Truyền kỳ về 8 vị ‘thế ngoại cao nhân’ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

8:07 | 08/05/2021

Trước trận chiến Di Lăng, Lưu Bị muốn đích thân thống lĩnh đại quân đi chinh phạt Đông Ngô để báo thù rửa hận cho nhị đệ Quan Vũ của mình. Lưu Bị từng hỏi Lý Ý về chuyện hung cát, vị thế ngoại cao nhân này đã ngầm ám chỉ rằng chuyến đi của Lưu Bị lành ít dữ nhiều, đáng tiếc thay Lưu Bị không nghe…


“Tam Quốc diễn nghĩa” là một trong những tác phẩm kinh điển mở đầu cho thể loại tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử chương hồi của Trung Quốc. Cuốn sách này từ đầu đến cuối đều xoay quanh một chữ “nghĩa”, thể hiện sâu sắc cuộc đối đầu đấu trí đấu dũng giữa ba thế lực Ngụy, Thục và Ngô. Tác phẩm miêu tả vô cùng sống động về sóng gió lịch sử gần một thế kỷ từ những năm cuối của Đông Hán cho đến những năm đầu Tây Tấn, đồng thời tạo dựng hết sức thành công về các hình tượng nhân vật anh hùng lịch sử với bút pháp vô cùng sống động và tươi mới. Ngoài ra, một số thế ngoại cao nhân không mong cầu danh lợi thế gian, giấu mình trong dân gian, ẩn cư nơi núi rừng cũng thỉnh thoảng được hé lộ dung mạo thật trong cuốn sách này.

1. Quản Lộ

Quản Lộ là một thuật sĩ của nước Ngụy trong thời Tam Quốc, tự Công Minh, người Bình Nguyên (nay thuộc Bình Nguyên, Sơn Đông). Khi Quản Lộ mới tám, chín tuổi đã thích ngước đầu lên trời quan sát các ngôi sao. Sau khi trưởng thành, ông tinh thông “Chu Dịch”, rất giỏi bốc phệ, tướng thuật và ngôn ngữ, mỗi lời bói toán của ông đều vô cùng chính xác, xuất thần nhập hóa.

Quản Lộ là thuật sĩ nổi tiếng trong lịch sử, được người đời sau gọi là tổ sư của bốc quẻ xem tướng, trước tác của ông hết sức phong phú, có “Chu Dịch thông linh quyết”, “Chu Dịch thông linh yếu quyết”, “Phá Táo Kinh”, “Chiêm Cơ”. Trong “Phương Kỹ truyện” của “Tam Quốc Chí”, tài năng bói toán của Quản Lộ được đem ra so sánh với “y thuật của Hoa Đà, tiếng nhạc của Đỗ Quỹ, tướng thuật của Châu Kiến Bình, tướng mộng của Chu Tuyên”, cho rằng “thực sự đều là kỹ xảo đặc biệt rất tuyệt diệu, đều là tuyệt kỹ phi thường”. “Tam Quốc diễn nghĩa” miêu tả Quản Lộ chiêm bốc cho Tào Tháo, tiên tri chính xác vụ hỏa hoạn ở Hứa Đô và việc Tào Tháo sẽ mất một đại tướng ở núi Định Quân, sau khi những dự đoán này thành sự thật, Tào Tháo cho người đi tìm kiếm Quản Lộ mà không tìm được.

2. Hoa Đà

Hoa Đà, tự Phù Hóa, còn có tên khác là Phu, người quận Tiếu của nước Phái vào cuối thời nhà Hán (nay thuộc thành phố Bạc Châu, An Huy), là một y thuật gia nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán. Khi còn trẻ, ông từng đi du học ở khắp nơi, nghiên cứu y thuật mà không mong cầu công danh. Y thuật của Hoa Đà vô cùng toàn diện, đặc biệt ông có sở trường khoa ngoại, được người đời sau gọi là “Ngoại khoa Thánh thủ”, “ông tổ khoa ngoại”. “Ma phất tán” do ông là người phát minh ra, thuốc gây mê được ứng dụng vào gây mê toàn thân để tiến hành phẫu thuật trị liệu, sự kiện này được ghi chép lần đầu tiên trong lịch sử y học thế giới. Ông còn bắt chước động tác của các động vật như hổ, nai, gấu, vượn, chim để sáng tác ra phép dưỡng sinh “Ngũ Cầm Hý”. Sách y học “Thanh Nang Thư” do ông sáng tác đã bị thất truyền.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”,  Hoa Đà từng chữa thương cho Chu Thái của Đông Ngô, từng giải độc cho Quan Công ở Kinh Châu, để lại câu chuyện cạo xương trị độc. Về sau vì chẩn đoán ra Tào Tháo có khối u trong não, cần phải mở sọ để phẫu thuật, Tào Tháo vốn có tính đa nghi, cho rằng Hoa Đà muốn mượn cơ hội này để giết mình, nên ra lệnh bắt nhốt Hoa Đà vào nhà lao cho đến chết. Cuối cùng Tào Tháo vẫn chết trong đau đớn vì khối u trong não.

Tranh vẽ Hoa Đà (ảnh: Wikipedia).

3. Lâu Tử Bá

Khi Tào Tháo chinh phạt Mã Siêu, hai đạo quân gặp nhau tại sông Vị, đôi bên ở trong tình trạng đối đầu gay gắt, không ai chịu nhượng bộ. Lâu Tử Bá ẩn cư tại núi Chung Nam nhắc nhở Tào Tháo rằng dụng binh cần phải biết thiên thời, và dạy cho Tào Tháo phương pháp tưới nước đóng băng để đắp thành, giúp cho quân Tào chỉ trong một đêm đã đắp xong thành, đánh bại Mã Siêu. Sau đó, Lâu Tử Bá cũng không nhận ban thưởng của Tào Tháo, ông rời đi một cách bí ẩn và dứt khoát.

4. Bàng Đức Công

Bàng Đức Công là nhân vật nổi tiếng của Đông Hán, người Tương Dương, Thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu nhiều lần mời ông vào phủ nhưng đều không thành. Lưu Biểu hỏi ông: “Ông không chịu làm quan nhận bổng lộc, đời sau lấy gì để lại cho con cháu?” Ông trả lời rằng: “Cái mà người đời để lại cho con cháu là thói quen xấu, tham lam hưởng lợi, thích an nhàn lười lao động, cái mà tôi để lại cho con cháu là truyền thống trồng trọt đọc sách, sống cuộc sống an cư lạc nghiệp, chỉ là cái để lại không giống nhau mà thôi”.

Bàng Đức Công có mối quan hệ rất mật thiết với Từ Thứ khi đó đang ẩn cư tại Tương Dương, và Tư Mã Huy, Gia Cát Lượng. Ông gọi Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”, Tư Mã Huy là “Thủy Kính”, Bàng Thống là “Phượng Sồ”, ông được vinh danh là “tri nhân” (tri nhân ở đây nghĩa là có năng lực đánh giá chính xác phẩm chất và tài năng của người khác). Khi Lưu Bị đến thăm Thủy Kính tiên sinh, Thủy Kính thông qua đồng tử nhắc đến Bàng Đức Công, và tiết lộ thiên cơ cho Lưu Bị: Người có được Ngọa Long hoặc Phượng Sồ là có thể an định thiên hạ. Cho nên về sau này mới có câu chuyện Lưu Bị “ba lần đến lều tranh”.

5. Mạnh Tiết

Trong quá trình “bảy lần bắt Mạnh Hoạch”, Gia Cát Lượng có được sự giúp đỡ của Mạnh Tiết, người tự xưng là “Vạn An ẩn giả” – người ẩn cư tại Vạn An, và cũng chính là anh trai của vua Nam Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch khởi binh tạo phản, Mạnh Tiết nhiều lần khuyên can em trai mình, nhưng Mạnh Hoạch hoàn toàn không để ý đến những lời khuyên của ông, ông đành phải đi vào trong rừng sống ẩn cư. Tể tướng Thục Hán – Gia Cát Lượng mang quân đi chinh phạt, quân lính vì lỡ uống phải nước ở suối Ách (suối câm) mà không thể nói chuyện được. Mạnh Tiết lập tức lấy nước suối ở suối An Lạc giúp Gia Cát Lượng giải trừ được kiếp nạn của tứ nhãn độc tuyền (nước suối kịch độc ở Vân Nam), và dạy quân Thục ngậm cửu lý hương trong miệng để tránh được sơn lam chướng khí.

Gia Cát Lượng muốn bẩm tấu lên hoàng đế, lập Mạnh Tiết làm vương, Mạnh Tiết từ chối. Gia Cát Lượng lại ban thưởng vàng bạc, Mạnh Tiết cũng chối từ không nhận.

Tranh vẽ Mạnh Hoạch (ảnh: Wikipedia).

6. Tả Từ

Tả Từ là một đạo sĩ nổi tiếng cuối thời Đông Hán, người Lư Giang. Lúc trẻ sống ở núi Thiên Trụ, học luyện đan. Tương truyền rằng, Tả Từ từng uống rượu với Tào Tháo, Tào Tháo muốn bắt cá chẽm (cá vược) ở sông Tùng Giang, Tả Từ dùng một cái chậu đồng đựng nước rồi câu được cá, Tào Tháo vô cùng vui mừng. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có một chương nói về “Tả Từ quăng chén đùa Tào Tháo”. Về sau trong bữa tiệc ở ngoại ô, Tả Từ dùng huyễn thuật của mình lấy đi tất cả rượu và thịt mà Tào Tháo dùng để đãi khách, sau khi Tào Tháo phát hiện liền sai quân lính đuổi giết Tả Từ, Tả Từ đành phải ẩn thân tàng hình để lẩn trốn. Sau này lại thấy Tả Từ xuất hiện trên núi Dương Sơn, Tào Tháo phái quân lên núi tìm kiếm, Tả Từ ẩn mình vào trong đàn cừu, cuối cùng quân lính không cách nào bắt được.

Ngoài “Tả Từ truyện” trong “Hậu Hán Thư” ra, trong “Sưu Thần Ký” của Can Bảo nhà Đông Tấn cũng có ghi chép về chuyện này. Ngoài ra trong “Phương Dư Thắng Lãm”, “Thiên Hạ Danh Thắng Chí”, “Giang Nam Thông Chí”, “Lư Giang Huyện Chí” cũng đều có ghi chép.

7. Lý Ý

Dựa theo “Thần Tiên Truyện” của Cát Hồng, Lý Ý là người của Thục Quận (nay là thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên), sinh ra vào thời của Hán Văn Đế, đến thời kỳ Tam Quốc ông vẫn còn sống. Cũng có người nói ông chính là con cháu đời thứ 17 của Lão Tử Lý Nhĩ, đạo hạnh cao thâm khó lường.

Trước trận chiến Di Lăng, Lưu Bị muốn đích thân thống lĩnh đại quân đi chinh phạt Đông Ngô để báo thù rửa hận cho nhị đệ Quan Vũ của mình, Lưu Bị từng hỏi Lý Ý về chuyện hung cát. Lý Ý lấy giấy bút và mực ra vẽ hơn bốn mươi tấm binh mã vũ khí, vẽ xong liền xé nát từng tấm một. Lại vẽ thêm một người to lớn nằm ngửa mặt trên đất, bên cạnh có một người đào đất để chôn, trên đó viết một chữ “Bạch” lớn, sau đó cúi lạy rồi rời đi. Lưu Bị không vui, nói với quần thần rằng: “Đây là một lão gia điên khùng! Không thể tin theo”. Sau đó liền đốt bức vẽ đi, rồi hối thúc đại quân tiến về phía trước.

Lý Ý vẽ hơn bốn mươi tấm binh mã vũ khí ám chỉ hơn bốn mươi doanh trại liên kết dọc bờ sông của Lưu Bị, xé nát ám chỉ rằng những doanh trại liên kết này sẽ bị tiêu diệt, một người nằm dưới đất và một người đào đất để chôn xác ẩn dụ rằng Lưu Bị bại trận, tướng lĩnh bị giết, viết lên một chữ “Bạch” ám chỉ rằng Lưu Bị giao phó con cái lại cho Gia Cát Lượng tại thành Bạch Đế, dùng lửa để đốt bức vẽ ám chỉ rằng lửa thiêu rụi các doanh trại liên kết. Sau này toàn bộ những điều này đều được chứng thực.

8. Vu Cát

Vu Cát là đạo sĩ sống vào cuối thời kỳ Đông Hán, là người Lang Da (thành phố Giao Nam, Sơn Đông ngày nay). Lúc đầu sinh sống ở phía đông, qua lại giữa quận Ngô Hội, tự lập tịnh xá, thắp hương học Đạo thư, tự chế nước bùa để chữa bệnh cho bá tánh, người Ngô Hội xôn xao bàn tán chuyện này.

Tiểu bá vương Tôn Sách nghe nói liền nổi giận, Tôn Sách vừa không tin đạo sĩ, vu thuật, vừa lo sợ đạo sĩ tập hợp dân chúng lại làm loạn, cho rằng “lời yêu ma quỷ quái của kẻ này có thể mê hoặc lòng dân, sau này sẽ khiến các tướng lĩnh không còn đối đãi với ta bằng lễ nghi quân thần, đều từ chức chạy đi bái lạy hắn, không thể không trừ”. Đại thần Trương Chiêu và mẹ của Tôn Sách đều khuyên ông không được giết Vu Cát, nhưng Tôn Sách cảm thấy vô cùng tức giận, cuối cùng vẫn lấy tội danh ‘mê hoặc lòng dân’ làm lý do để chém đầu Vu Cát.

Sau đó, Tôn Sách thường xuyên ở trong cung điện nhìn thấy Vu Cát nhìn mình bằng bộ mặt giận dữ, nhưng các binh sĩ lại không nhìn thấy. Tôn Sách vì vậy mà ngày ngày kinh hoảng và nổi điên, đòi “truy sát Vu Cát”, thường xuyên chặt hỏng đồ đạc trong cung, cuối cùng khiến vết thương trên người nứt ra mà chết.

Theo Vision Times

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ