Âm nhạc dân tộc trong dòng chảy đương đại

13:25 | 11/12/2018

Âm nhạc dân tộc đang được bảo tồn phát huy ra sao, làm thế nào để âm nhạc truyền thống VN có sức sống thực sự giữa dòng chảy hội nhập…


 

Diễn tấu nhạc cụ dân tộc trong kịch xiếc Làng tôi, vở được lưu diễn tại châu Âu, Hồng Kông và đang diễn tại Hà Nội. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đó là những vấn đề được đặt ra trong không ít những liên hoan âm nhạc, hội thảo, trò chuyện chuyên đề thời gian gần đây.

Diễn ra trong tuần lễ cuối tháng 11 qua tại Nhạc viện TP.HCM, Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế đã thu hút gần 100 nghệ sĩ tham gia biểu diễn sôi nổi, trong đó có gần 40 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ: Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Ba Lan, Đảo Mauritius, Ghana, Đài Loan.

Các nghệ sĩ đã vừa biểu diễn, vừa giới thiệu những nét đặc sắc của nhạc cụ, phương thức trình diễn âm nhạc dân tộc nước mình. Đây là lần đầu tiên Nhạc viện TP.HCM đứng ra tổ chức một liên hoan âm nhạc dân tộc quốc tế, với mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về cách gìn giữ và phát huy giá trị nhạc dân tộc trong cuộc sống hiện đại giữa các nghệ sĩ thế giới.

Trong khuôn khổ liên hoan, cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ âm nhạc dân tộc TP.HCM lần 1 – 2018, với quy mô mở rộng gồm 6 chuyên ngành nhạc cụ: đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt (kìm), sáo trúc, đàn cò (nhị) và guitar phím lõm cũng thu hút gần 90 thí sinh đến từ nhiều thành phố trên cả nước tranh tài.

Th.S-NSƯT Huỳnh Văn Khải, giảng viên Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM, thành viên ban giám khảo của chương trình, cho biết: “Có nhiều thí sinh đạt giải cao ở độ tuổi 13, 14. Có cả thí sinh mới 5 tuổi nhưng chơi đàn bầu rất điệu nghệ. Điều này làm chúng tôi thấy phấn khởi, khi việc tìm hiểu và chơi nhạc cụ dân tộc có vẻ đang ngày càng được các bạn trẻ quan tâm, chứ không riêng học viên ở các khoa âm nhạc dân tộc của các học viện”.

Ngoài kỳ vọng Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế trở thành hoạt động thường niên, ông Khải cho rằng mô hình liên hoan (vừa biểu diễn, thi, nói chuyện chuyên đề) nếu được Sở VH-TT các tỉnh tổ chức thì cũng sẽ tạo ra sân chơi âm nhạc dân tộc thú vị cho cả nghệ sĩ và công chúng.

Đức Trí, một trong những nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu hiện nay, cho biết đàn bầu là cánh cửa mở rộng đưa anh đến với âm nhạc. Dấu ấn của nhạc dân tộc có thấy khá rõ trong nhiều chương trình, tác phẩm nhạc nhẹ do anh tham gia hòa âm, sáng tác và sản xuất. Mới đây, khi làm khách mời tại tọa đàm Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương (tổ chức ngày 7.12 ở TP.HCM), anh thẳng thắn:

“Sân khấu truyền thống, âm nhạc dân tộc từ khi ra đời tự thân nó đã sinh sôi, phát triển, vì nó gắn liền với đời sống dân gian. Tuy nhiên đến lúc này, khi có nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại hơn thì âm nhạc dân tộc cần phải được bảo tồn và tạo cho nó sức sống riêng. Để làm được việc này rất cần đến sự tham gia làm nhạc, chơi nhạc của người trẻ. Chúng ta nên có cái nhìn cởi mở với cách làm, cách chơi nhạc dân tộc của họ. Nên chấp nhận nhiều cách thể hiện, sáng tạo nhạc dân tộc khác nhau, miễn sao phải giữ được cái gốc và được khán giả đón nhận, chứ không phải mang đi giới thiệu, giao lưu là nhạc dân tộc sẽ có đất sống”.

NSƯT đàn tranh Hải Phượng cho biết, các nước chị từng đến biểu diễn, giao lưu đều có chính sách tài trợ của nhà nước hoặc các doanh nghiệp đối với loại hình âm nhạc dân tộc. Chị lấy ví dụ, nhiều tập đoàn Hàn Quốc có học bổng cho những sinh viên xuất sắc theo học âm nhạc dân tộc. Ở VN, từ năm 2017 các sinh viên theo học chuyên ngành nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện TP.HCM và các trường nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT-DL cũng đã được giảm 70% học phí so với sinh viên các ngành khác. “Đây là một chính sách kịp thời và rất cần thiết để thu hút sinh viên đến với âm nhạc dân tộc”, NSƯT Hải Phượng nhận xét.

Việc đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ cũng đang bắt đầu được ngành giáo dục quan tâm. Thời gian gần đây, các nghệ sĩ biểu diễn nhạc dân tộc có thêm “đất dụng võ” khi Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh việc giáo dục âm nhạc dân tộc trong nhà trường từ đầu năm nay. B

ên cạnh đó, Sở VH-TT TP.HCM cũng đang triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM, trong đó có nội dung phối hợp biểu diễn và giảng dạy trong môi trường học đường… “Tuy các hoạt động này mới bắt đầu, nhưng tôi cho rằng, việc giáo dục âm nhạc dân tộc trong nhà trường nếu được tổ chức hấp dẫn thì đây chính là một trong những phương pháp tốt để truyền tình yêu âm nhạc đến với người trẻ”, Hải Phượng nói.

 

Video hay


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình