Đặc sắc với chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023

19:57 | 21/06/2023

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ 2023, sáng nay 21/6, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã diễn ra khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”.


Chương trình nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long và mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, chương trình năm nay được tổ chức với nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn Tết Đoan Ngọ cung đình, bao gồm 2 hoạt động chính là trưng bày và thể nghiệm nghi lễ cùng với không gian check in lung linh, cổ kính.

Cắt băng khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023. Ảnh: Hoa VT

Các nghi lễ của hoàng cung trong ngày Tết Đoan Ngọ thời Lê lần đầu tiên được trung tâm trưng bày diễn giải một cách có hệ thống, sinh động và chân thực thông qua hệ thống pano, tranh vẽ, đặc biệt là phỏng dựng không gian cung đình, thiên tử uy nghi ngự trên ngai rồng thiết triều, đề thơ lên quạt và truyền ban thưởng quạt cho các quan. Chiếc quạt tuy là vật dụng nhỏ bé nhưng lại có giá trị sử dụng cao và hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Vì thế, không gian trưng bày tiếp tục được tạo điểm nhấn bởi bộ sưu tập quạt mang phong cách quạt the đặc sắc của gia đình nghệ nhân Lân Tuyết. Đây là một dòng quạt quý, cao cấp thường dành cho các tầng lớp vua chúa, quan lại, quí tộc xưa.

Nhiều nghi lễ của Hoàng cung được tái hiện tại chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” năm 2023.

Dân gian thường gọi là Tết Đoan Ngọ hay Tết “giết sâu bọ”. Từ xa xưa đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương/Là ngày giỗ mẹ Việt Thường Văn Lang” hay “Tháng Tư đong đậu nấu chè/Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm”. Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến dày đặc, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ, bỗng nhiên, có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đã “té ngã” rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: “Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng”.

Các khách mời dâng hương.

Biết ơn và để tưởng nhớ việc này, người dân đã đặt cho ngày 5/5 Âm lịch là ngày Tết “diệt sâu bọ”. Nhiều người gọi là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Đây là thời điểm kết thúc vụ mùa, người dân làm lễ thắp hương Tết Đoan Ngọ để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro… để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật… Người dân làm lễ cúng nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu. Sau khi dâng lễ vật cúng tổ tiên, thần linh, mọi người thụ lộc ăn hoa quả, cơm, rượu nếp.

Nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long.

Sách Đồng Khánh địa dư chí chép “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”. Đặc biệt, những phong tục này đã được khắc họa một cách chân thực và sống động trong bộ sách Kỹ thuật của người An Nam của tác giả Henri Oger.

Theo lệ, đúng ngọ (12 giờ trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời toả ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này được cho rằng có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.

Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. Dịp này, những người buôn bán từ quê ra đều mang theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.

Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là “cái”. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này. Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết “ngả rượu nếp” và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra Hà Nội bán, có người chỉ trong một buổi sáng bán được đến cả 10 chậu nếp cẩm.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết, chương trình năm nay được tổ chức với nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn Tết Đoan Ngọ cung đình, bao gồm 2 hoạt động chính là trưng bày và thể nghiệm nghi lễ cùng với không gian check in lung linh, cổ kính.

Cơm rượu miền Trung được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Đây là món tráng miệng, lại giúp dễ tiêu hóa nên đã được nhiều gia đình miền Trung tự chế biến trong bữa ăn. Cơm rượu nếp miền Trung thường có hình dáng vuông vức.

Ở miền Nam, cơm rượu không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ. Món cơm rượu ở miền Nam thường có nước tiết ra và cũng được pha thêm nước đường, rất ngon nếu ăn kèm với xôi vò giống như món xôi chè ở miền Bắc. Ngoài ra, theo truyền thống của người miền trong, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP HCM, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường.

Sau Tết Nguyên đán, có lẽ Tết Đoan Ngọ là Tết sum họp đầm ấm và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân, vì vậy con cháu làm việc, học tập ở xa luôn mong ngóng để về với gia đình.

Đình Trung

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/dac-sac-voi-chuong-trinh-tet-doan-ngo-thang-long-xua-nam-2023-post252571.html#p-5

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.