Đọc ‘Đi tìm một vì sao’ thấy chân dung một chính khách

16:47 | 13/06/2022

Khá nhiều nghệ sĩ và chính khách đã viết tự truyện hoặc hồi kí nhưng thường được các nhà văn khác chấp bút. Vậy nên đọc cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị – một người vừa là chính khách vừa có bút lực của một nhà văn thì quả là có sự hấp dẫn rất riêng. Cầm cuốn sách dày 649 trang khổ lớn trên tay, quả thực lúc đầu tôi rất ngại đọc vì quá bận. Nhưng khi “bập” vào thì những trang viết không hề hư cấu (“non- fiction”) mà giàu chất văn rất cuốn hút khiến tôi đã đọc đi lại còn đọc lại. 


Cuốn sách có bố cục ba phần chặt chẽ, logic với ba mảng hồi ức (và một Lời kết dài khoảng 1,5 trang) được sắp xếp theo trật tự tuyến tính về thời gian và những sự kiện được chọn lọc. Phần thứ nhất: Lớn lên bên dòng sông Mã là kí ức về làng Hoành quê hương với những người thân yêu ruột thịt, kí ức tuổi thơ và thời gian vào đại học. Phần thứ hai: Chào mẹ con đi để được làm người là kí ức chiến trường, thời gian đi lính Trường Sơn, về miền Đông Nam Bộ, về hoạt động ở vùng ven, Tây Ninh, Sài Gòn… trong những tháng năm khói lửa; Phần thứ ba: Những chuyện đã qua là kí ức chính trường trong những tháng năm làm lãnh đạo với bao những chuyện buồn vui ở chốn quan trường.

Tôi luôn cho rằng viết tự truyện tưởng dễ mà cực khó. Bởi sống ở đời ai mà chả có người yêu kẻ ghét. Nhất là đối với người từng có chức quyền thì người hàm ơn cũng lắm mà kẻ oán hận chắc cũng không ít. Yêu và ghét không quan trọng nhưng quan trọng là người yêu mình là ai và người ghét mình là ai. Sự thật có thể làm người này hài lòng nhưng có khi lại làm người khác tổn thương. Vậy, viết thế nào để bộc lộ rõ sự yêu ghét của mình và không làm tổn thương người khác là điều không dễ dàng. Viết phê bình cũng thế, khen văn chương của ai đó mà không đưa ra được những chứng cứ thuyết phục xác đáng thì cũng sẽ bị đánh giá thấp về trình độ thẩm định và thậm chí còn bị coi là “bồi bút”.

Tại sao cuốn sách Đi tìm một vì sao lại có “ma lực” hấp dẫn tôi? Sự lí giải thật là đơn giản: Nó đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một tự truyện , về các yếu tố như: hồ sơ người viết, mục đích kể chuyện (để  mọi người hiểu mình, hiểu thế hệ mình qua hệ thống nhân vật chính, phụ…); nội dung thông tin với các giá trị lịch sử, văn hóa mà người đọc lĩnh hội được (tái hiện hiện thực đời sống qua nhiều thời kì: thời bao cấp, thời chiến, thời đổi mới kinh tế; có chuyện vui và buồn, sáng và tối, tốt và xấu, hay và dở…); nghệ thuật tương tác với độc giả (giọng kể, ngôn ngữ kể; chất văn chương,  chi tiết truyện). Bài này tôi chỉ nói về nhận thức của tôi về chân dung một chính khách được hiện ra trong cuốn “Đi tìm một vì sao”.

Ai cũng có quyền viết tự truyện, tuy nhiên muốn có nhiều độc giả thì tác giả phải được “vua biết mặt, chúa biết tên”,  tức là có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng trong một lĩnh vực nào đó. Người viết tự truyện hoặc hồi kí nên có một độ lùi nhất định về thời gian để đủ sự từng trải, làm đầy vốn kinh nghiệm sống, hiểu đời và hiểu người. Ví dụ: Tự truyện của Franklin, nhà lập quốc nổi tiếng Hoa Kì (gần 20 năm mới viết xong); tự truyện của nhà tỉ phú Mỹ – người sáng lập thương hiệu giày nổi tiếng Nike (viết năm 77 tuổi); Hồi kí của Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore (viết năm 71 tuổi), Tự truyện của Trần Văn Khê viết khi ông gần 90 tuổi… Như vậy, tác giả của Đi tìm một vì sao đã đáp ứng được tiêu chí về vị thế cá nhân và tuổi tác để viết tự truyện. Cuốn sách đã tổng kết toàn bộ cuộc đời nhưng không dàn trải mà theo cách điểm diện những dấu mốc quan trọng của một chính khách (Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội) từ khi sinh ra cho đến lúc tuổi đã ngoài “thất thập”, cái tuổi “tri thiên mệnh”, biết mình biết người, thấu hiểu lẽ đời, biết rõ nhân tình thế thái và không cần phải e ngại điều gì.

Mục đích của các cuốn tự truyện là để người khác hiểu đúng về mình, để nói được những thành tích cùng những khó khăn thử thách mà bản thân đã vượt qua; để được giãi bày, chia sẻ, cảm thông; để làm kỉ niệm, để nói lên những suy nghĩ thật nhất của mình về quan niệm sống, về những băn khoăn, trăn trở, áy náy… Nói chung là nhiều mục đích nhưng có một điều chắc chắn là không ai lại muốn tự truyện của mình bị “ném đá”, bản thân người kể thì bị độc giả ghét bỏ vì bệnh “tự tô” thiếu minh bạch, xác tín hoặc làm tổn thương quá nhiều người, ảnh hưởng đến đời sống thực tại của họ. Rất may là cuốn “Đi tìm một vì sao” không gặp phải những hiệu ứng tiêu cực như thế, ít ra là đối với người đọc như tôi. Với tư cách là một độc giả “vô tư” (chưa từng gặp gỡ, chuyện trò, quen biết tác giả ở ngoài đời, chưa có bất cứ một ấn tượng xấu, tốt gì từ trước đó chi phối; cuốn sách tôi được đề tặng này cũng gửi qua bưu điện) nhưng khi đọc hết tác phẩm, tôi cảm nhận được sự chân thật, chân thành, cảm thấy kính trọng và ghi nhận tất cả những điều ông viết ra. Như vậy là tự truyện của ông đã thành công về mặt mục đích kể chuyện. Tất cả những gì tôi hiểu về tác giả đều trên văn bản.

Qua cuốn sách, tôi hiểu tác giả đã được tôi luyện qua thử thách chiến tranh, công việc. Ông ảnh hưởng lớn sự giáo dục của gia đình từ người cha liêm khiết, người mẹ tháo vát, “người ông đề cao nhân nghĩa, người bà đề cao cần cù” (33). Tác giả là người chín chắn từ bé, có chí tiến thủ. Đặc biệt là người con hiếu thảo, rất thương mẹ, hiểu mẹ: biết làm mọi việc từ bé như bắt cua, đi bừa, nấu canh cua, nấu cơm con ong, giặt quần áo… cho mẹ; chính vì cực kì hiểu mẹ nên mới cứu mẹ thoát khỏi hành động nửa đêm bà định ra sông tự tử; là người chồng biết bày tỏ tình cảm với vợ bằng thơ. Tác giả còn là một chính khách có trách nhiệm với công việc, yêu lịch sử nước nhà, yêu văn chương, biết viết văn, làm thơ, cũng có năng khiếu nghệ thuật (khi học đại học đã được chọn để đóng kịch với một cô xinh nhất lớp)…

Ấn tượng của tôi về tác giả còn là một người được học hành bài bản trong thời đại: văn – sử – triết bất phân (học đại học sử, học bồi dưỡng viết văn, làm luận án Phó tiến sĩ Triết học). Ông được học với các giáo sư đầu ngành về lịch sử, được học các nhà văn nhà báo tên tuổi lẫy lừng, được học triết với giáo sư người Nga uyên bác. Và chắc chắn ông còn chịu ảnh hưởng sâu sắc và học hỏi được nhiều điều tốt đẹp ở một số nhân vật lãnh đạo có trình độ, có nhân cách khi được gần gũi hoặc làm cán bộ giúp việc cho họ. Thử điểm qua một số nhân vật, chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này:

Ông đã được giúp việc cho đồng chí Đào Duy Tùng – “nhà lãnh đạo tư tưởng văn hóa rất giàu kinh nghiệm và tràn đầy lòng nhân ái. Một con người đức độ, khiêm nhường, cẩn trọng hiếm có và rất biết lắng nghe” (361); là người tính tình “cẩn trọng, tỉ mỉ, giữ gìn, chặt chẽ, kĩ lưỡng từng ly, từng tý” (363); là người trân trọng các nhà khoa học, các nhà trí thức (175).

Ông được làm việc với nhà báo Hà Đăng, Ủy viên Trung ương Đảng, một nhà báo có uy tín, “người thủ trưởng có kiến thức sâu rộng, tính tình điềm đạm, nhẹ nhàng”; khi nhìn nhận con người thì “luôn chú ý phần tích cực, ưu điểm”; “có cách  mở đầu tiếp thu phê bình bằng mệnh đề khiến người tranh luận phê bình khó có thể đôi co, phật ý: Đồng chí nói điều đó cũng đúng đấy. Nhưng mà, sự thật việc ấy là thế này…”; là người có “những luận giải chân thành và đầy thuyết phục”, luôn “khiến không khí cuộc họp không bao giờ căng thẳng” (379).

Ông nhận thấy Trung tướng Trần Độ, Trưởng Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương là “một con người cương trực, luôn có tư duy vượt ra ngoài khuôn mẫu truyền thống, bảo thủ, giáo điều. (…). Phẩm chất dám nói thẳng, nói thật, vượt rào của anh nếu được chắt lọc, lắng nghe thì rất có lợi cho công việc” (380). Tác giả cũng yêu mến đồng chí Nguyễn Thái Ninh vì sẵn sàng ủng hộ lớp trẻ. Tác giả ca ngợi đồng chí Lý Văn Sáu – Phó Chủ nhiệm Ủy ban phát thanh truyền hình là người biết nhiều ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha.

Tác giả đánh giá cao đồng chí Hoàng Tùng là “một nhà báo lừng danh” “phong cách làm việc hết sức tập trung, nghiêm túc, vô cùng quý trọng thời gian”, “viết nhanh, sửa bài, sửa tài liệu cũng rất tài”. Khi nhận lại bài được biên tập “người viết sẽ vô cùng sung sướng và thầm cảm phục biết bao, bởi qua những chỗ thêm, chỗ xóa, chỗ sửa… chất lượng bài viết được nâng tầm lên rất nhiều” (358). Đồng chí còn là người có cách nói hóm hỉnh, nhẹ nhàng (373), là người có biệt tài “nói vo”, có thể nói cả ngày trên bục mà chỉ thỉnh thoảng liếc vào một mẩu giấy bằng bàn tay”, vì tất cả đã được “sắp xếp trong đầu” (359). Ông cũng đánh giá cao nhà báo Trần Bạch Đằng, một nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tuy không có học hàm học vị nhưng “xứng đáng là bậc thầy của nhiều giáo sư tiến sĩ…Trong giới cầm bút viết báo, viết văn, những tài năng như anh thực sự không nhiều (382).

Ngoài ra, qua những mẩu chuyện nhỏ, người đọc cũng thấy được chân dung và tính cách của tác giả rất dễ dàng.

Có thể thấy, ông là một chính khách nhưng ghét thói xu nịnh khi ông thể hiện quan điểm: “Tôi rất không thích và tựa hồ như bị dị ứng với những người cứ mở lời là ngợi ca cấp trên, ngợi ca lãnh đạo”, “Lẽ thường tình, cấp trên bao giờ chẳng giỏi giang, thông minh hơn cấp dưới. Có khen thì cũng một vừa hai phải, việc gì mà như sợ người khác khen mất phần”, rồi “khen cả những ý kiến, chỉ đạo viển vông, xa rời thực tiễn!”… (377). Tác giả còn dẫn ra những câu khen nịnh quen thuộc đến phát chối khiến người đọc cảm thấy thú vị vì nó cực kì sống động (377). Ông cũng là người ghét thói “chạy chọt chức quyền”,  “luôn chấp hành sự phân công của tổ chức chứ không “chạy” để xin đi hay ở lại” (395), chính vì ghét thói “đi cửa sau” nên ông đã viết bài báo phê bình và kí tên khác.

Người đọc thấy ông là người biết tiếp thu phê bình khi bày tỏ quan điểm: “Tôi thực lòng nể trọng những người dám nói khác ý kiến cấp trên. (…). Phải thật lòng biết ơn, quý trọng những người dám chê, dám phê bình mình vì họ chẳng được lợi lộc gì ngoài mong muốn cho mình tiến bộ”. (378)

Chắc chắn ông là người lãnh đạo có phẩm chất quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân bởi ông đã nhớ đến một vị lãnh đạo thường xuyên thay đổi ý, các lệnh ban ra đầy cảm tính, “nếu bị mọi người xì xào góp ý thì thu lại lệnh cũ, ban lệnh mới”, kiểu lãnh đạo “sớm một lệnh; trưa, một lệnh và chiều… một lệnh” (413)

Việc không đi xin giờ giảng để có chức danh Phó Giáo sư và cũng không thích ai giới thiệu quá cái học vị của mình, bởi ông rất biết “Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ là hai nấc thang khoa học rất xa nhau” (391) cũng cho thấy tác giả là một người tự trọng.

Chi tiết ông bỏ tiêu chuẩn phục vụ thuốc ba số và bia khi làm Bí thư Hà Nam; không mua sắm đồ mới khi tiếp quản phòng làm việc của Bộ trưởng cũ; không “cưỡi một nghìn con trâu” đã cho thấy ông có ý thức thực hành tiết kiệm, không lãng phí của công.

Ông “luôn nhắc mình phải khách quan, công tâm trong ứng xử với mọi người” vì câu chuyện thầy giáo chấm điểm thiên vị cho một bạn học cùng lớp phổ thông với mình đã được ông nhớ mà kể lại. Hai bài làm giống nhau mà cho điểm khác nhau và sự thắc mắc của bạn ấy đã khiến thầy lâm vào tình huống khó xử, ngượng ngùng (54).

Khi ông ý thức được: “về vùng ven, nhậu được cũng là một ưu điểm. Hiệu quả công tác, tình cảm đồng đội, anh em gắn bó thấy ngay” (249) đã chứng tỏ ông là một người biết làm công tác dân vận. Ông cũng biết dựa vào dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc. Ông đã đóng vai nhà báo đi “vi hành” nhiều nơi để biết lí do dân kiện tụng, bức xúc. Việc chỉ đạo dẹp những bỏ quán thịt chó để xây lại chùa cho dân hoặc triệu tập “hội nghị Diên Hồng”: vời vài chục cụ già ở Hà Nam đến phát biểu để nắm tình hình…đã nói lên điều đó.

Ông giải quyết công việc có lý có tình: đến thăm đồng chí Chủ tịch tỉnh Hà Nam cũ bị kỉ luật vào dịp Tết; bố trí cho nhà bà bị tháo dỡ xây dựng trái phép ở chùa Hương một vị trí kinh doanh tốt hòng gỡ lại vốn; giải quyết cho Nghệ sĩ Ái Vân được về nước biểu diễn…

Qua những câu chuyện nhỏ, người đọc còn nhận thấy tác giả là một người điềm đạm, chín chắn, kín đáo, biết kiềm chế tình cảm. Chẳng hạn, đứng ngay sau cái bà xây chùa trái phép đang chửi mình thậm tệ mà không phản ứng gì; nghe cậu chủ nhà vườn ba hoa “rất thân tay Nghị” nói trước mặt mình mà cũng không bóc mẽ; khi biết cán bộ văn phòng lấy bài phát biểu cũ đưa cho mình để phát biểu năm nay, ông đã “tức giận đến nóng mặt” và thất vọng về cán bộ của mình nhưng rồi cũng thôi không kỉ luật gì, thậm chí còn giấu kín sự việc; rồi cái thời đi lính ở vùng ven, gái đẹp mê mình, “mỡ đến tận mồm” mà “anh Hai Nghị” vẫn nghiêm túc không vượt quá giới hạn, dù làm được một bài thơ trữ tình rất hay…

Tác giả có phẩm chất trung thành và sáng tạo vì luôn ghi nhớ câu nói: “Thực tiễn là thước đo chân lí, Thực tiễn cao hơn lí luận. Chân lí là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” (400).

Ông cũng là người nhớ ơn nghĩa có trước có sau. Khi GS. Trần Quốc Vượng  mất trong hoàn cảnh nhiều người e ngại không muốn viết bài ngợi ca thì ông đã viết bài tri ân Thầy; ông đã hành hương thăm lại những người ở những địa danh thôn ấp từng hoạt động khi đi lính, đi thăm giáo sư hướng dẫn luận án tại Nga… Biết ơn sự chăm sóc của vợ, thương vợ qua nhiều chi tiết trong đó có bài thơ làm tặng vợ. Nhớ ơn từng nhân viên phục vụ văn phòng và cả họ tên đầy đủ của hai bạn trẻ dạy ông sử dụng vi tính…

Tác giả cũng là người đa cảm, nếu không thế thì không thể có thơ, có những trang miêu tả đẹp như một tản văn.

Một phẩm chất rất đáng quý của một lãnh đạo là không tham. Đứng trên đống vàng mà không tham mới khó, giữa biết bao mời mọc, mưu mô mà vẫn giữ được bản lĩnh thì mới đáng phục. Thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, nếu chỉ cần kí nháy cho những dự án là có ngay tiền tấn mà Hà Nội thì không thiếu gì dự án “khủng”. Rất may là ông đã hiểu được: “Trên đời bẫy chim, bẫy chuột, bẫy thú rừng thì chỉ có vài ba thứ. Bẫy người thì muôn hình vạn trạng. Nhưng quy lại, xưa nay cũng chỉ xoay quanh ba thứ thường được đem ra để dụ dỗ con người. Thứ nhất là địa vị, chức quyền. Thứ hai là tiền bạc. Thứ ba là gái đẹp” (411).

Đặc biệt, tôi thấy ông là người rất ưa quan sát rồi lí giải, chiêm nghiệm đúng tư duy của dân triết. Quan sát sự “chạy bàn” của nhân viên phục vụ nhà hàng sau giải phóng, ông lập tức có ngay sự so sánh về phong cách phục vụ giữa miền Nam và miền Bắc, giữa kinh tế thị trường và kinh tế bao cấp. Quan sát cánh lính nằm điều trị sốt rét ở Trường Sơn, ông thấy “người nào cũng nói tục, không biết nạn nói bậy như vậy đến khi nào mới chấm dứt” và tự lí giải: “Phải chăng nói tục cũng là hậu quả của chiến tranh” (145). Đi tập thể dục trong công viên, quan sát mọi người, ông cũng thấy “không chỉ cánh đàn ông, nam nhi mà cả không ít các liền em, liền chị mỗi khi trò chuyện rất hay văng tục” rồi ông tự lí giải: “Dường như không gian đi bộ trong công viên là nơi mỗi người cảm thấy mình được tự do thể hiện, là nơi xả stress mỗi ngày?” (627). Nghe các bé: Lan, Hồng, Sáu… trên đất Sài Gòn giải phóng tíu tít kể các chuyện, ông cũng thầm nhận xét: “Hóa ra ở đâu cũng vậy, trẻ con luôn biết nhiều hơn là chúng ta tưởng” (333). Nghe một vị lãnh đạo của Viện Triết học nói: “Anh báo cáo với đồng chí Đào Duy Tùng là không nên mất thì giờ với những bài viết của ông Thảo (Trần Đức Thảo)”, tác giả cũng ngẫm nghĩ: “tôi ít nhiều cũng hiểu, trong giới trí thức, việc các nhà khoa học không phục nhau là chuyện thường tình” (372). Nghe câu nói của đồng chí Đào Duy Tùng muốn nhắn lại với một nhà khoa học, tác giả cũng tự nhận xét: “Một câu nói ngắn, nhưng toát lên sự trân trọng và có sức cảm hóa biết bao đối với các nhà khoa học, các nhà trí thức” (375).

Quan sát sự ứng xử, hành động của từng cá nhân trong cơ quan, ông đã viết: “Tôi nghiệm ra nhân cách, đạo đức, tư cách con người dù là lãnh đạo hay nhân viên, sĩ quan hay chiến sĩ luôn gắn liền với những chuyện nhỏ nhặt đời thường như vậy” (390). Ông rút ra nhận thức: “Đôi khi những lời phê bình, chỉ trích lại có ích gấp trăm lần những lời tán dương, ngợi ca sáo rỗng” (469); “Kẻ nào hôm nay làm cho người khác khiếp sợ sẽ đến lúc phải khiếp sợ nhiều người”; “Người nào dọa chết sẽ không dám chết” (515); “Ở đời không có gì tốt hay xấu bỗng dưng. Xấu tốt còn do mình đối đãi với mọi người” (414); “Hạnh phúc không phải lúc nào cũng to tát, cao xa” (644); “Người Việt nam mình quả là đặc biệt. Trong chuyện trong giao tiếp dường như vị lãnh đạo nào cũng tỏ ra yêu quý vỗ về lớp trẻ, nhưng có lẽ đó là yêu quý trẻ con. Còn có thật yêu quý, nâng niu cán bộ trẻ hay không, điều ấy còn phụ thuộc vào nhận thức, tình cảm, tính cách mỗi người” (393).  Quan sát bầy chó đói, ông cũng suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc (điều này cũng khác hẳn người thường): “Nhiều lần quan sát, tôi nhận thấy trong bầy chó đông đúc ấy, có những con đầu đàn, bao giờ cũng đứng ra phía trước, như những chủ tướng chỉ huy, trông rất có uy. Thế nhưng khi chúng tôi quẳng ra chút thực phẩm, khúc xương nào thì cả bầy chó cùng nhào vào cuộc tranh chấp sống còn. Và chủ tướng cũng chỉ còn là một chiến binh hoang dã không hơn không kém” (179).  Qua thực tế ông rút ra chân lí, tìm ra giải pháp hành động đúng. Làm thế nào để tránh những cuộc hỗn chiến của bầy chó đói? Giải pháp hữu hiệu là: “Sau mỗi bữa ăn, phần cơm, thức ăn thừa tôi bí mật rải cách nhau ra phía sau căn nhà và phía ngoài sân. May mắn cho những chú chó nào tìm được thì không phải tranh giành, hỗn chiến” (179).

Trăn trở: “Trong những năm tháng khó quên ấy, điều tôi luôn trăn trở là mỗi khi phải xử lí mối quan hệ biện chứng giữa lí luận và thực tiễn, làm thế nào để vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, vừa nắm bắt kịp thời thực tiễn sống động, không ngừng đổi thay và phát triển đi lên của đời sống xã hội” (399). Ông còn trăn trở muốn xóa bỏ độc quyền in sách giáo khoa (509).

Băn khoăn: “Nhiều lúc tôi thường băn khoăn, không hiểu tại sao lại có những tình huống sắp đặt, bố trí cán bộ thật lạ lùng. Và cũng không ai nói cho rõ nguyên do. Nếu có hỏi, thì câu trả lời thường nhận được là “đều làm đúng quy trình, thủ tục (!)”. Có những người không đủ tài đức lại được bố trí đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo mà ai cũng biết là họ sẽ không là được. Có người thì ngược lại (!)” Những chiêm nghiệm, trăn trở, băn khoăn của ông đều là những vấn đề lớn thể hiện được tầm tư duy của một nhà lãnh đạo, của một chính khách.

Một vài đoạn nhỏ trong tự truyện, ông cũng muốn thanh minh. Chẳng hạn:  “Dù tôi đã cố gắng trình bày, nhưng cấp trên vẫn kiên quyết không cho phép đưa tin. Tôi cũng buồn chứ nói gì các đồng chí Tổng Biên tập báo” (399).

Có lẽ ông cũng là người quan tâm đến vấn đề tâm linh, hiểu rõ luật nhân quả nên cứ áy náy, day dứt khi bắt buộc phải làm nhiệm vụ giương súng bắn con gà mẹ, nhưng sau đó đã đổ đầy gạo và nước cho đàn gà con tự ăn uống trước khi rời đi (171); ông cũng đã kịp thời can ngăn người bạn khi định nổ súng vào đàn voi vì hình ảnh một nữ cán bộ trên đườngTrường Sơn bị voi giày luôn ám ảnh ông (172). Tôi nghĩ rằng có lẽ ông thoát được hòn tên mũi đạn, thoát được những khó khăn bởi ông luôn được “dương phù, âm trợ”. Trong những lúc nguy nan, ông nội và hai đứa em chết bom (có lẽ đã trở thành “bà cô”) vẫn trở về trong những giấc mơ để che chở cho ông.

Qua sự trải lòng, giãi bày của tác giả, người đọc cảm thấy thông cảm với những người lãnh đạo, họ phải “đứng trước muôn vàn áp lực” (489) phải “đứng mũi chịu sào” (555); thấy được những khó khăn mà ông đã vượt qua, những thành tích mà ông đã đóng góp. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính. Sau này đã giải quyết được những lùm xùm mâu thuẫn nội bộ của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, đưa Hà Nam dần phát triển thoát nghèo; giải quyết dứt điểm mâu thuẫn nội bộ ở Trường Đại học Văn hóa một cách nhân văn (người được điều chuyển sau này đã phát huy tốt chuyên môn). Ông đã bảo vệ được quan điểm khoa học, biện chứng trong mối quan hệ bảo tồn và phát triển khi xây dựng Nhà Quốc hội bên cạnh không gian cổ kính Hoàng thành Thăng Long; đã giải quyết vấn đề  bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích của Vua Mèo hợp lí hợp tình; xóa được nạn làm động giả, chùa giả xây dựng trái phép ở Chùa Hương; ý kiến phát biểu của ông trên diễn đàn đã cho Quốc hội thấu hiểu và điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; đã xây dựng các văn bản luật liên quan đến Luật Xuất bản, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Báo chí …và rất nhiều những việc làm khác nữa. Tự truyện Đi tìm một vì sao có giá trị bởi đã tạo cho người đọc cảm giác chân thật, độ xác tín cao, không có cảm giác khoe khoang, tự tô, tự vẽ hay tự thán.  Những sự kiện quan trọng hay những điều kể ra đều được người đọc dễ dàng xác nhận bằng văn bản giấy tờ có chữ kí, bằng những trang nhật kí đã ố vàng, bằng ảnh kỉ niệm, sổ sách ghi chép được giữ gìn qua mấy chục năm hoặc có bạn bè cùng học phổ thông, đồng đội cũ, đồng nghiệp đang còn sống làm chứng…

Qua cuốn “Đi tìm một vì sao”, tôi hiểu tác giả và thêm kính trọng ông dù chưa một lần gặp mặt (mặc dù tôi vốn không có cảm tình lắm với những chính khách thời nay). Và như vậy, một trong những tiêu chí của tự truyện là để người khác hiểu mình thì ông đã thành công.

Hà Nội ngày 12/6/2022

PGSTS Hoàng Kim Ngọc

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng