Không khí đọc sách của người trẻ trong ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

10:59 | 22/04/2023

Tại các thư viện ở Hà Nội, chưa bao giờ vắng bóng những người trẻ đang lật dở từng trang sách, chìm đắm trong thế giới của tri thức bao la. Những ngày gần đây, không khí đọc và học ấy lại càng mang ý nghĩa đặc biệt.


“Sách và Văn hóa đọc” là cụm từ được nhắc tới nhiều trên các phương tiện truyền thông trong tháng Tư này. Đặc biệt, nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 (ngày 21/4), người dân càng có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về tri thức từ sách, hiểu và nâng cao nhận thức về văn hóa đọc và ý nghĩa của nó với cuộc sống con người.

Thư viện là địa điểm yêu thích của người trẻ yêu sách.

Không khí đọc sách tại thư viện các trường Đại học
Thư viện của các trường Đại học luôn là “ngân hàng sách” chứa nhiều tư liệu, sách quan trọng và đa dạng không, không chỉ liên quan đến những chuyên ngành được giảng dạy ở trường mà còn mở rộng ra nhiều thể loại và lĩnh vực khác.

Tại Học viện Kỹ thuật Mật mã, thư viện là nơi để các bạn trẻ tìm đọc tài liệu môn học, mượn giáo trình, tham khảo nhiều sách chuyên ngành… và là không gian lý tưởng để tập trung học tập, ôn tập kiến thức sau những tiết học trên lớp. Nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023, tại thư viện của trường đã diễn ra nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi như: Phát động phong trào đọc sách; nói chuyện chuyên đề về “Văn hóa đọc trong thời đại 4.0”; giới thiệu sách, hoạt động thư viện; tham quan các mô hình trưng bày sách, báo, ấn phẩm, tài liệu…

Không gian thư viện Học viện Kỹ thuật Mật mã.

Các hoạt động được đông đảo các bạn sinh viên tham gia, khơi dậy được lòng yêu sách, phát huy ý thức tự học, tự đọc, thói quen, kỹ năng đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người.

Bạn Đỗ Mạnh Nghĩa – sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã chia sẻ: “Bình thường thư viện trường mình có nhiều học viên đến và đọc sách. Nhưng những ngày như này, nhờ nhiều hoạt động và sự khuyến khích từ nhà trường, số lượng học viên tới thư viện cũng tăng lên nhiều. Mình cũng hay lên thư viện trường để tìm đọc về các loại sách liên quan đến kỹ năng sống hay khoa học vũ trụ. Lên đây thấy không khí học tập, đọc sách hăng say của mọi người cũng giúp cho mình như được lan tỏa cảm xúc ấy”.

Các hoạt động tại thư viện Học viện Kỹ thuật Mật mã.

Thư viện giới thiệu nhiều đầu sách hay tới sinh viên.

Sinh viên Kỹ thuật Mật mã coi thư viện là kho tàng kiến thức với nhiều sách hay, hấp dẫn.

Khác với không khí có phần khá sôi nổi tại thư viện Học viện Kỹ thuật Mật mã, ngày hôm nay (21/4), thư viện tại trường Đại học Thương Mại có phần… yên ắng hơn, khi người ta chỉ nghe thấy những tiếng lật sách sột soạt, tiếng bút đi trên giấy của các “mọt sách”… như mọi ngày.

Đối với sinh viên trường Đại học Thương Mại, thư viện là không gian lý tưởng để học tập, tìm đọc và mượn nhiều đầu sách hay. Bạn Thu Giang – sinh viên trường, cho biết: “Mình cùng bạn bè rất hay lên thư viện để học tập và đọc sách. Có nhiều sách ở thư viện trường mà mình không thể tìm thấy ở ngoài. Đây là một địa điểm tuyệt vời để chúng mình có thể đắm chìm trong các tri thức của nhân loại”.

Từ tầng 2 đến tầng 6 của thư viện đại học Thương Mại, không tầng nào vắng bóng người đang tìm sách tại các kệ và lật dở các trang sách tại không gian tự học. Tất cả đều chìm trong không khí nghiêm túc, tạo nên văn hóa học và đọc cho mỗi sinh viên.

Thư viện của Đại học Thương mại cũng là không gian đọc thoải mái, sinh viên và các bạn trẻ không phải sinh viên trường cũng có thể mượn sách và đọc tại trường sau khi làm thẻ thư viện.

Các sinh viên chăm chú đọc và học tại thư viện của Đại học Thương Mại.

Các bạn trẻ yêu sách coi thư viện như “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Giới trẻ và nhận thức về văn hóa đọc
Không phải là đang chìm đắm trong không gian thư viện tràn ngập đầu sách, trên con đường Hồ Tùng Mậu có một người đàn ông đợi đón con tan học tranh thủ mắc võng để… đọc sách. Ông Hoàng Văn Long (59 tuổi) tại Hoàng Mai chăm chú đọc sách mặc cho đường xá tấp nập xe qua, tiếng động cơ, còi xe inh ỏi.

Người cha ngày nào cũng có mặt tại vỉa hè đoạn đường này vào giờ trưa, với hành trang là một chiếc võng và cuốn sách nhỏ. Ông tâm sự: “Tôi hay đọc sách, ngày nào đến chờ con tan học cũng đem theo sách để đọc lúc thời gian rảnh. Tôi hay thích đọc các thể loại sách văn học, tiểu thuyết kinh điển nước ngoài, kỹ năng sống, sách về xã hội thời mới bây giờ…

Tôi nghĩ sách là một kho tàng tri thức vô tận, nhiều bạn trẻ mải xem trên các thiết bị điện tử, công nghệ mà không để ý đến sách mấy. Các bạn có thể biết thông tin, tri thức chỉ bằng cách tìm trên mạng nhưng thực ra đọc sách mới là đáng quý, đáng xem. Ở nhà tôi hay khuyến khích con đọc sách, còn có cả kệ sách bao nhiêu là sách hay, nhưng các con lại không hứng thú bằng các thiết bị điện tử.

Thói quen đọc sách này tôi có từ khi còn trẻ. Như thời của chúng tôi làm gì có dễ dàng mua được sách, tìm được sách như bây giờ. Có thư viện hay tiệm sách to nào là quý lắm, rủ nhau đến tìm, đến thuê về đọc về học, cứ đọc hết lại ra thuê quyển khác. Hồi ấy ra ngoài thấy mọi người cầm sách báo trên tay nhiều, giờ thì ít hơn, thấy cầm điện thoại là nhiều”.

Ông Hoàng Văn Long và “hành trang” mỗi ngày khi đợi con tan học.

Trên khuôn viên các trường đại học hay trên vỉa hè của các con đường tại thủ đô Hà Nội, quả thật để tìm kiếm những bạn trẻ đang cầm điện thoại di động là không hiếm, nhưng lại khó để thấy những ai đang nâng niu cuốn sách trên tay, chăm chú đọc nó trong lúc rảnh.

So với sách, những thiết bị điện tử đa chức năng có sức hút và hấp dẫn hơn trong mắt giới trẻ. Nhiều người cho rằng đọc các thông tin, sự kiện trên mạng xã hội hay tìm kiếm kiến thức chỉ cần bằng một vài thao tác trên điện thoại sẽ dễ dàng hơn so với việc tìm kiếm và mua các đầu sách, đọc và nghiền ngẫm kỹ để có thể lấy được thông tin.

Công tác truyền thông cũng như nhiều hoạt động, ngày hội sách đang ngày càng đưa văn hóa đọc đến gần hơn với giới trẻ.

Tuy nhiên, văn hóa đọc và sách trong những năm gần đây đã dần được các bạn trẻ quan tâm hơn. Những ngày hội về sách và văn hóa đọc được tổ chức sôi nổi và đa dạng, nhiều thư viện, trường học biết cách truyền thông đã lan tỏa được niềm yêu sách, sở thích đọc sách tới đông đảo giới trẻ.

Bạn Dương Ngọc Long (23 tuổi) cho biết: “Những năm gần đây mình cảm nhận được dần có thêm nhiều người yêu sách hơn. Những hội sách được tổ chức nhiều, các ngày hội văn hóa đọc cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, điều này khiến cho mình cũng như các bạn trẻ hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của văn hóa đọc. Mình mong rằng ngày 21/4 sẽ trở thành ngày hội lớn thực sự cho những “mọt sách”, người yêu sách như chúng mình”.

Bài và ảnh: Minh Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/khong-khi-doc-sach-cua-nguoi-tre-trong-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-post244666.html#p-2

Cùng chuyên mục

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!