Nhiều người cho rằng Hòa Thân chỉ là một kẻ tiểu nhân, tham lam vô độ, không có tài cán gì. Tuy nhiên, Hòa Thân thực sự là một người tài giỏi trong nhiều lĩnh vực.
Sau khi bị Gia Khánh hoàng đế xử tử, những tài liệu có liên quan đến Hòa Thân đã bị hủy hoại rất nhiều. Phần lớn tư liệu lịch sử, cũng như những câu chuyện trong dân gian đều nói về những điểm xấu của Hòa Thân.
Tuy nhiên, cần phải xác định trên thực tế, Hòa Thân làm quan dưới thời Càn Long, một vị minh quân, làm nên thời “Khang Càn thịnh thế”. Nếu không có công trạng gì mà chỉ biết tham nhũng, phá hoại, chắc chắn Hòa Thân đã sớm mất đầu chứ không thể ngày càng leo lên những chức vị cao như vậy.
Trước hết, về mặt quân sự. Dưới thời Càn Long, Hòa Thân cũng từng có nhiều lần đảm nhiệm những chức vụ như làm đốc quân, cung ứng quân nhu, hậu cần, hoạch định chiến lược và đều có những đóng góp nhất định. Năm Càn Long thứ 44 (năm 1782), nổ ra cuộc khởi nghĩa Tô tứ thập tam tại tỉnh Cam Túc, đích thân Hòa Thân cùng A Quý đem quân trấn áp và giành được thắng lợi.
Trong lĩnh vực kinh tế, Hòa Thân cũng có nhiều cống hiến. Thanh sử cảo chép: Năm 52 Càn Long (năm 1788), giá gạo trong thành Bắc Kinh lên rất cao, các hộ đều tích trữ hàng. Giá cả đắt đỏ khiến dân thành thị, đặc biệt là dân nghèo kêu đến tận trời.
Trước tình hình đó, Hòa Thân ra lệnh cấm dân trong thành không được tích trữ quá 50 thạch lương thực (1 thạch = 120 kg), nếu không đều phải trị tội. Hòa Thân còn chủ trương đem 6.000 thạch gạo trong kho của triều đình ra bán giá rẻ, nhằm hạ giá gạo. Các thương nhân trong thành đều phản đối, chỉ có Lưu Dung ủng hộ ông ta.
Trong việc quản lý tài chính, Hòa Thân cũng đặc biệt có tài năng. Trước khi Hòa Thân nhậm chức tổng quản phủ nội vụ, cơ quan này thường thu không đủ chi. Từ sau khi Hòa Thân đến, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, phủ nội vụ không những chu cấp đầy đủ tiền bạc cho hoàng cung, lại còn có thể trích ra một phần cho các phủ bên ngoài.
Theo Thanh sử, khi đảm nhiệm công việc thu thuế tại Sùng Văn Môn, Hòa Thân làm việc rất nghiệm ngặt, hiệu quả. Dân ở xung quanh thành Bắc Kinh đều biết mà tự giác. Khi đi qua cổng thành, họ đều phải giắt tiền lên vành mũ, để quan thu thuế tự rút tiền ra. Số thuế Sùng Văn Môn thu được, mỗi năm nộp lên 173.200 lạng bạc, đứng thứ tư trong 300 trạm thuế cả nước.
Hòa Thân cũng là một nhà ngoại giao xuất sắc. Ông thông thạo 4 thứ tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng. Tương truyền, vào sinh nhật lần thứ 70 của Càn Long, một vị Đại Lạt (người đứng đầu giáo phái Lạt Ma – Phật giáo ở Tây Tạng) có gửi cho Càn Long một bức thư chúc thọ được viết bằng tiếng Tây Tạng. Cả triều đình không ai dịch nổi, chỉ riêng Hòa Thân dịch được và còn thay Càn Long viết chiếu thư trả lời.
Dưới thời Càn Long, tất cả những công việc ngoại giao với nước ngoài, đặc biệt là với Anh quốc, đều do Hòa Thân toàn quyền quyết định. Năm 1793, một đoàn sứ giả lớn của nước Anh đến Trung Quốc, Hòa Thân đã đứng ra tiếp đón và hoàn thành xất sắc nhiệm vụ.
Người Anh đã yêu cầu Trung Quốc cho họ được tự do buôn bán, lại còn đòi được giảm, miễn thuế và được sử dụng một số hòn đảo tại Quảng Châu làm nơi tập kết hàng hóa. Trước những yêu sách như vậy, Hòa Thân đã cứng rắn từ chối.
Thanh sử chép lại việc Hòa Thân đối đáp với sứ thần Anh quốc là Mã Giáp Nhĩ Ni (Mac Cartrey) như sau:
– Đây không phải là các ngài (nước Anh) muốn xây dựng một quốc gia khác trên lãnh thổ của chúng tôi hay sao? Quý quốc yêu cầu được sử dụng đất đai của chúng tôi mà không cho phép chúng tôi phòng bị gì cả. Việc như thế này thì làm sao còn có thể thương lượng thêm nữa.
Ngày hôm sau, Hòa Thân gọi Mã Giáp Nhĩ Ni tới, tặng cho ông ta rất nhiều lễ vật. Sau đó, đưa quốc thư của Càn Long cho ông ta, tỏ ý hãy mau về nước. Thái độ ngoại giao của Hòa Thân vừa khéo léo vừa cương quyết. Trong bản hồi ký của mình, sứ thần Mã Giáp Nhĩ Ni cũng tỏ ra rất khâm phục Hòa Thân.
Trong lĩnh vực văn hóa, Hòa Thân cũng là người đứng ra làm tổng tài biên soạn Tứ khố toàn thư, một tác phẩm có quy mô khổng lồ của triều Thanh. Ngoài ra, ông còn có công trong việc phát hiện, hoàn thiện và bảo vệ tiểu thuyết Hồng Lâu Mông, một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc. Có thể nói, Hòa Thân là một con người đa tài nhưng cũng lắm tật.
Theo Danviet