Nhớ nhà báo Phạm Khắc Lãm

13:34 | 11/09/2023

Sáng sớm ngày 10/9, tôi đột ngột nhận hung tin từ chị Thái Tuyết Mai: “Chú Quốc Toàn ơi anh Lãm đã ra đi, chị báo để chú biết tin”. Tôi bàng hoàng hỏi chị, “Sao anh ra đi đột ngột vậy?”.


Chị Thái Tuyết Mai, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo TW, người bạn đời thủy chung của anh nức lên nói gọn một câu: “Anh ấy quý chú Toàn, vẫn thường nhắc đến em” rồi ngừng lời… Đường đột biết tin nhà báo Phạm Khắc Lãm rời cõi tạm, tôi chợt nhớ đến bản nhạc của Trịnh Công Sơn “Để gió cuốn đi” mà sinh thời anh rất thích: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì… để gió cuốn đi…

Như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo lão thành Phạm Khắc Lãm hiện lên trong tôi, về một người anh hơn nửa đời người gắn bó với nghề. Ông vẫn luôn cảm nhận sự bình dị, thanh thản, như chính cuộc đời mình vậy, khi ông thôi nhiệm vụ Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), ngày 31-12-1993. Năm đó, ông đã bước qua ngưỡng tuổi 64. Một ngày sau, 1-1-1994, ông vào Thành phố Hồ Chí Minh dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc ứng khẩu mấy vần thơ mộc mạc chia tay bạn bè, đồng nghiệp làm truyền hình: Công danh như phù vân/ Phú quý tựa lông hồng/ Giữa bạn bè đồng nghiệp/ Quý nhất ở tấm lòng!

Quen biết ông từ lâu, khi tôi còn mang cấp hàm trung úy ở Báo Quân đội nhân dân. Một lần, tháng 4 năm 1975, tôi qua Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo TW, đồng nghiệp Lê Hữu Quế chỉ vào bàn bên cạnh: “Chị Thái Tuyết Mai, phu nhân Vụ trưởng, nhà báo Phạm Khắc Lãm, con dâu trưởng cụ Phạm Khắc Hòe”. Nghe vậy, chị Thái Tuyết Mai, đồng hương xứ Nghệ với chúng tôi tủm tỉm cười: “Hai chú em nói xấu bà chị điều gì vậy”. Sau sự “khai thông” ban đầu ấy, tôi cùng Lê Hữu Quế, chị Thái Tuyết Mai nói chuyện trên trời dưới biển rôm rả. Một lúc sau, anh Phạm Khắc Lãm ghé qua đưa chìa khóa xe cho chị Thái Tuyết Mai. Chị Thái Tuyết Mai, sinh viên khoa Văn – khóa 7 (1962 – 1966), Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh chị Khắc Lãm – Tuyết Mai trai tài, gái sắc thật đẹp đôi. Và kể từ hôm đó, tôi trở nên gần gũi thân thiết với cặp đôi nhà báo đàn anh, đàn chị, học được ở anh chị nhiều điều bổ ích về nghề nghiệp.

Nhà báo Phạm Khắc Lãm chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1998.

Nhà riêng nhà báo Phạm Khắc Lãm tại 48 B phố Tràng Thi, Hà Nội, cạnh trụ sở Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một lần, cùng ông chờ xe taxi trước ngõ, ông nói vui:

– Nhiều hôm rỗi việc, tôi ghé vào Mặt trận chơi với mấy cụ nhân sĩ, trí thức, cũng là chỗ thân quen, các cụ nói chuyện thời cuộc, nhân tình thế thái. Có lần, ra ngõ gặp mấy ông bà nông dân ở quê lên xin gặp các cụ Mặt trận khiếu nại mấy vụ đất đai, tôi tư vấn, chỉ đường “tháo nút” cho họ. Bà con bức xúc thì kiện tụng vượt cấp, nhưng khi mình thấu hiểu, tận tình hướng dẫn, tư vấn thấu tình đạt lý thì họ vui vẻ nghe theo, trật tự ai lại về nhà đó, dân ta lúc nào cũng một lòng theo Đảng.

Tấm lòng ông là như vậy, tận tình, chu đáo, hết mình với mọi người. Chiều ngày 29-5-2014, lúc đó tôi đã chuyển công tác vào TP.HCM có dịp bay về Hà Nội, tôi đến nhà ông hàn huyên. Điện thoại cho ông thì ông đang họp chi bộ khu phố. Chị Thái Tuyết Mai, xuống tận ngõ đón tôi, lên tầng trên căn hộ nhỏ mà vợ chồng ông đã gắn bó nửa thế kỷ. Chuyện vui với chị nửa giờ thì ông về, thấy ông mặc áo thun, quần sooc tôi hỏi vui:

– Ông anh họp chi bộ mà như đi đánh golf?

Ông cười tươi:

– Chi bộ hưu vài chục người, thân thiết cả mà. Hôm nay thời tiết oi nồng quá. Cánh đàn ông, ai cũng sooc cho tiện. Lần họp này chúng tớ góp ý với ông trời, sao oi bức thế, cũng lại do biến đổi khí hậu, ông trời làm ơn cho ít gió biển dịu mát lại. Cả hội ai cũng cười theo.

Câu chuyện bên bàn trà, buổi chiều hôm ấy, nhà báo Khắc Lãm tâm tình, hàn huyên đưa tôi lùi về với quá khứ – kỷ niệm cuộc đời ông. Chuyện của một thời, ông nhớ từng chi tiết nhỏ sống động. Năm 1988, khi đang là Vụ trưởng vụ Tuyên truyền Quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, ông được điều động làm Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Chấp hành sự phân công của tổ chức, ông nhẹ nhàng rời phố Nguyễn Cảnh Chân, qua Giảng Võ nhận nhiệm vụ mới. Đến VTV, họp cán bộ chủ chốt cơ quan, ông nhỏ nhẹ, đơn giản như chính bản tính của ông:

– Tôi không am hiểu lĩnh vực truyền hình. Tôi cũng không có món võ nào độc đáo. Các anh chị, các bạn giúp đỡ tôi làm tròn nhiệm vụ. Chỉ mong mọi người đoàn kết, thương nhau, cùng nhau lo công việc thật tốt.

Nhà báo Phạm Khắc Lãm.

Giai đoạn lịch sử, đất nước khởi động đổi mới, sau nhiều năm khủng hoảng của thời bao cấp, thiếu thốn trăm bề. VTV khó khăn cả về trang thiết bị, tài chính, nhân lực và tính chuyên nghiệp. Vượt qua khó khăn, nhà báo Phạm Khắc Lãm, bằng tấm lòng, sự nhiệt huyết, say nghề đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên khởi sự, làm được rất nhiều việc. Ông góp phần cùng tập thể VTV đổi mới, khán giả nhận rõ qua từng chương trình trên màn ảnh nhỏ. Thời kỳ này, ông có nhiều ưu tư vì những chuyện không vui về nội bộ ở VTV. Bản tính kín đáo, nhiều chuyện tế nhị, ông không tiện nói ra. Chỉ biết, những lúc khó khăn, bên cạnh ông, ngoài những người bạn, đồng nghiệp chí cốt, sẻ chia là người vợ hiền đảm đang, người đồng nghiệp tận tụy Thái Tuyết Mai, chị luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ông.

Có lần tôi hỏi ông:

– Nếu bây giờ được chọn lại, anh sẽ chọn nghề gì?

Nhà báo Phạm Khắc Lãm nói ngay:

– Nghề báo. Tôi yêu nghề báo từ lúc chập chững vào đời.

Ông là con trai trưởng của cụ Phạm Khắc Hòe, anh trai của nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, quê xã Đức Nhân (nay là Bùi La Nhân), huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cụ Phạm Khắc Hòe là luật sư, nhà văn, Ngự tiền Văn phòng Tổng lý của vua Bảo Đại – hàm Thượng thư, vị vua cuối cùng triều đình nhà Nguyễn. Cụ là người thảo chiếu thư thoái vị ngày 22-8-1945 của vua Bảo Đại, chứng kiến sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Những sự kiện lịch sử này, cụ Phạm Khắc Hòe ghi lại sống động trong tập hồi ký nổi tiếng: “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Năm 1953, Phạm Khắc Lãm được cử sang Trung Quốc học tập. Năm 1954, sau khi học xong ngoại ngữ, ông được chọn học ngành luyện kim, tại Học viện Gang thép Bắc Kinh. Rồi, một lần đến Đại sứ quán Việt Nam, tình cờ ông được biết, Việt Nam sắp cử một số người đi học đại học báo chí. Quá đỗi vui mừng, Phạm Khắc Lãm nộp đơn và nguyện vọng của ông được chấp thuận. Tốt nghiệp Đại học báo chí Bắc Kinh, năm 1959 ông trở về nước, nhận nhiệm vụ tại Vụ Báo chí, sau đó là Vụ Tuyên truyền Quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và gắn bó với nghề cho đến ngày nghỉ hưu tại VTV.

Được biết, năm 2013, Phạm Khắc Lãm là một trong những đội viên ưu tú Đội Thiếu niên tình báo, Công an quận 6, thuộc Công an Hà Nội, đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tôi hỏi ông điều này, nhà báo Phạm Khắc Lãm nhỏ nhẹ:

– Năm 15 tuổi, tôi đã tham gia tổ chức thiếu nhi yêu nước ở Huế. Năm 1946, theo cha và gia đình ra Hà Nội. Ông cụ tôi tham gia công việc cho chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cụ bị Pháp bắt, giam lỏng. Cuối năm 1946, Hà Nội bắt đầu kháng chiến. Tôi đã liên lạc được với tổ chức và tham gia Đội Thiếu niên tình báo, Công an quận 6. Thời gian này, Đội làm được rất nhiều việc, liên lạc thư từ cho cách mạng và lập chiến công xuất sắc, góp phần tiêu diệt phần tử chống phá cách mạng.

Sau thời kỳ này, Phạm Khắc Lãm gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhận nhiệm vụ tại Phòng Bí thư Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng tư lệnh, làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc đến khi ông được cử đi học tại Trung Quốc.

Sau ngày nghỉ hưu, Phạm Khắc Lãm có nhiều đóng góp xây dựng Tạp chí Quê Hương, cầu nối với bà con kiều bào. Ông là người khởi xướng, sáng lập báo Nhịp Cầu Đầu Tư, Khuyến Học. Ông là Tổng Biên tập Tạp chí Việt – Mỹ, thuộc Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Tuổi cao ông vẫn miệt mài đi và viết, hết lòng với những con chữ. Sau tập sách chính luận “Nước Mỹ trong chiến tranh Việt Nam – Một cách nhìn”, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia – 2005, Phạm Khắc Lãm xuất bản cuốn “Việt Nam sau hòa bình – Đôi điều cảm nhận”, Nhà Xuất bản Trẻ TP.HCM – 2014.

Sống trong đời sống chỉ cần có một tấm lòng, cuộc đời nhà báo Phạm Khắc Lãm đã có được một tấm lòng, để cùng ông say mê, tận tụy gắn bó hết mình với nghề báo mà ông đã chọn. Ông ra đi khi đã ở tuổi thượng thọ. Bài viết này như một nén tâm nhang kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt một cây bút uyên thâm, tận tụy, yêu nghề …

PV

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nho-nha-bao-pham-khac-lam-post264070.html

Bài viết liên quan

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào