Bức ảnh cổ và cuộc ‘truy lùng’ cây cầu bí ẩn sau 140 năm

10:34 | 22/04/2020

 Một câu chuyện thú vị vừa diễn ra trong đời sống học thuật: Từ bức ảnh cổ của bác sĩ Hocquard (Pháp) chụp một cây cầu tại Sơn Tây cuối thế kỷ 19, nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận và khảo cứu tư liệu để xác định thông tin về kiến trúc này.


Mọi chuyện được bắt đầu từ câu hỏi trên Facebook của họa sĩ Trần Đại Thắng (Giám đốc Công ty Văn hóa Đông A). Trong quá trình biên tập các tư liệu để chuẩn bị xuất bản cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Charles – Édouard Hocquard, họa sĩ này đã nhờ đồng nghiệp hỗ trợ để tìm kiếm thông tin về cây cầu ngói trong một bức ảnh cổ, chụp trong thập niên 1880 với chú thích ngắn gọn là “nằm bên đường cái quan, cách Sơn Tây khoảng 10 km về phía Hà Nội”.

Để rồi, từ bức ảnh và mấy dòng thông tin vẻn vẹn từ khoảng 140 năm trước ấy, nhà nghiên cứu Hán Nôm TS Trần Trọng Dương, cùng những người bạn hiếu cổ – như cách gọi của anh – đã làm một cuộc khảo cứu đặc biệt qua tư liệu, và bước đầu tạm xác định thông tin về cây cầu từng tồn tại cách đây hơn một thế kỷ.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), TS Trần Trọng Dương cho biết.

– Tôi quan tâm đến lịch sử của các cây cầu cổ ở Việt Nam. Đó là một nét văn hóa truyền thống của người Việt trong cả ngàn năm mà đến nay đã bị mai một rất nhiều. Ngày xưa, khi kỹ thuật xây dựng cầu cống của phương Tây chưa du nhập, những cây cầu ngói, cầu đá, cầu độc mộc, cầu tre, cầu khỉ, cầu noi… luôn điểm xuyết ở khắp các làng quê. Và cây cầu – cây đa – bến nước – con đò trở thành bộ tứ biểu tượng về quê hương, là hằng số của “văn minh vật chất người Việt”, là nơi neo đậu của ký ức và xúc cảm lịch sử.

Bởi vậy, khi anh Trần Đại Thắng đưa ra ảnh chụp của Pháp về một cây cầu ngói rất đẹp mang tên Trach – Moi (mà nay đã tan thành cát bụi, không ai biết ngày nay nó ở đâu, ngày xưa nó được người Việt gọi bằng tên gì?), ngay lập tức chúng tôi thấy đó là thử thách thú vị cho một cuộc du hành khảo cổ.

TS Trần Trọng Dương

* Anh sử dụng những phương pháp gì để xác định thông tin về cầu Trach – Moi? Và để tóm tắt, quá trình này đã lần lượt qua những bước cơ bản nào?

– Tôi đã gọi “cầu Trach – Moi” như là một nghi án lịch sử, mà chúng tôi (những kẻ hiếu cổ) đóng vai như những thám tử lần theo dấu vết của sử liệu.

Trước tiên là “Trach – Moi”, tên cầu được đặt theo tên làng. Chúng tôi đã lục khắp các kho tư liệu tiếng Pháp và bản đồ tiếng Pháp đương thời để thống kê tất cả các sử liệu, các nhật ký, sách nghiên cứu, cũng như xác định xem Trach – Moi nằm ở đâu. Sử liệu (đặc biệt bản đồ do Pháp vẽ năm 1883, 1886) đều ghi Trach – Moi và Thuong – Luc nằm trên tuyến đường quân Pháp hành quân từ Hà Nội về Sơn Tây (theo quan lộ), ở vị trí cách thành cổ Sơn Tây 8 – 10 km. Nhưng, so sánh với các sử liệu Hán Nôm (địa chí, địa phương chí, và bản đồ Hán Nôm), thì thực tế lại không thấy thôn làng nào là Trach – Moi, mà chỉ có Trạch Lôi. Như vậy, chúng tôi xác định: Các sử liệu của Pháp đều chép nhầm địa danh.

Thao tác thứ hai, tôi xác định cầu phải bắc qua sông ngòi. Từ đó tôi đặt ra tọa độ giao cắt của sông này với đường quan lộ (Đường 32 ngày nay), và thấy gần làng Trạch Lôi có một nhánh cổ của sông Tích Giang chạy cắt ngang qua đường 32, phía Đông của Ngã tư Gạch, ngay trung tâm của huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Tôi gọi đây là giao điểm 32 – TG. Lấy tuyến đường 32 (Hà Nội – Sơn Tây) và giao điểm 32 – TG làm trục, chúng tôi thực hiện thao tác chồng bản đồ, từ bản đồ không ảnh, bản đồ 2004, bản đồ quân sự của Mỹ năm 1966, bản đồ Đồng Khánh, bản đồ 1886, bản đồ 1883, thì đều thấy trùng khít với vị trí đã xác định. Đó là cầu Gia Hòa trên xã Gia Hòa. Từ cái tên cầu Gia Hòa, chúng tôi lần theo các sử liệu Việt Nam (bi ký, địa chí… ) để vạch ra một lịch sử 300 năm của cây cầu với một cái tên dân gian nổi tiếng: Cầu Trò xứ Đoài.

Bức tranh vẽ lại từ ảnh chụp cầu “Trach – Moi” của Charles – Édouard Hocquard

* Thông thường, trong các nghiên cứu về sử liệu, địa dư…, phương pháp các anh từng thực hiện có hay được áp dụng không?

– Hai phương pháp mà chúng tôi sử dụng trên đây (gồm địa danh học lịch sử, và bản đồ học lịch sử) là hai phương pháp đã từng được sử dụng trong giới nghiên cứu, khởi đầu từ Dumoutier, Đào Duy Anh cho đến gần đây là Nguyễn Quang Ngọc, Phạm Hoàng Quân, Đỗ Thùy Lan… Ở đây, chúng tôi chú trọng đến “tính liên văn bản” (intertextuality) của các nguồn sử liệu, từ đó giám định, phê phán sử liệu, để đưa ra những nhận định bước đầu.

* Quá trình thao tác, anh gặp những hạn chế gì về tư liệu?

– Hai nhóm tư liệu mà chúng tôi sử dụng là tư liệu Pháp văn và tư liệu Hán Nôm, trong đó mỗi nhóm đều chia ra 2 nhóm nhỏ là tư liệu chữ viết, và tư liệu bản đồ. Nhìn chung, mỗi nguồn sử liệu đều có thế mạnh và điểm yếu riêng.

Các tư liệu Pháp văn thì khảo tả rất chi tiết, thậm chí có những tư liệu nhật ký rất sinh động, kỳ thú. Trong khi đó tư liệu Hán Nôm rất yếu ở khoản này. Bản đồ do Pháp vẽ thì có ưu điểm là có tỷ lệ xích tương đối chính xác, nên rất thuận tiện cho việc chồng lớp bản đồ. Thế nhưng, các khảo tả đôi khi là ngô nghê sai lệch, họ tả con đường quan báo như là một cái đê. Ví dụ: Hocquard (1892) tả “phía trước làng [Trach – Moi] là một con đê làm bằng những tảng đất khô, được tạo hình vuông vắn như những viên gạch”, thực tế “những tảng đất khô” kia chỉ là “đá ong” một đặc trưng của vật liệu Xứ Đoài.

Và như trên đã nói, các tư liệu Pháp văn sai tràn lan về địa danh, bởi đây là những sử liệu do người nước ngoài viết/ vẽ, nên đã qua quá trình romanization (lLatin hóa). Ví dụ: Phong nhầm từ Phùng, Tung- Phu nhầm từ Tường Phiêu, Kym -Quam từ Kim Quan, Nuyen-Sa nhầm từ Nguyễn Xá, Tiem nhầm từ Trèm, Thieu Vuan nhầm từ Tiền Huân, Bat-Loc nhầm từ Bách Lộc, Thanh-Tanh nhầm từ Thanh Phần.

Trong khi đó bản đồ Hán Nôm, tư liệu Hán Nôm tuy khá chính xác về địa danh, nhưng mô tả sơ sài, bản đồ thì không có tọa độ và tỷ lệ xích, vẽ rất ước lệ. Sự “ước lệ” ấy thực chất là những sai lầm lạc hậu của bản đồ truyền thống. Nhưng nếu đối chiếu 2 nguồn tư liệu này với nhau thì lại là sự hô ứng tuyệt vời.

Một bản đồ cổ của Pháp được sử dụng trong quá trình khảo cứu, có ghi lại địa danh “Trach moi”

* Hiện tại, vắn tắt, anh có thể chia sẻ kết luận cuối cùng của mình về trường hợp cầu Trach – Moi? Ngoài góc độ xác định thông tin của một bức ảnh cổ, những kết luận bước đầu này có tác dụng gì tới việc nghiên cứu về vùng Sơn Tây cũ hoặc tương tự không, theo anh?

– Hình ảnh chiếc cầu mái ngói trong ảnh Hocquard năm 1892 được chú là cầu Trach – Moi khả năng cao là cầu Gia Hòa. Cầu này hiện nay nằm ở Trung tâm huyện lị huyện Phúc Thọ. Theo đường 32 từ Hà Nội về, qua sân vận động huyện Phúc Thọ là đến cầu Gia Hòa. Hiện nay cầu cổ đã mất, đường bằng đè qua sông đã gần cạn. Qua cầu bên tay trái là UBND huyện Phúc Thọ, bên phải là đền Cầu Trò và đình Phúc Thọ. Từ Ngã tư Chợ Gạch đi thẳng về Sơn Tây, cầu Trò vì nằm trên tuyến đường huyết mạch, nên đã trở thành một biểu tượng của Xứ Đoài.

Có lẽ trong tương lai, cần tiếp cận Xứ Đoài từ lịch sử giao thông, cả đường bộ lẫn đường thủy, và tôi đang nghĩ đến một “lớp văn hóa cầu” của mảnh đất huyền thoại này.

* Thực tế, chúng ta có khá nhiều ảnh tư liệu mà người Pháp để lại về Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu 20. Nhưng dường như, đa phần chúng ta mới chỉ nhìn chúng ở góc độ “nhiếp ảnh” đơn thuần, và ít có điều kiện để khảo sát, tìm hiểu những lớp thông tin đi kèm nó…

– Đúng như thế, ảnh tư liệu thời Pháp hiện còn rất nhiều, và rất phong phú. Tôi (và chắc nhiều người khác nữa) luôn coi đây là một nguồn sử liệu quan trọng khi nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam giai đoạn cận hiện đại. Nói cách khác, đó là những lịch sử Việt Nam được “chép” bằng tranh. Trong đó, vừa là giá trị văn hóa, vừa chứa đựng khái cảm lịch sử! Vấn đề là ở chỗ giám định nó như thế nào, giải mã nó ra sao, và đặt nó trong một hệ vấn đề gì.

* Xin cám ơn TS Trần Trọng Dương về cuộc trao đổi.

 

Theo TT&VH

 

Video hay

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”