Năm học 2023-2024: Tuyển sinh sau đại học giảm, tuyển sinh đại học khả quan

17:06 | 27/08/2023

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 84,56%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 55,86%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 41,86%.


Ngày 26/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Báo cáo kết quả năm học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho biết: Năm học 2022-2023 là năm tiếp theo tự chủ đại học được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ trình bày báo cáo tại Hội nghị (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành, qua đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; cụ thể hóa và nâng cao vai trò của Hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động.

Đến nay, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%); trong đó, 36/36 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT, 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Công tác tuyển sinh đạt nhiều kết quả và chuyển biến khả quan. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 84,56%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 55,86%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 41,86%.

Năm 2023, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.002.100; số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non bằng 65,90% số thí sinh dự thi, với số nguyện vọng đăng ký là gần 3,4 triệu.

Mặc dù số thí sinh thi tốt nghiệp THPT giảm song số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2023 tăng 4,56% so với 2022. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 cũng tăng 7,9% so với 2022.

Trong năm học, khối giáo dục đại học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học về đào tạo. Cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thuận lợi trong thực hiện tự chủ về tuyển sinh và đào tạo.

Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên và được ghi nhận. Các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững.

Tuy nhiên, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành, một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Năm học 2022-2023, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%);

Năm 2023 con số này lần lượt là 118 trong nước (đạt 37%), 130 nước ngoài (đạt 64%).

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiểu chuẩn trong nước;

194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS);

9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 2 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay; 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE WUR 2023, tăng 1 cơ sở so với năm 2022.

Về kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực.

Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ cũng đề cập những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động sự phát triển của giáo dục đại học.

Đó là: Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục đại học với một số văn bản luật khác dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các trường đại học trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo Luật Giáo dục đại học nhưng vẫn phải tuân thủ, thực hiện các Luật liên quan.

Nguồn lực dành cho giáo dục đại học còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ trên dưới 17.000 tỷ, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ.

Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường đại học của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tự chủ đại học còn có hạn chế, có một số vi phạm. Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ lãnh đạo một số cơ sở đào tạo chưa được kiện toàn.

Công tác tuyển sinh vẫn cho thấy các phương thức xét tuyển phức tạp, chỉ tiêu phân bổ chưa hợp lý. Còn hạn chế trong thu hút nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, gắn với đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu…

Trinh Phúc

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nam-hoc-2023-2024-tuyen-sinh-sau-dai-hoc-giam-tuyen-sinh-dai-hoc-kha-quan-post262168.html

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội