Người đi tìm sao qua những trang sách

9:01 | 09/05/2022

Tôi say sưa đọc cuốn tự truyện đồ sộ dày 650 trang, ấn loát tuyệt vời của nhà văn, chính khách Phạm Quang Nghị “Đi tìm một vì sao”, NXB Hội Nhà văn, 2022. Chuyện một đời người, từ cậu bé nhà quê những đêm trăng cùng mấy đứa bạn hàng xóm tranh nhau đếm các vì sao lấp lánh trên trời, cố tìm xem đâu là ngôi sao của riêng mình, đến một người thành danh đã vượt quá mốc tuổi cổ lai hy.


Một cuốn ký sự tự truyện với nhiều trang thấm đẫm chất văn chương. Theo cảm nhận của tôi, đây là tập đại thành nhiều thể loại báo chí và văn học, từ bút ký, chân dung đến tiểu luận, tùy bút…

Kính mời các bạn, chúng ta cùng nhau thưởng thức chương đầu của tác phẩm. Có thể coi đây là một bài viết có thể tách riêng, kể về “Làng Hoành, quê tôi”, một làng ven sông thuộc bờ nam sông Mã, xứ Thanh. Vị Thành hoàng của làng Hoành là một nàng công chúa đời nhà Trần. Bà đã rời chốn vương cung cùng hai tỳ nữ về chốn này tụ tập dân cư, khai hoang lập ấp. Người dân làng Hoành từ thuở ấy đến hôm nay qua nhiều thế hệ vẫn nhớ đến công ơn đều phụng sự/ Bao giờ nhạt được khói hương bay (thơ Phạm Quang Bật, một vị nho gia tiên của làng). Thời hiện đại, làng Hoành trải qua những năm tháng vẻ vang và đau thương, mất mát qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Tại làng quê đang lúc yên bình, một chiều cuối năm Bính Ngọ 1966, đạn bom từ máy bay giặc Mỹ, chiếc nào cũng mang dòng chữ kiêu ngạo US NAVY to đùng, bỗng từ Biển Đông ập vào, ào ạt trút bom đạn xuống như giông lốc, cướp đi mạng sống 43 người, làm bị thương 102 người. Từ bấy, hằng năm vào ngày 20 tháng Chạp, nhiều gia đình trong làng nghi ngút khói hương cúng giỗ, và ngày cuối năm ấy được dân làng làng Hoành lấy làm ngày giỗ chung.

Thời ấy chàng trai mới lớn Phạm Quang Nghị đang học lớp 10 năm cuối cấp ba. Tiếng đạn bom vừa lắng, chàng chạy vội về nhà. Bà nội vẫn còn nấp dưới hầm. Bà mẹ vừa chạy vừa kêu thất thanh “Ới Nghệ ơi, ới Hà ơi, hai đứa ở đâu?”. Tác giả kể (tóm lược): Hai em gái của tôi, Nghệ và Hà, cùng một đứa trẻ nhà hàng xóm bên cạnh đã chết trong tư thế ôm chặt người nhau trên nền nhà loang lổ máu tươi. Em Nghệ bị một mảnh bom cắm vào đầu. Em Hà năm ấy mới lên bốn, dính mảnh bom bé bằng hạt ngô xuyên qua cột sống. Bà mẹ Phạm Quang Nghị cũng bị hai mảnh, một găm trên trán, một xuyên đầu gối.

Đọc cuốn tự truyện đến đây (trang 54), tôi xúc động tới mức phải gấp vội cuốn sách đặt lên bàn đẩy ra xa, sợ hai hàng nước mắt sắp tuôn làm hoen ố cuốn sách đẹp. Và không cách nào đọc tiếp được nữa. Lòng tôi rưng rưng. Hoài niệm trào dâng. Đời tôi cũng từng chứng kiến, từng hứng chịu những trận bom đế quốc Mỹ theo cung cách ấy. Trong ký ức tôi từ bấy đến nay, sau gần 60 năm vẫn còn lưu rành rọt cảnh những tốp máy bay lần đầu từ Biển Đông bất ngờ ập vào giội bom, hòng phá cập cầu Hàm Rồng bắc ngang qua dòng sông Mã, chặt đứt quốc lộ 1 chạy song song con đường sắt xuyên Việt. Hôm ấy tôi cùng mấy nhà báo tên tuổi làm việc tại Báo Nhân Dân Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Diệu Bình vào tỉnh Thanh có công việc khác. Chúng tôi đứng tản ra, cách xa nhau, trên khúc đê sông Mã thuộc huyện Thọ Xuân, tận mắt nhìn cảnh máy bay Mỹ từng tốp, từng tốp ba chiếc nối đuôi nhau lao xuống giội bom rồi hoảng hốt lướt vội lên cao, tránh các loạt đạn cao xạ của các đơn vị phòng không của ta làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đấy là lần đầu máy bay đế quốc Mỹ bị quân ta bắn rơi ở miền bắc. Cầu Hàm Rồng qua bom đạn ác liệt vẫn nguyên vẹn. Dù vậy, cầm chắc thế nào rồi máy bay Mỹ cũng sẽ quay trở lại quyết phá hủy bằng được cây cầu này, chúng tôi quyết định quay xe lên mặt cầu Hàm Rồng vẫn đang khét lẹt mùi đạn bom trở về Hà Nội ngay trong đêm. Đấy cũng là lần đầu tôi thấm thía sự tàn ác vô lương đến cùng cực của quân xâm lược Mỹ.

★★★

Tôi khâm phục đôi mắt quan sát, trí nhớ tuyệt vời của tác giả. Ông nhớ cả những chi tiết nhỏ trong công việc hằng ngày và cuộc sống đời thường. Đặc trưng ấy không chỉ nói lên phong cách “một người có chút máu mê viết lách” như lời ông tâm tình (trang 350), mà là của một nhà báo, nhà văn có năng khiếu bẩm sinh, được đào tạo bài bản. Trước khi rời Trường đại học Tổng hợp Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ tham gia đánh đế quốc Mỹ, chàng trai làng Hoành đã kịp dự Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì. Tại chiến trường, ông làm cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, biên tập viên tạp chí Sinh hoạt Văn nghệ từ năm 1971 đến ngày toàn thắng, tháng 5/1975. Ra miền bắc, ông viết báo, làm thơ đều đều.

Phạm Quang Nghị gắn bó với Ban Tuyên huấn Trung ương suốt hai thập niên, qua mấy lần Ban đổi tên, do quyết định của Trung ương Đảng và nhu cầu của thời cuộc. Tôi cũng có thời gian bảy năm làm việc ở Ban. Trụ sở trước sau vẫn đóng tại khu nhà vốn là Trường Trung học Albert Sarraut trước năm 1945. Bản thân cũng là người chịu khó quan sát, ghi chép, vậy mà đọc Đi tìm một vì sao, tôi ngạc nhiên trước quá nhiều điều mình không hề hay biết. Tôi cũng có thời gian làm việc dưới quyền hoặc những nhân vật như Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng… do vậy càng thêm thú vị khi “nghe” Phạm Quang Nghị kể về mấy nhân vật ấy. Đó thật sự là những bức ký họa chân dung sắc nét, chân thực, thể hiện được cái thần của những con người.

Cung cách nhà báo Hoàng Tùng sửa bài của các cộng sự, bao gồm các bài in trên Báo Nhân Dân, có mấy thế hệ phóng viên, biên tập viên trình duyệt trong khoảng thời gian gần 30 năm ông làm Tổng Biên tập báo ấy, chẳng mấy ai lạ. Có nhiều bài ông gần như để nguyên, chỉ chỉnh sửa mấy dấu chấm, phẩy, ngoặc đơn, ngoặc kép rồi ký ngoáy hai chữ Tg vào góc trái đầu trang 1. Lại có những bài xã luận chúng tôi trình ông rồi sốt ruột chờ. Ban ngày ông thường bận họp hoặc làm việc tại những nơi kiêm nhiệm, thông thường sau bữa cơm tối mới đến số nhà 71 phố Hàng Trống đọc và duyệt xã luận cùng một số bài quan trọng như bình luận quốc tế, giới thiệu Nghị quyết của Trung ương Đảng vừa mới ban hành, v.v. Nhìn thấy bài mình viết được anh bạn trẻ cán bộ Ban Thư ký mang từ phòng Tổng Biên tập ra, đã có hai ký tự loằng ngoằng bên góc trái trang đầu, vậy là yên tâm. Lại có trường hợp bài viết còn lại đúng bốn chữ, hai từ Xã luận ở đầu trang 1 và Nhân Dân ở cuối trang cuối, còn lại toàn là những dòng kẻ mành mành, coi như bài… phá sản.

Nhà báo Hoàng Tùng hầu như không có những cuốn sổ tay dày cộp bìa cứng như hầu hết các cán bộ vẫn kè kè trong chiếc cặp đi làm. Tại các cuộc họp ông ít ghi chép, khi cần lắm mới ghi loắng ngoắng mấy chữ vào cuốn sổ nhỏ và mỏng, đút gọn vào túi áo trước ngực. “Những lần nghe ông Hoàng Tùng phát biểu, giảng nghị quyết hay thông báo tình hình thời sự, thấy đôi khi ông liếc nhìn vào mẩu giấy chừng bằng bàn tay, anh em hay nói quá lên là chỉ bằng bao diêm, vậy mà ông có thể đứng nói cả ngày trên bục”, Phạm Quang Nghị viết (trang 357).

Thời gian ông Hoàng Tùng ốm nặng, phải “thường trú” dài ngày tại bệnh viện (lời ông nói vui khi chúng tôi vào viện thăm), ông có viết một “bức thư dài chưa đến 5 trang như một bài xã luận về “Niềm tin và nỗi lo của Bác Hồ”. Trong đó, “Nỗi lo thứ hai, là Người chỉ tiếc không loại trừ được ảnh hưởng của chủ nghĩa tả khuynh của Liên Xô, Trung Quốc vẫn còn kéo dài trong nội bộ Đảng ta”. (trang 359).

Tác giả Phạm Quang Nghị dành hơn mười trang sách vẽ chân dung nhà lãnh đạo Đào Duy Tùng, người ông có nhiều năm gần gũi: “Một con người đức độ, khiêm nhường, cẩn trọng hiếm có và rất biết lắng nghe… Nổi bật là phương pháp tư duy khoa học; đạo đức cá nhân trong sáng, mẫu mực; sự giản dị, khiêm tốn, tự giác giữ gìn theo phong cách, tấm gương Bác Hồ”.

Đọc những trang khắc họa chân dung của Phạm Quang Nghị, tôi có cảm giác như mình gặp lại những người quen, đang thoải mái chuyện trò với họ, lắng nghe họ phát biểu, quan sát cung cách xử lý việc công, việc đời.

★★★

Tôi hiểu, khuôn khổ một bài Đọc sách không nên và cũng không được phép viết dài, do đó không có điều kiện tìm hiểu sâu tư duy và phong cách hành nghề của tác giả Phạm Quang Nghị qua “Đi tìm một vì sao”. Dù vậy vẫn không sao nén được náo nức trở lại với chương đầu tác phẩm này. Một bài chỉ dài chừng bảy trang sách, mở đầu với mấy từ Làng Hoành, quê tôi, rồi cứ thế mười lần lặp lại với Làng tôi…, Làng tôi…, và kết thúc với Người làng tôi, “những con người được thừa hưởng truyền thống của làng, của quê hương đất nước, dù đang sống ở đâu cũng rất đỗi tự hào, rất đỗi yêu làng yêu quê. Người đi xa, ai cũng mong ước được trở về thăm lại làng quê, thăm con sông và những cánh đồng…”.

Sau mấy chục năm ngày ngày làm việc trong căn phòng không rộng với bức chân dung Bác Hồ mặc áo lụa bà ba mầu gụ treo trên tường, cuối cùng cũng đến lúc tác giả có thời gian để “được hằng ngày đi bộ ngắm nhìn thiên nhiên, hoa lá trong công viên ngày một tốt tươi và hy vọng mùa sau nở nhiều hoa hơn mùa trước” (trang 644).

Hoa trong công viên và hoa từ cây bút, trang giấy nữa, mùa sau nở nhiều hoa đẹp hơn mùa trước, có phải vậy không, thưa nhà báo, nhà văn, nhà thơ Phạm Quang Nghị?

Tháng 4/2022

Theo Nhân dân

https://nhandan.vn/van-nghe/nguoi-di-tim-sao-qua-nhung-trang-sach-696025/

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ