Truyện ngắn – ‘Bức tranh thiếu nữ’

9:59 | 16/04/2018
Ảnh minh họa.

 

Tìm được một thằng bạn tâm giao, chí cốt còn khó hơn tìm một con bồ. Phúc và tôi luôn quả quyết điều đó. Bởi cứ một ngày mà hai đứa không gặp nhau thì cảm thấy vô cùng bứt rứt, bao nhiều nỗi niểm cứ chất chứa trong lòng, chẳng thế thố lộ cùng ai.

Chúng tôi, hai đứa cùng một tuổi, cùng học một trường, lại cùng một xóm nên sự gắn bó khắng khít kéo dài nhiều năm, không dễ chi có chuyện không vui dẫn đến bất hòa. Mãi cho đến lúc sắp sửa rời khỏi tuổi hoa niên, tức vào mùa hè của năm học lớp 11, giữa tôi và Phước bất ngờ có một sự cố xảy ra. Đó là suốt mấy ngày liền, mỗi lần gặp mặt, tôi thấy Phúc cứ im ỉm, không chuyện trò vồ vập như thường lệ. Không nhịn được tò mò, tôi gặng hỏi:

–         Mi có chuyện chi bí mật định giấu tao hở?

–         Có chi mô?

–         Tao không tin. Nhất định mi phải có chuyện chi đó!

Phúc cười chúm chím, rồi lại lặng thinh. Tôi giả vờ bực bội, đứng dậy nói:

–         Rứa thôi tao về đây…

Phúc lập tức níu tay tôi:

–         Ừ thì nói… Chỉ là… À, mà mi biết con Thu Ba không?

Tôi giật mình hỏi:

–         Thu Ba ở gần HTX thảm len Phước Hải hở? Mi quen nó hở?

Phúc nói ỉu xìu trong cổ họng:

–         Cũng mới quen…. Mà cứ mỗi lần đến gặp nó tao thấy… ngại quá!

Thế là Phúc thố lộ câu chuyện: Phúc đã theo đuổi làm quen Thu Ba khoảng vài tuần nay, kể từ khi gặp cô ta cùng đến mua hồ sơ một cơ sở dạy tiếng Anh dịp hè. Trong thời gian vừa qua, hắn đã đến nhà Thu Ba vài lần. Lần nào hắn cũng được chào đón vào nhà, nhưng hắn chỉ ngồi thừ người ra đó chẳng biết nói chuyện chi…

“Có chừng đó, mà cũng giấu kín bưng, lần tới mi dẫn tao đi theo. Hai đứa cho mạnh dạn, có chi tao nghỉ kế để mi tấn công…”, tôi nói với Phúc như vậy. Phúc hưởng ứng ngay: “Ừ thì tao cũng tính như rứa. Chỉ là chưa nói ra…”.

Trên thực tế, ở nhóm bạn bè chúng tôi, đa phần đều biết và âm thầm ngưỡng mộ Thu Ba. Bởi cô nàng có làn da trắng ngần,  đôi mắt bồ câu trong suốt tuyệt vời, hiện đang học bên Nữ trung học, chắc kém chúng tôi chừng một lớp. Điều đáng nói là cô nàng có vẻ mặt rất đoan trang, nghiêm nghị, không dễ gã nam sinh  nào dám sà vào tán tỉnh bông lơn. Vậy mà không hiểu bằng cách nào Phúc có thể làm quen và lọ mọ đến tận nhà cô nàng được. Chỉ riêng điểm này là Phúc đã vượt trội hơn tôi rồi, nhưng tôi vẫn giả bộ làm ra vẻ sỏi đời, hứa hẹn sẽ làm quân sư cho gã cuộc phiêu lưu sắp tới.

Hôm ấy, đúng như kế hoạch đã dự định, tôi cùng Phúc đến nhà Thu Ba. Sau khi được cô mời chúng tôi vào ngồi bên bàn khách đơn giản sát bên lối vào, Phúc giới thiệu, tôi là một đứa bạn thân cùng lớp và cũng rất biết Thu Ba. Cô ta nhìn tôi quan sát thoáng qua rồi gật đầu nói: “Thấy quen quen” và mời chúng tôi uống nước. Tôi đợi Phúc trò chuyện dăm ba câu để tiếp lời, nhưng mãi vẫn chẳng thấy nó nói gì cho ra hồn. Tôi cũng rất lấy làm lúng túng, nhưng cảm nhận nếu cứ để tình trạng đó kéo dài hết buổi, thì Phúc sẽ không còn xem tôi là một “quân sư” nữa, nó sẽ không tin tôi. Do vậy, tôi ướm lời hỏi Thu Ba vài câu hỏi hướng về sở trường của mình, nào là Thu Ba thích đọc thơ không? Thích nhạc Trịnh hay nhạc trẻ hiện nay? Có bao giờ đến các phòng triển lãm xem tranh không?  Thế nhưng, tất cả các câu hỏi đều được Thu Ba trả lời rất cụt ngủn, bâng quơ.

Cuối cùng, tôi lật cuốn sổ giấy rô – ky đang cầm theo tuyên bố sẽ ký họa chân dung Thu Ba bằng vài nét vẽ. Thực ra, đây là một ngón nghề tôi học lóm được của người cậu học trường mỹ thuật Huế, những dịp về nhà thỉnh thoảng mượn tôi ngồi làm mẩu. Tôi cũng đã ký họa theo cách đó với những người thân trong gia đình, và sau một thời gian dài, ai cũng khen tôi rất có năng khiếu.

Giờ đây, trước mặt tôi là Thu Ba, một người mẫu tuyệt vời hơn cả ước mơ với bất kỳ họa sĩ nào. Phúc trở nên hứng khởi: “Thằng này vẽ đẹp lắm Thu Ba. Cứ gắng ngồi yên một tí, sẽ có bức tranh giống y chang”. Vậy mà tôi cứ thấy lo lắng, ngắm nhìn, bắt nét thật kỹ, nhưng người trong tranh thể hiện càng lúc càng chẳng ăn nhập gì đến Thu Ba. Tôi âm thầm bỏ qua bức thứ nhất. Sang bức thứ hai… vẫn chẳng thế khá hơn. Trong khi đó, Thu Ba cứ nằng nặc đòi xem thử. Phúc lại chồm người ghé mắt vào….Tôi buộc phải chuyển qua trang giấy thứ ba và khẳng định luôn: “Nảy chứ mới nháp. Bức này mới là chính thức. Vài giây thôi”.

Tôi đưa bút chì kẻ một đường thẳng dứt khoát chia đôi tờ giấy. Tiếp theo là các hoa văn hình tròn, hình tam giác, hình xoăn ốc… thể hiện một nửa gương mặt của ai đó vô cùng trừu tượng. Tôi ký tên vào góc dưới tranh và cần thận xé  bức họa khỏi sổ gởi tặng Thu Ba. Thật không ngờ, Thu Ba reo lên: “Hay quá! Không ngờ gương mặt mình lại ra như ri! Đây gọi là tranh trừu tượng phải không?”. Phúc cũng hưởng ứng một cách nồng nhiệt: “À công nhận độc thiệt! Chân dung trừu tượng nhìn thiệt là … trừu tượng!”

Ảnh minh họa.

Sau buổi gặp lần đó, tôi cùng Phúc đến nhà Thu Ba nhiều lần nữa. Cứ bình quân mỗi tuần một hai lần. Tuy nhiên, tình hình “tấn công” của Phúc với cô nàng ấy không tiến triển chút nào. Mặc dù, tôi cũng rất thực tâm nổ lực bày mưu, lập kế để Phúc sớm đạt kết quả, như là kiếm cớ tặng quà, mời đi hàng quán, mời đi xem ca nhạc…, nhưng phần lớn mọi việc Thu Ba đều từ chối, còn việc nào đồng ý thì cũng chừng như rất miễn cưởng. Càng lúc Phúc càng nản lòng, như muốn bỏ cuộc. Ngược lại, phần tôi, kẻ đóng vai phụ, nhận ra, chừng cô ấy cảm tình mình nhiều hơn. Thậm chí, mỗi lúc cả ba cùng ngồi với nhau, thì cứ câu chuyện nào do tôi chủ động gợi ý Thu Ba mới thể hiện hưởng ứng hồn nhiên, vui vẻ…, nếu không thì vẻ mặt cứ lạnh nhạt, nhát gừng. Do vậy, tôi nghĩ, thực tiếc nếu mà cả tôi và Phúc đều rút lui, bỏ mặc Thu Ba cho một gã lạ mặt nào đó xông vào trong tương lai …

Một lần, tôi nói toạt ý nghĩ này ra với Phúc: “Này, mi bỏ cuộc chuyện Thu Ba chưa? Nếu thực sự bỏ cuộc thì cứ để … tao thử xem sao?” . Phúc cười : “Hì, hì… thách mi đó! Có giỏi nhảy vô đi, làm được tao khao mi một chầu”. Tôi nói: “Chắc không? bắt tay liền một cái”. Mấy đứa bạn cùng lớp ngồi quanh cũng cổ động hò reo: “Hay đó, có tụi tao làm chứng. Trong một thời gian nhất định, đứa nào thua là phải chịu phạt”. Nhưng làm thế nào để chứng minh việc “được” hay “không được” trong cuộc thi thố này? Vậy là tôi cùng Phúc bàn bạc thống nhất kế hoạch: nội những tuần lễ nghỉ hè còn lại, ít nhất tôi phải chở Thu Ba ngang qua mặt Phúc và bạn bè nhìn thấy (tức ngang qua quán cà phê ở góc đường chúng tôi thường tụ tập hàng ngày) một lần, thì tôi thành người thắng cuộc. Ngược lại, không làm được điều đó, xem như tôi đã thua cuộc.

Lúc này, chỉ còn chưa đầy một tháng là kỳ nghỉ hè trôi qua. Suy nghĩ gần cả tuần lễ, rồi tôi cũng tìm ra một phương cách. Vậy là tôi ghé qua nhà Thu Ba, nêu ra đề nghị: chẳng bao lâu nữa sẽ bước vào năm học mới rồi, chẳng còn mấy thời gian gặp gỡ, nhất là sau khi học xong lớp 12, tôi sẽ lập tức vào TP HCM để thi vào trường mỹ thuật, bởi vậy dịp thời gian còn lại hiếm hoi này, tôi muốn vẽ một bức tranh chân dung sơn dầu tặng Thu Ba làm kỷ niệm. Mới nghe, cô ta  đắn đo: “Thì bữa trước đã tặng bức chân dung trừu tượng đó rồi”. Tôi giải thích, đó chỉ là bức tranh trừu tượng, đơn giản quá, nhìn vào chưa chắc ai đã nhận ra… Còn lần này, là tranh sơn dầu, tả thật, giống người thật, bỏ vào một chiếc khung to treo trên tường rất giá trị. Thế là Thu Ba gật đầu, đồng ý cho tôi đón về nhà ngồi mẩu, vì tôi nói rõ, ở nhà tôi mới có đủ không gian và phương tiện để thực hiện một bức tranh như vậy.

Phải nói thật, tôi chỉ là một gã học trò phổ thông có năng khiếu chừng mực, chứ không phải tài năng gì ghê gớm. Cũng may, nhờ ở gần ông cậu như đã nói phần trên, nên tôi có học theo được chút ít cách sử dụng màu sắc sơn dầu. Tuy nhiên, trong buổi đầu tiên phác họa chân dung Thu Ba lên khung vải chủ yếu vẫn thực hiện bằng bút chì. Như vậy, cho đến lúc bức tranh trở thành tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh, tôi phải đưa đón Thu Ba về nhà tôi thêm ít nhất ba lần khác. Cuối cùng, bức tranh thể hiện một thiếu nữ có gương mặt thiên thần, mặc áo dài trắng pha lẫn xanh nhạt, ngồi trên chiếc ghế mây, tay cầm một nhành hoa nhỏ. Tôi đặt tên bức tranh là: Thiếu nữ trên chiếc ghế mây. Đó cũng lần đầu tiên tôi thực sự hạnh phúc, vì không ngờ mình đã tự tay hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật ưng ý như vậy.

Những ngày ấy, Phúc cùng nhóm bạn ngồi trong quán cà phê đã thực sự chứng kiến tôi chở Thu Ba bằng xe đạp ngang qua không chỉ một lần, mà nhiều lần. Không đứa nào tin nổi vì sao tôi đã làm được điều đó. Phúc buộc lòng phải bắt tay chúc mừng tôi là kẻ thắng cuộc và chiêu đãi cả nhóm một bữa tiệc tưng bừng. Tuy nhiên, vài ngày sau, tôi nghe một đứa bạn trong nhóm kể lại lời Phúc: “Thật lạ quá! Tao với thằng Sáng là bạn thân nhất. Chuyện này vẫn không làm tao ghét nó. Nhưng mấy hôm nay, tao cứ nằm mơ thấy đấm nó tơi bời…”.

***

Sau mùa hè lần ấy, tôi vẫn chưa có ý định “tấn công” Thu Ba thêm chút nào. Chúng tôi trở lại mái trường tiếp tục bận rộn với công việc học tập bình thường. Chỉ có một điều khác, là Phúc dần dần rời xa tôi. Chúng tôi mỗi ngày đến trường,  đi và về trên những lối riêng, không chờ đợi nhau.

Bất chợt, một hôm khi tan học, Phúc từ phía sau chay theo gọi tôi:

–         Có hay tin gia đình Thu Ba dọn nhà chuyển đi chưa?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

–         Đi đâu? Đi bao giờ? Mới tuần trước tao gặp nó ngang qua nhà, có nghe nói chi đâu?

–          Đi vài ngày rồi. Ba nó chuyển công tác lên Lâm Đồng lâu nay, bây giờ gia đình có việc sao đó ông ta quyết định dọn nhà  đi luôn.

Ảnh minh họa.

Tôi và Phúc cùng đến nhà Thu Ba. Thăm hỏi các gia đình lân cận, họ cũng không cho biết thêm những tin tức nào khác hơn. Vài ba ngày qua đi, tôi và Phúc có chung một nỗi buồn nhẹ. Rồi chúng tôi trở lại tình bạn gắn kết như xưa. Mỗi một ngày hai đứa  không gặp nhau là không chịu nổi. Hết năm học 12, tôi giã từ Phúc vào TP HCM thi vào trường Đại học mỹ thuật. Phúc ở lại học lại lo việc học nghề, để tìm việc làm vì gia đình có nhiều khó khăn. Trước khi đi, tôi kể thật với nó về chuyện Thu Ba, là tôi chỉ phỉnh phờ nhờ Thu Ba ngồi làm mẩu vẽ tranh để chở cô ấy đi đi về, chứ chẳng được trò trống gì… Phước cười khì khì, đấm vào vai tôi chửi: “đồ khỉ!”.

 

 

***

Thoắt chốc, thời gian trôi qua, tốt nghiệp Đại học xong, gặp may mắn, tôi có công việc ổn định và ở lại luôn TP HCM.  Năm đầu tiên rời xa thành phố tuổi thơ, tôi vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi Phúc. Nó luôn hào hứng kể tôi nghe tất cả mọi chuyện diễn ra chung quanh nó. Song đến khoảng chừng năm thứ ba, thư tín hồi âm của Phúc thưa dần, rồi biệt tăm… Bất chợt, vào một ngày, tôi nhận được một phong thư khá dày từ Phúc. Nội dung thư cho biết, trong mấy năm vừa qua, Phúc đã liên lạc được Thu Ba.  Và cứ mỗi dịp hè, nghỉ Tết, Thu Ba đều sắp xếp thời gian về Đà Nẵng để … đi chơi cùng Phúc. Cả hai đứa dự định sẽ tiến đến xa hơn… sau khi Thu Ba hoàn tất việc học. Tuy nhiên, ngay khi tôi cầm lá thư ấy trên tay, Phúc cho biết, Thu Ba đã qua đời tại Đà Lạt trước đó vài tuần do một tai nạn giao thông.

 

Như để chứng minh câu chuyện của mình là đúng sự thực, Phúc gởi kèm theo lá thư  vài bức ảnh của Thu Ba về sau này. Có bức cô ấy đứng giữa khung cảnh tại Đà Nẵng, có bức cô ấy đứng trước cổng một ngôi nhà tại Đà Lạt…

Tôi cầm lá thư trong tay hết sức ngỡ ngàng. Tôi có thể tin được thực sự có một câu chuyện tình yêu đến với Phúc và Thu Ba. Nhưng không thể tin rằng, Thu Ba vĩnh viễn rời bỏ trần gian. Hoàn toàn không thể có chuyện như vậy…

Tưởng có lúc tôi sẽ gặp lại Phúc hỏi cho ra ngọn ngành, thì chừng một năm sau Phúc cũng lại đột ngột qua đời bởi một cơn bệnh hiểm nghèo.

Tôi về thành phố cũ thắp nến hương cho Phúc, không kịp gặp bạn bè thân quen, rồi vội ra đi. Lòng mang theo nỗi buồn nghèn nghẹn nhân đôi.

 

***

 

Lần đầu tiên tôi có chuyến công tác đến Đà Lạt.

Người ta nói rằng, nơi đây, giờ thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu đã biến đổi rất nhiều, bởi sự thực dụng của con người đã tàn phá dữ dội. Dù vậy, ngồi một mình ở quán cà phê trên một đồi cao, nhìn  về những mái ngói đỏ xa xa xen lẩn trong những hàng thông xanh, lòng tôi vẫn cứ lâng lâng,  xao xuyến bởi vẻ đẹp quyến rủ lạ lùng. Tôi hối tiếc, tự hỏi, tại sao mình không nghĩ đến việc lên thành phố này sớm hơn?

Hết ngắm nhìn trời mây, cây lá, tôi lại thả hồn theo âm thanh dìu dặt của những bài ca trữ tình vọng lên từ trong quán… Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi mới bước đến quầy casier trả tiền. Bất ngờ, từ bức tường phía sau lưng cô gái đứng quầy, tôi nhận ra một bức tranh thiếu nữ vô cùng quen thuộc. Đó chính là bức tranh “Thiếu nữ trên chiếc ghế mây” mà Thu Ba đã ngồi làm mẩu cho tôi vẽ hồi mấy chục năm về trước. Cũng vẫn cô gái có gương mặt trái xoan, đôi mắt thiên thần mặc áo dài trắng ngồi trên chiếc ghế mây với nhành hoa nhỏ trên tay. Từ màu sơn cho đến khung gỗ vẫn tươi mới nguyên vẹn, chứng tỏ bức tranh được chăm sóc thường xuyên. Tôi lắp bắp hỏi cô gái:

–         Bức tranh này… tại sao ở đây?

–         Dạ, nó là của chủ quán cà phê này.

–         Chủ quán cà phê này tên chi? Tôi muốn gặp người chủ được không?

–         Dạ cháu mới vào làm vài tuần, cũng chưa biết rõ chủ là ai? Nhưng hôm nay gia đình họ có công chuyện đi đâu xa. Có thể một hai hôm sau chú ghé lại sẽ gặp.

Rời khỏi quán, lòng tôi cứ mãi bâng khuâng suy nghĩ: phải chăng Thu Ba vẫn còn sống và chính cô là người vẫn gìn giữ bức tranh ấy? Và phải chăng cái tin buồn trong lá thư gởi tôi ngày nào của Phúc chỉ là cách y muốn kết thúc để tôi khỏi tơ tưởng về cô ấy? Tôi hồi hộp, hình dung ra cảnh hội ngộ với Thu Ba trong những lần trở lại quán Cà phê. Tuy nhiên, do công việc, tôi phải rời Đà Lạt, không thể ở lại đợi chờ lâu hơn.

Chừng một tháng sau, tôi  nôn nóng thu xếp thời gian trở lại Đà Lạt tìm đến ngọn đồi – nơi có quán cà phê lưu giữ bức tranh thiếu nữ tôi đã vẽ Thu Ba. Nhưng trước mắt tôi, chẳng còn nhìn thấy quán xá, nhà cửa nào…, bởi nơi đây, người ta đang quy hoạch để triển khai một công trình mới đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Không ai trả lời tôi về những gì đã thành quá khứ.

Tôi chỉ còn niềm hy vọng cuối cùng: bức tranh  thiếu nữ  mà tôi là tác giả cùng với chủ nhân của nó cũng là người mẩu trong tranh chắc chắn vẫn còn ở một nơi nào đó tại thành phố sương mù, với một tuổi trẻ vĩnh viễn chẳng thể tàn phai./.

 

Theo Trần Trung Sáng/VHVN

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử