Từ cây đến người – một triết lý nhân sinh

19:09 | 17/08/2023

Mượn hình ảnh sự vật ngoài đời sống để phát biểu nhân sinh về con người là một hướng quen thuộc của nghệ thuật, nhất là của thơ triết luận. Bài “Ngẫm ngợi từ cây cô đơn” của Nguyễn Hồng Vinh là một trường hợp triết luận bật ra từ sự trải nghiệm thực tế…


Một mình đứng triền đê bao thập niên

Giữa cánh đồng trống trải, mênh mông

Mưa nắng, bão giông dầu dãi

Dân gọi tên là cây “CÔ ĐƠN” (1)

“Anh” đứng một mình, đâu cô đơn?

Bằng cả bản lĩnh và tài năng

Lôi cuốn nhân dân cùng gánh vác

Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang…

Có lúc gặp vấp váp, sai lầm

Dũng cảm nhận về mình trách nhiệm

Vui vẻ làm người lính tiên phong

Khổ trước, sướng sau, đời toại nguyện!

Sáng nay đúng dịp tiết lập thu

“Anh” đạp xe thăm khắp cánh đồng

Giữa dòng người, nói cười sôi động

Dừng nhấm chén trà quán “cô đơn”

Thầm cảm ơn tình nghĩa nhân dân

Đồng lòng chung sức đẩy con thuyền

Vượt qua giông bão, mùa trĩu hạt

Đẩy lùi nghèo đói, xoá nhà tranh

Cây “CÔ ĐƠN” nay vẫn tươi xanh

Vì rễ bám sâu trong đất tốt

Cành sum suê tầng tầng, lớp lớp

Toả bóng râm, che mát cho đời!

Ai còn vô cảm, vô tâm hỡi!

Trước cảnh người bất hạnh, lang thang

Mong hãy nhìn cây mà suy ngẫm

Phận mình sao tách phận thế gian?!

Bắc Ninh, ngày lập thu 6/8/2023

Nguyễn Hồng Vinh

Mượn hình ảnh sự vật ngoài đời sống để phát biểu nhân sinh về con người là một hướng quen thuộc của nghệ thuật, nhất là của thơ triết luận. Các cụ ta xưa vẫn thường mượn Tùng, Cúc, Trúc, Mai để “tỏ chí”. Tất nhiên giữa hình tượng “gốc” và hình ảnh muốn nói đến luôn phải có sự tương đồng nhất định nào đó. Sự tương đồng này càng gần gũi, hợp lý càng chứng tỏ sự liên tưởng, tưởng tượng nhạy bén của nhà thơ, nhưng dễ thấy nhất là cần phải có một vốn sống giàu có. Có thể có may mắn, nhưng may mắn chỉ đến một lần. Phần lớn là nhờ sự trải nghiệm, cọ xát với đời sống mà bật ra ý tứ, thi tứ của thơ. Bài “Ngẫm ngợi từ cây cô đơn” của Nguyễn Hồng Vinh là một trường hợp triết luận bật ra từ sự trải nghiệm thực tế:

Một mình đứng triền đê bao thập niên

Giữa cánh đồng trống trải, mênh mông

Mưa nắng, bão giông dầu dãi

Dân gọi tên là cây “CÔ ĐƠN”

Có một cái cây mọc đơn lẻ trên triền đê đã bao năm không có gì lạ, chưa thể làm thi liệu cho thơ. Nhưng ở bài này nó được đặt ngay phần mở đầu để làm điểm tựa cho tứ thơ nói về con người:

“Anh” đứng một mình, đâu cô đơn?

Bằng cả bản lĩnh và tài năng

Lôi cuốn nhân dân cùng gánh vác

Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang…

Nếu cây “cô đơn” kia cứ độc lập mà sống, cứ điềm nhiên mặc gió mưa như thách thức với thời gian thì “anh” cũng có nét nghĩa gần gũi ấy, cũng “đứng một mình”. Nhưng tất nhiên, khác ở nét căn bản là, không hề cô đơn. Vì “anh” mang “bản lĩnh và tài năng” phục vụ cuộc đời. Là người làm công tác lãnh đạo biết “truyền lửa” tới nhân dân cùng làm những điều tốt đẹp, hạnh phúc cho Dân: “Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang”… Đây cũng là mong muốn của Dân!

Có lúc gặp vấp váp, sai lầm

Dũng cảm nhận về mình trách nhiệm

Vui vẻ làm người lính tiên phong

Khổ trước, sướng sau, đời toại nguyện!

Phẩm chất ấy chỉ có ở những người dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mỗi chủ trương, chính sách. Lời thơ dựng lại chân dung “anh” trong quá khứ một cách chân thật như chính con người “anh” vậy. Còn hôm nay:

Sáng nay đúng dịp tiết lập thu

“Anh” đạp xe thăm khắp cánh đồng

Giữa dòng người, nói cười sôi động

Dừng nhấm chén trà quán “cô đơn”

Đến đây chân dung “anh” được dựng lại rõ hơn, gần gũi, tự nhiên, chân tình, rất mực giản dị. Đó là một cán bộ lãnh đạo cơ sở với tác phong bình dị, hòa cùng nhân dân, “đạp xe khắp cánh đồng”. Cũng như nông dân vậy: “Dừng nhấm chén trà…”. Đang là sự miêu tả “anh”, nhịp thơ chuyển đúng lúc đi sâu vào tâm trạng:

Thầm cảm ơn tình nghĩa Nhân dân

Đồng lòng chung sức đẩy con thuyền

Vượt qua giông bão, mùa trĩu hạt

Đẩy lùi nghèo đói, xoá nhà tranh

Khổ thơ cho thấy con người “bên trong” của “anh” tình nghĩa, quên mình, tất cả lo cho Dân. Lời “cảm ơn” Dân cho thấy đó là con người biết đặt “Dân” lên cao hơn hết thảy. Khổ thơ 28 chữ không một chữ “anh” hay “tôi”, mà đậm một chữ “Dân”: Dân “tình nghĩa”. Dân “đồng lòng chung sức”. Dân làm “mùa trĩu hạt”. Dân “đẩy lùi nghèo đói, xóa nhà tranh”. Đó đích thực là người Cộng sản “học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”!

Sự liên tưởng của nhà thơ quay trở về với hình tượng ban đầu:

Cây “CÔ ĐƠN” nay vẫn tươi xanh

Vì rễ bám sâu trong đất tốt

Cành sum suê tầng tầng, lớp lớp

Toả bóng râm, che mát cho đời!

Ở đây, ý triết luận đã rõ hơn: Như cây xanh ấy, người cán bộ hôm nay phải biết bám sâu vào “đất tốt” Nhân dân thì cành lá mới sum suê tươi tốt và có thể phục vụ tốt hơn nữa cho cuộc sống “Tỏa bóng râm, che mát cho đời”.

Khổ cuối ý tứ bật ra là lời nhắn gửi sâu xa về lẽ sống:

Ai còn vô cảm, vô tâm hỡi!

Trước cảnh người bất hạnh, lang thang

Mong hãy nhìn cây mà suy ngẫm

Phận mình sao tách phận thế gian?!

Ngụ ngôn truyền thống gọi những ý tứ giáo huấn bật ra từ cái bộ khung hình tượng – tức nội dung của truyện, là lời quy châm. Bài thơ này mang dáng dấp một ngụ ngôn hiện đại, mượn hình tượng cây để nói con người. Từ hệ thống hình tượng ấy, làm bật toát ra một minh triết (quy châm): là con người đừng vô cảm trước cuộc đời, nhất là trước những nỗi đau. Như cây kia, có thể chịu kiếp “cô đơn”, nhưng vẫn miệt mài làm chức phận của riêng mình là đem bóng mát cho đời. Thoạt nhìn bên ngoài, cây có thể “cô đơn”, nhưng ngẫm kỹ, cây lại đứng giữa cộng đồng. Nhờ cây mà người đi đường xa có chỗ nghỉ chân lúc trời nắng, khi trời mưa. Huống nữa là con người: “Phận mình sao tách phận thế gian?! Mỗi người muốn tồn tại không thể tách rời cộng đồng xã hội. Ai cũng nhận thức và hành động như vậy, thì cuộc đời này đáng yêu biết mấy!

Nhân đây, xin được nói thêm: với bài thơ này mang tính triết luận khá cao, thể hiện tác giả giàu trải nghiệm cuộc sống, với cách tiếp cận đa chiều và cách diễn đạt đa dạng bằng nhiều thể loại thơ. Điều đáng trân trọng là, đã nhiều năm, ông viết khá nhiều bài thơ trữ tình nay lại viết thơ đặc tả chân dung một con người với những suy ngẫm có chiều sâu, gợi cho người đọc những tự vấn lương tâm, để rồi cũng hòa vào xã hội hành động. Phải chăng cuộc sống thời cơ chế thị trường đã và đang đặt ra những vấn đề thời sự, nóng bỏng, nhất là trong lĩnh vực đạo đức, lối sống, đòi hỏi người cầm bút không thể dửng dưng, tránh né?!

Hà Nội, Tháng 8/2023

(1) Trên bờ đê sông Cầu, cách thành phố Bắc Ninh hơn chục cây số, có một cây cao tuổi đứng đơn độc, người ta gọi tên là cây “CÔ ĐƠN” (theo hệ sinh thái, cây này có tên là cây BÔNG)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/tu-cay-den-nguoi–mot-triet-ly-nhan-sinh-post260798.html

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam