Báo chí góp phần thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hành vi sửa chữa của các cơ quan, tổ chức vi phạm

6:40 | 23/06/2023

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”.


Đây là dịp để các nhà khoa học thảo luận một cách sâu sắc, cụ thể và toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn, cũng như thực trạng về báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay”. Ảnh: AJC

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định: Hơn 98 năm qua, nền báo chí nước ta có sự phát triển vượt bậc cả về đội ngũ, kỹ thuật, công nghệ và trình độ tác nghiệp. Hiện nay, cả nước có hơn 24 ngàn hội viên, nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí. Báo chí Việt Nam là dòng thông tin chính thống đáp ứng tốt nhu cầu thông tin – giao tiếp đại chúng, là phương tiện – phương thức liên kết các lực lượng trên toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hành vi sửa chữa của các cơ quan, tổ chức vi phạm hoặc có liên quan.

Báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra thể hiện rõ nhất chức năng “liên kết và can thiệp xã hội”, thông qua lớp màng mỏng nhất của ý thức xã hội là dư luận xã hội, hàng ngày hàng giờ tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên đất nước ta.

Hội thảo nhằm tổng kết lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp tăng cường số lượng, chất lượng và hiệu quả báo chí đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khái quát hoá thành các luận điểm, lý thuyết khoa học báo chí, truyền thông; hình thành cơ sở, căn cứ khoa học để các nhà báo, các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông trong cả nước thực hành, ứng dụng nhằm phát triển lĩnh vực báo chí truyền thông phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời phục vụ xây dựng tài liệu học tập, nghiên cứu báo chí truyền thông.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: AJC

Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng, chính các nhà khoa học, các quý vị đại biểu, khách quý là nhân tố quan trọng nhất tạo nên uy tín và chất lượng của diễn đàn khoa học ngày hôm nay, góp phần hệ thống hoá và phát triển lý luận, định hướng thực tiễn báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Những năm qua, báo chí cách mạng nước nhà đã thực sự trở thành “tai, mắt của Đảng, tiếng nói của nhân dân”, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh trung thực, khách quan mọi mặt đời sống xã hội, từ đó góp phần phát hiện, tố giác, vạch trần nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp…

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hạn chế lớn nhất là báo chí chưa phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Một số vụ việc được phát hiện, nêu ra nhưng lại chưa theo đuổi đến cùng, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp, tin tưởng vào báo chí. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, báo chí không được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thông tin cần thiết và tin cậy…

PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chào mừng Hội thảo. Ảnh: AJC

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải vững về bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ và thật sự trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, phải có động cơ xây dựng, khách quan, trung thực.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Công Dũng, Phó tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí cũng hết sức quan trọng, cần chủ động, tiên phong, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực kịp thời động viên, hỗ trợ phóng viên, biên tập viên tham gia xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực; đồng thời tin tưởng, quan tâm, ủng hộ và bảo vệ các phóng viên, nhà báo chân chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Tại hội thảo, nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới đã được các đại biểu đề xuất. Trong đó đều nhấn mạnh giải pháp bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho báo chí, dư luận xã hội tham gia có hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí khi tác nghiệp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: AJC

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Mai Đức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, kết quả của hội thảo là cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích cho việc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, cũng như hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

PV

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/bao-chi-gop-phan-thuc-day-trach-nhiem-giai-trinh-va-hanh-vi-sua-chua-cua-cac-co-quan-to-chuc-vi-pham-post252786.html

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô