Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

10:23 | 06/08/2024

Sau gần hai năm thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Cầu, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành và đưa vào phục vụ người dân và du khách.

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- Ảnh 1.Lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chiều 3/8, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khánh thành Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, di tích Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, mặc dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ cẩn thận nhưng dưới tác động khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên và thời gian, di tích vẫn không tránh khỏi những hư hại.

Qua nhiều tư liệu cho biết, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khác nên những lần tu bổ trong các năm gần đây nhất vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích. Vì vậy, vấn đề tu bổ Chùa Cầu tiếp tục được đặt ra và ngày càng cấp thiết.

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- Ảnh 2.Hạ giải Chùa Cầu để trùng tu trước sự xuống cấp – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Chùa Cầu, ngày 16/8/2016, hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản.

Đến ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ. Việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu – chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích.

“Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê sau: Có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái,…được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ”, ông Phạm Phú Ngọc chia sẻ.

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- Ảnh 3.Chùa Cầu sau trùng tu – Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Đây là lần đầu tiên công trình tu bổ di tích Chùa Cầu được “giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp, người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Việc xây dựng nhà bao che nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu thi công, tu bổ di tích không bị ảnh hưởng bởi yếu tố hạn chế mặt bằng, thời tiết cũng như các cấu kiện di tích sau khi tháo dỡ được bảo quản trong tình trạng tối ưu cũng là một điểm đặc biệt đáng biểu dương của dự án này.

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu- Ảnh 4.Đây là địa điểm được du khách yêu thích mỗi khi ghé Hội An – Ảnh: VGP/Lưu Hương

“Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này. Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”, ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, quá trình trùng tu được UBND TP. Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.

“Sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến không chỉ của tỉnh Quảng Nam mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước”, ông Phan Thái Bình cho biết.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) với tổng kinh phí dự án được phê duyệt 20,2 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỷ đồng từ nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách TP. Hội An.

Lưu Hương
https://baochinhphu.vn


Cùng chuyên mục

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam