Bắc Ninh nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ

17:04 | 17/06/2023

Bắc Ninh được mệnh danh là xứ sở của các lễ hội dân gian truyền thống, cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp. Các hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái riêng, độc đáo, tiêu biểu là Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.


Quan họ di sản phi vật thể đặc sắc

Bắc Ninh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, nơi phát tích của Vương triều Lý – triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt. Vốn là tổ đình của Phật giáo đồng thời là trung tâm Nho học đầu tiên của cả nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc.

Bắc Ninh cũng được mệnh danh là xứ sở của các lễ hội dân gian truyền thống, cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp. Các hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái riêng, độc đáo, tiêu biểu là Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dân ca quan họ Bắc Ninh là một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những liền anh, liền chị. Hát quan họ là nét văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Kinh của vùng Kinh Bắc. Những lời ca, giai điệu uyển chuyển mềm mại, diễn tả tâm trạng yêu thương, nhớ nhung làm da diết lòng người. Dù hát không có nhạc đệm, nhưng những âm điệu i, ơ, rồi những âm nhấn, âm lặp và sự luyến láy tạo cho người nghe có cảm giác như có nhạc đệm gắn vào trong lời quan họ.

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam.

Cái hay, cái đẹp và độc đáo của quan họ nằm ở sự phong phú về giai điệu. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Vì lẽ đó, Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Cho đến nay, có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá.

Ngoài lời ca tiếng hát, các liền anh diện áo dài 5 thân, quần trắng, khăn xếp đen, ô Lục Soạn… và các liền chị với áo mớ ba mớ bảy, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao… làm sống lại những ký ức văn hóa đẹp đẽ của vùng Kinh Bắc, trong đó nổi bật là 49 làng quan họ gốc (được UNESCO công nhận đợt đầu) và một số làng lân cận tại Bắc Ninh và Bắc Giang.

Trước kia, quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 67 làng quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú “chơi Quan họ”, không phải là “hát Quan họ”. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.

Ngày nay, chúng ta được biết đến nhiều qua “Quan họ mới”. Quan họ mới còn được gọi là “hát Quan họ lời mới”, là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng… Quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm.

Quan họ ngày nay là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu, tức những bài quan họ lời cổ được cải biên lời. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.

Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa… Hát quan họ với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức tưởng nhầm là quan họ truyền thống, ví như bài “Sông Cầu nước chảy lơ thơ” do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống “Nhất quế nhị lan”.

Dù là quan họ cổ hay quan họ lời mới, bất cứ ai đến đất quan họ, nghe người quan họ hát đều mê, đều say đắm bởi làn điệu da diết, đằm thắm. Thế nên, mỗi dịp lễ hội, tết đến xuân về, người dân Bắc Ninh và du khách thập phương luôn háo hức, ngóng đợi được nghe, được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đặc của hội Lim. Để quảng bá di sản Dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều việc làm cụ thể, đạt được hiệu quả cao.

Festival Về miền quan họ năm 2023 được tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã thu hút được hơn 120.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm.

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh rất nỗ lực để giữ gìn và quảng bá di sản văn hóa dân ca quan họ.

Festival về miền quan họ 2023 là một trong những sự kiện để lại dấu ấn đậm nét với người dân và du khách.

Những chính sách cụ thể để bảo tồn di sản Dân ca quan họ

Ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh bắc Ninh cho biết, sau khi dân ca quan họ được vinh danh, Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách, những cách làm hay nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ. Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện nhiều hoạt động, nhiều đề án, dự án, chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới.

Đặc biệt, là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành các cơ chế chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, các Câu lạc bộ dân ca Quan họ trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, cơ chế đãi ngộ Nghệ nhân dân ca quan họ được phân chia cụ thể cho các nhóm đối tượng.

Trường hợp người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh thuộc loại hình di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh thì được hưởng thêm tiền trợ cấp hàng tháng bằng 01 (một) lần mức lương cơ sở. Trường hợp người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh khi được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” mà nhà nước không có chế độ đãi ngộ thì được áp dụng thụ hưởng một mức (một lần) chế độ đãi ngộ của tỉnh. Đối với “Nghệ nhân ưu tú”, được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 1,5 (một phẩy năm) lần mức lương cơ sở; đối với “Nghệ nhân nhân dân”, được hưởng số tiền trợ cấp hàng tháng bằng 2 (hai) lần mức lương cơ sở, ngoài ra được ngân sách tỉnh hỗ trợ mức phí tham gia Bảo hiểm y tế hàng năm; khi chết, được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức nhà nước.

Ông Trịnh Hữu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh bắc Ninh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ làng Quan họ gốc (44 làng) với 30 triệu/làng/năm; hỗ trợ làng Quan họ thực hành (150 làng), số tiền 20 triệu/làng/năm; hỗ trợ CLB Quan họ ngoài tỉnh khi lãnh đạo tỉnh đến thăm vào dịp kỷ niệm thành lập câu lạc bộ, số tiền 20 triệu/CLB.

Được biết, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được tỉnh quan tâm chú trọng với nhiều hình thức như tổ chức các Festival, chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ”, hội thi hát Quan họ đầu Xuân; biểu diễn, quảng bá, giới thiệu Dân ca Quan họ tại các tỉnh, thành phố và một số nước trên thế giới… tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn, sinh hoạt và truyền dạy Quan họ như: công trình Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đưa vào sử dụng 11 Nhà chứa Quan họ; mở rộng các hình thức truyền dạy trong cộng đồng và đưa Quan họ vào chương trình giảng dạy chính thức của trường học; xây dựng không gian diễn xướng Quan họ; tôn vinh các nghệ nhân Quan họ…

Từ chỗ chỉ có 44 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển lên 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 câu lạc bộ với trên một vạn hội viên tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy, đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với đó, Bắc Ninh đã mở trên 20 lớp dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại 8 huyện, thị xã và thành phố, với trên 40 học viên mỗi lớp; tái bản tập sách 200 bài hát Quan họ đối đáp làm tài liệu cho các nghệ nhân truyền dạy; hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở tổ chức lớp truyền dạy dân ca Quan họ tại các câu lạc bộ. Năm 2022 các cơ sở mở được 03 lớp tại các cơ sở (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du; TTVHTT& TT huyện Yên Phong; TTVHTT& TT thành phố Từ Sơn). Tiếp đó, năm 2023 lại mở thêm được 05 lớp tại các cơ sở (huyện Tiên Du có 04 lớp, trong đó xã Phật Tích 02 lớp, xã Hoàn Sơn 02 lớp; ngoài ra có 01 lớp tại thị trấn Phố Mới huyện Quế Võ).

Chỉ đạo Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức nhiều lớp truyền dạy, quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho những người yêu thích Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở trong nước và quốc tế: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên… với số lượng 300 học viên; tổ chức 3 lớp truyền dạy Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại tỉnh Bình Dương, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho một số lưu học sinh quốc tịch cộng hòa Pháp đang học và thực tập sinh tại Việt Nam.

Nhà chứa là không gian đặc biệt chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của các làng quan họ vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Cùng với truyền dạy trực tiếp của các nghệ nhân, là hình thức truyền dạy gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông nhất là truyền dạy qua Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, chương trình “Dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh” trên truyền hình do Đài PT-TH thực hiện với sự hướng dẫn của các nghệ sỹ nổi tiếng như: Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Hường; Nghệ sỹ Ưu tú Hải Xuân, Khánh Hạ; nghệ sỹ Minh Thùy… đưa khán giả tiếp cận và tìm hiểu những nét đặc trưng văn hoá độc đáo vùng Kinh Bắc cũng như sức sống của di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua những làn điệu trữ tình, đằm thắm thiết tha.

Nhận thức sâu sắc việc đưa di sản văn hóa vào giảng dạy trong trường học là một giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh, góp phần bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa quý báu của quê hương, từ năm học 2011- 2012, tỉnh Bắc Ninh đưa Dân ca Quan họ vào giảng dạy tại các trường học cho các em học sinh từ mầm non cho đến phổ thông. Nội dung giáo trình dạy hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các trường phổ thông do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện biên soạn.

Với những định hướng đúng đắn và bài bản của tỉnh Bắc Ninh cho phát triển dân ca quan họ, tin tưởng rằng trong thời gian tới, dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ vươn xa hơn nữa, tạo dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Thanh Hoài

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/bac-ninh-no-luc-bao-ton-va-phat-trien-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dan-ca-quan-ho-post251937.html#p-2

Cùng chuyên mục

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô