Từ nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách, người dân không chỉ đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà giờ đây họ còn mạnh dạn vay vốn để đầu tư cho con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Cư Êwi là một xã khó khăn của huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, với tỷ lệ hộ nghèo còn cao và thu nhập bình quân đầu người thấp. Đường giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân hết sức bấp bênh. Những năm trở lại đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cùng với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, người dân trên địa bàn xã đã biết đến nguồn vốn ưu đãi từ tín dụng chính sách cho vay XKLĐ, từ đó mạnh dạn vay vốn, tìm kiếm cơ hội việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Cán bộ NHCSXH huyện trao đổi với hộ vay về các chương trình TDCS
Gia đình bà Nguyễn Thị Quý (thôn 1A, xã Cư Êwi) thuộc diện cận nghèo, có đến 10 người con nên đời sống đặc biệt khó khăn. Gia đình không đủ điều kiện để lo cho việc học hành, nên chưa tốt nghiệp THCS, các con của bà đã phải nghỉ học để đi làm thuê, hoặc ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy, cái nghèo vẫn mãi đeo bám.
Tháng 11/2022, con trai bà là Trịnh Xuân Sơn quyết định đi XKLĐ sang Nhật Bản để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo diện hộ cận nghèo để XKLĐ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin với số tiền 61 triệu đồng mà gia đình giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con xuất cảnh. Sau hơn 02 năm làm việc tại Nhật Bản, mỗi tháng trừ đi chi phí sinh hoạt, con trai bà dư ra khoảng từ 18-23 triệu đồng gửi về cho gia đình.
Bà Quý vui vẻ khoe, đến nay con trai bà đã gửi về tổng cộng hơn 250 triệu đồng. Với khoản tiền này, gia đình có thể trả được khoản vay cho con XKLĐ và lo cho cuộc sống của gia đình đầy đủ, tiện nghi hơn trước.
Tương tự, kinh tế gia đình ông Lâm Văn Sáo người dân tộc Nùng (thôn 2, xã Cư Êwi) chỉ trông vào 1,5 ha trồng điều và cà phê. Nhiều năm nay, thời tiết và giá cả lên xuống thất thường khiến thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Bởi vậy sau khi con gái ông là Lâm Thị Hiền tốt nghiệp THPT, gia đình đã quyết định cho con đi XKLĐ.
Sau khi con gái nhận được thông báo trúng tuyển làm lễ tân khách sạn tại Nhật Bản và chi phí hết khoảng 140 triệu đồng, ông lo lắng không biết xoay xở ở đâu. May mắn được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương giới thiệu, ông đã kịp thời tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Chương trình XKLĐ theo diện người dân tộc thiểu số, với số tiền 80 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay đó, con gái ông đã thuận lợi đi XKLĐ và có một công việc ổn định, thu nhập cao. Sau hơn 12 tháng làm việc, hiện con gái ông đã đều đặn mỗi tháng gửi về hơn 20 triệu đồng để gia đình trả nợ và tích lũy cho bản thân sau này.
Cán bộ NHCSXH huyện thăm, động viên gia đình ông Lâm Văn Sáo thôn 2, xã Cư Êwi
Ông Hà Quang Đô, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, trước đây huyện giao chỉ tiêu cho xã mỗi năm có 1- 2 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng nhưng đôi lúc không đạt được. Nguyên nhân một phần do chi phí xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài của một số thị trường tiềm năng khá cao so với khả năng của người lao động.
Kể từ khi thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, số lao động trên địa bàn xã đi làm việc ở nước ngoài tăng lên rõ rệt. Các chính sách này hỗ trợ người lao động tiền ăn, ở, đi lại, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng… để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Đô cho biết thêm.
Ngoài các nguồn hỗ trợ trực tiếp, người lao động ở xã Cư Êwi còn được hỗ trợ vay vốn tại NHCSXH huyện với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, trong những năm gần đây số lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, có nhiều lao động gia hạn hợp đồng hoặc tái tục lại hợp đồng … Lao động chủ yếu làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, lắp ráp linh kiện điện tử mang lại thu nhập cao. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây đời sống của người dân trong xã tăng lên rõ rệt, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang hơn.
Theo đại diện của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin, thời gian qua, đơn vị luôn làm tốt vai trò là trung gian, cầu nối giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Chương trình tín dụng ưu đãi XKLĐ đã được bà con đánh giá cao và hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện công tác cho vay XKLĐ hiệu quả, thời gian tới Phòng giao dịch NHCSXH huyện sẽ tăng cường tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XKLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, giúp người dân nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền đến bà con lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, uy tín, không có các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ để tránh những thiệt hại đáng tiếc khi ra nước ngoài lao động./.
PV