TÌNH CA VÀ QUÊ HƯƠNG – NGUỒN CẢM HỨNG VÔ TẬN CỦA NGUYỄN ĐÌNH SAN

9:17 | 26/06/2023

Tôi nhớ khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có 2 bài hát khiến tôi chú ý của một tác giả khi ấy chưa nhiều người biết tới – một bài giành cho thiếu nhi và một bài cho người lớn. Đó là “Hè về” và “Có anh ở đảo” của Nguyễn Đình San.


Cái tên này sau đó khiến tôi chú ý khi có bài hát mới vang lên ở trên Đài. Ngày ấy, Đài phát thanh gần như là phương tiện duy nhất giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới của các nhạc sỹ đến công chúng rộng rãi. Truyền hình đã có nhưng phát ca khúc, nhất là sáng tác mới rất ít. Tác giả này còn gắn với nhiều bài lý luân, phê bình khá sắc sảo và thẳng thắn về âm nhạc mà tôi đọc được. Tôi bắt đầu có cảm tình với anh từ đó.

Nguyễn Đình San đứng ở gốc cây

Những ngày tháng này, tôi cũng chuyển công tác từ Nam Định vào Đồng Nai nên không có điều kiện thường xuyên lên Hà Nội thu thanh tiết mục cho đội Vàng Anh như trước. Nhưng tôi luôn theo dõi Đài TNVN cho đỡ nhớ miền Bắc và các bạn nhạc sỹ ở ngoài đó. Và thi thoảng tôi lại nghe được ca khúc của Nguyễn Đình San phát ở trên Đài. Sau đó, có một bài vụt lên, về sau có sức lan tỏa rộng rãi. Đó là bài “Chiều nắng” mà người hát đầu tiên là NSND Thanh Hoa (khi ấy chị chưa được phong danh hiệu này nhưng đã rất nổi tiếng): “Không có mây để nhớ. Không có mưa để buồn. Chiều chia tay rất nắng. Nón em chừng nghiêng hơn…”Bài hát gây ấn tượng tốt cho người nghe ngay từ lần phát sóng đầu tiên bởi tác giả tạo nên một giai điệu rất độc đáo, pha chộn chất liệu dân ca cả 3 vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và miền Trung thật khéo léo. Càng nghe càng thấy hay hơn. Một cảm giác bâng khuâng, nhung nhớ, bịn rịn rất phù hợp với một bài tình ca giành cho những lứa đôi, nhưng không còn trẻ mà tác giả đã viết rằng “Cái thời hoa gạo cháy xa mãi rồi anh ơi!” Sau này, khi quen biết và trở nên thân thiết với Nguyễn Đình San, anh kể rằng bài hát bắt nguồn từ một bài thơ có tên “Chiều chia tay” của một nữ tác giả đăng ở tạp chí văn nghệ của tỉnh Hà-Sơn-Bình (Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình khi chưa sáp nhập vào Hà Nội). Anh đổi lại tên bài là “Chiều nắng” và thay lời ở câu kết. Thơ là “Bàn chân rồi dừng bước, nhưng mắt, lòng em theo”, nhạc sỹ sửa là “Bàn chân rồi dừng bước. Thương nhớ lòng không vơi”. Anh nói rằng để như người làm thơ thì “mắt, lòng em theo” nghe hơi kỳ. Sửa lại vừa tránh điều này vừa để tiếng “vơi” gần vần với tiếng “trôi” ở cuối câu trên đó. Quả là một xử lý thông minh, đạt hiệu quả tốt hơn.

Lúc này tôi vẫn chưa biết nhiều về Nguyễn Đình San, chỉ nghe nói anh từng làm ở báo Văn hóa-Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa). Về sau chuyển sang đứng đầu Nhà Văn hóa Hà Nội (thuộc Sở Văn hóa Hà Nội). Thế là chúng tôi thành đồng nghiệp – cùng quản lý Nhà văn hóa. Nhưng vẫn chưa một lần gặp mặt tuy có khá nhiều lần cả hai đều cùng dự những hội nghị các nhà văn hóa toàn quốc. Rồi một ngày kia, tôi bỗng nhận được cuốn “100 gương mặt nhạc sỹ Việt Nam tiêu biểu thế kỷ 20” (NXB Thanh niên) anh gửi vào Đồng Nai tặng tôi. Cuốn sách do anh tuyển chọn và bình luận về từng nhạc sỹ, trong đó có tôi. Từ đó, chúng tôi thường xuyên trao đổi thư từ và điện thoại. Tôi lấy làm ngạc nhiên và thú vị khi thấy anh chưa một lần gặp mà tỏ ra rất hiểu về tôi. Anh bảo rằng qua tác phẩm mà “bắt hình dong”. Anh bình luận thật chí lý và sâu sắc về hai bài hát của tôi mà từ đó tôi được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (bài “Dòng sông” và “Hạt gạo làng ta”). Và chúng tôi trở nên rất thân thiết, đồng cảm. Nhưng cũng vẫn chưa gặp mặt mà tất cả chỉ qua điện thoại. Rồi đến một ngày hè năm 2015, nhân vào Sài Gòn, anh đã đến Biên Hòa chơi với tôi.

Từ phút này, chúng tôi trở thành đôi bạn vong niên thân thiết, không có gì là không chia sẻ với nhau kể cả những chuyện riêng tư sâu kín nhất. Nguyễn Đình San kém tôi một giáp – cùng tuổi Tuất, có rất nhiều điểm tương đồng về tính cách và quan niệm về cuộc sống. Cũng từ đây, tôi lắng nghe tác phẩm của anh nhiều hơn. Hầu như có sáng tác nào mới của anh vang lên ở đâu, tôi đều đón nghe. Và tôi thấy một hiện tượng thật hiếm hoi: Thường thì theo thời gian, sức làm việc, đặc biệt là sáng tạo trong nghệ thuật sẽ suy giảm bởi ảnh hưởng của tuổi tác và cảm xúc. Nhưng Nguyễn Đình San ngược lại: Những năm sau khi đã nghỉ hưu, đặc biệt là gần đây, khi anh đã vượt qua tuổi 70, sáng tác càng nhiều và hay hơn trước. Trong tổng số hơn 500 ca khúc cả cho người lớn và thiếu nhi thì một nửa trong số đó anh viết trong mươi năm trở lại đây. Nhưng trong sáng tác, vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng. Ca khúc của Nguyễn Đình San gây được hứng thú thẩm mỹ cho người nghe, phần lớn là những bài tình ca, dạt dào âm hưởng dân tộc và gắn với tình yêu quê hương đất nước chứ ít khi chỉ nói chuyện tình yêu lứa đôi thuần túy kiểu như bài “Chiều nắng”. Đến phút này, anh đã có hàng loạt những bài hay, được người nghe ưa thích như: “Trên dòng sông Lai Hạ”, “Thành phố ấy”, “Về Hà Tiên”, “Lời của sóng”, “Đưa anh về bản”, “Tuy Hòa một khúc thu” (Thơ của Nguyễn Thế Khoa”), “Chiều Nhật Lệ”, “Hương Sơn”, “Một thoáng Đăk Nông” (Thơ Nguyễn Thế Hùng), “Mùa đông” (thơ Kiều Dư), “Tìm về lối cũ”, “Nam Định khúc tình ca” (Thơ Nguyễn Thế Minh), “Nhớ quê” (Thơ Mai Thìn), “Tháng giêng” (thơ Như Bình)…

Có thể nói viết tình ca và viết về những miền quê hương đất nước là sở trường đặc biệt, thế mạnh của Nguyễn Đình San. Hầu như mọi ca khúc của anh đều tập trung ở hai mảng này. Tình ca của anh luôn chạm được vào trái tim người nghe bởi có giai điệu đẹp, rất tha thiết, đậm đà phong vị dân ca nên dễ vào lòng người. Mới nghe đã thấy hay, càng nghe nhiều càng thẩm thấu sâu sắc thêm. Viết về đâu, anh luôn triệt để khai thác chất liệu dân ca vùng đó nhưng chỉ loáng thoáng hơi hướng chứ không quá đậm đặc, quá lệ thuộc. Người nghe thấy rõ bài đó là viết về nơi đó, không thể đặt lời ca nói về vùng khác. Nhưng bảo tìm ra điệu dân ca nào thì lại không dễ. Tôi cho rằng đó là một chủ trương hay, cần thiết để tạo nên vẻ độc đáo, mới mẻ cho ca khúc mà không lẫn lộn với người khác. Ví như bài “Tuy Hòa một khúc thu” (phổ thơ của Nguyễn Thế Khoa) là tiêu biểu cho khuynh hướng này. Tôi từng đặt chân đến Tuy Hòa (Phú Yên), thấy bài hát ra đúng chất nơi đây nhưng cứ nghĩ mãi xem tác gỉa khai thác từ chất liệu bài dân ca nào thì không rõ. Hỏi thì Nguyễn Đình San nói là chẳng từ điệu nào mà tưởng tưởng ra âm nhạc vùng đó sẽ như thế. Bài này nghe rất bâng khuâng, ngọt ngào và hiện ra một bức tranh về Tuy Hòa thật diễm lệ, thực thực hư hư rất thú vị. Trường hợp khác là bài “Nam Định – khúc tình ca” anh phổ thơ của Nguyễn Thế Minh. Bài này phảng phất điệu hát văn của Nam Định thật ngọt ngào và duyên dáng. Tôi từng sống ở Nam Định nhiều năm trước khi vào

Đồng Nai thấy đây là một trong số ít bài hát hay nhất về tỉnh này mặc dù có tới hàng trăm bài đã ra đời.
Ca khúc của Nguyễn Đình San có ưu điểm mà không phải nhạc sỹ chuyên nghiệp nào sáng tác nhiều cũng đạt được: Không bài nào giống bài nào, kể cả cùng khai thác một chất liệu và viết trong cùng một thời gian. Nghe khác hẳn nhau nhưng lại nhất quán trong một phong cách. Đó là sự duyên dáng, uyển chuyển, rất trữ tình của giai điệu. Anh biết tạo những điểm nhấn và biết “làm duyên” ở những chỗ cần thiết. Viết về mảnh đất miền Trung, anh có 3 bài cùng phổ thơ của nhà văn Nguyễn Thế Hùng là “Thương về Hà Tĩnh”, “Hương Sơn” và “Chiều Nhật Lệ”. Tất nhiên là chất liệu dân ca miền Trung đã nổi rõ nhưng nghe rất khác biệt. Hoặc 3 bài khác cùng viết về Bình Định, cùng khai thác chất liệu dân ca bài chòi xứ Nẫu là “Em về Bình Định với anh”, “Về Bình Định” và “Nhớ Bình Định” mà nghe không thể lẫn lộn.

Chẳng những phong phú về đường nét giai điệu mà ca khúc của Nguyễn Đình San còn đa dạng về thể loại: Anh viết cho đơn ca hay mà viết cho hát tập thể, hành khúc cũng rất hiệu quả. Có những đề tài dễ bị coi là khô mà anh vẫn cho ra được những ca khúc có sức lôi cuốn người nghe và quần chúng trong ngành thích hát, ví như “Sức trẻ 69-1” viết cho Cty lắp máy 69-1 hoặc “Hành khúc công an nhân dân”…

Một thế mạnh nữa của Nguyễn Đình San là làm ca từ hay. Có lẽ do anh được học ở Tổng hợp Văn ra và cũng làm nhiều thơ. Từ ngữ của anh đắt, chau chuốt và luôn hài hòa với giai điệu. Vậy nên khi nhà thơ có thơ được anh phổ nhạc đã luôn hài lòng khi thấy anh sửa sang, thêm, bớt lời thơ của mình để ưu tiên cho mạch giai điệu phát triển. Họ hoàn toàn thấy vừa ý khi anh viết lời thêm hoặc sửa chữ nghĩa. Anh còn có ưu thế là hát hay nên luôn chú tâm đến việc sáng tác sao cho người hát dễ hát và thích thú với những quãng giai điệu đã tạo ra.

Kẻ Bắc, người Nam, nhớ nhau, cứ vài ngày chúng tôi lại nói chuyện dài qua điện thoại, chủ yếu đàm luận về âm nhạc, thăm hỏi tình hình sáng tác của nhau. Anh bày tỏ một quan niệm tôi cho là rất chính xác. Đó là viết về vùng nào, về nội dung gì phải tạo ra được giai điệu gợi đúng, gợi rõ được về mảnh đất đó, nội dung đó. Ví như gần đây nhất, anh phổ bài thơ “Tháng giêng” của nhà văn Như Bình: “Tháng riêng như sương bay, mịt mờ qua hồ vắng. Kiếm tìm một bàn tay. Tĩnh lặng tay cầm tay. Uống ngụm rượu sót này. Men nồng lên cay cay. Uống thêm một nỗi nhớ. Sóng buồn dâng say say…” Lời thơ vẽ nên một bức tranh thật đẹp về tháng giêng với mưa phùn, sương rơi, bảng lảng sương khói và có chút tâm trạng hơi buồn, cô đơn của con người. Anh tìm được một giai điệu với đường nét âm nhạc rất gợi cảm, thể hiện đúng được nội dung của lời thơ. Nghe thấy lành lạnh, bâng khuâng, hư ảo rất thú vị.

Thật hiếm có người thuộc nhiều dân ca mọi miền đất nước và thuộc rất nhiều ca khúc của các nhạc sỹ khác như Nguyễn Đình San. Anh thuộc cả những bài mà chính tác giả còn không thuộc, thậm chí quên hẳn. Bạn cần biết bài nào, của ai từ xa xưa, cứ hỏi Nguyễn Đình San sẽ rõ. Anh bảo đó chính là một cách học âm nhạc hơn mọi trường lớp chính quy vì sáng tác thì không đâu có thể dạy. Anh coi mọi nhạc sỹ nổi tiếng bậc đàn anh, có tác phẩm giá trị như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu… đều là thày. Anh học những điểm mạnh nhất trong sự nghiệp sáng tác của họ.

Nếu có dịp tiếp xúc với Nguyễn Đình San ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ không thể biết chính xác tuổi của anh vì sức làm việc, “nhựa” trong sáng tác vẫn còn nguyên vẹn phong độ như mấy chục năm trước. Riêng sáng tác còn hiệu quả hơn. Tháng nào, anh cũng có ít nhất một cuộc đi đâu đó khỏi Hà Nội để thâm nhập thực tế sáng tác. Và những ca khúc về mọi miền đất nước lại tiếp tục ra đời. Có lẽ chính vì làm việc nhiều với hiệu quả cao đã như một bài tập thể dục thần diệu giúp anh vượt qua giới hạn khắc nghiệt của thời gian mà theo quy luật, không ai có thể cưỡng lại./.

Trần Viết Bính (nhạc sỹ)

Nguồn: TCVHVN

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô