70 năm bài hát ‘Người Hà Nội’

9:17 | 16/04/2018

Cho đến nay, sau hơn 70 năm ra đời, bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi vẫn được coi là ca khúc hay nhất về thủ đô đất nước. Đây là bài hát đã được Nguyễn Đình Thi bắt đầu sáng tác trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội và hoàn chỉnh hơn một năm sau đó tại chiến khu Việt Bắc…

 

Ngày 14 tháng 10 năm 2017, nhân mừng 63 năm ngày giải phóng thủ đô, tại tư gia nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai  nhà văn Nguyễn Đình Thi, đã diễn ra cuộc giao lưu đầm ấm kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm bất hủ của Nguyễn Đình Thi, bài hát “Người Hà Nội”.

Nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ… đã đến chung niềm vui với “Người Hà Nội”, qua 70 mùa xuân, vẫn đồng hành với dân tộc. Mọi người lắng nghe lại bản thu âm bài hát bất hủ này do Nghệ sĩ Trần Khánh cùng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi bản thu âm do NSND Lê Dung trình bày. Sau đó, Hiền Anh Sao Mai hát “Người Hà Nội” với tất cả nhiệt huyết của một ca sĩ trẻ. Nhà văn, nhạc sĩ Phạm Việt Long công bố ca khúc phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Đình Thi “Ngày về”, với tiêu đề “Hà Nội ngày về” do ca sĩ Hiền Anh đã trình bày .

Nguyễn Đình Thi kể rằng ông bắt đầu viết Người Hà Nội vào đầu năm 1947, trong dịp gần Tết nguyên đán. Khi đó quân và dân Hà Nội đang trong những ngày “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Thời gian này, Nguyễn Đình Thi cùng nhà báo Thép Mới, bạn học từ trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Ông rời Hà Nội ra ngoại thành đúng vào đêm 19 tháng 12 tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội.

Ca sĩ Hiền anh và các bạn trẻ tại buổi giao lưu

Đêm trước đó, Nguyễn Đình Thi đã được ông Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng tận tay trao “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch gửi tới quốc dân đồng bào và yêu cầu bằng mọi cách phải đưa được lời kêu gọi đó lên phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng rãi nhất, tới mọi tầng lớp nhân dân. Và trên trang nhất báo Cứu Quốc, số báo đặc biệt, đã đăng trang trọng trên trang nhất những lời kêu gọi của Bác: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Số báo này đã kịp đến tay các chiến sĩ cảm tử Liên khu I đang chiến đấu nơi 36 phố phường cổ kính của Thủ đô.

Nguyễn Đình Thi qua Hà Đông và dừng chân ở làng Khúc Thuỷ bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà bên kia sông lúc bấy giờ là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ mặt trận Hà Nội đưa về.

Tại đây, ý tưởng viết một ca khúc về thủ đô linh thiêng, hào hoa, đau thương và bất khuất đã hình thành trong ông.

Như một ngẫu nhiên, trong ngôi nhà Nguyễn Đình Thi ở làng Khúc Thủy có một chiếc đàn piano của đồng bào tản cư bỏ lại. Một buổi tối, ông ngồi vào đàn, trong tiếng pháo gầm và bầu trời Hà Nội rực cháy, những giai điệu và ca từ đầu tiên cứ tự nhiên trào trên phím đàn: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà Hồ Tây, đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà nội mến yêu. Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng ầm ầm rung. Hà Nội vùng đứng lên, sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên…”… Và dòng nhạc cứ thế rạo rực tuôn chảy “Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng” và “Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô tíu tít gánh gồng….Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai” rồi tạm kết thúc ở câu “Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu. Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi”…

Nhà báo Thép Mới tình cờ đọc được những dòng nhạc Nguyễn Đình Thi viết nháp trên một tờ giấy và bài hát được in ngay ở báo Cứu quốc Tết 1947 gởi tặng các chiến sĩ trung đoàn quyết tử Liên khu Một (sau được tổ chức thành Trung đoàn Thủ đô). Lúc ấy bài hát có tên là Bài hát của một người Hà Nội. Sau đó, lãnh đạo Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tổ chức thu thanh ngay bài hát. Hồi đó, phòng thu ở trong một cái hang gần chùa Trầm. Biểu diễn để thu thanh với Nguyễn Đình Thi có hai người Đức – một là tiến sĩ triết học, một là tiến sĩ sử học, trước ở trong quân đội Pháp, sau bỏ quân đội Pháp theo ta. Một anh đàn banjo, một anh gõ thìa đệm cho Nguyễn Đình Thi hát.

Sau khi chuyển lên Việt Bắc, chính trong Thu Đông năm 1947, khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn rồi đánh lên Thái nguyên, Tuyên Quang, Nguyễn Đình Thi đã viết tiếp bài hát về thủ đô mà ông thấy còn dang dở. Đó là đoạn ca khúc mà ông gọi là Ngày về bắt đầu từ “Một ngày thu non sông chiến khu về. Đường vang tiếng hát cuốn dòng người…”  cho đến “Này lớp lớp người đi ánh sao tưng bừng chói lói lòng ta. Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời khải hoàn. Nhìn đây máu chúng ta tưới bao nhiêu đất này, ta tưới ngày mai vút lên. Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông” và kết thúc “Mắt Người sáng láng vàng sao thắm tươi trán Người mái tóc bạc thêm. Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười. Ngày về… chiến thắng!”. Từ trong những tháng ngày khó khăn gian khổ nhất của kháng chiến, trong trùng vây của kẻ thù xâm lược, Nguyễn Đình Thi đã nhìn thấy một ngày ca khúc khải hoàn, ngày sóng sông Hồng reo vui chào đón Bác Hồ cùng đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô trong rừng cờ sao chói lọi.

Đầu năm 1948, khi Nguyễn Đình Thi hoàn chỉnh bài hát Người Hà Nội với đoạn Ngày về trên, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết phối khí cho một dàn nhạc dây và bài hát được biểu diễn lần đầu cũng vào năm 1948 ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên với dàn nhạc dây do chính Nguyễn Xuân Khoát chỉ huy.

Năm 1951, Nguyễn Đình Thi đã đưa bài hát Người Hà Nội đến với Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới tại Berlin. Ở đây, Người Hà Nội đã được một dàn nhạc người Đức diễn tấu với bản phối của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát do Nguyễn Đình Thi đem theo và chuyển cho Ban tổ chức. Người Hà Nội cùng với Sông Lô, Làng tôi của Văn Cao và vài ca khúc Việt Nam vinh dự là một trong những bản tân nhạc đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam được giới thiệu với bạn bè thế giới…

Ra đời ngay trong khói lửa của ngày toàn quốc kháng chiến trên mặt trận

thủ đô và hoàn chỉnh sau đó tại chiến khu Việt Bắc,  “Người Hà Nội”, cho đến nay, sau 70 năm, vẫn là bài hát hay nhất, trang trọng nhất, bề thế nhất, “Hà Nội” nhất trong hàng nghìn ca khúc hay về thủ đô thân yêu của đất nước.

 

 

Theo Thùy Linh/VHVN

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử