Nội dung và nghệ thuật trong cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao”

16:12 | 17/06/2022

Cuốn tự truyện “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị đã cung cấp nội dung thông tin phong phú, chân thực, đề cập đến một khoảng thời gian dài của lịch sử Việt Nam khoảng 60 năm và có nghệ thuật biểu hiện phù hợp, giàu chất văn. Nó lôi cuốn độc giả bởi tuy kể chuyện riêng nhưng lại có chuyện chung, trong cái tôi có cái ta; là chuyện cá nhân nhưng qua đó thấy được chuyện cộng đồng, chuyện dân tộc, chuyện đất nước; thấy được văn hóa, lịch sử, số phận con người qua nhiều thời kì (thời chiến tranh, bao cấp; thời hòa bình, thời mở cửa). Và đặc biệt, đã cho người đọc biết được những thông tin được coi là “bí mật” quý hiếm, chân thực mà sách vở chính thống đôi khi còn kiêng dè không dám nói. Sách không bị nhạt và đơn điệu một chiều vì đã phản ánh cuộc sống ở cả những góc sáng lẫn những “góc khuất”, những sự thật “ít được phơi bày”; cả những chuyện có tầm vĩ mô lẫn vi mô qua đôi mắt của một người biết quan sát, đúc kết, chiêm nghiệm, một người từng kinh qua nhiều thử thách khó khăn, được rèn luyện trong cuộc sống, trên chiến trường và cả chính trường.


Độc giả có thể thấy một vùng quê nông thôn Bắc Bộ được hiện lên với cảnh và người rất cụ thể sinh động. Đó là những câu hò dô ứng khẩu đầy màu sắc phồn thực của những người nông dân ở một vùng quê Bắc Bộ khi kéo cây gỗ “khôn” lên bờ (29). Đó là câu trả lời hồn nhiên khiến người đọc phì cười của một cặp vợ chồng nông dân (vì không nhớ được ngày sinh tháng đẻ của con mình nên đã vô tình đánh đố cán bộ điều tra dân số): Tôi đẻ cháu năm bầu lào ra hoa (30). Chi tiết này cho thấy có một thời người dân chưa có ý thức trong việc sinh đẻ và tầm quan trọng của cái tên. Họ không biết rằng cái tên thường vận vào số phận. Chả thế mà sau này nhiều người đổi lại tên hoặc bút danh mà trở nên sáng giá. Ngay cả gia đình tác giả, bố là ông giáo, cán bộ nhà nước mà cũng đặt tên cho 4 đứa con theo cách khá đơn giản, trùng với sự kiện gì thì đặt tên có dấu ấn đấy (28). May mà ông bố đã đặt tên cho tác giả là Quang Nghị (vì bố đang trên đường đi dự hội nghị) tức là một ông ‘nghị” sáng, chứ ở nhà khác mà sinh năm 1949 có lẽ sẽ đặt tên là Sửu (?).

Đọc truyện, ta thấy thương những đứa trẻ nông thôn thời trước: không có nhà gửi trẻ, tha thẩn tự chơi, tự khóc, tự nín; có những trò chơi thật buồn tẻ, lạ lùng: chơi với kiến (37), ông và cháu chơi trò giả chết (31). Tôi nghĩ, hai trò chơi mà tác giả miêu tả trong tự truyện hoàn toàn có thể phát triển thành một truyện thiếu nhi. Nhìn tấm ảnh tác giả chụp cùng em trai năm 1957 mà bỗng xúc động (đời người trôi qua nhanh quá, mới ngày nào thơ bé mà giờ đã trở thành một người già). Thời đấy trẻ con toàn đi chân đất, không có quần áo đẹp (nhưng gương mặt sáng sủa, nụ cười tươi cùng với dáng người đứng thẳng của cậu bé Nghị đã báo hiệu một số phận tốt đẹp. Còn chú em đứng bên cạnh, mặc áo trong dài hơn áo ngoài, với gương mặt cúi xuống buồn bã có lẽ cũng báo hiệu một cuộc đời yểu mệnh chăng). Ôi, cái thời đã xa, đất nước quá nghèo, dân nghèo. Đến trường “chỉ có thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm là có dép cao su, còn tất cả học sinh đều đi chân đất”.

Dòng sông Mã quê hương.

Kể chuyện mình nhưng người đọc cũng thấy được chuyện chung của xã hội. Chẳng hạn như quan niệm, tư tưởng lạc hậu thời đó: “nhất nam viết hữu”, “trọng nam khinh nữ”. Chi tiết người mẹ cùng bà mụ liếc nhìn thật nhanh đứa bé vừa sinh đích thị là thằng cu rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc đã chứng minh điều này. Vì là cháu đích tôn nên chú bé được ông nội vô cùng cưng chiều. Chuyện mẹ chồng nàng dâu ở nông thôn một thời cũng được nói đến. Tác giả cũng không giấu diếm chuyện bà nội và mẹ mâu thuẫn căng thẳng đến nỗi nhiều lần hai mẹ con phải đi ngủ nhờ nhà người khác, thậm chí phải rải chiếu trên nền đất mấp mô cạnh chuồng bò để ngủ. (33). Đó là cảnh làm dâu khổ nhục của thím Tư người gốc Thái Bình, mẹ chồng thím không cho con dâu ngủ với con trai, cưới về để thêm người làm. Chi tiết bà mẹ cay nghiệt ấy còn kiểm tra xem con dâu có tráng chum nước không bằng cách thả xuống đáy chum một cái bát, nếu không tráng thì chắc chết với bà (277)…

Hình ảnh ông bố tác giả cũng có thể là đại diện cho những người cán bộ gương mẫu bôn sê vích một thời.

Phạm Quang Nghị trên chiến trường.

Tự truyện đã phản ánh chân thực cuộc sống của học sinh, sinh viên thời trước: đang học không được phép yêu đương; nếu lỡ yêu phải báo cáo với chi đoàn, lớp trưởng và thể nào cũng bị đánh giá thấp về hạnh kiểm. Đó là cái thời trai gái “thích nhưng không dám nhích” (236); cái thời mà sinh viên mượn áo, mượn xe đạp của nhau để đi thăm bạn gái khác trường, khác khoa; cái thời mà một số từ ngữ quen thuộc ngày ấy đã trở nên xa lạ, khó hiểu với người thời nay như: lộn (xích xe đạp), (săm) chửa, (khung xe bị) gù/ chùn… (68).

Tự truyện cũng nói được không khí lạc quan lãng mạn trong thời gian miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội với cảnh làm ăn tập thể “đời vui lên phơi phới”: “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”, thời kì được các chuyên gia Liên xô vô tư giúp đỡ.

Bên cạnh đó, nhiều trang viết đã phản ánh thực trạng đói nghèo của đất nước  bởi: “sự bất cập của cơ chế quản lí, sản xuất phân phối tập trung, quan liêu, bao cấp, triệt tiêu hầu hết mọi động lực, nguồn lực trong dân” (50). “Thực trạng kinh tế lúc bấy giờ được gói gọn trong mấy câu ngắn gọn dễ nhớ: “Làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”. Bốn lĩnh vực kinh tế mũi nhọn lúc đó là: ‘Lộn xích lip xe đạp; lộn cổ áo sơ mi; bơm hút mực bút bi; gia công quy gai xốp (!)” (69). Đó là cái thời tuổi trẻ phải “bán phân” (Thanh niên Cổ Nhuế xin thề / Không đầy hai sọt không về quê hương) và có tháng cán bộ công chức phải… “ăn phân”  (vì “bán phân đạm thay cho tiêu chuẩn lương thực hàng tháng (!)) hoặc ăn “cột điện” (vì  “có cơ quan, xí nghiệp trả lương cho công nhân… bằng cột điện bê tông” (!) (639); cái thời “đem thịt người đổi thịt lợn” (639); thời của các cô mậu dịch viên quen thói cửa quyền: “hỏi chán chê không thèm trả lời” (331)…

Với Thủ tướng Phan Văn Khải.

Sự bất cập của một số chủ trương phân phối hàng hóa trong thời kì bao cấp hết sức nặng nề không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Liên Xô, nơi tác giả có thời gian học tập. Nhiều câu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt thời đó ra đời: Mấy chữ viết tắt XHCN được dịch là “cả ngày xếp hàng”. Người Việt sang Nga lao động hoặc học tập đã dành phần lớn thời gian để mua bán; họ thấy các phụ nữ Nga xếp hàng dài để vào nhà vệ sinh công cộng thì lại tưởng chỗ đấy đang bán mặt hàng gì quý hiếm (!). Đó là thời kì mà sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chỉ là chổi rơm mà làm rất cẩu thả, kém chất lượng khiến tác giả “thực sự ngượng ngùng” (368). Thời bao cấp là thời mà cán bộ trung – cao cấp tại thủ đô cũng chỉ được ở trong một căn hộ lắp ghép có 24 mét vuông mà 3 thế hệ cùng chung sống, lại còn nuôi thêm 2 con lợn và 1 chuồng gà trên cầu tiêu (464).

Tự truyện tái hiện sâu sắc thời kì văn nghệ phải phục vụ chính trị một cách thô bạo. Có thể biết được điều đó qua mẩu chuyện hài hước về việc vẽ tranh của Họa sĩ Nguyễn Thái Bình. Một bức tranh phải tuân theo các ý kiến chỉ đạo phi nghệ thuật của những lãnh đạo mù mĩ thuật, nó “phải gánh bao nhiêu là nhiệm vụ chính trị” khiến tác giả “đau đầu” và muốn xóa bỏ (192).

Tác phẩm cũng phản ánh không khí hào hùng của những người lính hành quân vào Trường Sơn với tâm thế hồ hởi “đường ra trận mùa này đẹp lắm”; với những câu đùa vui ríu rít, những món quà trao vội giữa bộ đội và thanh niên xung phong khi họ gặp nhau trên đường Trường Sơn. Đó là cái không khí lãng mạn cách mạng. Nhưng bên cạnh đó, người đọc cũng thấy muôn vàn khó khăn gian khổ mà người lính phải vượt qua. Bởi đi B là: “Đi trong bom đạn đón đường. Đi trong thường xuyên đói khát. Đi trong cơn sốt rét vàng da kiệt sức. Đi trong mùa khô cơn khát cháy phổi, héo cả cái nhìn. Đi trong mùa mưa phù sũng đôi chân, run rẩy nắm chặt cây gậy chống lại đêm rừng lạnh buốt..”. Họ xác định “đi ở Trường Sơn là đi bằng đầu chứ không phải đi bằng bước chân”. Qua tự truyện, người đọc mới thấu hiểu, mới hình dung được tận cùng sự chịu đựng kiên cường của những người lính Trường Sơn. Đặc biệt, nỗi vất vả, chân dung, khí phách của những người chiến sĩ giao liên được tác giả miêu tả thật cụ thể, sống động (130). Ông còn đau đáu mong các nhà điêu khắc dựng thành tượng đài về họ. Những ai từng là lính Trường Sơn thật đáng tự hào và đáng kính phục.

Với trẻ em ra đời ở Trường Sa.

Những chi tiết miêu tả cái đói ở Trường Sơn thực sự ám ảnh tôi. Viết về cái đói không phải chỉ có trong những trang văn nói về quá khứ trước 1954 của những nhà văn nổi tiếng như Tô Hoài (Truyện cũ Hà Nội), Nam Cao (Một bữa no), Kim Lân (Vợ Nhặt)…. Mà một lần nữa, nó lại được miêu tả sống động trong một thời kì khác của lịch sử (cái đói của lính Trường Sơn) qua những trang tự truyện chân thực của một chính khách. Điệp từ “đói” được ông nhấn đi nhấn lại nhiều lần: “Ngoài ác liệt của chiến trường, là đói. Đói nghiệt ngã. Đói quay quắt. Đói vàng mắt, chóng mặt. Đói từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác. Đêm đêm nằm mơ, chỉ toàn mơ được ăn. Bừng tỉnh, lại đói.” (153). Rất nhiều những chi tiết kể về cái đói. Hành động của một người lính vung chân đạp liền mấy phát vào những chú chó để giành lại hai miếng thịt (mà 3 tháng mới được ăn) cùng với vẻ mặt tiếc ngơ tiếc ngẩn khi bị mất miếng ngon là chi tiết ám ảnh, dở khóc dở cười (126). Con người trước cái đói, ứng xử như thế nào với miếng ăn sẽ cho ta biết được nhân cách và văn hóa. Đói nhưng tôi nhận thấy cách ăn và ứng xử với miếng ăn của một chính khách tương lai rõ ràng là khác người thường (?). Giữa đêm, dù rất đói nhưng ông vẫn có ý định dành hộp sữa đặc (tiêu chuẩn cho hai người) để đến sáng hôm sau sẽ dậy đun nước pha cho đàng hoàng rồi mình với bạn cùng uống. Tiếc thay, lon sữa ấy đã bị ông bạn lọ mọ, mò mẫm giữa đêm mở ra tu một mạch hết sạch rồi. Chuyện này ông kể rất hồn nhiên không có ý phê phán bạn nhưng dưới con mắt của một độc giả hay “săm soi” chi tiết như tôi thì lại nhận thấy sự khác nhau này. Cảnh bầy chó hàng trăm con ở thị xã Phước Long bị đói khát lâu ngày lao vào nhau, cắn xé nhau kinh hoàng để giành miếng ăn vì đói lâu ngày cũng thật ám ảnh và nhiều chiêm nghiệm. (179)

Những cái chết mà tác giả được chứng kiến tận mắt là những chi tiết “đắt”, ám ảnh kinh hoàng như: hình ảnh người lính nằm trên võng chết thối trong rừng: “một đàn ruồi hàng triệu, hàng triệu con vù vù bay lên như môt cuộn khói đen đặc hình nấm khổng lồ” và “khoang bụng thì nhung nhúc đầy giòi, có thể dùng bát, dùng tô múc được” (134). Mùi thịt người dân chết cháy vì bom na pan; những tư thế chết khác nhau của người làng trong một trận bom, hình ảnh 3 đứa bé (trong đó có hai đứa em gái ôm nhau chết trong tư thế sợ hãi không người che chở)…, tất cả không cần phải hư cấu, tự nó đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh.

Nỗi đau do chiến tranh gây ra còn được tố cáo qua chi tiết rất đắt sau đây: Ngôi nhà của thím Năm ở vùng ven có 3 cái bàn thờ vì chồng thím đã mất và có 2 đứa con thuộc hai chiến tuyến đều hi sinh: “Ban giữa tôi thờ ổng. Ổng đi làm đồng đạp phải mìn, chết. Còn hai bên thờ hai thằng, là thằng Ba, thằng Tư. Một thằng đi lính quốc gia. Một thằng đi quân giải phóng. Phải lập bàn thờ để hai anh em nó hằng ngày không nhìn thấy nhau. Hôm nay làm cơm cúng thằng Tư nên phải kéo rèm che ban thờ thằng Ba lại” (251)

Cũng qua tự truyện, người đọc còn thấy được văn hóa ẩm thực vùng miền (269-271); thấy được tên các loại rau rừng Trường Sơn: rau tàu bay, lá bép, lá giang, đọt bứa, lá bứa, măng tre, măng nứa, rau dớn, dọc khoai, thân cây chuối rừng,  củ chụp, củ nền (118, 322), thấy được mốt ăn mặc hippie của thanh niên miền Nam sau giải phóng; thấy được luận điệu tuyên truyền của địch về cộng sản khiến người dân hình dung Việt cộng như ông ba bị (328), v.v..

Tự truyện còn hấp dẫn là bởi có những “góc khuất”, bí mật được tiết lộ. Chẳng hạn, tình quân dân không phải lúc nào cũng vô tư (và mì chính là một mặt hàng quá giá trị) thể hiện qua những câu vè: Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ lại / Nắm tay mạ hỏi mì chính con đâu? / Quần áo Tô Châu con còn mấy bộ / Có giầy cao cổ cho bọ một đôi (102); Đồng hương tay bắt mặt mừng / Nhưng chuyện mỳ chính xin đừng nói ra.

Cái đói, cái khổ đôi khi vượt quá sức chịu đựng của con người, thậm chí khiến nhiều người lính đánh mất cả lí tưởng sống và tha hóa. Đã có tình trạng lính lấy trộm dép, bi đông của nhau để đổi cho đồng bào lấy cái ăn, thậm chí còn trộm rau, khoai sắn ở những trạm giao liên và cả gà, lợn của nhân dân nữa. Đến nỗi, người ta phải nghi binh bằng những dòng chữ: “Không đi lối này, có mìn”.

Tuy nhiên, việc trộm cắp vặt này chỉ xảy ra khi tiểu đoàn bộ binh quê thành phố H. đi qua, như vậy tính cách vùng miền cũng thể hiện rõ. Ngoài ra,  tác phẩm cũng nói đến hiện tượng đào ngũ diễn ra ở diện rộng qua câu vè: “Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay, Hải Phòng anh dũng trốn ban ngày, Thanh Hóa mất mùa xin ở lại, Nghệ An thấy vậy cũng giơ tay” (127).

Người đọc cũng nhận thức được lính Việt Nam Cộng hòa không phải lúc nào cũng xấu. Trong giai đoạn Hiệp định kí tắt rồi, sắp hòa bình rồi, lính thám báo đã tha không bắn lính Việt Cộng, thậm chí còn thông báo trước cho cơ sở mật của ta biết họ đi càn “để cho mấy ông du kích ngoài kia biết mà tránh (247, 247). Qua tự truyện, độc giả biết thêm về những đội xe tăng của ta đã bị những người lính phía bên kia bắn đứt xích hàng loạt, thiệt hại và hi sinh quá lớn ở An Lộc. Chúng được phản ánh qua những con số biết nói, không cần phải che đậy, giấu diếm nữa.

Người đọc thấy được cảnh Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, cảnh di tản, nạn hôi của; biết được những câu châm ngôn đầy tính chế giễu, bi, hài xuất hiện khi nói về cảnh mua sắm đồ về Bắc của bộ đội ta sau giải phóng. Câu đúc kết: “Tướng tấn, tá tạ, úy yến” đã cho người đọc thấy được sự phân hóa cán bộ ngay sau giải phóng. Danh xưng “đồng chí” bây giờ chỉ được dùng “những lúc nội bộ căng thẳng, mâu thuẫn gay gắt” (444). Tình trạng phe phái, tranh giành quyền lực, mâu thuẫn nội bộ đến mức “chỉ còn thiếu dùng súng bắn nhau thôi” (426). Giải quyết tình trạng này “khó hơn là phải vượt Trường Sơn lần thứ hai đi đánh giặc” (396). Chi tiết có kẻ đột nhập cậy khóa chiếc cặp số của Bí thư “mong xem được nhân sự sắp tới bố trí ra sao” rồi “tung tin đe dọa, bóc trộm đơn thư, nghe trộm điện thoại” (433) thật kinh khủng. Ngoài ra, tự truyện còn cho thấy công tác sắp đặt bố trí cán bộ một thời còn nhiều bất cập, không đúng chuyên môn, không rõ nguyên do; “nếu có hỏi thì thường nhận được câu trả lời là làm đúng quy trình”. Những quy định của Bộ Tài chính đã quá lỗi thời, vô cảm, gây bức xúc cho dân; cách làm việc máy móc “làm đúng nhưng gây hậu quả xấu” (594). Căn bệnh của cán bộ là: “Nhìn đâu cũng thấy địch, thấy “âm mưu đen tối của kẻ thù”. Quan điểm phân tích, đánh giá về những người khiếu kiện rất tiêu cực. Toàn đi “soi” lỗi của dân mà ít nhận những cái sai về phía mình”, biện pháp xử lý với dân “luôn thiên về mệnh lệnh, bắt bớ. Họ rất ngại tuyên truyền, đối thoại với dân” (419). Tình trạng cán bộ yếu kém, không dám chịu trách nhiệm: “Việc gì không muốn làm thì cứ đưa ra bàn tập thể” (517). Một thời không xa, báo chí của ta tuyệt đối không được phép đưa tin về những vấn đề nhạy cảm hoặc tình hình ốm đau của lãnh đạo (?) (399). Tệ nạn “đi cửa sau” đã đến mức báo động đỏ (439). Việc bình xét trao giải thưởng cho văn nghệ sĩ và tình trạng độc quyền sách giáo khoa đã tạo ra những dư luận không hay. Người nhiệt tình với công việc, không quy được tội danh nhưng vẫn phải đi tù (!!!) (522)…

Ngoài ra, người đọc cũng biết được một số quan chức luôn quan tâm đến chọn ngày giờ đi nhận công việc; kiêng may quần áo vào ngày mùng 1; quan tâm việc chọn tranh phong thủy; quan tâm đến thế đất, thế cổng và vị trí cổng cơ quan, thế đất ủy ban; kê phòng làm việc cho lãnh đạo; chữa bệnh cho cụ Rùa Hồ Gươm cũng phải thành tâm cúng lễ, xem ngày lành tháng tốt mới được triển khai (575), v.v..

Tự truyện Đi tìm một vì sao có đủ chuyện để nói, chuyện bản thân, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, chuyện yêu đương, chuyện chiến trường, chuyện chính trường…. Nhiều tự truyện của chính khách thường “lờ” chuyện yêu đương  hay tả vẻ đẹp của phụ nữ nhưng ở tự truyện này thì không “lờ” mà có đủ cả kể chuyện người yêu cũ, chuyện gái điếm, chuyện tếu, chuyện tiếu lâm… Tuy nó được nói đến có mức độ và “chỉ hé những gì cần hé”.

Tác phẩm có đủ các mảng sáng lẫn mảng tối; có chuyện cao cả và chuyện bình thường, có vui và buồn; tích cực và tiêu cực; hay và dở; cảnh đẹp và cảnh xấu; có lúc đói và lúc no; có thiên nhiên và con người; có mưa rừng dữ dội và có nắng gắt của mùa hè đỏ lửa; và đặc biệt là có đủ các mùi vị: mùi thơm của hương đồng bát ngát, hương sen Tháp Mười, hương tràm, hương sầu riêng… nhưng đồng thời cũng có mùi thịt người bị thiêu “một thứ mùi đồng loại, tanh tưởi, hôi hám, khét lợm, nồng nặc” (186)…

Điều đặc biệt là cuốn sách có một số lượng nhân vật khổng lồ, gồm 364 nhân vật có tên (trong đó có 237 người có họ tên đầy đủ). Số lượng nhân vật cũng nói lên tầm vóc lớn của cuốn sách. Đó là các nhân vật nằm trong 3 mảng kí ức: quê hương, gia đình; chiến trường và chính trường. Họ là người thân ruột thịt, họ hàng, người yêu, vợ, con cháu; bạn học phổ thông; bạn học đại học;  bạn cùng lớp Bồi dưỡng viết văn; bạn lính, những người đã gặp ở chiến trường; bạn cùng lĩnh vực công tác văn hóa, báo chí; các thầy phổ thông, đại học; thầy dạy lớp bồi dưỡng viết văn, viết báo; cán bộ miền Nam tập kết; lãnh đạo cao cấp; lãnh đạo ngành Báo chí, truyền thông; cán bộ ở Hà Nam; cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa;  người dân nơi trường sơ tán; người dân vùng ven; du kích xã Tây Ninh, du kích xã Thanh Điền;  người dân Sài Gòn, Hà Nam, Chùa Hương, Hà Giang, Hà Nội; nhân viên, cấp dưới; những người nước ngoài, Việt kiều, … Có nhân vật được miêu tả rõ ràng về ngoại hình và tính cách, thậm chí có thể là nguyên mẫu cho một cuốn tiểu thuyết (277); có người chỉ miêu tả qua một câu nói với các cô gái điếm cũng biết được ai nói năng tế nhị, ai cục mịch; có người tác giả chỉ kể lại phong cách, cử chỉ của họ mà không chêm xen bất kì sự đánh giá chủ quan nào nhưng người đọc tinh ý vẫn biết được những ưu điểm lẫn nhược điểm của họ như quan cách hoặc cực đoan. Viết về vợ không nhiều nhưng người đọc cũng biết đây là người phụ nữ đẹp (636), làm nghề giáo, đảm đang, thương chồng, chu đáo “đều đặn hơn hai trăm lần tự tay vợ tôi xếp, cam, bưởi, sữa chua vào chiếc túi” (417) mỗi lần ông từ nhà trở lại nơi công tác ở Hà Nam; nhưng cũng hay…dỗi vì chồng quá bận việc qua 2 câu nói: “Từ nay, có các vàng tôi cũng không thăm ông nữa…” (416) và “Thôi, không đi nhờ xe ông nữa, xuống đi cháu.” (641) nhưng cũng vì dỗi chồng mà biết lái xe.

Chính cách kể chân thực này đã làm cho cuốn sách trở nên hấp dẫn. Nhiều nhân vật có thể là nguyên mẫu cho một cuốn tiểu thuyết không cần hư cấu. Nhiều đoạn đối thoại, chi tiết ám ảnh, găm thẳng vào trí nhớ người đọc mang dấu ấn của một truyện ngắn hay và có nhiều trang viết đẹp như một tản văn. Và bản thân người viết tự truyện thì hoàn toàn có thể trở thành nhân vật chính trong một bộ phim đặc sắc nói về một mẫu chính khách

Trong cuốn tự truyện này, tôi thấy hình như không thiếu bất kì một cung bậc cảm xúc, trạng thái nào: thích, bối rối, lúng túng (233); xấu hổ: “ngượng chín cả tai” (235), ngượng ngùng (vì chất lượng xuất khẩu chổi), xốn xang (258), yêu, thương, vui, thậm chí “vui khôn tả xiết” (318), hạnh phúc, thậm chí “hạnh phúc vô vàn” (318), “kiêu hãnh và sung sướng” (321), buồn, đau khổ, dằn vặt, biết ơn, coi thường, “bực bội, căng thẳng, lo lắng, khó chịu, mất ăn mất ngủ” (425), thất vọng, tức giận, căm thù, ghét, nghi ngờ, sợ (331), băn khoăn, áy náy, trăn trở, day dứt, ám ảnh, đề phòng, xúc động, “mến phục, tin tưởng” (263), hào hứng; hân hoan (322); nhớ (326), thèm (326), lạc quan (101),  tự hào, thanh thản … và rất nhiều suy ngẫm, lí giải, chiêm nghiệm, nhận xét…

Tác phẩm sử dụng 16 lần dấu chấm than trong ngoặc đơn (!) ở  những trang 52, 53, 69, 192,195, 368, 413, 420, 517,  557, 640, 576; riêng trang 639 sử dụng 2 lần và trang 522 cũng dùng 2 lần, trong đó có một lần đặc biệt dùng liền 3 dấu chấm than trong ngoặc đơn: (!!!). Chúng ta đều biết rằng: chức năng của dấu chấm than trong ngoặc đơn là biểu thị sự ngạc nhiên, mỉa mai, châm biếm. Điều đó có nghĩa rằng ẩn sau giọng kể điềm đạm, không trách móc nhưng vẫn có lúc tác giả cảm thấy ngạc nhiên, hài hước, mỉa mai, thậm chí chua chát.

Tự truyện là phải kể những chuyện có thật. Tuy nhiên, thẳng thật nhưng phải ít tổn thương người khác. Đối với những chuyện không vui hoặc tế nhị cần kể lại thì ông viết tắt tên hoặc không nói tên hoặc dùng từ ngữ phiếm chỉ. Có sự việc, tác giả không “lột trần sự thật” mà chỉ “lột he hé”. Ví dụ, sự việc có một đoàn chiến sĩ bộ binh đi đến đâu là mọi người bị mất cắp vặt bi đông, dép lốp thậm chí còn ăn trộm lợn của dân nhưng tác giả viết tắt là đoàn chiến sĩ bộ binh tỉnh H. hoặc: “mấy chiến sĩ bắt lợn” mà không viết “mấy tay lính ăn trộm lợn của dân”.  Còn tên 2 sinh viên bị chủ nhà nhất mực yêu cầu nhà trường làm một cái lễ “tống quái”, bởi gia đình cho rằng việc một đôi nam nữ đóng cửa ngồi với nhau khi vắng chủ nhà đã làm uế tạp nhà họ (?) thì được viết tắt là Ng, Kh. Th và Ng. Thị. M.; một Phó Giáo sự  gây mất đoàn kết nội bộ ở một trường đại học thì chỉ nói là “con một vị lãnh đạo cao cấp” và viết tắt tên (514); mối tình đầu thì không nói tên vì cô ấy đã có gia đình;  hoặc tác giả chỉ dùng những từ ngữ phiếm chỉ khi nói đến những nhân vật đó như: “Một đồng chí Thứ trưởng đã nghỉ hưu gọi điện cho tôi” (508); “Một vị ở Quỹ Văn hóa Hà Nội đề nghị” (557)… Tác giả viết “những người lính phía bên kia” (194) chứ không nói là “bọn giặc”.

Một ấn tượng nữa là tôi chưa thấy cuốn tự truyện nào lại sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ như thế. Theo sự thống kê tỉ mẩn của tôi thì có 97 đơn vị từ ngữ này. Điều này cũng dễ hiểu bởi nó phù hợp với tính cách người viết. Vì thành ngữ là những cụm từ có tính hình tượng và tính hàm súc, khái quát cao, làm cho cách diễn đạt được súc tích, ít chữ nhưng nhiều ý. Tục ngữ là những câu nói gắn gọn đúc kết kinh nghiệm hoặc chân lí dân gian nên cũng phù hợp với một người có thói quen quan sát rồi rút ra kinh nghiệm thực tế, chiêm nghiệm sự đời như ông. Thế nên, tôi hoàn toàn tin và đồng ý với nhận xét của một người thầy nói về bài văn của tác giả khi còn học cấp 2: văn ít lời được ý, “văn của Nghị giống văn phong lãnh tụ (!)” (52). Điều thú vị là ông còn thích sử dụng thành ngữ, tục ngữ xuất hiện ở thời kì sau hoặc sáng tạo lại thành ngữ, tục ngữ cũ. Ví dụ: Biếu ít xén nhiều (500); Cắt ngọn công trình” (626); Miền Bắc nhận hàng, miền Nam nhận họ (334); “Hà Nội đít tròn, Sài Gòn đít vuông (334); Tướng tấn, tá tạ, úy yến (334);  Hà nội không vội được đâu (609)…Thành ngữ “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” được biến tấu thành: “Vỏ quýt dày có móng tay… lính trị” (28); “Nghèo rớt mồng tơi” => (sinh viên) nghèo dưới mức rớt mồng tơi (70); “Lạy ông tôi ở bụi này” => “xe thưa ông tôi ở bụi này (460); “Đẽo cày giữa đường” => Đẽo được cày giữa Đại lộ Thăng Long (558); “Cái khó ló cái khôn” => Cái khó khi ấy đã không ló cái khôn, mà ló cái… tôi đành phải chấp nhận thực tại; “Quan nhất thời, dân vạn đại” => quan nhất thời, vạn đại chính là dân (631). Tôi tin việc “biến tấu” này là ông ảnh hưởng bà nội vì: “những câu tục ngữ, nghĩa, lời văn đã hay lắm rồi. Vậy mà bà tôi cứ sửa lại” (32)…

Có thể nói, cái vốn sống ngồn ngộn khổng lồ dồn ứ trong khoảng thời gian hơn 60 năm của một người tuổi đã ngoài thất thập thật đáng nể. Vốn sống đó đã đến lúc “chật căng” mà bung tràn ùa ra thành những con chữ. Qua tự truyện của ông, người đọc thấy được những vấn đề thời đại, nhiều suy ngẫm chiêm nghiệm có chiều kích lớn ở tầm vĩ mô, triết học. Tác giả thật hạnh phúc vì đã có một cuộc đời từng trải cùng những kí ức tuyệt vời. Hạnh phúc ấy là được trải nghiệm đầy đủ những cung bậc tình cảm; được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người giỏi giang tầm cỡ, có phông văn hóa lớn trong nước và quốc tế để học hỏi và phát triển bản thân; hoàn thành được trách nhiệm, làm được nhiều việc có ích cho đời; và cuối cùng là có được sự thanh thản cuối đời bên gia đình.

Xin chúc mừng hạnh phúc và thành công của tác giả.

Hà Nội, 12/6/2022

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”