Đến dự Lễ hội văn hóa – thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam những ngày này, nhiều người không khỏi thích thú khi được xem những màn trình diễn đậm chất núi rừng của đồng bào vùng cao xứ Quảng. Một bức tranh văn hóa đa sắc màu được vẽ nên bởi cộng đồng những người anh em các huyện miền núi. Đây đó trong những điệu tâng tung da dá người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những già làng đang say sưa gõ trống chiêng cho những đôi trai gái múa. Họ là linh hồn của núi, người con của rừng và cũng là người dẫn dắt giúp đưa văn hóa đồng bào vùng cao đến với bạn bè khắp nơi.
Độc đáo điệu múa cồng chiêng
Năm nay, H. Nam Giang đăng cai tổ chức lễ hội các dân tộc miền núi nên già làng Bling Hạnh (65 tuổi, trú xã Zuôih) bận rộn lắm. Là Nghệ nhân văn hóa Cơ Tu, già Bling Hạnh góp phần cùng với buôn làng giữ vững văn hóa truyền thống mà mang những nét đẹp ấy đến với nhiều người. Vừa sửa soạn đội hình múa tiếp đón đoàn đại biểu, già Hạnh hồ hởi: “Cứ 4 năm một lần Lễ hội văn hóa – thể thao các dân tộc miền núi lại được tổ chức. Riêng tôi thì 18 mùa lễ hội đều tham gia đủ cả nhưng những lần trước mình là khách mời thôi, riêng năm nay Nam Giang đăng cai nên mình chuẩn bị kỹ càng, chỉn chu hơn trước bởi dễ gì mà bà con đến Nam Giang đông như vậy. Mệt nhưng cũng vui lắm”.
Đội hình múa tâng tung da dá của già Bling Hạnh với gần 20 người đều là những thanh niên trẻ. Nhìn dáng ông đứng giữa vòng tròn, bên cây nêu, xoay chân theo nhịp trống, miệng thổi khèn theo điệu nhạc cũng đủ thấy niềm say mê của ông với văn hóa núi rừng mình.
“Trong bất kỳ lễ hội trọng đại nào của bản làng Cơ Tu, không thể thiếu vắng điệu múa tâng tung da dá. Đây là điệu múa tập thể dành cho cả nam và nữ, xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl. Vừa rồi điệu múa này được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia, chúng tôi mừng lắm vì từ nay mình không chỉ múa cho bản làng mình xem mà còn đại diện cho đồng bào Cơ Tu xứ Quảng của mình”.
Ngày hội trên dải Trường Sơn
Theo ông Chơ rum Nhiên – Bí thư H. Nam Giang, cùng với vũ điệu rộn rã, khỏe khoắn tâng tung da dá cùng âm vang tiếng chiêng, trống vọng khắp đại ngàn, sự góp mặt của đoàn nghệ thuật quần chúng H. Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) với điệu múa lăm vông truyền thống đều hướng đến việc tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc mà cộng đồng người vùng cao sở hữu.
Song song với biểu diễn văn hóa dân gian, văn nghệ, các môn thi đấu thể thao được lựa chọn so tài ở kỳ hội đều dựa trên tinh thần đoàn kết, phát huy thể lực và trí lực của người miền núi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ hội Trần Văn Tân chia sẻ: “Thông qua lễ hội, tỉnh và các huyện miền núi có điều kiện phát hiện, bồi dưỡng nguồn nhân lực vận động viên, diễn viên ở các lĩnh vực thể thao, văn hóa, văn nghệ để nâng cao thành tích, chuẩn bị lực lượng tham gia ở các hội thi khu vực và toàn quốc. Đồng thời các địa phương, đặc biệt là H. Nam Giang có cơ hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh núi rừng quê hương, lòng mến khách của con người vùng đất phía tây Trường Sơn hùng vĩ. Lễ hội được xem là sự kiện chung quan trọng của đồng bào vùng cao, có tác động và tạo sự lan tỏa rộng khắp, toàn diện trong cộng đồng. Đây cũng là dịp tập hợp mọi tầng lớp nhân dân miền núi góp phần rèn luyện và nâng cao sức khỏe”.
Ngoài phần lễ, chương trình còn tổ chức hội chợ trưng bày, triển lãm ẩm thực và các mặt hàng nông sản vùng cao; những không gian văn hóa đặc sắc tái hiện lễ cưới, phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Co, Xơ Đăng, Bh’noong… sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, tất cả tạo nên một không gian núi rừng rực rỡ sắc màu mà mỗi dân tộc là một nét chấm phá góp phần giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong cộng đồng vùng cao.
Theo CAND