Phóng viên thường trú: Chuyện trên đường tác nghiệp

6:33 | 24/06/2023

Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều cơ quan báo chí đặt văn phòng thường trú, số lượng phóng viên thường trú vì thế khá đông đảo và hoạt động tác nghiệp khá đa dạng, phong phú.


Nhân dịp 21/6, chúng tôi đã gặp gỡ một số phóng viên thường trú đang tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nghe họ kể về những câu chuyện trên đường tác nghiệp, để thấy, nghề báo luôn phải đối mặt với vô vàn thử thách khắc nghiệt nhưng cũng chứa đựng không ít thú vị, ấm áp tình đời, tình người.

Nhà báo Thế Lượng (Báo Giáo dục vàThời đại):

Luôn có sự đồng cảm, gắn bó với bà con đồng bào dân tộc miền núi

Gần 20 năm làm báo, nhà báo Thế Lượng đã đến tác nghiệp ở hầu hết các vùng biên cương, xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Trong anh, luôn có sự đồng cảm, gắn bó với bà con đồng bào dân tộc miền núi. Cũng chính bởi chất “lửa nghề”, mà anh luôn sẵn sàng đến với bà con, kể cả trong hoàn cảnh nguy nan nhất.

Anh kể, dịp Tết Trung thu năm 2012, anh cùng đồng nghiệp chạy xe máy hơn 200km lên vùng biên giới Mường Lát. Khi đó, bản Co Cài (xã Trung Lý) là bản thuộc diện bản “5 không”: Không đường ô-tô, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia, không Internet và không có hộ dân nào thoát nghèo.

Trong chuyến tác nghiệp ấy, anh đã có phóng sự ảnh “Ba chị em …lều chõng”. Sau đó, ba chị em trong tác phẩm đã nhận được sự hỗ trợ vật chất từ các nhà hảo tâm, giúp các em có điều kiện theo học. Cũng vì phóng sự ảnh ấy, mà anh bị trượt ngã, dập sụn mắt cá chân suýt phải tháo khớp.

Nhà báo Thế Lượng – Báo Giáo dục và Thời đại.

Tới năm sau, khi quay trở lại bản Co Cài, thăm gia đình nhân vật trong phóng sự ảnh. Khi vượt dòng sông Mã về bản, trời tối đen như mực, nước sông chảy xiết, chiếc đò độc mộc gắn máy cole chở 4 người bị tròng trành vì quá tải. “Tôi đã phải nín thở vì chiếc đò ra giữa dòng thì bị hết xăng, đò trôi tự do một đoạn dài và toát mồ hôi lạnh khi chân chạm bờ”, anh kể lại. Sau chuyến đi ấy, anh đã nhận cháu Ngân Thị Đòa – nhân vật trong phóng sự ảnh của anh là con đỡ đầu. Giờ đây, cháu Đòa ở cùng gia đình anh và đang học năm thứ 3, Trường ĐH Hồng Đức.

Nhà báo Thế Lượng còn rất nhiều những chuyến đi, đến với nhiều vùng đất, con người mà anh không nhớ mặt, điểm tên hết, nhưng tựu chung lại vẫn là tấm lòng hướng về đồng bào nơi biên cương của Tổ quốc. “Khi đặt chân đến bất kỳ vùng đất nào của xứ Thanh, tôi đều cảm thấy sự gần gũi như chính quê hương của mình vậy. Cho nên, viết về sự nghiệp giáo dục miền núi, con người đang sinh sống, công tác nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận trong tôi” – Nhà báo Thế Lượng bộc bạch.

Phóng viên Nguyễn Văn Hải (Báo Thanh niên):

Hơn 4 giờ đồng hồ đi bộ xuyên núi rừng

Phóng viên Văn Hải – Báo Thanh Niên.

Gần 7 năm (từ tháng 6/2016) trôi qua, nhưng lần tác nghiệp tại hiện trường nơi 3 người dân chết vì ngạt khí khi đào vàng trái phép ở hang Nước (bản Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), là lần tác nghiệp đáng nhớ nhất trong suốt khoảng thời gian gần 15 năm làm báo của tôi. Đêm ngày 5/6/2016, tôi nhận được thông tin 3 người đào vàng mắc kẹt dưới hang sâu hàng chục mét, nguy cơ ngạt khí và tử vong rất cao.

Ngay trong đêm, tôi đã cùng một số phóng viên cơ quan báo chí khác di chuyển hơn 80km từ thành phố Thanh Hóa đến huyện miền núi Bá Thước để sáng hôm sau kịp đến hiện trường.

Tôi được người dân địa phương và một cán bộ huyện Bá Thước dẫn đi xuyên qua nhiều cánh rừng, dãy núi đá tai mèo. Và phải mất hơn 4 giờ đồng hồ mới từ trung tâm bản Kịt đến hang Nước – nơi xảy ra vụ ngạt khí. Đến nơi thì đã quá trưa, trời bắt đầu kéo mây đen, buộc chúng tôi phải tác nghiệp nhanh trong khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ để kịp xuống núi, nếu không khi trời tối sẽ không biết đường ra.

Trong chưa đầy 1 ngày, tôi và một số đồng nghiệp đã phải đi bộ gần 9 giờ đồng hồ xuyên núi – rừng. Suốt nhường ấy thời gian không được ăn, nghỉ, chỉ thi thoảng uống nước cầm hơi nên khi xuống đến trung tâm bản Kịt, chúng tôi ai cũng mệt lả, kiệt sức, nằm giữa bãi đất và mừng vì biết mình vẫn còn sống.

Nhà báo Nguyễn Thùy (Báo Giáo dục và thời đại):

Khi những vấn đề mình phản ánh mang lại những điều tích cực, lại có thêm động lực để yêu nghề và cống hiến
Nghề báo thường không phân biệt nam hay nữ, các nhà báo nữ cũng làm các nhiệm vụ tác nghiệp giống như nam. Nhưng phụ nữ chọn nghề làm báo là gánh lên vai một gánh nặng gấp đôi nam giới bởi một bên là áp lực công việc, một bên là trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Chưa kể đến những thời gian phải đi tác nghiệp cả tuần trên miền núi, ngay cả những ngày bình thường, về nhà chưa bao giờ là hết việc.

Nhà báo Nguyễn Thùy nhận giải A Giải Báo chí Trần Mai Ninh năm 2021.

Hơn 10 năm làm báo, có khoảng gần 10 cái Tết tôi không có mặt ở nhà lúc giao thừa vì năm nào cũng phải làm tin thời sự. Còn nhớ lần sau khi lấy tin “nóng” từ hiện trường trở về, chồng tôi bị đau ruột thừa phải nhập viện cấp cứu. Để kịp thông tin sự kiện, tôi phải ngồi ngay hành lang bệnh viện miệt mài viết.

Hay những ngày đi tác nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19, suốt nhiều ngày trở về nhà nhưng không dám ôm con. Có lần đang tác nghiệp ở miền núi, nghe cô giáo gọi con ốm, nhưng chẳng thể về được, thương con, nước mắt cứ thế chảy ra.

Có thời điểm viết những vấn đề tiêu cực, bản thân mình từng bị người lạ gọi điện đe dọa, cũng có lần bị kẻ xấu tìm đến tận nhà để khủng bố… Thế nhưng, khi những vấn đề mình phản ánh được dư luận quan tâm, mang lại những điều tích cực, độc giả thêm tin yêu tờ báo, mình lại có thêm động lực để yêu nghề và cống hiến.

Nhà báo Anh Tuấn (Báo Đại đoàn kết):

Nhà báo đi và quan sát

Nhà báo Anh Tuấn – Báo Đại đoàn kết.

Cách đây hơn 10 năm về trước, trong một chuyến tác nghiệp, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp mới vào nghề, công tác ở Báo Thanh Hóa ngược lên huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Trong khi hai anh em đang lang thang trên cây cầu bắc qua sông Khao, tôi bất chợt phát hiện dòng sông có hai màu nước khác nhau. Bên hữu, nước ngầu đục như đang có lũ về. Bên tả, dòng nước lại trong xanh, nhìn thấu tận đáy với những bãi sỏi rất đẹp.

Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp, cũng chính là người con sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này: “Chú có phát hiện ra điều gì đáng ngờ dưới dòng Khao không?” Anh bạn ngó nghiêng một hồi rồi trả lời: “Em chịu!” Tôi thắc mắc, trời trong xanh, không có mưa lũ, sao dòng Khao lại có hai màu nước khác thường thế này? Chúng tôi quyết định lội dọc theo bờ tả, đi chừng non km đường, anh bạn tỏ vẻ chán nản. Tôi động viên, cứ đi đi, chắc chắn phải có một điều gì đó bất thường đang xảy ra! Chúng tôi lội thêm khoảng 1km nữa thì phát hiện ra một con tàu cuốc đang nạo vét cát sỏi dưới dòng sông đưa lên tàu sàng đãi. Hóa ra đó là một con tàu khai thác vàng trái phép, làm thay đổi dòng chảy của sông Khao, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn khoáng sản quý hiếm của đất nước, đe dọa tới sự an toàn của một công trình văn hóa gần đó.

Thu thập đầy đủ thông tin từ hiện trường, chính quyền địa phương, người có chức trách của huyện cũng như lãnh đạo các sở tại Thanh Hóa, chúng tôi quyết định phản ánh sự việc về tòa soạn và bài báo được xuất bản. Và ngay khi nhận được thông tin, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã lập tức vào cuộc xử lý một cách triệt để đối với chủ nhân của con tàu cuốc có hành vi đào đãi vàng trái phép trên sông Khao.

Phóng viên thường trú Thanh Hoá tác nghiệp tại khu vực 3 người dân đào vàng bị ngạt khí tử vong năm 2016.

Hà Anh (Thực hiện)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/phong-vien-thuong-tru-chuyen-tren-duong-tac-nghiep-post252458.html

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII