Thạch Quận Công Nguyễn Quyện với đạo trung hiếu trong bài thơ ‘Lưu Thạch Quận Công’ của Nguyễn Bỉnh Khiêm

14:00 | 18/11/2021

Ở LẠI NHÀ THẠCH QUẬN CÔNG

Nào có khó tìm đâu, đạo đâu có ở ngoài thân ta,
Huống chi ý chí, khí phách đã hứa hẹn với nhau một cách sâu sắc.
Đạo cương thường, quân phụ, còn mãi đến muôn đời,
Từ ban đầu, đạo hiếu trung chẳng phụ (với vua, cha).

Dịch thơ

Đạo ở trong ta, chẳng khó tìm,
Huống chi ý khí đã thề nguyền.
Cương thường đạo lớn còn lưu mãi
Trung hiếu đôi đường, vẫn vẹn nguyên.

(Vũ Bình Lục dịch)

 

Danh tướng Nguyễn Quyện
Nguyễn Quyện là danh tướng trụ cột của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam, tước Văn Phái hầu sau được phong làm Thường quận công, Chưởng phù Nam vệ, Thạch Quốc công, Tả đô đốc Nam đạo, Thái bảo. Ông một trong các vị tướng lĩnh chủ chốt của nhà Mạc trong giai đoạn thời kỳ chiến tranh Lê Mạc.

Đây là bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm viết tặng Thạch Quận Công, khi ông ghé thăm tư gia và ở lại chơi vài ngày với Thạch Quận Công Nguyễn Quyện. Theo nguyên chú, tức chú thích ban đầu (của Bùi Huy Bích) thì Thạch Quận Công đây chính là danh tướng Nguyễn Quyện.

Vậy mà sách Hoàng Việt Thi Tuyển do TTNCQH biên soạn còn chú thích: “Chưa biết Nguyễn Quyện là ai”… Chúng tôi xin nói rõ thêm về nhân vật trữ tình chủ thể Thạch Quận Công ở bài thơ này.
Nguyễn Quyện và người em trai của ông là Nguyễn Miễn chính là con của Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-1557), quê làng Canh Hoạch, phủ Thanh Oai, trấn Sơn Nam Thượng, (Hà Tây cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội. Nguyễn Thiến là hậu duệ Nguyễn Trãi. Ông thi đỗ Trạng nguyên năm Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính (1532) đời vua Mạc Đăng Doanh, làm quan đến chức Thượng thư, tước Thư Quận công.

Khi Thái Tông Mạc Đăng Doanh mất sớm (1540), Thái Tổ Mạc Đăng Dung rất buồn phiền, sinh bệnh, rồi cũng mất theo con (1541). Mạc Phúc Hải (Hiến Tông) thay thế, nhưng cũng làm vua được mấy năm rồi qua đời (1541-1546). Mạc Phúc Nguyên (Tuyên Tông) còn nhỏ tuổi. Mạc Kính Điển phụ chính, nhưng quá bận rộn giải quyết vụ biến loạn của Mạc Chính Trung (một người con khác của Mạc Đăng Dung) và danh tướng Phạm Tử Nghi.

Phạm Tử Nghi muốn đưa Chính Trung lên ngôi, nhưng cuối cùng bị Kính Điển đem quân đánh đuổi, phải chạy sang bên kia biên giới. Kính Điển đưa Mạc Phúc Nguyên (con Đăng Doanh) lên ngôi. Một số quan lại sủng thần cao cấp, như cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao mâu thuẫn với Tể thần Lê Bá Ly và Thượng thư Nguyễn Thiến. Chỉ là một chút quan hệ thông gia (Lê Bá Ly-Nguyễn Thiến). Cha con Phạm Quỳnh đang đêm bất ngờ đem quân cấm vệ bao vây dinh thự của Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến. Thoát ra được, Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến đem quân và cả gia quyến chạy cả đêm vào Thanh Hóa đầu hàng nhà Lê mới nổi dậy, mà chưa kịp tham vấn Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tranh mô tả buổi lễ giảng hòa mang tính hình thức giữa Nhà Mạc và Nhà Minh do họ Trịnh mượn danh họ Lê cầu viện để xâm lược Đại Việt.

Nhà Mạc bỗng dưng phải chịu một tổn thất vô cùng to lớn, gần như vô cớ bị mất gần một nửa quân tướng. Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn, Lê Khắc Thận (con Lê Bá Ly) cũng buộc lòng phải chạy theo cha. Nhà Mạc bắt đầu suy yếu từ đó.

Tháng 3 năm 1551, Trịnh Kiểm đem quân từ Thanh Hóa tấn công Thăng Long, sai hàng tướng, Lê Bá Ly, Lê Khắc Thận và Nguyễn Quyện làm tướng tiên phong, có sự kết hợp của anh em Chúa Bầu Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên từ Tuyên Quang đánh xuống. Không chiếm được Thăng Long, Trịnh Kiểm lại rút quân về Thanh Hóa.

Năm 1557, Mạc Tuyên Tông (Phúc Nguyên) thấy Nguyễn Quyện là tướng tài, lại đang ở phía đối phương, nên tỏ ra rất lo ngại. Nhà vua nhờ Trạng Trình giúp mưu. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận lời, đem hơn trăm vệ sĩ hộ vệ bên bờ sông, rồi cho người chèo thuyền mời Nguyễn Quyện từ bờ bên kia xuống thuyền tâm sự. Chắc chắn, Nguyễn Quyện đã nghe lời khuyên nhủ của Thầy. Tháng 8 năm 1557, sau khi Nguyễn Thiến và Lê Bá Ly mất ở Thanh Hóa, Nguyễn Quyện cùng em mình là Nguyễn Miễn bỏ về với nhà Mạc. Nguyễn Quyện trở thành một danh tướng kiệt xuất, dưới quyền chỉ huy của Mạc Kính Điển. Kính Điển gả con gái Mạc Ngọc Tỷ cho Nguyễn Quyện, lại gả con gái Mạc Ngọc Điểm cho Nguyễn Miễn.

Tháng 9 năm 1557, chỉ 1 tháng sau, Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) đem quân tấn công nhà Mạc. Kính Điển sai Nguyễn Quyện đem quân đánh giặc. Cuộc chiến ác liệt diễn ra ở cửa sông Giao Thủy (một bên thuộc Nam Định, một bên thuộc Thái Bình ngày nay). Trịnh Tùng thua to, phải rút quân về Thanh Hóa. Nguyễn Quyện được nhà Mạc phong tước Thạch Quận Công. Sau này, Thạch Quận Công Nguyễn Quyện còn tiếp tục được thăng tiến lên các chức tước cao hơn như: Chướng Phủ Nam vệ, Quốc Công, Tả Đô Đốc Nam Đạo, Thái Bảo…

Trở lại với bài thơ Ở lại nhà Thạch Quận Công. Căn cứ vào tiến trình lịch sử, có thể ước đoán Nguyễn Bỉnh Khiêm đến thăm người học trò của mình là Thạch Quận Công Nguyễn Quyện, khoảng sau khi Nguyễn Quyện được nhà Mạc phong tước này, tức khoảng cuối năm 1557 hoặc năm 1558.

Nội dung bài thơ chủ yếu xoay quanh vấn đề “Đạo” của Nho gia. Mà trọng tâm ở đây, vẫn chỉ là đạo TRUNG và đạo HIẾU. Tác giả cho rằng:

Đạo đâu có khó tìm, đâu có ở ngoài thân ta,
Huống chi ý chí, khí phách (của người quân tử) đã gắn bó với nhau rất sâu sắc.

Nghĩa là “đạo” ở ngay trong ta, nào có xa xôi gì đâu. Ý chí và khí phách của người quân tử chính danh, tự nó đã có sự gắn bó với nhau một cách sâu đậm lắm rồi. Thế nên, tác giả khẳng định:

Đạo cương thường quân phụ (vua tôi, cha con) còn mãi đến thiên cổ,
Ngay từ ban đầu, lòng hiếu trung chẳng phụ với vua, cha.
Trạng Trình khen ngợi người học trò của mình đã làm được trọn vẹn cái đạo trung với vua, hiếu với cha đáng mừng như vậy đấy!

Nhà Mạc suy yếu, Nguyễn Quyện chỉ huy trận chiến cuối cùng bảo vệ Thăng Long và mất tại đó. Em trai ông là Nguyễn Miễn có lẽ cũng mất trong đám loạn quân. Một người con trai Nguyễn Miễn là Nguyễn Nhiệm chạy trốn vào Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ẩn mình. Dân địa phương cũng không biết cụ thể là ai. Nguyễn Nhiệm định cư ở đây.

Hậu duệ của ông đến Tham tụng Nguyễn Nghiễm đời Lê – Trịnh là đời thứ 6. Bà Trần Thị Tần, quê Bắc Ninh, con gái một vị “Câu kê”, thuộc lại trong phủ đệ quan Tham tụng Nguyễn Nghiễm, trở thành người vợ thứ 3 của ông. Bà Tần kém chồng 32 tuổi.

Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ được ghi trong gia phả, hơn hai chục người con. Đại Thi hào Nguyễn Du do bà Trần Thị Tần sinh ra, lớn lên ở Thăng Long. Thi sĩ Nguyễn Du được thừa hưởng nguồn “sữa” ca dao dân ca, nhất là dân ca miền đất Quan họ Kinh Bắc quê mẹ và làn điệu chèo nổi tiếng ở quê vợ Thái Bình, cho nên, thơ lục bát Nguyễn Du mới có được cái mượt mà say đắm lòng người đến thế.

Đấy là chưa kể trước Nguyễn Du đã có kiệt tác Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh Phụ Ngâm Khúc nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chuyển ngữ sang chữ Nôm dân tộc, bằng thể thơ song thất lục bát tuyệt vời. Một sự tiếp thu, “tiếp biến” phong phú và hồn nhiên như vậy đấy!

Rút trong bộ sách Giải mã kho báu văn chương (Thế kỷ 15 – nửa đầu thế kỷ 19) của Vũ Bình Lục

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Hiệp định Geneve 1954: Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”