“Làn hương thơm ngát, ong bướm bay rộn ràng. Một bông hoa trắng, một bông hóa trắng xinh tươi lòng em…”. Giai điệu ngọt ngào thiết tha ấy trong vở chèo Nàng Si ta cứ vang mãi trong tâm tưởng của tôi suốt mấy mươi năm qua, để rồi một ngày tôi được gặp chị – NSND Thúy Mùi – mới biết giọng hát đó là của chị. Giọng hát đó quả thật “là một, là riêng, là thứ nhất” cũng đặc biệt như con người của chị, không chỉ là một nghệ sĩ xuất sắc mà còn là một nhà quản lý cự phách, một “Vương nữ Chèo” thời hiện đại.
Tiếng hát, giọng ngâm đặc biệt
Sinh ra trên cái nôi Chèo Yên Khánh – Ninh Bình, lại có cha mẹ và bà nội đều biết hát Chèo,Thuý Mùi lớn lên cùng những tích trò và những làn điệu Chèo cổ. Mê Chèo, chị liều mình khăn gói lên Hà Nội học và được đầu quân về Nhà hát Chèo Hà Nội.
Sở hữu giọng hát ngọt ngào đến ma mị và gương mặt khả ái, đặc biệt là đôi mắt biết nói, vậy mà suốt cả chục năm trời từ khi về Nhà hát, chị vẫn lặng thầm đứng trong cánh gà hát lồng cho bạn diễn. Hữu xạ tự nhiên hương, rồi một ngày chị được lên vai chính. Nét diễn tự nhiên, sống động, hoà trong giọng ca mê đắm lòng người đã giúp chị chinh phục ngoạn mục sàn diễn.
Ghi dấu với những vai đào thương như Nguyên phi Ỷ Lan trong “Lý Thường Kiệt”, nàng Mai trong “Người Thiên Ðô”, Lan điêu trong “Đồng tiền Vạn lịch”… Thúy Mùi bất ngờ tỏa sáng rực rỡ trong các vai hề chèo như vai mẹ Đốp trong “Quan âm Thị Kính”, đặc biệt là vai bà già ra thành phố đã đem cho chị tấm huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2011.
Không chỉ là một tiếng hát chèo tuyệt vời, Thúy Mùi còn nổi tiếng là một giọng ngâm thơ nồng nàn, sâu lắng, sang trọng. CD ngâm thơ của Thúy Mùi mang tên “Hai sắc hoa ti gôn – Mưa xuân” với 12 tuyệt phẩm của các thi sĩ Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử,TTKH, Vũ Cao, Vũ Đình Liên, Nguyễn Duy… là một trong nhưng CD ngâm thơ được tìm mua nhiều nhất trong 10 năm gần đây trên thị trường băng đĩa nước ta.
Giám đốc đưa Chèo Hà Nội đến những đỉnh cao
Khi Thúy Mùi nhận chức Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội lúc Nhà hát Chèo Hà Nội vừa sát nhập với Nhà hát Chèo Hà Tây để trở thành đơn vị Chèo lớn nhất đất nước, không nhiều người nghĩ chị có thể chèo lái thành công con thuyền Chèo khổng lồ nhưng quá phức tạp và nhiều chắp vá này trong cơn bão tố của sân khấu truyền thống.
Nhưng bây giờ sau gần 10 năm, dưới sự chèo lái tài tình của Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội không những chỉ lớn mà còn mạnh, rất mạnh, trở thành đơn vị Chèo hàng đầu đất nước cả về hoạt động biểu diễn, doanh thu, đẳng cấp nghệ thuật.
Về hoạt động biểu diễn, với 3 đơn vị biểu diễn, mỗi năm Nhà hát luôn diễn trên 400 buổi, một kỷ lục thời sân khấu vắng khách. Cả hai khu biểu diễn của Nhà hát tại 15 Nguyễn Đình Chiểu và rạp Đại Nam luôn sáng đèn với các chương trình đầy sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của người xem như Long thành diễn xướng và Hà Nội đêm thứ bảy. Không chỉ diễn ở phục vụ khán giả thủ đô, Nhà hát còn đi biểu diễn ở khắp miền đất nước, vào TP Hồ Chí Minh, xuống tận Cà Mau và ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt.
Về hoạt động nghệ thuật, năm nào Nhà hát cũng dàn dựng vài ba vở diễn và chương trình nghệ thuật mới, rất hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển. Tại các Cuộc thi Nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2011, 2013, 2016, Nhà hát luôn tham dự từ 2 đến 3 vở diễn và đều chiếm bảng vàng với các vở diễn “Quan lớn về làng” (2011), “Vương nữ Mê Linh” (2013) và “Nàng thứ phi họ Đặng” (2016) cùng rất nhiều huy chương vàng bạc cho các cá nhân nghệ sĩ. Bên cạnh kế hoạch phục dựng, tạo sức sống mới cho các vở chèo độc đáo mang thương hiệu riêng của đơn vị như “Kim Nham”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Ai mua hành tôi”, “Thạch Sanh”, “Tấm Cám”, “Cô Son”, “Tú Uyên Giáng Kiều”, “Sợi tơ vàng”, “Cô thợ dệt”, “Mối tình Điện Biên”, “Ngọc Hân công chúa”, “Nàng Si Ta”, “Thái úy Lý Thường Kiệt”… dưới sự chỉ đạo quyết đoán của Giám đốc Thúy Mùi, Nhà hát Chèo Hà Nội đã thực hiện những vở chèo nhằm đến gần hơn với khán giả hôm nay với những cách tân hết sức táo bạo về quy mô dàn dựng, sự hoành tráng, hiện đại của trang trí phục trang như “Oan khuất một thời” (2010) và “Vương nữ Mê Linh” (2012).
Dù còn những đánh giá khác nhau, hai vở chèo đổi mới đậm chất “Thúy Mùi” này đã thành công ngoạn mục ở mục tiêu đưa khán giả trở lại với Chèo. “Oan khuất một thời” sau khi gây chấn động tại đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã vào TPHCM biểu diễn suốt một tuần tại Nhà hát Lớn TP.HCM với những buổi diễn chật kín khán giả.
Riêng vở “Vương nữ Mê Linh” do chính Thúy Mùi đạo diễn với tình yêu sâu sắc hai liệt nữ của dân tộc cũng như với bao khát vọng nghề nghiệp, không chỉ diễn tại Đại Nam, Hồng Hà, những địa chỉ quen thuộc của kịch hát truyền thống mà đã đàng hoàng trụ nhiều đêm liền tại Cung Việt Xô, địa chỉ trước nay chỉ dành cho những show diễn ca nhạc thời trang lớn, kịch hát truyền thống chưa một lần dám mon men đến. Vở diễn cũng đã đoạt HCV Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013, Thúy Mùi được trao giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” duy nhất của cuộc thi.
Song song với dự định thực hiện dự án về một bảo tàng riêng của Nhà hát Chèo Hà Nội, Thúy Mùi đã thành công trong Dự án Sân khấu học đường, hướng về khán giả tương lai của nghệ thuật Chèo. Ðầu tiên là tham gia Dự án Sân khấu học đường của Bộ VH-TT&DL. Dự án kết thúc, Thúy Mùi lại đi gõ cửa UBND TP Hà Nội và được UBND TP phê duyệt Dự án Sân khấu học đường của riêng Hà Nội với vốn đầu tư vài chục tỷ đồng, bắt đầu thực hiện từ năm 2013. Thúy Mùi mơ, một ước mơ giản dị: “Ước gì, học sinh hơn 4.000 trường cơ sở và trung học trong thành phố, được một lần đi xem Chèo, học hát Chèo, cho nghệ thuật Chèo ngấm vào máu thịt các em, để sau này các em chính là chủ rạp trong mỗi đêm vang vọng trống Chèo”.
Do luôn có các chương trình hoạt động phong phú, hấp dẫn, hiệu quả, đưa khán giả đến được với mình, Nhà hát Chèo Hà Nội là đơn vị kịch hát truyền thống duy nhất trong cả nước luôn đỏ đèn trong thời buổi hiện nay, anh chị em nghệ sĩ không chỉ có thể sống được với nghề, mà còn vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật.
Trong những thành công toàn diện, vượt bậc của Nhà hát Chèo Hà Nội suốt 10 năm qua, có dấu ấn đậm nét của NSND Thúy Mùi. Những năm tháng đắm đuối cùng Chèo đã giúp chị thành công rực rỡ với vai trò Tổng đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn của Trung ương và Hà Nội như: Kỉ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỉ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, Kỉ niệm 70 năm Ngày Thành lập Quốc hội nước CHXHCNVN, Kỉ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Kỉ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đại hội Thể dục thể thao TP Hà Nội… Chị được trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và vinh dự được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, một danh hiệu dành cho những người có những đóng góp đặc biệt xuất sắc cho Thủ đô đất nước.
Người cần cho sân khấu đất nước hôm nay
“Lo được cho anh em có đời sống vững vàng ở những năm sân khấu đầy thăng trầm thế này là cái tài của Thúy Mùi. Thế nhưng, ở gương mặt nổi bật của sân khấu kịch hát này, tôi còn thấy cô ấy tràn đầy những khát vọng nghệ thuật và đã có thành công. Sân khấu đất nước hôm nay cần những nghệ sĩ, nhà quản lý tâm huyết như thế”.
PGS Tất Thắng, nhà hoạt động sân khấu lão thành, đã từng nhận xét về NSND Thúy Mùi như thế. Quả thật, người nữ nghệ sĩ có vóc dáng nhỏ bé nhưng hết sức thông minh, luôn tràn đầy năng lượng, cực kỳ bản lĩnh ấy là người rất cần cho sân khấu đất nước hôm nay. Trong nhiệm kỳ này của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, khi Thúy Mùi là Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kinh tế, Uỷ viên Ban Chấp hành, rồi trực tiếp đảm nhiệm trọng trách Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, hoạt động của Hội đã phong phú và khởi sắc hơn nhiều, nhất là với các chương trình xã hội hóa.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chị đã trực tiếp tổ chức rất thành công Gala Ngôi sao Sân khấu với sự góp mặt của những ngôi sao sân khấu đang hút khách nhất trong một chương trình nghệ thuật có chất lượng cao. Cũng giống Gala Ngôi sao Sân khấu, các chương trình khác của Hội do NSND Thúy Mùi đảm nhận như Giỗ tổ Sân khấu hay Gặp gỡ cuối năm… đều được tổ chức rất trang trọng, giàu tính văn hóa với phương thức xã hội hóa do chị trực tiếp đứng ra vận động.
Cuối năm 2017, khi NSND Thúy Mùi đến tuổi nghỉ chế độ và về công tác tại Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, nhiều cán bộ, hội viên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỏ ra hết sức vui mừng. Có người nói vui: “Thế là “Vương nữ” đã hồi triều”…
Hy vọng, người nghệ sĩ luôn có khả năng biến cái không thể thành có thể, NSND Thùy Mùi mà tôi rất thần tượng, sẽ có những đóng góp lớn xây dựng ngôi nhà chung của sân khấu Việt Nam, để các di sản của truyền thống được trao truyền và tỏa sáng, để sân khấu có được vị trí xứng đáng hơn trong đời sống đất nước hôm nay và tương lai như từng có trong quá khư…
Theo Ngọc Anh/VHVN