Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn xiếc VN sau thành công của vở cải lương xiếc đầu tiên “Cây gậy thần” đã khởi công vở diễn thứ hai “Thượng Thiên thánh mẫu” trong bộ Huyền sử Việt gồm 4 vở về tứ bất tử trong tín ngưỡng dân tộc. Một dự án bị không ít người coi là “chơi ngông” đã mở đầu thành công vượt mọi dự đoán.
Đưa xiếc, tạp kỹ lên sân khấu vuông từ lâu đã không còn lạ gì với sân khấu thế giới và cả VN. Đưa kịch nói, kịch hát xuống sân khấu tròn cũng đã quen ở sân khấu thế giới và đang là xu hướng đổi mới của Liên đoàn Xiếc VN gần đây. Nghệ thuật sân khấu thế giới đang phát triển theo hai hướng có vẻ trái ngược nhau nhưng thực chất lại thuận chiều: vừa chuyên nghiệp hóa rất cao từng thể loại vừa hòa trộn đan xen giữa chúng để tạo nên sức hấp dẫn mới. Không gian hoạt động của sân khấu có thể là trong một ngôi nhà nhỏ, ở các rạp hát, rạp xiếc, hay trên đường phố, quảng trường. Sân khấu VN tiếp nhận ảnh hưởng của xu hướng ấy là rất cần thiết để đổi mới sân khấu. Nhà hát Cải lương kết hợp với Nhà hát Chèo và Nhà hát Đài Tiếng nói VN từng tạo nên một vở kịch hát hòa trộn cải lương, chèo, ca Huế xem khá thú vị hai năm trước đây mang tên “Ngàn năm mây trắng”. Vì thế, việc Nhà hát Cải lương VN và Liên đoàn Xiếc VN quyết định hợp tác xây dựng hẳn một series 4 tác phẩm gọi là xiếc cải lương hay cải lương xiếc về Tứ bất tử của dân tộc là bốn vị thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Mẫu Liễu Hạnh mà mở đầu là vở diễn về truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung thì cũng chẳng có gì quá bất ngờ.
Thực ra, cải lương kết hợp với xiếc không phải bây giờ mới có mà sân khấu cải lương miền Nam đã thực hiện từ lâu trước năm 1975. Khi ấy, nhào lộn, đu bay, ảo thuật đã được nhiều đoàn cải lương danh tiếng đưa vào vở diễn của mình để tạo thêm sức hấp dẫn với khán giả. Sau ngày thống nhất, người ta từng coi cách làm ấy là tùy tiện, phi nghệ thuật mà không biết ấy là họ học ở sân khấu các nước tiên tiến thế giới nên đã nghiêm cấm nó. Bây giờ, sau 45 năm, cải lương “chơi” lại với xiếc đã là quá muộn. Có điều lần này không chỉ là sự chủ động của cải lương mà của cả xiếc: Xiếc cũng muốn đưa cải lương vào mình để làm mới mình, thu hút thêm khán giả.
Xem “Cây gậy thần”, tác phẩm hợp tác giữa xiếc và cải lương, có thể thấy rõ sự hưởng ứng khá mạnh mẽ của khán giả. Lạ lẫm nhưng hết sức hứng thú, bùng nổ cảm xúc. Dù kịch bản còn chỗ gợn lớn là việc Chư Đồng Tử quá dễ dàng trao cây gậy thần cho Lạc tương để hắn hại dân hại nước hay về biểu diẽn có không ít sự kết nối còn lúng túng, chưa liền mối, lộn xộn, dẫm chân nhau, làm phân tán sự chú ý của khán giả hay các đạo diễn xử lý không gian biểu diễn không hợp lý làm khán giả khó theo dõi. Tuy vậy về tổng thể đã có một tác phẩm sân khấu khá mới mẻ, hấp dẫn gọi là xiếc cải lương hay cải lương xiếc đều được vừa có tính tư tưởng vừa đậm tính giải trí. Quan trọng không phải là tên gọi mà nó thực sự là nghệ thuật và được người xem hài lòng, tán thưởng.Hai bộ môn sân khấu này cho thấy có thể kết hợp với nhau nhuần nhụy, kẻ tung người hứng, dựa vào nhau, nhường nhịn và tôn vinh nhau, xiếc có thêm khán giả của cải lương và cải lương có thêm khán giả của xiếc.
Ekip thực hiện dự án đứng đầu là NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng đã cho thấy họ không hề chém gió mà rất thực tâm làm mới nghệ thuật sân khấu để phục vụ khán giả và việc Bộ Văn hóa duyệt chi cho công trình nghệ thuật đồ sộ của họ không hề là ném tiền qua cửa sổ. Ngoài phiên bản sân khấu tròn rất thành công ở rạp xiếc Trung ương, họ còn vừa hoàn thành phiên bản sân khấu vuông vở diễn “Cây gậy thần” để có thể phục vụ khán giả cả nước và Liên hiệp HTXVN đã nhận tài trợ cho họ đem vở tới 20 tỉnh thành thời gian tới.
Với những gì ê kíp sáng tạo trình bày về “Huyền thoại thánh mẫu” khó có thể không tin vào sự thành công của vở diễn này sau khi họ đã nghiêm túc nhận ra những cái chưa được của vở diễn đầu tiên. Tôi từng rất ngưỡng mộ, tin tưởng vào tài năng, năng lượng sáng tạo dồi dào của NSND Triệu Trung Kiên, nay lại rất trọng thị sự tỉnh táo, thông minh trong các lựa chọn nghệ thuật của NSND Tống Toàn Thắng và khâm phục khả năng đa dạng, tình yêu sân khấu kỳ lạ của đôi bạn tri kỷ Lê Thế Song – Xuân Hồng…
Sân khấu nước nhà trì trệ cũ kỹ đã quá lâu đang rất cần những người dám đổi mới, dám nghĩ khác, dám phiêu lưu như họ và những Trần Lực, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Quý Dương, Tạ Tuấn Minh, Lê Nguyên Đạt cùng các bạn trẻ khác. May thay, họ đã xuất hiện chưa quá muộn.
Nguyễn Thế Khoa