Phong cách viết báo, làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

16:26 | 21/06/2021

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người còn là một nhà báo tài ba. Cuộc đời làm báo của Người gắn liền với cuộc đời cách mạng và Người đã để lại cho những người làm báo Việt Nam những giá trị to lớn về đạo đức và phong cách làm báo.    


Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sử dụng báo chí như là một phương tiện hữu hiệu để tuyên truyền, giác ngộ và vận động quần chúng. Bản thân Người là tấm gương làm báo sáng ngời, là người thầy của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam. Với 174 bút danh, từng là tổng biên tập và chủ bút, họa sĩ của nhiều tờ báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký được viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán…

Bác Hồ với các nhà báo năm 1960. Ảnh: bqllang.gov.vn

Phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó, tiêu biểu nhất là tính trung thực và tính chiến đấu. Với Người, tính trung thực của người làm báo thể hiện đạo đức, lập trường chính trị, cái gốc của người làm báo. Trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy, tai nghe”. Nghĩa là viết báo trước tiên phải đúng sự thật, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bởi theo Bác, sự thực vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy nguyên lý viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự giai cấp và nhân loại”. Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.

Thứ hai là tính chiến đấu trong phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính chiến đấu là một đặc trưng tiêu biểu trong phong cách làm báo của Bác Hồ, đồng thời cũng là một chức năng, một thuộc tính của báo chí cách mạng. Báo chí cách mạng là công cụ của Đảng ta, tiếng nói của nhân dân ta, phục vụ vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (08/9/1962), Người căn dặn đội ngũ người làm báo ở nước ta “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”. Người làm báo chí, mà trực tiếp là những người cầm bút phải có bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu cao, đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.

Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh: bqllang.gov.vn

Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh, nổi bật nhất là cách viết ngắn gọn, giản dị. Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Bác luôn căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai xem?”, “Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Viết ngắn không dễ, phải đi thẳng vào nội dung, không lan man khoe chữ làm ra vẻ nhiều kiến thức. Khắc phục được nhược điểm này sẽ đạt được sự giản dị, thiết thực khi viết báo. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối tượng phản ánh và đối tượng phục vụ chủ yếu của báo chí là nhân dân.

Trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Tất cả những nhiệm vụ cách mạng đều là nhiệm vụ của báo chí, nhiệm vụ ấy bao trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh – quốc phòng, quan hệ quốc tế.

Xác định rõ đối tượng chủ yếu của nền báo chí cách mạng, Bác cũng đặt vấn đề về cách viết thế nào cho thật giản dị, chân thực để nhân dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc. Người căn dặn các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹ đẻ của chúng ta mỗi ngày một mai một đi.

Bên cạnh đó, theo phong cách viết báo của Hồ Chí Minh thì người viết báo phải viết bằng cả trái tim đầy xúc cảm. Ngòi bút và ngôn ngữ là phương tiện để nói hộ trái tim mình. Muốn hấp dẫn người đọc, Người thường căn dặn những nhà báo chú ý đến đối tượng người đọc. Bởi, mỗi một tờ báo đều có đối tượng riêng, khác nhau. Bài viết này là hay với đối tượng người đọc này nhưng chưa chắc đã hấp dẫn đối với đối tượng người đọc khác. Thông qua ngôn ngữ báo chí của mình, Hồ Chí Minh muốn biểu đạt tư tưởng của mình cho phù hợp với từng đối tượng người đọc. Hồ Chí Minh nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để tất cả mọi người, từ người bác học đến người dân bình thường đều hiểu được.

Trải qua 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), từ ngày đầu tiên Bác đặt nền móng cho nền Báo chí Cách mạng nước nhà, phong cách viết báo, làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị với người làm báo ngày hôm nay. Cùng với đường lối, tư tưởng cách mạng của Bác, thì phong cách làm báo của Bác mãi luôn là ngọn đuốc rực sáng soi đường chỉ lối cho đội ngũ những người làm báo nói riêng và nền báo chí cách mạng nước nhà nói chung.

 

Theo Thời báo ngân hàng

Video hay

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN