Khi nhà báo gắn kết cộng đồng, lan tỏa những hành động nhân ái

12:02 | 19/04/2023

Nghề báo giúp nhà báo Trần Thị Hương có cơ hội được đi nhiều và đến được những khu vực vùng núi còn khó khăn. Không chỉ dừng lại ở những tin, bài về vùng đất con người nơi đó, chị còn luôn gắn hoạt động tác nghiệp của mình với những hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng.


Nặng lòng với trẻ em vùng cao

Nhà báo Trần Thị Hương vốn là giáo viên trường tiểu học, sau nhiều năm công tác trong ngành giáo dục đến năm 2011, chị chuyển về làm việc tại Văn phòng đại diện báo Tài Nguyên & Môi trường khu vực Tây Bắc. Xuất phát từ giáo viên nên chị đã thấu hiểu sâu sắc những khó khăn hàng ngày mà các em học sinh miền núi nói riêng và ở tỉnh Điện Biên nói chung.

Từ Hà Nội lên công tác ở Điện Biên đã hơn 20 năm nhưng qua mỗi chuyến công tác ở các xã huyện miền núi khó khăn chị vẫn không khỏi mủi lòng khi nhìn thấy những khó khăn vất vả của các em học sinh tại các điểm trường xa trung tâm. Đó là những gia đình đồng bào đang vào mùa giáp hạt, vùng bị thiên tai hạn hán mất mùa, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… Tất cả những câu chuyện này mặc dù đã gặp rất nhiều nhưng với chị cảm xúc vẫn như ngày đầu.

Chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” được duy trì suốt hơn 3 năm qua cho các bệnh nhân tại các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé và huyện Điện Biên. Ảnh: NVCC

Nhớ về kỷ niệm trong rất nhiều chuyến tác nghiệp, nhà báo Trần Thị Hương cho biết, “cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến về một xã miền núi để viết bài, tôi dừng chân bên đường để ăn lương khô thay cho bữa trưa, đang định ăn thì có một em bé người Mông đứng nhìn bên cạnh. Tôi đã để phần ăn đó cho em, nhưng em bé này không ăn mà để nhường cho em bé hơn. Ngay sau đó có thêm nhiều em khác cũng đến… các bé bẻ chiếc bánh, không may một phần bị rơi xuống đất, lấm bẩn, nhưng các bé vẫn nhặt lên chia nhau. Những hình ảnh đó làm tôi luôn nhớ mãi và tự hứa với mình sẽ làm nhiều hoạt động để hỗ trợ cho trẻ em”.

Từ câu chuyện chiến bánh lương khô này, trong dịp Trung thu năm đó, với mong muốn trẻ em nào cũng có bánh để ăn, chị tự bỏ một phần nhuận bút của mình và đã kêu gọi thêm các nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ. Thay vì lương khô, chị đã huy động được hơn 2.000 chiếc bánh cho các em. Những chiếc bánh được gửi tới từng em nhỏ ở điểm trường các huyện miền núi tỉnh Điện Biên và dịp đó rất nhiều em lần đầu tiên được ăn bánh Trung thu.

Hay vào thời điểm cách đây tròn hai năm, tháng 5 năm 2021 trên địa bàn huyện Nậm Pồ và huyện Điện Biên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Gần 1.000 em nhỏ, đều là học sinh mầm non và tiểu học, phải đi cách ly tập trung, không có bố mẹ đi cùng. Các bé thiếu thốn nhiều đủ thứ từ đồ ăn, đến quần áo, khẩu trang…

Lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ trao lương thực, thực phẩm cho người dân Nậm Pồ trong đại dịch Covid -19, tháng 5/2021. Ảnh: Trần Thị Hương

Trước tình hình khó khăn thiếu thốn đó, nhà báo Trần Thị Hương và các đồng nghiệp, bạn bè đã kêu gọi các mạnh thường quân ở thành phố Điện Biên Phủ và khu vực dưới miền xuôi hỗ trợ quần áo, nhu yếu phẩm cho các em… cứ ai cho gì chị lấy cái đó, từng kg gạo, từng quả trứng gà được chị tiếp nhận và khẩn trương vận chuyển lên các điểm trường học, nơi các em nhỏ đang phải cách ly xa gia đình.

Hoạt động đó của chị không chỉ góp phần chung tay phòng, chống dịch mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng, qua đó đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong việc phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

“Nồi cháo nghĩa tình”

Bên cạnh việc thu thập thông tin tài liệu cho các bài viết, mỗi chuyến công tác của chị còn gắn với hoạt động từ thiện trên cơ sở nắm bắt những khó khăn thiếu thốn của bà con đồng bào dân tộc, từ đó khi trở về cơ quan, chị dành thời gian để kêu gọi sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà báo Trần Thị Hương (áo xanh) trong chương trình “Nồi cháo nghĩa tình”. Ảnh: NVCC

Giống như nhiều hoạt động khác ở các xã miền núi, chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” là một trong những hoạt động được duy trì thường xuyên nhất. Suốt hơn 3 năm qua, bất kể nắng mưa, chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” đã mang đến hàng trăm bát cháo mỗi ngày cho các bệnh nhân tại các huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Nhé và huyện Điện Biên. Mỗi ngày nấu, cháo đủ để phát cho cả người nhà bệnh nhân, với gần 500 suất. Chị luôn tâm niệm, cháo nấu ở nhà ăn như thế nào thì nấu cho bà con ở bệnh viện như vậy.

Nhà báo Trần Thị Hương chia sẻ, tôi xác định làm từ thiện muốn lâu dài không thể làm một mình, vì thế tôi kêu gọi đồng nghiệp làm báo, hội phụ nữ, đoàn thanh niên ở trung tâm y tế các huyện hỗ trợ nấu và mang đến các bếp ăn trong các bệnh viện. Mỗi khi nguồn tài chính sắp cạn kiệt tôi lại nhận được sự hỗ trợ của nhiều bạn bè đồng nghiệp thông qua mạng xã hội cá nhân. Tôi có kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng đến huyện Nậm Pồ, một huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, “Nồi cháo nghĩa tình” không phải là cách làm mới, nhưng đối với nhà báo Trần Thị Hương nó sẽ là nguồn động viên tinh thần và thể chất quan trọng cho các bệnh nhân nghèo. Chị và các thành viên trong nhóm luôn mong muốn họ có được những bát cháo ấm lòng để một phần nào đó giúp họ tạm quên đi nỗi đau bệnh tật, bớt lo lắng trong vấn đề cơm áo gạo tiền để yên tâm chữa bệnh…

Dù công việc làm báo rất bận rộn và để mang được quà từ thiện đến với những thôn bản, điểm trường xa xôi phía Tây Bắc của Tổ quốc, với chị mỗi một chuyến đi là mỗi kỷ niệm, là niềm vui được mang đến những món quà ý nghĩa với đồng bào.

Chị tâm sự: “Làm báo, đi nhiều nơi, thấy nhiều thứ và mỗi khi đến với những bản làng tôi càng yêu mến những đồng bào ở đây, họ chân chất thật thà, họ lành tính và dễ mến. Vào những mùa giáp hạt người dân vất vả hơn, những đứa trẻ đến trường với bao thiếu thốn… Những hình ảnh đó luôn thôi thúc tôi vận động nhiều người cùng đóng góp giúp đỡ”.

Chương trình “Nồi cháo nghĩa tình” nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC

Trong cuộc nói chuyện giữa tôi và nhà báo Trần Thị Hương, tôi biết được chị đang có chuyến khảo sát thực tế ở một bản biên giới chưa có điện, chưa có nước sinh hoạt. Chị đang dự định sẽ huy động trao cho bà con một số đèn năng lượng mặt trời. Các thiết bị này sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây sẽ niềm vui mừng, phấn khởi của người dân nơi đây khi điện về làng.

Có thể nói, giống như rất nhiều nhà báo, phóng viên làm từ thiện ở khắp các vùng miền của Tổ quốc, với nhà báo Trần Thị Hương và đồng nghiệp làm từ thiện là một niềm hạnh phúc, là một phần của nghề nghiệp. Và ở mỗi vùng, miền và mỗi nhà báo sẽ có cách làm riêng, chẳng ai giống ai, nhưng tất cả đều có điểm chung là gắn kết cộng đồng, lan tỏa hành động nhân ái. Từ mỗi hành động nhân ái của người làm báo sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, từ đó họ càng vinh dự và tự hào hơn với nghề nghiệp mình đang có.

Lê Tâm

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/khi-nha-bao-gan-ket-cong-dong-lan-toa-nhung-hanh-dong-nhan-ai-post244095.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông