‘Quỳnh búp bê’ gây xúc động cho người xem

0:09 | 05/11/2018

 

Trong điện ảnh, thì trừ đạo diễn, diễn viên phải là trụ cột của bộ phim. “Quỳnh búp bê”-phim truyền hình nhiều tập, đã thành công nhờ có kịch bản tốt, đạo diễn giỏi, nhưng quan trọng hơn, đã có một dàn diễn viên đầy cá tính nghệ thuật và đã diễn hết mình, nhập vai hết cỡ để bộ phim liên tục mang lại những xúc động đầy tính nhân bản cho người xem.


Tôi không phải người phê bình điện ảnh, chỉ là người xem bình thường, do không làm việc về đêm nên có thời gian xem các phim truyền hình của Việt Nam sản xuất. Phải nói thật, tôi đã phải xem nhiều phim rất…dở.

Nên khi mới đầu xem “Quỳnh búp bê”, tôi có cảm giác như phim này sẽ khai thác nhiều tình huống bạo lực, sẽ “hình sự hóa” để thu hút khán giả một cách dễ dãi.

Tôi đã nhầm. Sau khi không biết vì lý do gì phim phải ngừng chiếu một thời gian rồi mới quay lại chiếu (chắc để điều chỉnh sửa chữa gì đó theo yêu cầu của…cơ quan chức năng (?), phim đã tái xuất một cách vững vàng, thu hút người xem một cách sâu sắc, và đo độ nóng phim này gây ra trên mạng xã hội, tôi vui mừng vì người xem hôm nay đã nhận ngay ra phim nào hay phim nào dở, và công khai bày tỏ cảm xúc, bày tỏ ý kiến.

Đây là lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam đưa câu chuyện những người gái điếm, đưa hình ảnh những người gái điếm trở thành nhân vật chính của phim. Đó là điều rất đáng kể. Lâu nay chúng ta có vẻ tránh né đề tài “nhạy cảm” này, dù nó chẳng còn gì mới mẻ ngoài xã hội, và chưa chắc đã thu hút được sự chú ý nếu trở thành đề tài của nghệ thuật.

Gái điếm không chỉ là một nghề cổ xưa nhất trên trái đất, mà còn là một nghề, theo tôi, là lương thiện. Người làm nghề này phải hy sinh rất nhiều, chịu đau khổ rất nhiều, tai tiếng rất nhiều, mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Lao động tình dục có thu nhập là một loại lao động đặc biệt, và nó thường phải trả giá vì chính sự đặc biệt này. Những người làm nghề này, họ có thể phải đi tới tận cùng của sự khổ nhục.

Không chỉ những anh hùng, mà những người đau khổ phải trở thành nhân vật chính của văn học nghệ thuật. Đó là chuyện bình thường ở thế giới. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã có kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, đã có một nàng Kiều bất tử vì chính số phận tủi nhục đau khổ long đong của mình khi phải hành nghề gái làng chơi.

Bây giờ chúng ta mới có một phim truyền hình nhiều tập lấy những người gái điếm, những người chăn dắt gái điếm làm nhân vật chính, tôi nghĩ là đã muộn lắm. Nhưng muộn, còn hơn không. Nếu những người đau khổ những người tủi nhục những người dưới đáy xã hội không trở thành những nhân vật của văn học nghệ thuật với số phận thật của họ, thì nền văn học nghệ thuật ấy không phục vụ nhân loại, không phục vụ cho đạo làm người mà chúng ta hay gọi là nhân đạo.

Một cảnh trong phim ‘Quỳnh búp bê’.

“Quỳnh búp bê”, đã thu hút khán giả, theo tôi, bắt đầu từ quan điểm và cái nhìn nhân đạo ấy vào số phận con người.

Nếu nhân vật Cảnh (do Doãn Quốc Đam thủ vai) không phải là người thực sự có lòng nhân từ, có tâm hồn biết trọng nghĩa khinh tài, dám sống và chết vì nghĩa, thì sẽ không bao giờ nhận được tình cảm của khán giả như đã nhận.

Nếu Quỳnh (do Phương Oanh thủ vai) không thể hiện được khát khao sống của một cô gái lương thiện đã phải chịu bao nhiêu bi kịch, tủi nhục, bị đè nén tận cùng nhưng đã biết đứng lên bảo vệ giá trị làm người của mình, thì Quỳnh không thể khiến người xem đồng cảm với mình như vậy, dù diễn viên đóng vai Quỳnh có đẹp hơn thế.

Nếu Lan (do Thanh Hương thủ vai) không phải là cô gái làng chơi sống tình cảm đến như thế, chia sẻ tận cùng với người cùng cảnh ngộ như thế, và chịu những tủi nhục không gì tả nổi như thế, thì vai Lan cũng chỉ là một vai phụ mờ nhạt. Thanh Hương đã diễn xuất rất thành công trong vai Lan, và đây có thể là vai diễn thành công nhất của cô từ trước đến nay.

Quỳnh và Lan đã có những đúp phim diễn xuất nhập vai đến xuất thần, có lẽ chính vì họ đã nhập được vào số phận nhân vật. Ngày nhỏ, tôi đã mê mẩn với bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo, và tôi đã khóc khi đọc những trang viết về nhân vật Fantine-một nữ công nhân thời tiền công nghiệp do quá nghèo khổ và bệnh tật đã phải bán thân, và bán từng chiếc răng của mình để lấy tiền nuôi con.

Tôi nghĩ, phim “Quỳnh búp bê” có thể đã chịu ảnh hưởng tốt từ “Những người khốn khổ”-một bộ tiểu thuyết đứng vào hàng đầu của văn học nhân loại. Càng ngày, tôi càng ngưỡng mộ bộ tiểu thuyết này ngang với ngưỡng mộ bộ tiểu thuyết vĩ đại “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Toltoi. Victor Hugo đã viết về cuộc “chiến tranh và hòa bình” ngay trong từng số phận nhân vật của ông, cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối, giữa đau khổ và đức tin, giữa lòng nhân từ và sự độc ác.

Phim “Quỳnh búp bê” còn đang tiếp diễn ở nhiều tập nữa, và người xem có quyền chờ đợi những đúp phim cứa vào lòng người đau đớn hơn nữa, xúc động hơn nữa. Dù chưa đi hết con đường công chiếu, tôi nghĩ, “Quỳnh búp bê” đã là phim rất thành công của điện ảnh truyền hình Việt Nam.

 

 

Thanh Thảo/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả