“Điệp khúc” thiếu giáo viên và nỗi trăn trở “ba quyền”

14:01 | 10/08/2023

Trong rất nhiều những ý kiến trao đi đổi lại, câu chuyện trao quyền chủ động cho ngành giáo dục hay nói như một chuyên gia là “giáo dục cần được thực hiện “ba quyền” được quan tâm nhiều hơn cả.


“Thiếu” giáo viên có lẽ là một trong những điệp khúc dai dẳng, kéo dài rất nhiều năm qua, được nhắc đi nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông cũng như được bàn thảo liên tục trên các diễn đàn Quốc hội, tuy nhiên đến nay vẫn tuyệt nhiên chưa có được một lời giải khả thi nào. Trong rất nhiều những ý kiến trao đi đổi lại, câu chuyện trao quyền chủ động cho ngành giáo dục hay nói như một chuyên gia là “giáo dục cần được thực hiện “ba quyền” được quan tâm nhiều hơn cả.

1. Kết thúc năm học 2022-2023 và trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GD&ĐT đưa ra con số thống kê, không khác gì một lời than, lời kêu cứu rằng cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 – 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người). Lời than này còn trở nên thảm thiết hơn nữa khi Bộ GD&ĐT cho hay, đến thời điểm này, tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, Thanh Hóa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Dương,… là những địa phương thiếu nhiều nhất…

Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng vẫn chưa tìm được lời giải hợp lý. Ảnh: T.L

Người đứng đầu ngành GD&ĐT Thanh Hóa cho hay so với định mức quy định của tỉnh, thì hiện tại toàn tỉnh đang thiếu 6.884 giáo viên còn nếu so với định mức quy định của Bộ giao, thì ngành GD&ĐT Thanh Hóa còn thiếu tới 10.256 giáo viên. TP. Hồ Chí Minh cũng là một “điểm nóng” về việc thiếu giáo viên. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023 ngành giáo dục thành phố còn thiếu hơn 5.200 giáo viên. Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Thủ đô cũng thiếu tới 10.265 giáo viên.

2.Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tháng 10/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng nhiều năm về trước giáo viên đã không đủ do nhiều người bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên. Từ tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học của năm 2015 là trên 19 triệu học sinh. Nhưng đến tháng 9/2022, khi bắt đầu năm học là trên 23 triệu học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 có 1.156.000 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9/2022 có 1.227.000 giáo viên. Có thể thấy, số giáo viên nhiều hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3.000.000.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền dồn về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc năm tuổi thiếu; thiếu do việc tăng số buổi học từ một buổi lên hai buổi một ngày và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh; tỷ lệ số học sinh trên lớp cần đảm bảo chuẩn 35 giáo viên cho bậc tiểu học và 45 học sinh trên lớp của bậc trung học….

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn được chỉ ra là do chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp… Đơn cử, theo Bộ GD&ĐT, do ở cấp tiểu học, tiếng Anh, tin học trước đây là môn tự chọn nay đưa vào chương trình bắt buộc từ lớp 3; bổ sung mới môn nghệ thuật cấp THPT…

Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển và không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, còn vấn đề là thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…

3. Rõ ràng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng, thừa, thiếu giáo viên thì có nhiều. Có tờ báo còn điểm mặt chỉ tên tới 15 nguyên nhân khiến thiếu giáo viên, thầy cô bỏ việc như: lương giáo viên còn thấp, ít có chính sách đãi ngộ, lương bị trừ nhiều khoản, chính sách tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng chưa phát huy tác dụng, các trường chưa được tự chủ trong tuyển dụng, áp lực công việc, hồ sơ sổ sách, cuộc thi, tập huấn, xuất hiện nhiều môn học mới khiến giáo viên vất vả, xếp lương giáo viên còn chưa công bằng, phụ cấp chức vụ cán bộ quản lý chưa tương xứng, đánh giá thi đua, xếp loại còn chưa thực chất, vẫn còn những chứng chỉ “hành” giáo viên…

Trong đó, bên cạnh câu chuyện thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp, đồng lương giáo viên chưa tương xứng với vị thế của nghề nhất là giáo viên mầm non, phổ thông… thì việc các trường thiếu giáo viên trầm trọng nhưng lại không được tự chủ trong tuyển dụng, không thể tuyển dụng, hay nói cách khác là việc ngành giáo dục vẫn chưa được giao quyền chủ động được xem là những tác nhân “nóng” nhất.

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 – 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được. Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết từ năm 2015 đến nay, số lượng viên chức được giao cho khối giáo dục cơ bản giữ nguyên. Năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập. Ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết số biên chế giáo viên tỉnh được giao (gần 1.700) thấp hơn định mức, trong khi hằng năm vẫn phải cắt 10% biên chế theo Nghị quyết 19 của T.Ư.

Cái sự khó của ngành giáo dục về nhân sự, theo nhiều chuyên gia và cả chính những người trong ngành giáo dục, sẽ vẫn còn rất khó chừng nào ngành giáo dục còn chưa được trao quyền chủ động, chưa được quyền “nắm” về con người.

“Chừng nào ngành giáo dục chưa quản lý được đội ngũ của mình thì chừng đó chưa ổn định được. Ví dụ, sở GD&ĐT của chúng tôi quản lý về chuyên môn, con người nhưng sở tài chính cấp kinh phí về các trường THPT như thế nào chúng tôi cũng không biết. Vấn đề nhân sự cũng vậy, việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển… đội ngũ của mình thế nào ngành GD&ĐT cũng không nắm được. Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT phải phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ làm sao để chức năng quản lý của ngành GD&ĐT phải thông suốt từ Bộ xuống các địa phương, thì việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả được” – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức thẳng thắn chia sẻ.

Rõ ràng, một ông chủ nhà không thể cho thuê ngôi nhà của mình khi không nắm trong tay chìa khoá nhà và quyền cho thuê nhà. Ngành giáo dục cũng vậy. Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong lần phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Phải nhìn nhận “một cách sòng phẳng” về trách nhiệm của ngành giáo dục, khi triển khai chương trình GDPT 2018 đã quy định rõ trách nhiệm của các địa phương là đảm bảo các điều kiện để triển khai, từ trường lớp, giáo viên, trang thiết bị, dụng cụ dạy học”.

Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất” – Bộ trưởng Sơn nói.

Để gỡ cái khó cho ngành giáo dục, để cái điệp khúc thừa thiếu giáo viên bớt lặp đi lặp lại đến mức không thể sốt ruột hơn nữa như nhiều năm qua, có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về câu chuyện “cho ngành giáo dục thực hiện trọn vẹn ba quyền”. Ba quyền ấy, như quan điểm của PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục là: Quyền tuyển người, quyền dùng tiền và quyền ban hành các chính sách giáo dục.

Nguyễn Hà

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/diep-khuc-thieu-giao-vien-va-noi-tran-tro-ba-quyen-post259769.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.