Xã An Vinh (Quỳnh Phụ – Thái Bình) hoàn thành 19/19 chỉ tiêu và cán đích nông thôn mới vào tháng 07 năm 2019. Năm 2020, xã tiếp tục triển khai xây dựng nhà văn hóa mới nhưng tới nay chưa thể khởi công do nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm.
Xã nông thôn mới điển hình
Trước đây, An Vinh là làng “Cổ Tiết” hay còn gọi là làng “Rét” thuộc tổng Phương Quan, huyện Đông Quan, Phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình. An Vinh là xã nội đồng, nằm ở phía đông của huyện Quỳnh Phụ; phía Bắc giáp với xã An Ấp, An Quý, phía Nam giáp xã Đông Hải, phía Đông giáp xã An Lễ, phía Tây giáp xã Quỳnh Xá, Quỳnh Hội.
An Vinh đã từng nổi tiếng là đất văn hiến, đất đai An Vinh có từ lâu đời, cách đây trên 1000 năm đã có người đến làm ăn sinh sống. Trải qua nhiều thế hệ, người dân An Vinh đã đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để phát triển sản xuất và góp phần bảo vệ tổ quốc.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Đảng bộ và nhân dân An Vinh đã không ngừng phấn đấu, từ một xã trung bình, đất đai chua trũng, dân số đông, giao thông nhỏ hẹp, song đã vươn lên là một trong các xã đạt 5 tấn thóc trên 1 ha 2 vụ lúa đầu tiên của tỉnh Thái Bình; đến nay An Vinh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, giữ vững ổn định về an ninh, quốc phòng… đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi đáng kể, các công trình giao thông thuỷ lợi đã được xây dựng.
Kể từ năm 2011 tới nay, xã An Vinh huy động được gần 63 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó 46,4 tỷ đồng là số tiền được đầu tư là nguồn vốn được câp từ ngân sách của tỉnh Thái Bình, huyện Quỳnh Phụ và xã An Vinh đầu, còn lại hơn 16 tỷ đồng là do nhân dân đóng góp, doanh nghiệp và con em xa quê cùng chung tay ủng hộ. Nguồn vốn này được UBND xã sử dụng để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ lợi ích chung của nhân dân như đường xá, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở xã…
Đến tháng 04 năm 2019, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và không có nợ công. Tới tháng 07 năm 2019, xã An Vinh được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cũng trong năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của theo thống kê đạt trên 45 triệu đồng/ người/ năm, tăng gần gần gấp đôi so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới (năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,42%.
Sau 8 năm miệt mài xây dựng với việc huy động số vốn khổng lồ để kiến thiết hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xã An Vinh đã cán mốc nông thôn mới cách ngoạn mục. An Vinh trở thành một trong những xã điển hình của tỉnh Thái Bình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhà văn hóa mới “lỡ hẹn”?
Cho tới nay, xã An Vinh có một nhà văn hóa cấp 4 chứa được khoảng 200 chỗ ngồi, nằm trong khuôn viên trụ sở cũ. Trụ sở này vốn trước đây là trường học nên đã xuống cấp trầm trọng. Năm vừa qua, An Vinh đã xây dựng xong trụ sở mới cùng với sân vận động xã ngay kế bên.
Để đáp ứng tốt hơn nữa cho nhu cầu của nhân dân, xã đã đề xuất xây dựng nhà văn hóa mới khang trang hơn, đúng với quy hoạch từ trước đã được phê duyệt. Công này do chính UBND xã An Vinh làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Đầu tư và Xây dựng Tiền Phong đại diện mời thầu. Việc đấu thầu công trình được tổ chức công khai trên mạng, trong đó gói thầu số 03 thi công xây dựng có giá khởi điểm là 3,635 tỷ đồng.
Thông qua quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, 2 nhà thầu có giá dự thầu thấp hơn là Công ty TNHH Xây dựng Quỳnh Trang (giá dự thầu 3,362 tỷ đồng) và Công ty TNHH Duy Tưởng (giá dự thầu 3,373 tỷ đồng) bị đánh giá không đạt yêu cầu về kỹ thuật nên bị loại. Nghiễm nhiên Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Xây dựng An Đông có giá dự thầu cao nhất trong 3 nhà thầu (3,631 tỷ đồng), là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật và trở thành nhà thầu trúng thầu.
Trong gói thầu xây dựng nhà văn hóa xã An Vinh, mẫu số 3 (bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm), mục 2.1 yêu cầu nhà thầu kê khai số liệu theo báo cáo tài chính từ năm 2017 đến năm 2019. Riêng mục 2.2 yêu cầu doanh thu hàng trung bình mỗi năm phải đạt tối thiểu là 5.453.785.000 đồng (hơn 5,4 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong vòng 3 năm gần đây Công ty TNHH tư vấn và đầu tư xây dựng An Đông có doanh thu năm 2017 là 0đ do công ty mới thành lập chưa hoạt động; tới năm năm 2018 doanh thu đạt 2.868.157.000 đồng; năm 2019 doanh thu đạt 7.765.161.000 đồng; trung bình 3 năm chỉ đạt 3.544.439.000 đồng. Như vậy, theo yêu cầu tại mục 2.1 và 2.2 nêu trên, công ty An Đông không đáp ứng yêu cầu mời thầu thế nhưng không rõ vì lý do gì mà công ty An Đông vẫn trúng thầu.
Được biết, trong 3 năm qua, công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Xây dựng An Đông liên tiếp trúng thầu trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (xã An Vinh 2 công trình gồm công trình sân vận động xã An Vinh và công trình nhà hiệu bộ trường TH&THCS An Vinh, công trình nhà học 2 tầng trường TH&THCS An Hiệp). Điều đáng nói là những công trình này đều do Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Đầu tư Xây dựng Tiền Phong làm đơn vị tư vấn và mời thầu khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng “quân xanh, quân đỏ” hay “sân trước, sân sau” trong việc đấu thầu các công trình xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ.
Trao đổi thông tin về vấn đề này, ông Trịnh Công Liêm – chủ tịch UBND xã An Vinh, chủ đầu tư, cho hay xã không có chức năng tổ chức đấu thầu nên đã thuê công ty Tiền Phong mời thầu, chấm thầu và công bố trúng thầu. Lý giải về trách nhiệm trong việc chấm thầu xây dựng nhà văn hóa, ông Liêm cho rằng, nếu đơn vị dự thầu không đủ điều kiện, đơn vị tư vấn phải hủy, khi không có ý kiến thì mới phê duyệt. Nếu nhà thầu trúng thầu gian dối, không đủ năng lực dự thầu, thì trách nhiệm thuộc về bên mời thầu, UBND xã chỉ làm công tác quản lý và đã thuê đơn vị tư vấn mời thầu.
Dự kiến nhà văn hóa xã An Vinh được khởi công trong quý IV/2020 và hoàn thiện vào quý II/2021. Tuy nhiên những vướng mắc không đáng có phát xuất từ phía đơn vị mời thầu và nhà thầu đã khiến công trình nhà văn hóa mới của xã “lỡ hẹn” ngày hoàn thành, gây thất thoát lãng phí nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, người dân xã An Vinh vẫn từng ngày từng giờ ngóng chờ nhà văn hóa mới của xã hoàn thành để có nơi sinh hoạt văn hóa – thể thao khang trang xứng tầm.
Việc triển khai dự án đúng tiến độ dự kiến hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào những quyết sách hợp lý và sáng suốt của UBND xã An Vinh cũng như các đơn vị liên quan. Song le sức chịu đựng và niềm hy vọng của người dân, sau những nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp, đều có giới hạn. Một việc tưởng chừng như rất đơn giản bỗng hóa thành phức tạp và có nguy cơ biến một xã nông thôn mới điển hình của quê lúa Thái Bình trở thành điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn nếu không được giải quyết ổn thỏa.
Thiên Nguyên