Nhiều người thích ăn cháo lòng vì vị ngon đặc biệt. Tuy nhiên, món ăn này kiêng kỵ cho một số trường hợp, nên lưu ý hơn để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cháo lòng chứa nhiều nội tạng như gan, tim, dạ dày, lòng lợn… nên rất giàu protein và vitamin cần thiết cho cơ thể. Thường xuyên ăn cháo lòng sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ thiếu sắt, phòng bệnh thiếu máu, còi xương…
Tuy nhiên, nhìn chung nội tạng động vật có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt, nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu, có hại cho tim mạch, đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì và người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa.
Dưới đây là những trường hợp nên lưu ý khi ăn cháo lòng để bảo vệ sức khỏe chính mình:
Người bị đường tiêu hóa kém
Trong nội tạng động vật có thể chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh về đường ruột như tiêu chảy, tả, lỵ… Đặc biệt là khi những người bị đường tiêu hóa kém ăn phải cháo lòng nấu không chín kỹ thì có thể mắc phải một số bệnh nhiễm khuẩn và bệnh ký sinh trùng.
Bà bầu
Cháo lòng rất bổ dưỡng nhưng không phù hợp với chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai. Như chúng ta đã biết, các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.
Trong trường hợp nội tạng động vật không được chế biến đúng cách thì có nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin – chất có khả năng gây ung thư gan. Bên cạnh đó, nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis thì lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.
Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng… chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh. Điều này cực nguy hại cho sức khỏe bà bầu.
Người béo phì hoặc mắc các bệnh về tim mạch
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong nội tạng có nhiều chất đạm nhưng nó cũng chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và cật lợn.
Đối với những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholestetol máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gout, thừa cân, béo phì… cần kiêng ăn loại cháo này.
Cách chọn và chế biến lòng lợn sạch, an toàn
Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ trên tờ Dân Việt, cách chọn lòng ngon nhìn cảm quan bằng mắt thường là ống ruột căng phẳng phiu và tròn, màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ. Nếu sờ vào lòng không có sự đàn hồi, không có độ dẻo dính, nổi những nốt u cục như hạt gạo là không tốt vì dễ từ lợn bệnh.
Để làm sạch lòng thì sau khi mua về có thể đem lộn trái rồi vuốt sạch chất nhớt bên trong, hoặc có thể bơm nước vào bên trong để đầy các chấy nhầy ra rất nhanh. Tuy nhiên, không cần thiết phải tuốt lộn ruột lòng ra hoặc bóp nhiều lần với muối. Thay vào đó, chỉ cần xả qua dưới vòi nước vào đoạn lòng cho mất dịch trong, sau đó rửa lại hoặc tuốt qua là được.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng bày cách khử mùi hôi của lòng: dùng nước cốt chanh, dấm để xát khử mùi. Sau đó rửa lại với nước muối để diệt khuẩn và làm sạch lại một lần nữa.
Nếu gia đình bạn thích ăn những món liên quan đến lòng thì hãy cẩn thận các khâu từ chọn lòng cho đến chế biến nhé. Món ăn phải thật chín thì mới đảm bảo an toàn.
Tổng hợp