Người thợ già tâm huyết giữ nghề may cờ Tổ quốc

8:13 | 02/09/2023

Hơn 40 năm may cờ Tổ quốc, động lực để gia đình bà Nguyễn Thị Mai giữ nghề truyền thống đơn giản là do bà cảm thấy tự hào khi được góp sức làm nên một biểu tượng mang linh hồn dân tộc.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống về may mặc, thế nhưng, sau khi lập gia đình, bà Nguyễn Thị Mai (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) quyết định chuyển sang may cờ Tổ quốc và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Đối với bà, may cờ không chỉ là công việc, mà còn là sự đam mê.

Bà Nguyễn Thị Mai hơn 40 năm may cờ Tổ quốc

Nói về cái duyên gắn với nghề này, bà Mai nhớ lại, năm 1976, bà lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 532, đóng quân tại Quảng Trị. 4 năm sau, bà xuất ngũ trở về quê hương công tác tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa (thuộc thị xã Thanh Hóa, nay là TP Thanh Hóa). Cũng từ đây, bà Mai bắt đầu bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, công việc lúc bấy giờ chỉ mang tính thời vụ vào các dịp lễ, Tết.

Sau khi về hưu, bà Mai vẫn tiếp tục cần mẫn với công việc này. Mỗi ngày, bà Mai nhận may cờ Tổ quốc cho các tiểu thương tại chợ Vườn Hoa, các chợ ở thành phố và một số khu vực lân cận. Với tay nghề khéo léo của mình, sản phẩm của gia đình bà Mai được rất nhiều mối hàng yêu thích và tin tưởng.

Những năm về sau, bà Mai dừng việc đi may thuê rồi sắm máy may cờ Tổ quốc tại nhà. Cũng kể từ đó, gia đình bà trở thành nơi sản xuất cờ Tổ quốc nức tiếng và lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm bận rộn, gia đình bà phải huy động đến vài chục thợ may cùng làm. Mỗi ngày sản xuất 500 – 1.000 lá cờ.

Vào những dịp lễ, tết, trung bình mỗi ngày, gia đình Mai xuất ra thị trường hàng nghìn lá cờ. Những tháng còn lại trong năm thì chỉ sản xuất cầm chừng. Không làm giàu được từ nghề nhưng niềm tự hào khi được nhìn thấy những lá cờ do mình may tung bay trong trong các sự kiện trang trọng, thể hiện được tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam chính là động lực để các thế hệ trong gia đình bà Nguyễn Thị Mai luôn gắn bó với nghề.

May cờ Tổ quốc không khó như may quần áo nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn vải đến may đo

Để làm ra một lá cờ phải có chuẩn mực riêng, tuy không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo; muốn giữ nghề cần những người thợ lành nghề và tâm huyết.

Chia sẻ về cách may cờ bà Mai cho biết, may cờ Tổ quốc không khó như may quần áo nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn vải đến may đo. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, mình có thể lựa chọn vải từ bình dân đến chất lượng cao hơn nhưng vải may cờ phải là loại vải sa tanh, bóng, mịn, vải ngôi sao phải cứng hơn. Có như thế khi treo cờ mới bay đẹp, không bị nhăn, bị nhàu.

Việc cắt ngôi sao để đính vào lá cờ cũng phải đồng đều. Nếu cánh sao bị lệch tâm với lá cờ sẽ rất xấu và không thể hiện được ý nghĩa của lá Quốc kỳ. Từ vải nguyên liệu, người thợ sẽ vẽ, cắt, dán và may thành từng lá cờ theo đúng quy định với chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, ngôi sao 5 cánh màu vàng ở giữa. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài của lá cờ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo.

Bà Mai nhận may cờ Tổ quốc cho các tiểu thương tại chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa)

Mà cái khó nhất của việc may cờ Tổ quốc chính là việc cắt, may ngôi sao vào lá cờ. Nhiều người thợ may có tay nghề nhưng chưa chắc đã may được ngôi sao vì dễ bị méo, nhăn hoặc phồng. Đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ phải có độ chính xác cao, có kinh nghiệm, khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và cẩn thận mới làm được, nếu tính toán không chuẩn thì sẽ hỏng cả lá cờ.

Với thợ mới làm, bà Mai phải hướng dẫn chi tiết khi thợ cài kim vào ngôi sao để ngôi sao không di chuyển, không lệch. Những lá cờ có kích cỡ nhỏ còn dễ, đối với những lá cờ kích thước lớn thì việc đính sao phải nhiều người làm mới chuẩn xác được.

Nghề may cờ không mang lại lợi nhuận cao như may quần áo nhưng mỗi người đều có một cái duyên với nghề. Với nghề may cờ, nó phù hợp với gia đình mình bởi nhiều người trong gia đình có thể phụ giúp. Gia đình bà Mai vẫn miệt mài gắn bó với nghề hơn 40 năm qua cũng vì niềm đam mê, tự hào làm ra những lá cờ mang hồn thiêng sông núi, tinh thần độc lập dân tộc và là hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày nay, khắp các con phố từ thành phố tới nông thôn tại Thanh Hóa đều được treo cờ Tổ quốc

Cờ Tổ quốc là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam và với những người làm nghề truyền thống may cờ Tổ quốc, thì còn có cả đam mê và trách nhiệm khi tự tay làm ra những lá cờ đỏ thắm mang linh hồn dân tộc.

Trong không khí vui tươi của ngày Quốc khánh 2/9, trên dải đất hình chữ S thân yêu có hàng triệu lá cờ được treo lên. Từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, đâu đâu cũng ngập sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy, có một phần được “vẽ” lên từ tình yêu, niềm tự hào dân tộc của những người thợ như bà Mai.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nguoi-tho-gia-tam-huyet-giu-nghe-may-co-to-quoc-post262887.html

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào