một chi tiết, một trích đoạn “Nguyệt Cô hóa cáo” mới thấy ý nghĩa triết lý sâu xa và sức mạnh ám ảnh, luôn tươi mới rất thời sự. Vì nó chứa đựng những giá trị nhân bản, nhân văn, mang tính toàn nhân loại: “tôi cứ nhớ tới tác phẩm nổi tiếng của nhà văn cộng sản Tiệp Khắc Phu xích với nhắn gửi tha thiết tới nhân loại trong thế kỉ 20: Hỡi con người hãy cảnh giác! Vở tuồng của Nguyễn Diêu dường như cũng nhắc nhở chúng ta điều quan trọng này: Con người hãy cảnh giác trước những đam mê dục vọng của chính mình và cũng cần cảnh giác trước những âm mưu dối lừa từ những kẻ muốn trục lợi trên những đam mê dục vọng đó”.

Viết về Đào Tấn, Nguyễn Thế Khoa đã giải quyết một cách khá căn cơ và thuyết phục những băn khoăn, tồn nghi, chỉ ra  những cống hiến, đóng góp, những tinh tế, tài hoa của nghệ sỹ thiên tài, làm nên vốn văn hóa nghệ thuật đồ sộ cho dân tộc. Đào Tấn đã dùng Tuồng, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu… dùng thơ văn mà thực thi công cuộc “phò nghiêng đỡ lệch”, “Chở bao nhiêu đạo,  thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, những mong gây dựng lại giềng mối xã hội bấy nay đang bị suy tệ. Nguyễn Thế Khoa viết rất đúng và hay: “Từ Duyệt Thị đường ở Đại nội đến Như Thị quan ở thành Vinh, ngay cái tên rạp hát cũng báo hiệu  một sự thay đổi có tính cách mạng của tuồng hát Đào Tấn, cuộc làm mới tuồng hát mà Đào Tấn hằng ôm ấp đã diễn ra rất mạnh mẽ. Đào Tấn đi từ trung quân sang thân dân, từ quân chủ chuyên chế sang dân chủ, vạch mặt chỉ tên sự thối nát, thảm hại tột cùng của các bậc thiên tử “sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”, đào huyệt chôn sâu cái tư tưởng trung quân lỗi thời còn ẩn náu đâu đó, mạnh dạn trao hy vọng, niềm tin cứu nước vào những người hiện đang bị đặt ngoài vòng pháp luật”. Cũng theo Nguyễn Thế Khoa, có những vở như “Hộ sanh đàn”, Đào Tấn đã dũng cảm đoạn tuyệt với các nhân vật truyền thống của tuồng cổ: vua chúa, hoàng hậu, thứ phi, tể tướng đại thần, vương tôn công tử, tuyệt đối dành sàn diễn để giới thiệu một cách hết sức thuyết phục vẻ đẹp tinh thần của cả một lớp người cần lao, hoạn nạn, khốn cùng nhưng tuyệt vời bất khuất, trung nghĩa, thủy chung”..

Nguyễn Thế Khoa là cây bút có nhiều tư cách: nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu-phê bình, nhà sân khấu học, nhà Tuồng học, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật… Không phải là người gốc Bắc, nhưng kì lạ thay, ông viết về Xẩm, về Chèo bằng tất cả sự am tường. Luận bàn “Nghệ thuật biểu diễn và cảm thụ của người Hà Nội”, ông lại tường tận và thuyết phục như một học giả gốc kinh kỳ. Tác giả chỉ ra 3 đặc điểm như là “những tính trội trong cảm thụ thẩm mỹ của người Hà Nội, trong sáng tạo và nghệ thuật biểu diễn”(tr:545), thì cho dù người kỹ tính đến đâu ở những miền vùng khác, cũng phải tâm phục khẩu phục. Và, người Hà Nội thêm một lần nữa tự hào về cái chất hào hoa, về “tri thức văn hóa nghệ thuật dân tộc sâu rộng, sự hiểu biết, cảm nhận tinh tường…gạn đục khơi trong trong tiếp nhận, giữ gìn và phát triển…bình tĩnh, không bảo thủ hay cấp tiến thái quá, trong đổi mới và phát triển, trong giao lưu với bên ngoài, trong tiếp nhận và Việt hóa các di sản nghệ thuật thế giới”. Đó là cốt cách Tràng An, đầy tính dung hợp nhưng vẫn giầu bản sắc, trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải mà tôi liên tưởng tới, khi đọc những luận điểm khoa học trên đây của Nguyễn Thế Khoa. Thế là từ nghệ thuật sân khấu, ông vươn tầm mở hướng, khái quát về những giá trị văn hóa, nhân cách con người, mà giá những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật Thủ đô tâm huyết, để mắt tới, thì ích lợi biết nhường nào…

Tuy nhiên phải nói, chất học thuật và chất thơ nhuần nhuyễn, lấp lánh tài hoa, thăng hoa và mê đắm nhất, được thể hiện khi ông viết về dân ca Quan họ đất Kinh Bắc! Không biết dân ca Quan họ có phải như một loài hoa “thơm lạ thơm lùng/thơm hoa thơm lá, người trồng cũng thơm” không, mà Nguyễn Thế Khoa nghiên cứu, viết lách về nó, có rất nhiều câu, đoạn và bài lai láng chất thơ, thấm đượm tâm hồn và cảm xúc nghệ sỹ. Qua dân ca, ông nhận ra chân dung tinh thần của người Kinh Bắc là vẻ đẹp hài hòa giữa ngoại hình, tâm hồn, đạo đức, nhân cách với không gian thiên nhiên, để làm nên một vùng văn hóa Kinh Bắc. Cái chất người-vẻ đẹp con người Kinh Bắc tạo nên phong cách giao tiếp quan họ, với “ những lựa chọn văn hóa tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao”, từ miếng trầu, chén nước, lời nói, cử chỉ, áo quần…cũng có những nét duyên đặc trưng. Những con người ấy, vừa là chủ thể sáng tạo ra giá trị văn hóa vừa là đối tượng để văn hóa-văn nghệ khai thác, khám phá, diễn tả thành nhân vật trữ tình trung tâm trong những làn điệu quan họ vang-rền-nền-nảy, tình tứ và say đắm.

Nguyễn Thế Khoa khẳng định “nghệ sỹ quan họ là tổ hợp 3 trong 1”: người sáng tác-nghệ sỹ biểu diễn-người thưởng thức. Họ đối đáp trong suốt canh hát và có thể trong một khoảnh khắc đối đáp tung hứng, ngẫu hứng bừng sáng “một tuyệt tác ra đời kéo theo một tuyệt tác khác”. Ông cũng tinh tế nhận thấy và biện giải thật có lý: thế giới quan họ riêng biệt, khác hẳn với cảnh nông phu lam lũ thường nhật. Có thể gọi đó là “thế giới huyền thoại của quan họ”, và chỉ có “đắm mình” trong thế giới ấy ta mới có thể cảm nhận được những đắm đuối se kết, tưởng rất đỗi tơ vương trong câu ca “Một ngày sum họp trúc mai/Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm”. Họ gắn kết để làm nên 2 cặp đôi cùng giới thi thố với nhau, cho nên ca từ quan họ luôn xuất hiện “4 tôi…4 em”. Những cặp đối thủ ấy phải “se chín lần kép, se mười lần đơn”mới trở thành một đôi chung dạ chung tình. “Hóa ra người ta thi thố với nhau, không nhằm phân rõ sự hơn thua, cao thấp, mà chỉ để được chia sẻ, đồng cảm, hòa hợp tuyệt đối với nhau, để trở thành một “bốn tôi”như thế”.

Có người nhận xét, trong dân ca Quan họ, tình bạn nhiều khi ỡm ờ…úp mở…tỏ mờ, khó đoán định, chẳng biết là tình cảm gì, tình bạn hay tình yêu. Nguyễn Thế Khoa đề xuất một thuật ngữ khả dụng, có thể gọi đó là “tình quan họ”. Rồi nhân đó, ông đẩy lên thành một khái quát giầu hình ảnh và chính xác “dân ca quan họ là cả một bách khoa thư về tình yêu đôi lứa”…

Như trên đã nói, với hơn 800 trang in, chỉ bàn về “truyền thống” không thôi, đã thấy Nguyễn Thế Khoa sâu xa, tài hoa, tinh tường và đầy tinh thần trách nhiệm đối với các thể loại sân khấu và các hình thức diễn xướng dân gian Việt Nam. Chỉ có hiểu biết trên tinh thần khoa học thực sự những giá trị của vốn cổ, mới có thể có niềm tin yêu, mới có thể chắt lọc lấy tinh hoa và định tính, định lượng được, trong công cuộc bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật sân khấu nói riêng và nền văn hóa dân tộc nói chung, theo tinh thần hiện đại hóa mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc! Qua “Sân khấu – truyền thống và hiện đại”, Nguyễn Thế Khoa đã rất tâm huyết tập trung làm sáng rõ và cụ thể hóa định hướng “trở về với truyền thống là tìm đến với tương lai”.

 

Đinh Thiên Hương

Video hay

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú