Vô ngã cùng sen

10:51 | 26/02/2022

Nhiều người không còn xa lạ với những bức ảnh hoa sen của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích (TPHCM). Bắt đầu từ năm 2009 ông chuyên chụp hoa sen và trở thành kỷ lục gia có tới hàng trăm ngàn bức ảnh sen. Cuộc đời ông trôi nổi trên những đầm sen cùng bùn lầy và gai góc. Ông đã cùng những đóa hoa hát lên khát vọng sự sống vô thường. Đó là cõi phật trừng thanh (trong suốt) với vẻ đẹp cao quý ngát hương…


Những tứ thơ sen
Có thể nói mỗi bức ảnh sen của nghệ sĩ Trần Bích là một tứ thơ. Hình tượng hoa sen luôn chuyển động và tạo nên những ý tưởng thâm trầm về cuộc sống. Ông quan niệm đời sen là đời người chịu đựng bao sóng gió và trầm luân. Muốn thành tựu và tỏa hương đều phải vượt qua những phong ba bão táp.

Sen là biểu tượng trong phật giáo hội tụ những đức tính tốt đẹp mà con người hướng đến. Tôi rất mê những bố cục ánh sáng của nghệ sĩ Trần Bích. Ông xử lý chúng thật huyền ảo làm lung linh những ý tưởng qua những bông hoa, cánh lá cùng thân cây đầy gai sen.

Chủ đề về bố cục hoa sen của ông luôn thể hiện tập trung những đặc tính của thiền phái phật pháp. Đó là sự trong suốt an tịnh, kiên nhẫn, vô tư. Cùng với đó nhiều bức sen của ông còn toát lên những ẩn dụ có chiều sâu đạo lý như vô nhiễm (gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn), hoặc hành trực (ngay thẳng) và nhân quả (bồng thực). Đặc biệt hiệu ứng nhân quả nổi bật trong hoa sen. Bởi lẽ loài hoa này luôn xuất hiện hoa và quả bên nhau. Khi hoa rụng và nhụy tàn chính là những hạt mầm hiện lên từ đài sen.

Chính vì thế các hình tượng sen của nghệ sĩ Trần Bích luôn sống động có đời sống mang hơi thở thời đại. Ngoài những chủ đề như “Lòng mẹ”, “Đời sen”, “Luân hồi”, “Duyên sen”, hay “Vô thường”, “Tàn phai” và “Bố cục” ông còn để cập tới sự hủy hoại của môi trường và thói thờ ở của con người.

Nếu những cặp đôi hoặc những cụm hoa mang yếu tố quần tụ hân hoan đem lại những mỹ cảm đam mê và yêu thương; Thì những bông hoa đơn khoe sắc lại nổi bật vẻ kiều diễm và thanh cao của sắc hương như những cô gái ở tuổi xuân tràn đầy mơ mộng.

Người xem qua những triển lãm của ông rất cảm động với những bức ảnh mang hình tượng người mẹ nhân hậu luôn che chở bảo vệ cho con cái. Hình ảnh những chiếc lá sen xanh mướt hoặc khi đã bị vàng khô, héo hắt nhưng vẫn dang rộng tấm lòng che chở cho những búp sen non tơ đang trỗi dậy. Phải nói đây là điểm rất mạnh của nghệ sĩ Trần Bích có sức sáng tạo và phát hiện ra những triết lý sống nhân ái trên cánh đồng sen.

Nhưng có lẽ những tứ thơ đặc sắc của nghệ sĩ lại nằm ở hình ảnh tương phản trong đầm sen. Đó là những cánh lá cuối mùa hiu hắt, già nua nhưng lại thật nồng ấm trong những bố cục “Tàn phai”. Đây là vẻ đẹp thăm thẳm nỗi niềm trong lòng thi nhân. Sự úa tàn và xơ xác cận kề với cái héo rũ, chết chóc lại toát lên sự gắng gỏi và mạnh mẽ dâng hiến đến tận cùng. Vẻ đẹp ấy luôn bừng lên ánh sáng phồn sinh. Một mầm sống kế đó tiếp nối.

Vòng đời sen luân hồi sinh nở sự kiều diễm ngay sau đó khi cọng sen vừa đổ gục. Những đường gân lá sen khô báo hiệu sự mới lạ sẽ đến. Chủ đề tác phẩm của nghệ sĩ Trần Bích phản ánh cõi đời và cõi đạo rất gần nhau. Những bài thơ thiền qua hoa sen của ông là sự trải lòng với trần thế và lên tiếng bảo vệ thiên nhiên trước sự “hôi tanh mùi bùn” của con người.

Duyên nghiệp 
Nghệ sĩ Trần Bích dành sự nghiệp sáng tạo của mình với hoa sen như một duyên nghiệp trời định. Dường như ông không chụp gì ngoài sen và đã trình bày tác phẩm của mình qua 19 cuộc triển lãm với những chủ đề khác nhau. Đây là kết quả của hành trình bôn ba khắp đất nước của nghệ sĩ Trần Bích. Ông bộc bạch trong cuốn “Hồi ức sen” khi đã ở tuổi 76 (2022) rằng: “Đời người bao cảnh ngộ, đời sen cũng bấy nhiêu. Tôi chụp hoài vẫn chưa khám phá hết sen. Cho đến bây giờ tôi vẫn yêu sen và luôn học hỏi ngôn ngữ của sen”. Điều mà mọi người lấy làm ngạc nhiên khi những tác phẩm bán được bao nhiêu ông đều làm từ thiện. Tính cho đến nay số tiền bán ảnh sen của nghệ sĩ Trần Bích lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng ông đều trao tặng cho những số phận và hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đó chính là tâm nguyện của ông trong quá trình đến với sen cùng những tháng năm ngâm mình dưới nước. Ông đã thấm nhuần được cõi thiền và tám điều giáo lý phật pháp qua hình tượng hoa sen. Bỏ qua những sự tôn vinh nghệ sĩ Trần Bích luôn quán tưởng hoa sen để phát triển lòng từ, không mong được đáp trả.

Ông nguyện như đời sen không còn phân biệt cái này của ta, hay thuộc về ta. Đó chính là sự giải thoát là niết bàn. Vô ngã là vậy. Tự do tuyệt đối. Những bức ảnh sen “Vô thường” của nghệ sĩ Trần Bích thể hiện hình tượng đẫm chất thi ca thiền phật. Chính vì thế chỉ với năm màu của hoa sen với ánh sáng thần tiên của tâm hồn ông đã làm nên những câu chuyện làm ám ảnh lòng người.

Trích An Ninh Thế Giới (25/2/2022)

Vương Tâm

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông