Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023): Bài ca cây đuốc lửa – hình tượng đẹp về nghề báo

6:41 | 21/06/2023

Báo chí Cách mạng Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, là vũ khí sắc bén, là phương tiện hữu hiệu để giác ngộ quần chúng, tập hợp và cổ vũ nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Đội ngũ nhà báo – chiến sĩ là một binh chủng đặc biệt, góp phần xuất sắc làm nên những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến.

Ca từ được dệt nên từ những vần thơ tha thiết
Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc làm nên thắng lợi vang dội của Cách mạng tháng Tám, thắng lợi vẻ vang của hai cuộc kháng chiến, trong việc phát hiện và đấu tranh chống tiêu cực, phản biện xã hội; trong việc phát hiện và cổ vũ cho những mầm sống mới tươi xanh, trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ quyền sống, quyền tự do và những lợi ích chính đáng của nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp Đổi mới đất nước từ giữa thập kỷ 80.

Là những nhà báo chuyên nghiệp, thấu hiểu đời sống, thấu hiểu vai trò, sứ mệnh và những đóng góp lớn lao của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại và Trần Kim Hoa đã cùng vẽ nên một hình tượng chân xác, cao đẹp của người làm báo – những người thắp lên niềm tin, là ngọn đuốc lửa thắp lên ánh sáng của Đảng dẫn đường cho cả dân tộc vượt mọi trở ngại, chông gai đi tới thắng lợi cuối cùng của cách mạng, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi thiết tha của Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao, người sáng lập, người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Từ nguồn cảm xúc thiêng liêng đó và với tình yêu đặc biệt dành cho báo chí, nhạc sĩ Đức Giao đã sáng tác nên một nhạc phẩm ý nghĩa về những người làm báo.

Nhạc sĩ Đức Giao sinh năm 1955 trên quê hương đất thép Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1967, ông được Đảng và Nhà nước cho ra miền Bắc học tập tại Thái Bình (nhóm học sinh K8). Sai khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, ông được về lại quê hương Quảng Trị tiếp tục học tập. Năm 1974, sau khi học xong lớp 10, ông đi bộ đội, trong quân ngũ, ông được cấp trên giao phụ trách thêm cho công tác văn nghệ, tuyên huấn, làm đội trưởng đội văn nghệ của trung đoàn, sư đoàn 304, quân đoàn 2…

Sau khi xuất ngũ, ông đi thi lại đại học và học Luật tại Liên Xô 7 năm, năm 1989 về nước, ông làm việc tại Văn phòng Quốc hội, sau đó công tác tại Bộ Tư pháp và nghỉ hưu tại đây năm 2006.

Bản thảo nhạc Bài ca cây đuốc lửa của nhạc sĩ Đức Giao

Nhạc sĩ Đức Giao chia sẻ: Bản thân ông rất yêu nghề báo và cũng hay viết báo. Khi công tác tại Bộ Tư Pháp, ông thường viết cho báo Pháp luật với chủ đề ca ngợi những tấm gương sáng trong ngành Tư pháp, về mảng văn hóa, khoa học pháp lý, qua đó càng làm ông thêm yêu cái duyên nợ với con chữ và thêm cảm phục tấm gương của những nhà báo luôn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, công bằng xã hội và an sinh.

Nhà báo là những người được cả xã hội tin cậy và vinh danh. Trong các lực lượng của xã hội, có thể nói, vai trò của những nhà báo luôn giữ vị trí quan trọng, là những người được Nhân dân tin tưởng và gửi gắm. Những nhà báo đã đồng cảm với những khó khăn của Nhân dân, nói lên tiếng nói của Nhân dân, vạch trần những thói hư tật xấu, những góc khuất của xã hội, nói lên sự thật và bảo vệ cho lẽ phải. Nhà báo là những chiến sĩ kiên trung không chỉ trong thời chiến mà còn cả thời bình.

Nhạc sĩ Đức Giao là hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều sáng tác của ông được anh em nhạc sĩ đánh giá cao như: “Tháng Tư Hà Nội” được giải C trong cuộc thi viết về Hà Nội, năm 2010; “Hà Nội khúc thu sang”; “Khúc thu”.

Trong những sáng tác của mình, ông đặc biệt tâm đắc ca khúc “Bài ca cây đuốc lửa” được sáng tác năm 2021, đã để lại trong ông nhiều cảm xúc và kỷ niệm đặc biệt. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời, khi nhạc sĩ Đức Giao đang trên trại viết của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội ở Đại Lải, Vĩnh Phúc, ông được nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại gửi cho bài thơ mới sáng tác về hình tượng những nhà báo chiến sĩ.

Nhạc sĩ Đức Giao đọc xong, cảm xúc trong ông trào dâng và ngay lập tức, ông đi ra phiến đá dưới gốc cây, ngồi đó và trong đầu ông dần hiện lên những nốt nhạc đi kèm những ca từ cháy bỏng đậm chất hành khúc nhưng trữ tình, bắt đầu từ đoạn điệp khúc: “Mặt đất, dù mịt mù chiến tranh. Bầu trời, dù quay cuồng bão tố. Trang giấy trắng, anh thắp lên ngọn lửa, soi đường đi, đi tới tương lai…”.

Bài hát được ông sáng tác và hoàn thành ngay trong buổi sáng hôm đó với những lời lẽ rất chân thực, không tô son điểm phấn về nghề báo, khắc họa lên hình ảnh người làm báo với một tâm thế hiên ngang, tự hào nhưng tràn đầy tính nhân văn, tình người.

Hình tượng đẹp – “cây đuốc lửa”
Chất liệu quan trọng để tác giả Nguyễn Sĩ Đại và Trần Thị Kim Hoa viết nên bài thơ về nghề báo và những người làm báo phần nhiều có lẽ xuất phát từ những tài liệu hiện vật, hình ảnh về lịch sử báo chí Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Kể từ khi có tờ báo tiếng Việt đầu tiên, trải qua những mốc thời gian đầy biến động, thăng trầm của lịch sử, báo chí Việt Nam có những sự lột xác, đa dạng và phong phú về loại hình gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển, mà chủ lưu vẫn là dòng báo chí cách mạng.

Thông qua những hiện vật kể về những câu chuyện làm báo trong thời kỳ bí mật, chiến trường, thời bình, từ đó, bài thơ toát lên được tính chất và vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam cũng như khắc họa nên một hình tượng đội ngũ những người làm báo đầy nhiệt huyết, nguyện hết lòng đem ngòi bút của mình phụng sự đất nước, nhân dân.

Hình tượng “cây đuốc lửa” là một hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, ý nghĩa khi nói về những nhà báo. Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ đấu tranh mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thì vai trò của báo chí và các nhà báo của chúng ta cũng giống như ngọn đuốc rực lửa, soi đường chỉ lối cho nhân dân bước đi giữa đêm trường tối tăm của bè lũ thực dân, phong kiến.

Những ngọn đuốc ấy luôn luôn phải đương đầu với những nguy hiểm, gian lao, luôn bị kẻ thù tìm mọi cách dập tắt nhưng chúng không thể biết rằng, sức mạnh tinh thần, lý tưởng cao đẹp của những ngọn đuốc ấy là bất diệt. Những nhà báo cách mạng của chúng ta thà chọn cho mình một cái chết cao đẹp chứ nhất quyết không chịu quỳ gối uốn cong ngòi bút trước kẻ thù.

Nhà báo cũng là chiến sĩ, họ sử dụng ngòi bút của mình làm vũ khí, vạch trần tội ác của kẻ thù xâm lược, phơi bày bộ mặt thật mị dân của chúng trước quốc dân đồng bào như tờ Thanh Niên của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vạch ra đường lối đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của nhân dân như những tờ: Tin Tức, Dân Chúng… Kêu gọi sự đoàn kết của mọi tầng lớp để cùng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược như tờ Cứu Quốc…

Những nhà báo lỗi lạc của chúng ta như: Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Hoàng Tùng… được tôi luyện và trưởng thành trải qua những năm tháng đấu tranh trường kỳ, bền bỉ, trong các nhà tù của thực dân. Họ đã dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, góp một phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, cổ vũ và phản ánh khí thế đấu tranh của quân dân ta.

Bài ca cây đuốc lửa được lãnh đạo, nhân viên Bảo tàng Báo chí Việt Nam hát vang trong Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2017 – 2022)

Trải qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, những nhà báo cách mạng càng thấm nhuần lời dạy của Bác: Chiến đấu vì nước, vì dân. Vì một ngày mai non sông thống nhất, những nhà báo không quản ngại gian lao, hiểm nguy, sẵn sàng vượt Trường Sơn đại ngàn, xông pha nơi chiến trường để ghi lại những bức ảnh, những dòng viết phản ánh khí thế đấu tranh của quân dân ta. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì một niềm tin, lý tưởng sắt son cho các thế hệ sau mãi mãi tự hào, noi gương.

Không chỉ có thế, trải qua biết bao thăng trầm, sự tàn phá của chiến tranh, đến khi thời bình, các nhà báo của chúng ta vẫn ngày ngày dùng ngòi bút phản ánh tinh thần thi đua sản xuất, xây dựng nước nhà. Báo chí ca ngợi những tấm gương điển hình những cũng không sợ hãi, chùn bước mà phanh phui ra các vụ tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh tới cùng để bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Câu nói: “Bút sắc, lòng trong, mắt sáng” như một lời tuyên ngôn của các thế hệ người làm báo Việt Nam, đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và là người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Lời Bác dạy luôn thôi thúc những người làm báo chân chính Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, nguy hiểm trong thời chiến cũng như thời bình để hoàn thành một cách vẻ vang nhất sứ mệnh của người cầm bút.

“Bài ca cây đuốc lửa” được nhà thơ Sĩ Đại – Kim Hoa viết nên bằng những cảm xúc đặc biệt thiêng liêng và tình yêu lớn lao đối với sự nghiệp báo chí. Mỗi vần thơ như chứa đựng biết bao sự cảm phục, tri ân đối với những thế hệ người làm báo Việt Nam – Những người luôn luôn “chiến đấu vì nhân dân”.

Hiểu được ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm, cộng thêm sự đồng cảm, biết ơn sâu sắc, nhạc sĩ Đức Giao đã kết nên một cây đuốc lửa thiêng liêng, trầm hùng bằng những nốt nhạc. Đây thực sự là món quà tinh thần đặc biệt cho những người làm báo Việt Nam.

Nguyễn Ba

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/bai-ca-cay-duoc-lua–hinh-tuong-dep-ve-nghe-bao-post252463.html

Cùng chuyên mục

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”