Những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng năm học 2023-2024

14:40 | 31/08/2023

Thiếu giáo viên, giáo viên thiếu động lực, vấn nạn dạy thêm, học thêm, thương mại hóa trong các hoạt động trải nghiệm đang là những biến tướng trở thành rào cản cho việc nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới 2023-2024.


Thiếu giáo viên cục bộ

Năm học 2023-2024 sắp bắt đầu tuy nhiên còn đó nhiều nỗi lo lớn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên là nan giải nhất.

Theo thống kê, hiện nay, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

Ngoài thiếu giáo viên, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

Năm học 2023- 2024 đang gặp phải nhiều rào cản cần thiết phải quán triệt sớm để chất lượng giáo dục được nâng cao (ảnh Trinh Phúc).

Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên đến từ việc số trẻ đến trường năm học 2022 – 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Ở cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 – 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên).

Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên). Ngoài ra, năm học 2022 – 2023 toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gồm 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc).

Ngoài ra, do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); Thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp”; việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Thiếu động lực

Giáo viên không chỉ thiếu mà nhiều giáo viên đi dạy thiếu động lực. Điều này bắt nguồn từ việc lương giáo viên thấp, cuộc sống không ổn định. Nhiều giáo viên phải làm trái nghề để có thêm thu nhập. Đi dạy từ nghề chính thành nghề phụ, hoặc không mặn mà yêu nghề. Tình trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc, thiếu nhiệt huyết công việc là rào cản đối với nâng cao chất lượng giáo dục.

Tính riêng năm học vừa qua có 9.295 giáo viên nghỉ việc. Nhiều người dự báo số giáo viên nghỉ việc trong các năm tới sẽ không dừng lại.

Thiếu chuyên môn nghiệp vụ

Hiện nay, trình độ giáo viên theo chuẩn bằng cấp thì đáp ứng. Nhưng vì dạy tích hợp nên các giáo viên phải dạy trái chuyên môn. Việc giáo viên dạy Hóa dạy kiêm cả Vật lý, Sinh học. Giáo viên dạy địa kiêm dạy lịch sử và ngược lại.

Mặc dù giáo viên được tập huấn, trao đổi nghiệp vụ tuy nhiên trong thời gian ngắn không thể khỏa lấp được kiến thức. Đặc biệt, chương trình phổ thông nặng kiến thức, nhiều kiến thức hàn lâm vì thế không thể một sớm, một chiều thầy cô có thể đáp ứng được yêu cầu. Day tích hợp từ chỗ là một trong tâm của đổi mới nay trở thành điểm nghẽn trong triển khai dạy và học hiện nay. Nhiều giáo viên tâm sự, họ thực sự không hiểu vì sao lại có việc dạy tích hợp trong khi kiến thức đòi hỏi chuyên sâu. Ngoài các môn tích hợp thì ngoại ngữ cũng là vấn đề. Nhiều địa phương không có giáo viên, nên dạy học ngoại ngữ được tổ chức trực tuyến. Việc dạy học trong tình trạng dạy trực tuyến kéo dài cả năm trời cũng đang là vấn đề cần quan tâm. Ở các huyện vùng miền núi khó khăn, tuyển được giáo viên ngoại ngữ đứng lớp là thách thức rất lớn. Do đó, chất lượng giảng dạy ngoại ngữ cũng đang là một điểm nghẽn mà không thể giải quyết trong một năm học.

Thiếu cơ sở vật chất

Yêu cầu chương trình phổ thông ngày càng cao, học sinh phải đạt nhiều phẩm chất, năng lực trong đó phải hình thành được năng lực tự học. Muốn tự học thì phải có thư viện, internet miễn phí, tài liệu, sách bổ trợ.

Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng đáp ứng được cơ sở vật chất để học sinh học tập. Nhiều trường học không có thư viện. Đối với những trường có phòng thư viện đọc nhưng thực tế phòng đọc còn nhiều thiếu thốn về tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, không gian đọc chật và thiếu bàn ghế ngồi. Vẫn còn tình trạng lớp học chưa được kiên cố, nhà tranh vách đất. Dạy học trong bối cảnh như vậy rất khó để đạt chuẩn chất lượng.

Vấn nạn dạy thêm, du lịch trải nghiệm

Dạy thêm học thêm là theo nhu cầu, “văn ôn, võ luyện”. Tuy nhiên, dạy thêm đến độ vấn nạn thì đó là mặt trái. Nhiều trường học được tổ chức dạy thêm theo kiểu “điền vào chỗ trống”. Chỉ cần có giờ thừa là tổ chức dạy thêm. Hiện nay, việc dạy Tiếng Anh liên kết trong các trường học được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp đưa giáo viên bên ngoài vào dạy chính khóa trong trường. Việc dạy thu tiền, theo tỉ lệ ăn chia giữa nhà trường và doanh nghiệp. Hình thức này đang tồn tại quá nhiều vấn đề nhức nhối. Ngoài ra, không chỉ tổ chức dạy thêm trong nhà trường mà thầy cô còn liên kết dạy tại các trung tâm, tại nhà. Câu học trò học chính khóa theo học các lớp dạy thêm. Dẫn tới tình trạng dạy thêm thành dạy chính và ngược lại “dạy chính thành dạy thêm”.

Chương trình phổ thông mới được thiết kế tương đối mở, để nhà trường và thầy cô, học sinh có thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, trò chơi…tăng cường vận động, sinh hoạt tập thể… Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn thì trở thành đi du lịch, đi cắm trại, dạy thêm học thêm trá hình. Đã có nhiều học sinh tử vong vì đi theo tua do nhà trường liên kết với doanh nghiệp tổ chức.

Trinh Phúc

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nhung-kho-khan-trong-viec-nang-cao-chat-luong-nam-hoc-2023-2024-post262716.html

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh