NSND Quốc Chiêm: Các Nhà hát phải chủ động “đãi cát tìm vàng”

18:17 | 03/09/2023

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, các đơn vị nghệ thuật phải chủ động tìm ra hướng đi phù hợp, Nhà nước chỉ đóng vai trò vạch ra đường hướng và hỗ trợ. Đó là ý kiến của NSND Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.


+ Thưa ông, gần đây dư luận khá lo ngại về tình trạng thiếu hụt lực lượng diễn viên trẻ, khi những nghệ sĩ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi. Thực trạng này đối với sân khấu truyền thống như thế nào?

– Rõ ràng hiện nay, các loại hình kịch hát truyền thống trên sân khấu của Thủ đô cũng như cả nước đang thiếu diễn viên trẻ trầm trọng. Lực lượng diễn viên lớn tuổi đã khẳng định được tài năng nhưng đã xuống về nhan sắc và khả năng biểu diễn; đội ngũ diễn viên trẻ thì lại chiếm số lượng ít và họ cũng chưa đủ năng lực để thể hiện tròn vai. Nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều năm không tuyển đủ diễn viên; các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống cũng rất khó tuyển sinh… Thế nên có những vở diễn đạo diễn phải để nghệ sĩ 40 tuổi đảm nhận vai tuổi 20, điều mà chúng tôi gọi đùa là “cưa sừng làm nghé”.

NSND Quốc Chiêm

Tuy nhiên, phải nói cho đúng rằng, những diễn viên nhàng nhàng, chỉ chuyên chạy cờ hoặc đóng vai thứ, đóng vai quần chúng thì các nhà hát cũng không thiếu. Nói thiếu thì đúng rồi nhưng thiếu ở đây là thiếu đào kép chính, trong khi lớp trẻ chưa đủ sức kế tục các bậc đàn anh.

Các nhà hát đang rất thiếu một lớp nghệ sĩ trẻ tài năng, thiếu đào kép chính – những người đủ sức gìn giữ “ngón nghề cha ông”. Từ xưa đến nay, nhà hát ca kịch nào cũng mong có vài đôi đào kép để đảm nhiệm những vai chính của vở diễn. Nhưng hiện nay, những nghệ sĩ có thể đảm nhận được những vai đào kép chính như vậy đang rất thiếu, kể cả tuồng, chèo hay cải lương… Đó mới là vấn đề chính của các đơn vị nghệ thuật truyền thống.

+ Tình trạng thiếu đào kép như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến vở diễn, thưa ông?

– Tôi đã từng làm giám khảo rất nhiều liên hoan, hội thi và trong những kỳ cuộc đó ai cũng thấy rất rõ rằng tài năng diễn viên ảnh hưởng ngay đến chất lượng vở diễn. Người nghệ sĩ bao giờ cũng giữ vai trò trung tâm của nghệ thuật sân khấu. Một vở diễn chỉ trung bình thôi nhưng có dàn diễn viên giỏi, đào kép giỏi thì sẽ tôn vở diễn lên gấp mấy lần. Còn không thì vở diễn cứ bình bình thôi và tác phẩm sẽ không lên được, khán giả xem sẽ rất chán.

Ngày xưa tại sao có chuyện khán giả xem tuồng, xem chèo đến thuộc cả tích trò rồi nhưng họ vẫn háo hức đến xem một vở diễn, bởi vì có đôi đào kép mà họ hâm mộ. Cũng vở diễn ấy nhưng đào kép khác đóng họ không mua vé, không xem.

Nghệ sĩ Quốc Chiêm trong vai vua Lý Thánh Tông (vở chèo “Lý Thường Kiệt”).

Quay lại chuyện thiếu diễn viên tài năng, thiếu đào kép. Xưa nay ta vẫn nói người diễn viên phải cần “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”. “Thanh” là giọng hát, “sắc” là sắc đẹp, những cái đó là bẩm sinh, trời cho; còn “thục, tinh, khí, thần” sau này về nhà hát anh có thể học để phát triển lên. Mà nhan sắc nghệ sĩ không kéo dài mãi, nó lên rồi xuống theo dạng hình chóp.

Các cụ vẫn có câu “thầy già, con hát trẻ”. Sân khấu cần phải tận dụng những lúc diễn viên đạt độ “đỉnh” của sắc đẹp và tài năng. Nghệ sĩ đã có tuổi, đã qua thời đỉnh cao, sắc đã xuống, hơi không còn như xưa nữa thì làm sao có thể thể hiện tốt vai diễn trẻ, làm sao vai diễn còn đủ sức hấp dẫn, thuyết phục người xem?

+ Nói về tình trạng các nhà hát không thu hút được lực lượng lao động trẻ, nhiều người đã phân tích về thu nhập, về chuyện “cơm áo gạo tiền”. Vậy, ngoài nguyên nhân từ đời sống, kinh tế còn có nguyên nhân nào khác không?

– Đúng là nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được đời sống anh em. Các cụ nói “an cư mới lạc nghiệp”, đầu tiên là phải giải quyết chỗ ăn ở đã. Diễn viên khi vào nhà hát, họ phải tự lo chỗ ở, việc này đối với các tỉnh, họ có quỹ đất, có nhà tập thể thì có thể tạm yên tâm nhưng ở Hà Nội thì khó lắm. Sau nữa là lương bổng, thu nhập. Đồng lương của nghệ sĩ cũng chỉ tính theo trung cấp, cao đẳng, đại học, nói tóm lại chung một rọ với các ngành nghề khác, trong khi, nghệ thuật là tài năng.

Ngày xưa, còn có khoản bồi dưỡng “thanh sắc”, bản thân tôi ngay từ lúc đi học, chưa nói khi làm diễn viên, cũng đã được chế độ đường sữa. Nay tất cả mọi thứ, kể cả tiền son phấn trang điểm đều tính cả vào tiền thù lao đêm diễn, mà cũng rất ít, không đáng bao nhiêu cả. Rồi nghệ sĩ họ cũng phải lo cho cả hậu phương, cả gia đình nữa chứ. Thực tế là nhiều nghệ sĩ đã phải xoay sở rất nhiều để nuôi nghề chính, nhưng cuộc sống cũng rất chật vật. Nghệ sĩ mà không nuôi được gia đình, vợ con, thậm chí chưa nuôi nổi mình nữa thì họ đâu còn hứng thú để hoạt động nghệ thuật.

Nguyên nhân nữa, theo tôi cũng rất quan trọng, đó là xã hội không còn coi trọng các loại hình nghệ thuật truyền thống như xưa. Thời bao cấp, người ta thích đi văn công, văn nghệ; ngay ở gốc gác làng xã người ta đã chuộng hát chèo, hát cải lương. Các em nghe về tích chèo, giai điệu chèo từ nhỏ rồi ngấm vào máu thịt khi nào chẳng biết. Vì thế, các đoàn có sẵn nguồn, khi cần diễn viên có thể về tận làng xã, xem các em hát để tuyển chọn.

Nay các em không mê say các loại hình văn hóa truyền thống nữa mà thích điện ảnh, thích ca nhạc vì dễ trở thành ngôi sao. Bởi vậy, trong khi truyền hình, điện ảnh có nhiều, t

hậm chí là “nở rộ” những gương mặt trẻ thì sân khấu kịch hát truyền thống lại luôn đối mặt với bài toán khủng hoảng diễn viên tài năng trẻ.

Nghệ sĩ Quốc Chiêm – vai Hoàng tử trong vở chèo “Tấm Cám”.

Thêm nữa, ngày xưa, ở thế hệ chúng tôi, ai cũng rất mong, có thể nói là vinh dự khi được đưa vào đóng vai đào kép. Nhưng bây giờ, nghệ sĩ có rất nhiều sự quan tâm khác, họ vẫn phấn đấu đấy nhưng sự nhiệt huyết và kiến thức văn hóa vẫn còn chưa được như chúng tôi mong muốn.

Tôi nói ví dụ, thời chúng tôi rất khó khăn, để học một câu hát, một ngón đàn, nhiều khi phải “nịnh” rất lâu để các nghệ nhân giảng giải, chỉ dạy cho… Nhưng bây giờ, có khi gọi các em đến truyền dạy một ngón nghề “độc” thì lại có điện thoại, vậy là các em bảo “thầy nhanh nhanh lên để em còn có việc”. Các em chạy theo cơm áo gạo tiền nhiều quá, người có khả năng một chút thì không chỉ hát chèo mà diễn đủ thứ từ ca kịch, thời trang, tấu hài… mà họ gọi là “lẩu thập cẩm”. Cách làm đó sẽ khiến chúng ta mất đi những gì tinh tuý nhất, hay nhất của nghệ thuật truyền thống.

+ Trước tình trạng ấy thì các nhà hát xoay sở thế nào, thưa ông?

– Không có cách nào khác là các nhà hát phải “đãi cát tìm vàng” thôi. Giải quyết việc thiếu hụt đó phải là trách nhiệm của nhà hát, của lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, không thể đổ cho việc không có tiền, không có lương nên tôi không tuyển được người. Mỗi nhà hát phải tìm ra được một cách làm phù hợp với mình bởi hiện nay Nhà nước cho phép xã hội hóa, rồi có cơ chế tự chủ, cơ chế đặt hàng… Các nhà hát phải chủ động trong việc tìm kiếm tài năng, đào tạo họ, điều này các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội đã làm và đang làm rồi.

Quan trọng nhất là họ phải tự chủ, phải được quyết định. Rồi các nhà hát có thể xây dựng quỹ hoặc một thành lập một quỹ chung về phát triển tài năng từ nguồn xã hội hóa, có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước. Những cơ quan quản lý như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa các tỉnh cần ra được cơ chế chính sách phù hợp và hướng dẫn, hỗ trợ cho công tác đào tạo, cho các đơn vị nghệ thuật hoạt động đúng hướng.

+ Xin cảm ơn ông!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nsnd-quoc-chiem-cac-nha-hat-phai-chu-dong-dai-cat-tim-vang-post262616.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng