Chuyện nghề diễn viên quần chúng

8:07 | 18/06/2018

Dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng trên màn ảnh sau vài giây ngắn ngủi, nhưng những diễn viên quần chúng (DVQC) vẫn luôn nuôi đam mê nghiệp diễn, vẫn sống chết với nghề.

Diễn viên quần chúng trong phim Kong – Đảo đầu lâu.

Được “đi phim” là vui

Đoàn Ngọc Minh (24 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) vào nghề khi một lần tình cờ được người bạn thân giới thiệu đóng vai quần chúng cho bộ phim truyền hình. Nhớ lại vai diễn đầu tiên là nhân vật giang hồ, Minh kể, mình phải thực hiện cảnh quay đánh nhau từ khuya đến sáng hôm sau. “Hôm đó trời mưa rất to, tôi bị ướt hết cả người. Dù lạnh và đói nhưng vẫn cố gắng hoàn thành buổi quay. Quay xong người đau ê ẩm, song lên hình chỉ xuất hiện thoáng qua vài giây. Nhưng nhiêu đó cũng đủ để mình dấn thân theo nghề” – Minh chia sẻ.

Diễn viên quần chúng không hề “việc nhẹ, lương cao” như nhiều người thường nghĩ.

DVQC là tên gọi chung chỉ những người thường xuyên xuất hiện trong đủ các thể loại phim ảnh nhưng không ai nhớ mặt biết tên. Công việc của DVQC thì muôn hình vạn trạng, người diễn có khi hóa thân thành đại gia, có khi lại là ăn mày, ca-ve, xác chết… Hay như trong phim chiến tranh, họ phải lội sông, lăn lê bò toài trên mặt đất, hay làm những việc mà diễn viên chính không thể làm.

Đỗ Thị Mộng Thùy (30 tuổi, quê Bến Tre) ngót nghét 10 năm “ăn cơm phim trường”, tham gia hàng trăm bộ phim tâm sự: “Hồi nhỏ ghiền coi phim trên truyền hình lắm nên mình nuôi ước mơ sau này làm diễn viên. Nhưng gia đình khó khăn nên đành gác lại giấc mộng. Lúc lên Sài Gòn xin việc, mình thấy có đoàn phim đang tuyển quần chúng nên xin thử. Có vậy mà thành thiệt tới nay”. Bây giờ, Thùy đã là một DVQC có tuổi nhưng “không có tên” chuyên “trị” các vai ô-sin, bán hàng rong… nhưng chị vẫn không cảm thấy tủi thân, bởi với chị: “Ngày nào cũng được đi phim là vui”.

Góp mặt hàng trăm vai diễn trong các bộ phim, chị Thanh Thảo (45 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) bảo, cảm xúc vẫn như buổi ban đầu. Chị kể, có lần nhận vai diễn tận Đồng Nai. Bối cảnh diễn ra lúc nửa đêm, tôi trong vai du kích, có nhiệm vụ lội xuống sông để vận chuyển hàng. Lội ra giữa dòng, tôi rất sợ vì vừa lạnh, vừa không biết bơi nhưng vẫn cố thực hiện cho tròn vai. Nếu mình làm không xong, cả đoàn phải quay đi quay lại. Tôi không ngại vất vả chỉ để có chút đất diễn.

DVQC không chỉ có những người tay ngang mà còn cả dân chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Vốn là sinh viên khoa Diễn viên trường Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, Hương Giang (21 tuổi, ngụ Q.7) cũng có 2 năm làm DVQC. “Mình tham gia để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thực tế, hơn nữa là cũng dần tìm kiếm cơ hội làm quen với các đoàn phim. Nếu đã không có sắc thì mình muốn sẽ có kinh nghiệm, có vậy mới theo được nghề này lâu dài” – Giang bộc bạch.

Phim Cô dâu đại chiến quy tụ nhiều diễn viên quần chúng.

Ác mộng bị mắng, quỵt tiền

Nhiều người bảo DVQC là nghề nhẹ nhàng, không cực nhọc, nguy hiểm gì mà lại còn có tiền… Thế nhưng, chỉ dân trong nghề mới hiểu những khó khăn của DVQC.

Đa phần thời gian “làm việc” của họ là chờ đợi hiệu lệnh tập trung của đạo diễn. Do vậy, dù chỉ tham gia một cảnh thì DVQC vẫn phải có mặt từ sáng sớm và chờ đợi.

Theo tìm hiểu, trong đoàn phim, DVQC là tầng lớp “thấp cổ bé họng” nhất, lương thấp nhất và thời gian làm việc kéo dài. Về nguyên tắc, một ngày làm việc của DVQC bắt đầu 7h-18h mới được “thả”, dù cảnh đó đã quay xong nhưng chưa được phép của trợ lý đạo diễn thì họ vẫn không được về. Ai bỏ về: cắt lương ngày đó. Mức lương hiện tại là 120.000 đồng/ngày; cơm nước, đi lại tự túc. Nếu quá giờ trên, DVQC có thể được trả thêm từ 10.000-15.000 đồng/giờ.

Với số tiền nhận được, DVQC phải trả cho kịch vụ (người giới thiệu) 10%. Đây là luật bất thành văn mà DVQC nào cũng hiểu. “Có khi mình phải hào phóng hơn, gửi chi phí nhiều hơn chút thì kịch vụ nhớ mình, thường xuyên gọi đi phim, nhờ đó thu nhập sẽ ổn định hơn” – DVQC tên Hà
cho biết.

Nguyễn Thị Hồng (22 tuổi, sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH&NV TPHCM) nhớ lại, mình tìm trên mạng thấy có người đăng thông báo tuyển diễn viên đóng phim không cần ngoại hình, kinh nghiệm. Cũng muốn một lần lên hình, Hồng liên lạc với người đăng tin.

“Họ yêu cầu mình đóng phí 500.000 đồng để chụp hình casting diễn viên gửi cho đạo diễn, nếu tốt sẽ được đóng vai phân đoạn, còn không thì đóng vai quần chúng. Sau khi chụp hình casting xong mình về nhà đợi, sau đó mình cũng được gọi đi quay một vai quần chúng với thù lao 100.000 đồng/ngày, rồi sau đó không thấy ai gọi, mình gọi thì “ò í e”. Sau này mới biết mình vẫn còn may mắn, nhiều bạn khác chờ “dài cổ” còn không có một vai diễn” – Hồng ngậm ngùi.

Đời DVQC nhiều khi ngắn ngủi nếu “xui rủi” khuôn mặt lọt vào ống kính. Bởi đã lên hình rồi thì khó có cơ hội tham gia phim sau. Hồ Thị Phương Nga (sinh viên trường ĐH Kinh tế TPHCM) kể, nhiều bạn trẻ đóng vai quần chúng đều mang nỗi ám ảnh: Bị mắng. Trang phục chuẩn bị không phù hợp: bị mắng; lỡ nhìn vào khung hình: Bị mắng; không quen diễn xuất nên thoại không tự nhiên: bị mắng; ngồi sai tư thế một chút hoặc lỡ ngồi nghỉ trên ghế dành cho diễn viên… tất tần tật đều bị mắng.

Diễn viên Lê Cường (51 tuổi) là một trong số ít người đi lên từ DVQC được khán giả nhớ mặt, nhớ tên. Anh kể, mình “bén duyên” với nghệ thuật chỉ mới 5 năm thôi, cũng đều là dân tay ngang nhưng mình có đam mê thật sự và không ngừng học hỏi, đúc rúc kinh nghiệm.

Tâm sự về nghề, anh Lê Cường bộc bạch, nghề diễn viên phụ vẫn chưa được quan tâm đúng mực, thậm chí là không có tương lai, dù có người ước mơ được nổi tiếng, kiếm được tiền. Thực tế là, phân cảnh của họ chỉ diễn ra vài giây, không đủ để khán giả nhớ mặt, nhớ tên. Nên có người tham gia nhiều phim mà chỉ có đạo diễn nhớ mặt, còn khán giả thì…
chịu (!).

“Nghề này bấp bênh, thu nhập thấp, thậm chí chỉ mang tính chất vui vẻ, giúp đỡ, chứ người dân không quan trọng chuyện thù lao bởi đó là khoản vô cùng ít ỏi” – anh cho hay.

 

“Dù là vai nhỏ thì DVQC cũng có lòng tự trọng. Họ cần được đối xử tốt, tôn trọng, không phải kiểu như sai bảo hay quỵt tiền công. Bởi không có họ thì nhiều bộ phim thậm chí không thể sản xuất”.

Đoàn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH giải trí truyền thông Group Cast

 

“Dù chỉ làm nền nhưng DVQC rất quan trọng với đoàn phim. Với một bối cảnh nào đó, nếu DVQC không hợp tác, không đặt cái tâm của mình vào vai diễn thì bộ phim đó cũng khó để thành công. Tuy nhiên, do DVQC chỉ xuất hiện vài giây trên phim nên chẳng ai nhớ mặt biết tên, cát-sê lại không bao nhiêu nên để theo đuổi được nghề này lâu dài, người diễn viên đó đòi hỏi phải có niềm đam mê thực sự. Nhiều khi làm phim tôi cũng thương DVQC lắm. Mỗi người chọn cho mình một con đường. Và chúng tôi luôn trân trọng những đam mê như thế”.     Đạo diễn Công Ninh

 

Theo Tiền Phong

Video hay

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu