Khác với những lần trước, năm nay Lễ hiệp kỵ 3 vua (Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân) vừa diễn ra tại Điện Long Ân, khu di tích An Lăng vào ngày 1-4, với niềm vui mừng, hân hoan của bà con hoàng tộc cũng như người dân cố đô Huế, bởi, ngay sau Lễ kỵ, cũng là thời điểm Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế bắt tay vào việc khởi công trùng tu khu di tích An Lăng.
Tham dự lễ Hiệp kỵ lần này, ngoài bà con hoàng tộc tại Huế và cả nước, còn có ông Georges Vĩnh San – Hoàng trưởng tử của vua Duy Tân, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và các nhà nghiên cứu, những người quan tâm lịch sử triều Nguyễn…
An Lăng (lăng Dục Đức) – thuộc phường An Cựu, TP Huế, được vua Thành Thái xây dựng năm 1889 làm nơi chôn cất, thờ cúng vua cha Dục Đức, sau này cũng là điện thờ hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân.
Nhiều năm qua, An Lăng cách trung tâm TP Huế chưa đầy 2km, nhưng sau hơn một trăm năm tồn tại, khu di tích này lại bị xâm hại nặng nề và gần như rơi vào quên lãng. An Lăng gồm hai khu vực: Khu lăng mộ và khu tẩm mộ đặt song song với nhau, cả hai đều có tường thành bao bọc.
An Lăng còn có 42 tẩm mộ của các ông hoàng bà chúa cùng với 121 ngôi mộ đất của dòng họ Nguyễn Phước (họ vua). Lăng quay về phía Tây Bắc, lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai sau lưng làm hậu chẩm và dòng khe Mụ Niệm chảy vòng qua trước mặt làm minh đường tụ thủy.
Điện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có ba án thờ thờ bài vị của ba vị vua: Dục Đức và vợ (ở giữa), Thành Thái (bên trái) và Duy Tân (bên phải).
So với những lăng tẩm khác, An Lăng có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc với lối kết cấu “chồng rường giả thủ”, trang trí mặt hổ phù rất tinh xảo. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế.
Năm 1995, An Lăng đã được Nhà nước công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Nhưng từ đó đến nay, An Lăng vẫn tiếp tục rơi vào thực trạng xuống cấp trầm trọng rất đáng buồn.
Trước khi bước vào nghi lễ chính thức của Lễ Hiệp kỵ, ông Bảo Hiến, một trong những người cháu nội của vua Thành Thái, đưa chúng tôi đi quanh khuôn viên An Lăng đang được những người thợ xây dựng đang tiến hành các công việc cần thiết để trùng tu trong nay mai.
Trước mắt chúng tôi, cả khu tẩm mộ rộng gần 1ha rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát, dường như thời gian qua đã bị khóa cửa và bị bỏ hoang. Bên trong bức tường thành đang mục nát, một số di tích nhỏ gần như đã bị xóa sổ, chỉ còn lô nhô vài dấu vết cũ để chứng tỏ rằng nó đã từng tồn tại.
Nhiều công trình xiên vẹo có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m2, bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Chính giữa có một nhà Huỳnh Ốc (nhà đặt hương án thờ cúng) dạng phương đình, thay thế cho nhà bia.
Bên trong nhà Huỳnh Ốc không có bi ký, thay vào đó là một sập đá và kỷ đá dùng để bày hương án và hào soạn mỗi khi cúng giỗ nhà vua. Hai bên tả, hữu là mộ vua Dục Đức và Hoàng hậu Từ Minh. Đáng chú ý là tấm bình phong trước mộ vua có chữ “song hỷ” đắp bằng sành sứ! Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, quả là lạ khi có một biểu tượng về sự mừng vui trong một cái chết oái ăm đầy khổ ải của ông vua bất hạnh này.
Ông Bảo Hiến cho hay: “Trước đây toàn bộ khu vực An Lăng bị người dân lấn chiếm, có cả những cơ quan, đặc biệt là một ngôi trường đóng gần đó và ngay cạnh là một cơ sở chế biến thức ăn gia súc, lấn chiếm vào tận trong. Bây giờ xưởng thức ăn gia súc tuy không chế biến nữa nhưng vẫn còn kho bãi. Còn ngôi trường thì đã chuyển đi”.
Có mặt tại buổi lễ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sau khi thăm “công trường” đại trùng tu An Lăng cũng nhắc lại: “Nhớ lại buổi đầu cùng với mệ Bảo Hiền (*) vận động xin tỉnh Bình Trị Thiên chuyển Trường Đại học tại chức thuộc Ban Tuyển Sinh BTT đi nơi khác trả lại điện Long Ân cho An Lăng. Lúc ấy Điện Long Ân bên trong được ngăn thành nhiều gian bằng gót tre, bên ngoài dọc bờ thành là những hố xí. Năm 1987 hài cốt vua Duy Tân được táng trong khu vực An Lăng bên cạnh lăng vua Thành Thái nên buộc lòng Ban Tuyển sinh phải trả lại điện Long Ân để thờ vua.
Người lo chăm sóc phục hồi việc thờ ba vua tại điện Long Ân là mệ Bảo Hiền. Nay toàn bộ khu vực An Lăng được đại trùng tu tôi hết sức vui mừng. Nhưng vẫn còn một bộ phận lớn giữa điện Long Ân và khu lăng mộ vua Thành Thái Duy Tân phía sau bị sử dụng sai mục đích không rõ đã có chủ trương di dời chưa. Nếu…thì Huế có thêm một khu lăng mộ ba vua hoành tráng không nơi nào có được. Còn hy vọng là còn hạnh phúc”.
Ông Nguyễn Đắc Xuân cũng nói thêm: “Nhớ Công chúa Lương Linh, nhớ mệ Bảo Hiền – những người đã tích cực vận động phục hồi di tích An Lăng, phục hồi lễ lược hoàng gia và trao truyền cho thế hệ ngày nay. Dịp này, gặp lại Georges Vĩnh San được biết thêm tin tức của gia đình các con vua Duy Tân, Claude đã qua đời, Roger sống lặng lẽ ở Nha Trang. Gặp đây rồi nhưng không biết lễ Hiệp kỵ năm sau sẽ ra sao. Mong còn gặp lại Hoàng trưởng tử của vua Duy Tân nhiều lần nữa”.
Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, kế hoạch bảo tồn, tu bổ di tích Cố đô Huế trong năm 2018, dự án bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục khu Tẩm điện, khu lăng mộ) đang được tiến hành cùng với nhiều di tích quan trọng tại khu Di sản Huế.
Tuy nhiên, chung quanh vấn đề trùng tu, bảo tồn các di sản Huế, ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng: “Cần tránh lối suy nghĩ tính toán lăng tẩm nào thu được lợi nhuận thì đầu tư trùng tu, lăng tẩm nào chưa thu được thì bỏ mặc. Đầu tư cho di sản văn hóa thế giới là cần thiết nhưng di tích của ta lẽ nào lại để có sự chênh lệch lớn đến như vậy. Mình đầu tư và trùng tu đồng bộ sẽ tái hiện một giai đoạn không ngắn lịch sử Việt Nam như thế nào. Mục đích của việc làm đó không chỉ làm về du lịch như hiện tại mà là giữ di tích, giữ lịch sử cho hậu thế”.
Ngay sau buổi lễ Hiệp kỵ, anh Quý Hưng một trong những hoàng tôn chuyên chăm lo việc tộc cho biết, sẽ tập trung dọn dẹp, gởi gắm các hiện vật của điện Long Ân vào địa điểm an toàn, để bàn giao lại khu di tích cho ban quản lý công trình trùng tu.
Anh Hưng nói: “Hôm nay, chúng tôi, những người con cháu ba vua Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân rất tự hào và vui mừng khi được nhà nước thể hiện lòng tôn kính các vì vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân và chính thức trùng tu An Lăng. Hỵ vọng việc làm này sẽ góp phần tôn vinh hơn nữa các lăng tẩm, di sản văn hóa trên miền đất cố đô, thu hút sự quan tâm của khách du lịch đến từ trong và ngoài nước”.
(*) Nguyễn Phước Bảo Hiền (1926-2012) hay còn gọi là “mệ” Bảo Hiền là cháu nội vua Thành Thái, con của hoàng tử thứ 13 của vua. Ông nổi tiếng là người đã có công quảng bá món “cơm vua” vào du lịch Huế, đồng thời còn là nhân vật được nhắc tên đến rất nhiều trong các cuốn sách du lịch, guide book bỏ túi về Huế.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi lăng Dục Đức bao gồm các hạng mục: Khu Tẩm điện, khu lăng mộ. Ngày khởi công: 22/3/2018. Thời gian thi công: 5 năm. Chi phí XD: 38,82 tỉ đồng. Quy mô đầu tư: a) Khu Tẩm điện: – Điện Long Ân; – Hữu Trực Phòng; – Cổng, Bình phong, Tường thành và Miếu Thổ thần; – Tôn tạo cảnh quan sân vườn; – Hệ thống điện chiếu sáng; – Hệ thống phòng cháy chữa cháy. b) Khu Lăng mộ: – Cổng, Bình phong, Tường thành, Lan can, Trụ biểu và Sân nền; – Nhà Huỳnh Ốc; – Khu mộ Vua Dục Đức, Vua Thành Thái và Vua Duy Tân. |
Trần Trung Sáng/VHVN