Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống qua đồ chơi dân gian

6:36 | 29/09/2023

Cả đời gắn bó với chiếc đèn kéo quân, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền vẫn đau đáu làm sao để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống.


Hoài niệm một nét văn hoá
Năm nay đã ở tuổi 84, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được biết đến là người dành cả cuộc đời “thắp sáng” cho những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân truyền thống. Bởi vậy, cứ vào mỗi dịp Trung thu, ông lại tất bật với những lời mời từ các đơn vị tổ chức sự kiện văn hoá.

Liên hệ với ông qua điện thoại, người nghệ nhân cao tuổi cho biết, lịch làm việc của ông kín đặc, sáng ngồi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long chiều sang Bảo tàng dân tộc học, sáng mai lại ở đình Kim Ngân… Sự “đắt show” của người nghệ nhân già phần nào đã nói lên tay nghề cũng như sự nổi tiếng của ông, cho dù mấy năm gần đây, đồ chơi truyền thống dần lấy lại vị thế, có thêm khá nhiều người làm loại đồ chơi này.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền thực hiện công đoạn hoàn thiện chiếc đèn kéo quân truyền thống. Ảnh: T.Toàn

Trong buổi chiều muộn, khi vừa trở về từ khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù – một loại đồ chơi truyền thống, làm bằng giấy dán vào khung tre.

Phần quan trọng nhất của đèn là cái tán có hình chong chóng và hình các quân gắn trên vòng tròn xung quanh trục đèn. Khi đốt nến bên trong, không khí nóng bốc lên làm cái tán chuyển động rồi kéo theo hình người lính, hoặc hình các con vật cũng quay theo. Nhìn từ phía bên ngoài sẽ thấy bóng các quân cứ nối đuôi nhau chạy thành vòng tròn. Từ đó đèn có tên gọi “kéo quân”.

Theo ông Quyền, làm đèn kéo quân không khó, nhưng cũng phải “khéo”, nhất là làm tán và trục đèn. Trục phải cân, luôn luôn ở phương thẳng đứng thì đèn mới hoạt động trơn tru. Đặc biệt cái tán phải làm sao cho thật cân thì đèn mới quay được.

Việc làm bộ khung đèn cũng rất quan trọng, bởi vì chúng quyết định đến dáng đèn có cân đối, chắc chắn hay không. Thêm nữa, đôi khi người thợ sơ ý, để sót một sợi tơ tre dù mảnh hơn cả sợi tóc níu vào trục cũng khiến đèn không thể quay. Bởi vậy, ai cũng có thể làm đèn kéo quân, nhưng để sao cho đèn nhẹ, dáng đẹp, bền và quay trơn tru thì không phải ai cũng làm được.

“Có người làm rất chuẩn rồi, nhưng thử đi thử lại cả buổi, không hiểu sao đèn vẫn không quay. Phải là người có kinh nghiệm, tinh ý mới biết lỗi ở đâu”, người nghệ nhân cao tuổi nói.

Ông Quyền cho biết, ông bắt đầu biết làm đèn kéo quân từ năm lên 6 tuổi do được ông và bố truyền dạy. Và như một cơ duyên để rồi thành nghiệp, cái nghề làm đèn đi cùng ông cả một đời người.

Tiếp mạch “hoài niệm nhớ về thời xưa cũ”, người nghệ nhân già kể rằng, cách đây chừng bảy tám mươi năm, trò chơi đèn kéo quân khá thịnh hành mỗi dịp Trung thu. Ngày ấy trẻ con không có nhiều đồ chơi mà phần lớn phải tự làm. Bản thân ông ngày bé cũng rất thạo mấy việc này, chỉ cần với tay lên xé tàu lá chuối là làm ngay được cái kèn thổi tí te. Cũng có thể ra bờ rào ngắt cọng lá dứa dại là dễ dàng làm được một chiếc chóng chóng nho nhỏ.

“Bọn tôi còn đắp lò để làm những chiếc còi bằng đất. Còi bằng đất nung lên thành gạch non, nhúng xuống nước không rã. Làm xong, một cậu trong bọn hứng chí thổi “toe, toe”. Chẳng may lính Tây nghe được, chúng cho rằng thổi còi báo tin cho Việt Minh nên bắt lại, nhốt mất hai hôm”, ông Quyền nhớ lại.

Nhưng rồi sau này những đồ chơi truyền thống dần vắng bóng, thay vào đó những loại đồ chơi Trung Quốc làm bằng nhựa, chạy bằng pin rẻ tiền, bắt mắt, hấp dẫn con trẻ hơn. Ông Quyền buồn lắm nhưng vẫn đau đáu giữ nghề, như để hoài niệm một nét văn hoá còn sót lại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền phục dựng đèn con cua. Ảnh: T.Toàn

Gần đây, với sự trở lại mạnh mẽ của đồ chơi truyền thống, ông Quyền nhận được nhiều lời mời, được nhiều người biết đến khiến ông rất vui. Rồi dần dà, chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao cũng có thêm người mua. Có người ở cách xa hàng trăm cây số, có người ở Anh, ở Pháp cũng gửi đơn đặt hàng. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ coi làm đèn như một thú chơi hơn là một nghề kiếm sống.

“Một chiếc đèn cỡ 40 phân làm ra mất 7-8 tiếng, như năm nay bán ra được 150 ngàn. Công việc làm đèn hoàn toàn thủ công, không thể ra sản phẩm hàng loạt được, lại có mùa có vụ, vì thế trước giờ chẳng ai sống bằng nghề này. Mấy năm trước ở làng có ông Sinh cũng làm, nay bỏ rồi, chỉ còn tôi theo nghề thôi”, ông Quyền cho hay.

Chia sẻ thêm, chị Vân – con gái ông Quyền cho biết – cả gia đình chị có 6 người thì đều biết nghề nhưng chỉ có ông bà túc tắc làm, các con, các cháu đều xác định không đi theo nghề của ông.

Hồi sinh loạt đèn Trung thu cổ
Mùa Trung thu 2023, khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội rực rỡ với các cung đường đèn lồng, các gian trưng bày mô phỏng các gian hàng trên phố cổ ngày xưa bày bán đồ chơi Trung thu. Đặc biệt, có hơn chục mẫu đèn đã thất truyền, nay được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa phục dựng.

Tham gia vào dự án này, được Trung tâm Bảo tồn di sản “đặt hàng” phục dựng những mẫu đèn trong cuốn sách “Kỹ nghệ người An Nam”, ông Quyền mừng lắm vì được thể hiện đúng sở trường hay mày mò tìm hiểu của mình. Trong sách, ông thấy có cả những mẫu đèn, không chỉ dùng cho Trung thu mà các nhà giàu thời xưa thường mua về treo trang trí.

Tuy nhiên, ông Quyền cho hay, dù “cứ theo sách mà làm” nhưng từ hình ảnh và mấy lời mô tả sơ sài, việc phục dựng một chiếc đèn cổ không đơn giản. Qua nhiều lần làm đi làm lại, người nghệ nhân cuối cùng cũng phục dựng thành công những loại đèn cá, đèn cua, đèn tôm, đèn quả lựu… theo cách riêng của mình. Đặc biệt là các loại đèn của ông thường chỉ làm từ khung tre, dán giấy dó hay giấy nến, tuyệt đối không dùng loại giấy bóng kính hiện đại.

“Một số người làm đèn dán giấy bóng kính rồi bảo rằng là lối cổ nhưng ngày xưa làm gì đã có loại giấy này. Trong sách “Kỹ nghệ người An Nam” cũng không nói đến giấy bóng kính mà người ta làm bằng giấy dó rồi tạo màu, tạo độ bóng bằng các nguyên liệu tự nhiên”, ông Quyền nói.

Du khách check-in các gian hàng trưng bày đồ chơi Trung thu tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: T.Toàn

Ông Quyền chia sẻ thêm rằng, gần đây, các loại đèn phục dựng này đã được nhiều người biết đến, chọn mua trong đó có cả người nước ngoài. Cũng từ hai năm trở lại đây, trên mỗi sản phẩm, ông đều dán tem ghi rõ nguồn gốc là do nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền tạo tác.

“Làm đèn, tôi không tính công xá, ai thích thì cho, ai mua thì bán. Nhưng cũng mừng vì đồ chơi truyền thống đã có thị trường, có chỗ đứng. Vài người đến học nghề của tôi đã làm ra hàng và bán được hàng. Đó là niềm vui mừng nhất. Tôi giờ tuổi đã già, cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, cũng là để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống”, ông Quyền chia sẻ.

Khánh Ngọc

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nghe-nhan-nguyen-van-quyen-lan-toa-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-qua-do-choi-dan-gian-post266522.html

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô