Nghệ nhân ‘nặng lòng’ với nghề thêu tranh thủ công truyền thống

18:10 | 19/08/2023

Bén duyên với nghề thêu thủ công khi lên 8 tuổi, nghệ nhân Phạm Thị Hòa ở làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được biết đến là tác giả của nhiều bức tranh thêu ấn tượng.


Xuất thân trong gia đình có nghề thêu truyền thống

Tìm đến làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), chúng tôi bị choáng ngợp trước ngôi nhà khang trang tọa lạc trên mặt đường lớn bên trong làng. Cơ sở thêu tay Hòa Nhượng là thành quả của hai vợ chồng nghệ nhân Hòa Nhượng sau nhiều năm lao động vất vả từ nghề thêu thủ công của gia đình.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi ghé thăm cơ sở thêu tay Hòa Nhượng là toàn bộ phòng khách treo rất nhiều bức tranh cỡ lớn, được thêu hoàn toàn bằng thủ công, có giá trị từ chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng.

Bà Phạm Thì Hòa bên cạnh tác phẩm thêu tay của mình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, bà Phạm Thị Hòa cho biết nghề thêu tay thủ công ở đây đã có từ rất lâu, khoảng vài trăm năm về trước, cứ thế nối tiếp nhau.

“Khi nên 8 tuổi, bố tôi đã định hướng cho tôi theo nghề này. Gia đình có 11 anh chị em (8 gái, 3 trai), bố tôi đều truyền nghề cho và các anh chị em đều làm nghề rất giỏi. Sau đó, có một giai đoạn công việc trở nên khó khăn khi nguồn hàng ít đi buộc bản thân mỗi gia đình làm nghề thêu phải đi tìm việc, tự mày mò để sáng tác mẫu mã và tìm đầu ra cho sản phẩm… Khó khăn chồng chất khó khăn khiến nhiều người bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh”, nghệ nhân Phạm Thị Hòa kể lại.

Theo bà Hòa, ngày công của nghề thêu thấp hơn các nghề khác. Vì thế, những người còn làm thì phải rất yêu nghề mới giữ được đến bây giờ. Nghề thủ công vất vả nhưng có giá trị riêng. Mỗi bức tranh sau khi hoàn thiện có giá trị cao, thể hiện độ tỉ mỉ, sắc nét và bất kể ai thấy cũng đều bị ấn tượng. “Tranh của tôi được mọi người đánh giá cao bởi sự kỳ công tới từng chi tiết. Tuy nhiên, càng làm cẩn thận, tỉ mỉ thì mất nhiều công thợ, nên giá thành bán lại đắt. Những người có tiền mua được tranh này rất ít” – bà Hòa Tâm sự.

Mỗi bức tranh Thêu tay tại cơ sở Hòa Nhượng đều được làm rất kỳ công, tỉ mỉ.

Nói về quy trình tạo ra một sản phẩm tranh thêu tay, nghệ nhân Hòa cho biết: “Nghề thêu tay đều chung một quy trình sản xuất. Khâu đầu tiên là chuẩn bị vải và chỉ (chỉ thường nhập ở Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Việt Nam). Đối với nhiều loại chỉ, mình sẽ làm nhiều loại hàng tương xứng với giá trị của mỗi bức tranh. Khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, vẽ mẫu xong rồi bắt đầu căng khung để làm. Sau đó những người thợ sẽ ngồi thêu…”.

Hiện tại, nghệ nhân Hòa và một người anh trai ruột vẫn giữ được nghề thêu tay truyền thống. Thậm chí, thế hệ con cháu bà Hòa cũng đang học nghề để kế nghiệp sau này. “Cha tôi là người đầu tiên đưa nghề thêu tay về làng Xuân Nẻo. Tôi rất tự hào về truyền thống của gia đình mình”, bà tâm sự.

Nghệ nhân Phạm Thị Hòa kể lại, trong thời điểm xã hội bị giãn cách do COVID-19 khiến hàng hóa bị ngưng đọng, kinh tế khó khăn, gia đình bà vẫn tìm mọi cách, thậm chí chấp nhận vay mượn ngân hàng để trả công cho công nhân vì không muốn đứa con tinh thần mà mình gây dựng mấy chục năm phải đóng cửa.

Bức tranh Thêu tay Phật Pháp có giá 250 triệu đồng vừa được mua bởi một vị khách nước ngoài.

“Hiện cơ sở thêu tay của gia đình tôi có khoảng 10 nhân công làm việc. Có những người có hoàn cảnh rất đặc biệt, có người gắn bó với gia đình tôi hàng chục năm nay. Họ hết đều là những người có thâm niên và có thể thêu được hầu hết các mẫu mã. Ở hiện tại, đơn hàng cũng nhiều nên tôi và các nhân công rất vui vì việc làm ổn định, thu nhập tạm ổn để lo cho gia đình”, bà Hòa cho biết.

Mỗi năm cơ sở thêu tay Hòa Nhượng tạo ra hàng trăm sản phẩm thủ công đẹp và ấn tượng. Mới đây, bà Hòa được nhiều người biết đến khi bán thành công bức tranh thêu tay có tên Phật Pháp được làm từ gần chục năm trước với giá rất cao. Theo tiết lộ của nghệ nhân Hòa, bức tranh này thêu trong khoảng một năm, với hàng nghìn chi tiết nhỏ… Sau gần chục năm “nằm trong kho”, bức tranh đã được một vị khách nước ngoài tìm đến mua. “Tôi cho xem hàng chục bức, nhưng khi đến bức Phật Pháp thì vị khách này đồng ý mua luôn. Giá bức tranh khi đó tôi bán được là 250 triệu đồng”, bà Hòa tâm sự.

Giữ nghề cho đến ‘hơi thở’ cuối cùng

Nặng lòng với nghề thêu và muốn giữ nghề truyền thống này cho thế hệ tương lai, nghệ nhân Phạm Thị Hòa luôn tâm niệm mọi tác phẩm khi mình tạo ra phải đạt chất lượng tốt và để lại ấn tượng cho khách hàng. Ngoài việc thêu tranh theo ý tưởng cá nhân, bà Hòa còn nhận đơn thêu tranh thuyền thần, ảnh cưới, tranh về phong cảnh thiên nhiên… Hầu hết các tác phẩm do cơ sở thêu tay Hòa Nhượng tạo ra đều được khách hàng hài lòng và trả với giá thành rất cao.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Hòa luôn tận tâm, tận tình giúp đỡ những nhân công từng đường kim, mũi chỉ.

“Có những khách hàng rất khó tính khi chọn tranh. Tuy nhiên, do làm nghề thêu tay thủ công đã hơn 60 năm nên việc sai sót là rất ít. Cộng với tính tỉ mỉ trong từng công đoạn thêu nên mọi sản phẩm của nhà tôi sản xuất ra đều đắt khách”, bà Hòa tâm sự.

Gắn bó với nghề thêu thủ công từ năm 15 tuổi, chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi), người dân làng Xuân Nẻo, cho biết: “Thời điểm tôi nghỉ học là lúc 15 tuổi và tôi đã quyết định theo nghề thêu thủ công này. Thời điểm mới theo nghề tôi gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ được cô chú Hòa Phượng chỉ bảo rất tận tình và chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nên đến nay tôi đã làm được hầu hết mọi việc. Cô Hòa giao cho thêu bất kể bức tranh nào tôi đều làm được và đúng thời gian, thu nhập cũng tạm ổn để trang trải cuộc sống”.

Yêu nghề, hết lòng với nghề, nghệ nhân Phạm Thị Hòa từng giành được nhiều giải thưởng về thủ công mỹ nghệ. Năm 2015, bà Hòa còn được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình tri thức dân gian, vì đã có những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện tại, khi bước gần tới tuổi 70, nghệ nhân Phạm Thị Hòa chỉ mong muốn cơ sở thêu tay của gia đình luôn có đơn hàng để duy trì một công việc để lao động và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người dân trong làng Xuân Nẻo. Một điều quan trọng nữa là để gìn giữ nghề thêu truyền thống không bị mai một trước sự cạnh tranh, lấn át của các sản phẩm công nghiệp ngày càng rẻ và đẹp.

Chính sự kì công, tỉ mỉ trên mỗi bức tranh nên mỗi tác phẩm sau khi hoàn thiện đều có giá thành rất cao.

Môt số tác phẩm thêu tay do xưởng nhà bà Hòa tạo ra.

Tác phẩm Hổ.

Tác phẩm “Lối nhỏ vào rừng”.

Ngoài ra còn rất nhiều tác phẩm tranh thêu khác được trưng bày tại nhà riêng của Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Hòa.

Bà Phạm Thị Hòa được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký vào năm 2015.

Bài và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nghe-nhan-nang-long-voi-nghe-theu-tranh-thu-cong-truyen-thong-post260972.html

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”