Tri ân “ông tổ” áo dài Nguyễn Phúc Khoát

11:20 | 08/07/2023

Lễ dâng hương, dâng hoa tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – người có công định chế lại y phục áo dài Việt Nam đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể.


Ngày 7/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa và diễu hành tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2023 và nằm trong khuôn khổ các hoạt động lễ hội mùa Thu của TP Huế.

Lễ dâng hương, dâng hoa tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát được tổ chức trang nghiêm, trọng thể. Ảnh: TPO

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà thiết kế, người mẫu… đã đến dâng hương, dâng hoa tại lăng Trường Thái ở làng La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà theo nghi thức truyền thống.

Các đoàn đến dâng hoa, dâng hương để tỏ lòng biết ơn bậc tiền nhân đã khai sáng, phát triển chiếc áo dài và ngày nay trở thành trang phục truyền thống của Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức đoàn nghi thức rước lễ dâng hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát từ Ngọ Môn vào Triệu Miếu.

Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc cũng tổ chức lễ húy kỵ và tri ân Võ vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Miếu.

Hoạt động này nhằm tri ân các vị tiền nhân, tôn vinh nét đẹp truyền thống của áo dài Huế, cũng là dịp quảng bá hình ảnh áo dài Huế nói riêng và áo dài Việt Nam nói chung đến đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước.

Đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương “ông tổ” áo dài Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái. Ảnh: baothuathienhue.vn

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), húy là Hiểu, hiệu Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8 trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765.

Theo tư liệu của dòng họ Nguyễn Phước (Nguyễn Phúc) và theo các nguồn sử liệu, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người gốc Gia Miêu (huyện Tống Sơn, Thanh Hóa), là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chú và mẹ là Thục phi Trương Thị Thư. Lúc đầu, Nguyễn Phúc Khoát được phong là Chưởng dinh Tiền Thủy, tước Hiểu Chính hầu, làm phủ đệ ở Cơ Tiền Dực tại làng Dương Xuân (Thừa Thiên).

Năm Mậu Ngọ (1738), Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi khi 24 tuổi, được quan triều tôn là Thái bảo Hiểu Quận công. Sau khi lên ngôi, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thực hiện nhiều chính sách cải cách, xây dựng nhà nước như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện.

Về hành chính thì chia làm 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công. Phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê nhưng đối với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương.

Nhiều nhà sử học thống nhất đánh giá, sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Khoát nổi bật nhất là hoàn thiện giấc mơ mở cõi về phương Nam.

Theo sách “Đại Nam thực lục”, sự nghiệp mở nước của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát bắt đầu ngay sau khi lên ngôi cho đến khi hoàn thành đến vùng Hà Tiên vào năm 1757.

Ông đã 2 lần bình định Chân Lạp, thu phục các phủ Lôi Lạt, Tầm Bôn, Cầu Nam và Nam Vang, rồi tiếp đến là chiêu dụ người Côn Man, với sự phò tá của rất nhiều tướng tài, trong đó tiêu biểu là Nguyễn Cư Trinh. Đến năm 1757 thì hoàn thành công cuộc Nam tiến, vùng đất Nam Bộ ngày nay. Đến thời điểm này, lãnh thổ Việt Nam về cơ bản đã được định hình xong.

Cùng với công cuộc Nam tiến, tại kinh đô, chúa Võ vương cho xây dựng đô thị Phú Xuân mang dáng dấp một đô thị hiện đại.

Một điều đặc biệt nữa trong thời gian trị vì của chúa Võ vương là việc chấn chỉnh về y phục trong triều. Các nguồn sử liệu của Việt Nam và ghi chép của người nước ngoài đều khẳng định, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đã đặt ra quy định về việc “mặc áo năm thân, cài khuy bên phải và mặc quần”, tức là trang phục áo dài của Việt Nam ngày nay.

Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công định chế áo dài Việt Nam ngày nay. Ảnh: TPO

Sử gia Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục”, công trình sử học – địa chí ghi chép lịch sử, văn hóa của xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn vào năm 1744 có ghi rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, xưng vương hiệu, đổi mới phong tục, định lại trang phục trên toàn xứ Đàng Trong, nhằm khẳng định độc lập với Đàng Ngoài”.

Không chỉ có công đưa áo dài cả nam và nữ vào chế độ y quan trong triều để sau này vua Minh Mạng đã nâng lên thành quốc phục thống nhất cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, chúa Nguyễn Phúc Khoát còn có nhiều tư tưởng tiến bộ trong mở mang ngoại thương.

Thế Vũ

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/tri-an-ong-to-ao-dai-nguyen-phuc-khoat-post255361.html

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam